Bomber Jacket: Chiếc áo khoác nơi sa trường không thể lỗi thời!

0

Tim Gunn – nhà cố vấn thời trang người Mỹ đã nói rằng: “Theo quan điểm của tôi, Bomber Jacket là một chiếc áo khoác cổ điển mà bạn có thể mặc nó ngay cả khi chúng đã không còn là xu hướng thời trang.”

Bomber Jacket không chỉ trở thành một món đồ không thể thiếu trong tủ quần áo của các ngôi sao hay tín đồ thời trang mà còn là “cơn sốt” ngay cả với những người không mấy quan tâm đến ăn mặc.

Lịch sử của Bomber Jacket

Áo khoác Bomber (Bomber Jacket) là trang phục mà những người phi công lái máy bay ném bom mặc từ những năm 1940. Trước khi áo khoác Bomber ra đời, các phi công thường mặc một chiếc áo da có lót lông bên trong để giữ ấm khi ngồi trên những chiếc máy bay trực thăng. Nhưng khi máy bay phản lực ra đời, áo khoác da có thể bị ướt khi mưa hoặc mồ hôi, nước đọng sẽ đóng băng ở độ cao khiến nó trở nên cứng, lạnh và cực kỳ khó chịu. Vì vậy, việc thay đổi trang phục cho các phi công là điều tất yếu.

Ngoài ra, máy bay phản lực mới với trang bị máy móc hiện đại nhiều hơn làm buồng lái hẹp lại, nên cần phải có những chiếc áo thật nhỏ gọn, nhưng đủ ấm áp chất liệu chống nước, chống ẩm mốc và côn trùng, đặc biệt là rất thoải mái dễ sử dụng. Áo khoác Bomber được ra đời từ đó. Những chiếc Bomber ra đời với mục đích chính là giúp những người lính giữ ấm trong môi trường làm việc trên không vô cùng lạnh. Chính vì vậy, những chiếc áo khoác đầu tiên được làm chủ yếu bằng chất liệu da thuộc, lông, len hay ni lông chống thấm nước để đảm bảo sức khỏe cho họ.

Các kiểu áo Bomber được thay đổi về kiểu dáng và chất liệu theo thời gian tùy theo nhu cầu sử dụng trong quân đội. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể bắt gặp các tên gọi khác nhau của áo bomber như M-A1, A-1 A-2 Bomber hay B-15 Bomber,…

Quá trình phát triển và nâng cấp chất liệu

Thế Chiến I và chiếc áo phi công mã A-1, A-2

Trong Thế Chiến I, lối đánh bom bằng máy bay trở nên thông dụng, các phi công đánh bom từ trên không được gọi là Bomber. Thời điểm này, chiếc phi cơ ném bom có buồng lái máy bay mở. Phi công phải làm việc trong môi trường lạnh căm. Vì vậy, năm 1917, không quân Mỹ đã sáng chế nên một chiếc áo bảo hộ giúp giữ ấm cho các phi công. Chiếc áo này làm bằng da thuộc bền – thường là da hải cẩu hoặc da ngựa. Viền cổ và eo làm từ vải dệt kim co giãn. Áo có nút bấm và túi có nắp. Chiếc áo này thường được gọi là Flight Jacket (áo phi công)

Nguyên mẫu thiết kế của áo Bomber Jacket A-1

Vào thập niên 1930, mẫu A-1 được nâng cấp thành mẫu A-2 để tiện dụng hơn cho phi công. Nút bấm được thay thế với khóa kéo. Cổ áo có thể được kéo lên che kín đến tận mũi, hoặc bẻ xuống tạo kiểu cổ thời trang hơn.

Tuy nhiên, thời điểm này, những chiếc phi cơ thả bom cũng được nâng cấp. Chúng có thể bay cao hơn, xa hơn, chịu được thời tiết mưa rơi giá lạnh. Lúc này, chiếc áo A-2 lộ rõ nhược điểm. Vì làm từ da thuộc, có thể bị ướt khi tiếp xúc với mưa, chúng có thể bị đóng băng trong thời tiết lạnh giá và vì vậy gây nguy hiểm cho sức khỏe của phi công.

B-15 Jacket: Phiên bản áo cải tiến bằng Nylon

Việc quan trọng nhất là tìm một chất liệu thay thế da thuộc. Chất liệu phải giữ ấm, chống thấm, lại đủ nhẹ để tiện cho việc điều khiển phi cơ. Quân đội Hoa Kỳ có hai lựa chọn: cotton và nylon. Thực chất, nylon là lựa chọn tối ưu hơn. Chất liệu này đi vào sản xuất ở cuối thập niên 1930. Nó được ca tụng như một chất liệu thần kỳ vì độ bền, chống thấm, chống mối mọt và nấm.

