Denim và Levi’s: Điều gì tạo nên sự kinh điển cho thương hiệu này?

0

Khi nói đến “sự kinh điển”, người ta thường nghĩ đến những “vẻ đẹp lạ thường trong những món đồ bình thường” và khi nói đến Denim, ta cũng nói đến sự kinh điển ấy.

Rõ ràng, đồ Denim đã trở nên quá quen thuộc với tất cả mọi người; ta có thể nghĩ ngay đến một chiếc quần denim được mặc bởi Kanye West, Steve Jobs, hay nghĩ đến chiếc quần của bố mình… Kinh điển là thể nhưng liệu bạn có hiểu rõ về chất vải này?

Nguồn gốc của Denim & Phân biệt Denim và Jeans

Denim xuất hiện lần đầu vào khoảng thế kỷ XVII tại một thị trấn tại Pháp mang tên Serge de Nîmes – đó cũng là nguồn gốc cho cái tên “Denim” của loại vải này. Đây là một loại vải cotton dệt chéo với những đường dệt chéo tạo nên điểm khác biệt so với vải cotton thông thường được dệt thoi và thường được dùng để làm trang phục lao động.

Vì thường được nhuộm màu chàm nên vải Denim có màu xanh đặc trưng và còn được biết đến với cái tên “Indigo”. Vải Denim chưa qua xử lý sẽ được gọi với cái tên “Raw Denim” hay “Denim thô”. Theo Una Murphy, giám đốc thiết kế của Levi’s chia sẻ: “Denim thô là vải denim chưa được giặt. Nó trông sạch sẽ và có màu chàm sẫm.” Sau khi có Raw Denim, các nhà sản xuất có thể tiếp tục xử lý vải để tạo ra nhiều loại denim, từ đậm đến sáng màu, từ denim đen đến trắng.

Nguồn: denimister.com 

Mãi đến thế kỷ XIX, thuật ngữ “Jeans” mới xuất hiện tại Mỹ. Đó là khi Levi Strauss và Jacob David đã hợp tác làm ra chiếc quần Jeans đầu tiên trên thế giới – Levi’s 501. Sau khi chiếc “Waist Overalls” Levi’s 501 với màu “blue denim” trở nên phổ biến, thuật ngữ “Jeans” được biến đến một cách rộng rãi với nghĩa là một loại trang phục (garment) làm từ vải Denim hoặc Dungaree – loại vải thô dày bắt nguồn từ Ấn Độ, khá giống denim. Trước đó, thuật ngữ “Blue Jeans” được sử dụng để chỉ nhiều loại quần áo như: quần dài, yếm, áo khoác,…

Như vậy có thể hiểu đơn giản: “Denim” được dùng để chỉ một loại vải; trong khi đó, “Jeans” thường được nhắc đến như một loại trang phục. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến trên, một số nguồn thông tin cho rằng, từ “Jean” (không “s”) được dùng để chỉ một loại vải tương tự như denim, còn có tên là vải Virginia, được dùng trong trang phục của những người thợ mỏ ngày trước. 

Levi’s – Biểu tượng kinh điển của Denim

Nhắc đến Denim hay đồ Jeans thì không thể bỏ qua cái tên Levi’s – thương hiệu được xem là kinh điển cho những sản phẩm Denim hay Denim Jeans. Có nhiều lý do dẫn đến cái tên Levi’s vẫn luôn được xem là “bá chủ” của ngành công nghiệp Denim nói chung. Trong đó, có thể đề cập đến 3 lý do nổi bật:

Bộ nhận diện thương hiệu

Chiếc red tag nhỏ được thêm vào túi sau của mỗi chiếc quần Jeans đã làm nên một giá trị vô cùng lớn: tên tuổi của Levi’s vẫn luôn được nhớ đến. Chiếc tag đỏ với chữ Levi’s màu trắng, phông Sans Serif đơn giản đã tạo nên một nền tảng to lớn cho Levi’s trong lòng khách hàng. Ngoài ra còn có một số nét đặc trưng giúp phân biệt thương hiệu như: đường khâu chữ ký, đinh tán kim loại, logo…

Bạn nghĩ đến gì khi nhìn thấy hình ảnh trên? Đúng vậy, không có một đáp án nào khác ngoài Levi’s
Nguồn: SR

Logo Levi’s được thiết kế một cách thông minh để dễ điều chỉnh trong các trường hợp khác nhau. Các thương hiệu có bề dày lịch sử như Levi’s thường coi logo của họ như “chén thánh” không thể chạm tới. Tuy nhiên, thương hiệu Denim này sử dụng logo một cách “tự do” hơn. 

Họ coi logo như một biểu tượng văn hóa có thể phát triển theo thời gian. Levi’s thường xuyên biến tấu logo bằng cách “chơi đùa” với kích thước, màu sắc và hướng chữ khác nhau. Thậm chí, họ còn khuyến khích khách hàng của mình cá nhân hóa nó tại “quầy in” trong cửa hàng Levi’s. Chiếc logo được cân nhắc cẩn thận nhằm tạo ra cùng một nhận diện bất kể mục đích sử dụng. Bạn có thể xóa bất kỳ thành phần riêng lẻ nào của logo mà vẫn có thể nhận biết đó là Levi’s. 

