Balaclava: Giải “oan ức” cho món phụ kiện luôn bị “hiểu lầm”

0

Balaclava là món đồ chỉ dành cho những tên cướp hay tổ chức khủng bố? Không, quá khứ của Balaclava không “đen tối” như vậy đâu! Hãy cùng Street Vibe giải oan cho những hiểu lầm về Balaclava qua bài viết này nhé!

Balaclava là gì?

Balaclava (hay “Balaclava helmet” hoặc “Ski mask”) là một chiếc mũ trùm có khả năng che kín khuôn mặt và đầu được thiết kế để bảo vệ người sử dụng khỏi thời tiết khắc nghiệt và lạnh. Tên gọi “Balaclava” xuất phát từ cuộc Chiến tranh Krym (1854-1856) giữa Liên minh Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Nga. Trong thời gian này, binh sĩ Anh và Pháp phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và gió lạnh tại vùng Balaclava, Ukraine (nay là bán đảo Crimea thuộc Ukraine). Để bảo vệ khuôn mặt và đầu khỏi bị lạnh, họ sử dụng những mũ nón dạng áo khoác hoặc vải dày đặc biệt vốn được may bởi những người phụ nữ ở hậu phương. Dần dần, cái tên Balaclava được sử dụng để gọi tên cho món phụ kiện này.

Balaclava tiếp tục phát triển và trở nên phổ biến hơn sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Trong thời kỳ này, Balaclava đã được sản xuất để phục vụ cho các nhu cầu thể thao mạo hiểm như trượt tuyết, trượt băng, và đi xe mô tô. Thiết kế và vật liệu của chúng đồng thời được cải thiện để mang đến sự ấm áp, thoải mái và bảo vệ gương mặt tốt hơn cho người sử dụng.

Ngoài ra, chiếc mặt nạ dệt kim trở thành biểu tượng của nhiều lực lượng quân đội và cũng là sản phẩm ưa thích của những người tham gia các cuộc biểu tình ly khai hoặc các băng nhóm bởi chức năng che dấu danh tính của nó. Vào năm 1994, tại Chiapas (Mexico), trong cuộc nổi dậy phản kháng chính trị của những người Zapatista, ngoài việc che dấu danh tính những người tham gia chiến dịch năm đó, họ sử dụng Balaclava như một biểu tượng cho một tập thể không phân cấp. Hay nhóm biểu diễn nghệ thuật P*ssy Riot đã từng dùng những chiếc Balaclava đầy sắc màu để che giấu danh tính nhằm đại diện cho những cộng đồng bị áp bức nói lên những ý kiến đanh thép cho nữ quyền và quyền bình đẳng của những người thuộc LGBTQIA+ trong những cuộc đấu tranh nhân quyền tại Nga cũng như toàn thể giới. Cũng bởi tính ẩn danh này mà Balaclava đồng thời được sử dụng bởi những tên cướp nhà băng hay tổ chức khủng bố để che giấu danh tính.

Sự đồng điệu với UK Drill và thời trang

Balaclava và UK Drill

Không chỉ trong thời trang, Balaclava cũng hiện diện trong văn hóa Hip-hop nói chung và giới UK Drill nói riêng. Các nghệ sĩ đại diện cho dòng nhạc UK Drill như Headie One, Central Cee và SL thường xuất hiện trước công chúng trong khuôn mặt được che kín bởi Balaclava. Nhưng tại sao lại có xu hướng này? Lý do có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một phần có thể là để bảo vệ danh tính của họ trước công chúng và truyền thông. Khi bạn che kín mặt mình, bạn tạo ra sự bí ẩn và khó đoán đối với người hâm mộ và báo chí. Điều này có thể tạo ra sự tò mò và nâng cao sự chú ý đối với nghệ sĩ.

Balaclava và thời trang

Tuy nhạy cảm vì liên quan đến chiến tranh, khủng bố và các sự kiện ly khai nhưng Balaclava vẫn xuất hiện trên bản đồ thời trang qua bàn tay của những nhà thiết kế. Một ví dụ điển hình là BST SS/2002 đầy tranh cãi của Raf Simons, chỉ chưa đầy một năm sau vụ khủng bố ngày 11/09, NTK người Bỉ đã mang lên sàn diễn những sản phẩm đầy tính “khủng bố” với trang phục oversized và những chiếc mũ trùm đầu lấy cảm hứng trực tiếp từ Balaclava. Ngay lập tức, công chúng liên tưởng những chiếc mặt nạ đến các thành viên của những tổ chức Hồi Giáo cực đoan và bắt đầu chỉ trích Raf Simons. Đáp trả lại công chúng, Raf Simons chia sẻ rằng trong quan điểm của ông: khủng bố tồn tại xung quanh ta, chúng luôn cố gắng che giấu thân phận dưới lớp mặt nạ, và ta phải đứng lên đối mặt với nổi sợ hãi.

Sự phổ biến của Balaclava trong thời trang đường phố cũng phản ánh sự bùng nổ của các tiểu văn hóa đường phố trong giai đoạn 2016-2017. Nó đã trở thành một biểu tượng của phong cách đường phố và đã được sử dụng bởi nhiều thương hiệu thời trang như Supreme, A Bathing Ape, Vetements, Off-White… Không đứng ngoài cuộc chơi, các nhà mốt xa xỉ như Gucci, Miu Miu, Jacquemus, Balenciaga… cũng góp phần đưa Balaclava lên sàn diễn và biến nó trở thành một xu hướng thời trang trong năm 2021-2022.

Balaclava

Balaclava ở Việt Nam

Tuy phong trào Balaclava ở Việt Nam không bùng nổ mạnh mẽ như thế giới, nhưng nhờ có TikTok và những nghệ sĩ trẻ đáng chú ý như MCK, tlinh, Robber… mà nó dần phổ cập đến với đại chúng. Những tín đồ của dòng nhạc Drillz nói riêng và hip-hop nói chung tại Việt Nam có lẽ cũng đã quen thuộc với hình ảnh các rapper Âu – Mỹ dùng Balaclava như một món phụ kiện.

Có thể nói, thời trang luôn khuyến khích ta thể hiện bản thân nhưng Balaclava lại khuyến khích việc che dấu nhân dạng để thể hiện bản sắc chung của một cộng đồng mà nó đại diện là một cách tiếp cận khá mới và đáng để trải nghiệm.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here