Ban đầu, nylon được sử dụng độc quyền cho dù của lính nhảy dù. Áo bomber phải sử dụng cotton để không hao hụt lượng nylon quan trọng. Mẫu Bomber làm từ vải cotton, có cổ lông thú, được gọi là B-15.

Thế chiến II và phiên bản MA-1 hoàn thiện nhất

Qua đến Thế chiến II, sản lượng vải nylon tăng vọt. Đồng thời, phi cơ chiến đấu lúc này đã có khoang điều khiển được che chắn kín gió, không còn lạnh như trước. Vì vậy, quân đội Mỹ cuối cùng nâng cấp chiếc áo bomber với chất liệu nylon. Cổ áo cũng loại bỏ chất liệu lông cừu đã trở nên nóng ngốt trong khoang máy bay. Thay thế là chiếc cổ làm bằng chất liệu dệt kim co giãn dễ thở hơn và giúp phi công không bị vướng víu khi nhảy dù.

Bomber Jacket MA-1: phiển bản hoàn thiện về thiết kế và dần trở thành item trong cuộc sống đời thường

Phiên bản áo khoác bomber này gọi là mẫu MA-1. Và nó chính là chiếc áo khoác bomber hiện đại mà chúng ta thấy chúng xuất hiện vào các mùa mốt Thu-Đông những năm gần đây.

“Hạ cánh” vào bản đồ thời trang đương đại

Vốn sở hữu cá tính mạnh mẽ từ những người lính, Bomber Jacket cũng là một item được nhiều tín đồ có phong cách thời trang nổi loạn ưa chuộng. Chúng dần dần xâm nhập vào văn hóa đương đại và những tiểu cộng đồng khắp thế giới. Mẫu áo MA1 bắt đầu được sử dụng rộng rãi ngoài phạm vi quân đội trong khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước. Thời điểm này, Bomber Jacket thường được tầng lớp Skinheads (hoặc Scooterboys) – một bộ phận văn hoá nhỏ đầy tính nổi loạn của lớp thanh niên lao động tại Châu Âu – mặc cùng quần jeans xắn gấu, ủng Dr Martens và những phụ kiện mang hơi hướng quân phiệt.

Skinheads (hoặc Scooterboys) là một tiểu cộng đồng có phong cách thời trang quân phiệt

Còn tại Nhật Bản, làn sóng văn hóa Mỹ lan rộng hậu Thế chiến II. Do quân Phát xít Đức–Nhật thua trận, một phần lãnh địa Nhật bị quân Đồng minh chiếm đóng hậu từ cuối thập niên 1950. Lính Mỹ, khi đến Nhật, đã mang theo chiếc áo Bomber bền vững của mình. Họ đã đính lên áo khoác các sticker và patch đậm văn hóa Nhật Bản rồi mang áo về lại quê hương như một món quà kỷ niệm thời gian ở Nhật – những chiếc áo này được gọi là Souvenir Jacket (áo lưu niệm).

Quân lính Hoa Kỳ cùng chiếc áo mang phong cách Sukajan (Nhật Bản)

Thậm chí vào năm 1993, chiếc áo này đã được chọn là “quốc phục” của Hoa Kỳ tại hội nghị APEC được tổ chức tại Seattle, Washington. Khi được đưa vào điện ảnh bằng những bộ phim ăn khách của Hollywood suốt thập niên 80 – 90 như The Hunter (với sự tham gia của Steve McQueen), Indiana Jones (có Harrison Ford), Top Gun (với sự xuất hiện của Tom Cruise), chiếc áo này mới thực sự trở thành một item có sức ảnh hưởng rộng rãi đối với thế giới thời trang

Tài tử Tom Cruise – nhân vật chính trong bộ phim Top Gun (1986)

Ngày nay, hầu như thương hiệu thời trang đường phố nào cũng có áo Bomber. Nổi bật nhất hẳn là thương hiệu Alpha Industries. Đây là thương hiệu từng thực hiện những mẫu áo khoác bomber cho quân đội Mỹ từ thập niên 1950. Chất lượng cao cấp và dán nhãn made-in-USA.

Những thương hiệu xa xỉ, như Gucci, Louis Vuitton, Dior… cũng trưng dụng phom dáng áo này. Gần nhất chính là Balenciaga trong BST Mùa Thu 2024 đã mang lại luồng gió mới khi biến tấu chiếc áo khoác trở nên oversized (rộng) hơn thiết kế nguyên bản.

Kết luận

Cùng lịch sử bước ra từ thế chiến đến những tháng ngày “hạ cánh” giữa các tầng lớp văn hoá đa dạng của xã hội, áo khoác Bomber trở thành một điển hình cho sự giao điểm giữa tính tiện dụng và tính độc đáo trong thời trang quân sự.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here