Tiếng tăm về một “thương hiệu xanh” với chất lượng tuyệt vời

“Thời trang bền vững” chính là từ khóa quan trọng giúp Levi’s có thể tồn tại trong nhiều năm. Levi’s chứng tỏ với khách hàng rằng sản phẩm của họ chính là những trang phục bền bỉ, có thể tồn tại trong thời gian dài. Và họ bắt đầu làm điều đó với chiếc logo Two Horses. “Một là để thực sự thể hiện chất lượng và sức mạnh của Levi’s. Hai, có một yếu tố thương hiệu rất dễ nhận biết để những người ở thập niên 1880-1890 có thể bước vào và nói rằng ‘Tôi muốn chiếc quần có hình hai chú ngựa’” – Jonathan Cheung, Trưởng bộ phận Thiết kế của Levi’s, chia sẻ. 

Jonathan Cheung, Trưởng bộ phận Thiết kế của Levi’s

Không dừng lại ở độ bền, Levi’s đã và đang phát triển theo tiêu chí “Denim bền vững”. Họ quan tâm đến nhân viên của mình về mặt y tế, đãi ngộ tốt và đảm bảo rằng họ sẽ không sa thải nhân viên nào. Họ chăm khách hàng của mình với những chiếc “care tag”, họ bảo vệ môi trường, tạo ra những giá trị nhất định cho cộng đồng – và bằng cách đó, Levi’s đã chiếm được lòng mọi người.

@fashionmagazine

Peek through some of the oldest jeans ever at Levi’s historic archive in San Francisco.

♬ original sound – FASHION

Những món đồ kinh điển tạo nên một thương hiệu kinh điển

Hai chữ “kinh điển” thường được dành tặng cho chiếc quần Levi’s 501, được xem là cha đẻ của quần jeans thế giới. Levi’s gắn đinh tán – các thương hiệu khác gắn đinh tán, Levi’s làm viền túi – các thương hiệu khác làm viền túi… 

Tuy nhiên, hôm nay chúng ta không dông dài với chiếc quần 501 đã quá huyền thoại ấy, chúng ta sẽ cùng nói về những chiếc áo khoác của Levi’s. 

  • 1. Levi’s Type I Denim Jacket

Áo khoác Levi’s Jeans type I (506XX) cổ điển, đơn giản nhưng vượt thời gian. Dáng áo khoác ngắn và phom boxy với nếp gấp tạo thêm không gian bên trong chiếc áo này. Các phiên bản đầu tiên của mẫu áo Levi’s Type I chỉ có một túi phía trước, một móc cài bằng khóa màu bạc ở phía sau và không có nắp che túi. Các mẫu áo khoác Type I sau này có nắp túi, đinh tán ở các góc để tạo độ chắc chắn và khóa lưng bằng đồng.

Quảng cáo cũ với áo khoác Levi’s 506XX với giá $2. Nguồn: long-john.nl 
Bản sao Phiên bản 506XX – 1936 của Levi’s – áo khoác từ bộ sưu tập Quần áo cổ điển của Levi’s. Chiếc áo khoác này được làm từ vải Cone Mills dày 10 ounce (sau khi giặt là 12 ounce).

Áo khoác Levi’s Type I trở nên rất phổ biến đối với người lao động và sau đó là cả những chàng cao bồi. Từ những năm 40 trở về sau, người ta bắt gặp những người nổi tiếng như diễn viên và ca sĩ mặc áo khoác Levi’s Type I. Đó là một phong cách cho “những kẻ nổi loạn thực sự”.

Mick Jagger thời trẻ mặc áo khoác Levi’s Type I denim jacket. 
  • 2. Levi’s Type II Denim Jacket (507XX)

Năm 1953, chiếc Levi’s Type II Denim Jacket (507XX) ra đời, là phiên bản hiện đại hóa của Type I. Điểm khác biệt quan trọng nhất trong chiếc áo khoác này là phom Classic Regular, dài hơn một chút, có thêm túi bên phải ngực được và loại bỏ đai thắt lưng. Vào thời điểm ấy, chiếc áo Type II trở thành chiếc áo khoác quen thuộc dành cho mọi người để hoàn thiện bộ Tuxedo của mình.

Martin Sheen mặc áo khoác Levi’s 507XX trong phim Badlands.
Elvis Presley mặc áo khoác Levi’s Type II.
  • 3. Levi’s Type III Denim Jacket (557XX)

Mẫu Levi’s Type III (557XX) ra đời vào đầu những năm 1960 và sau này nó được biết đến với cái tên Trucker Jacket. Chiếc áo khoác này là một bản lột xác hoàn toàn so với những chiếc áo khoác trước đó, là chiếc áo khoác đầu tiên có nắp túi và hai đường khâu chữ V, có dáng dài và ôm hơn Type I và Type II. 

Nguồn: www.heddels.com 
Nguồn: stridewise.com 

Như chiếc quần Levi’s 501, những chiếc áo khoác lại trở thành một kiểu mẫu điển hình cho những thương hiệu khác học hỏi theo. Và có thể nói, Levi’s đã xây dựng đế chế của mình bằng món đồ kinh điển như vậy.   

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here