Trapstar London: Thương hiệu được ví von như “Supreme của Anh Quốc”?

0

Có thể bạn chưa từng nghe qua song chắc chắn bạn đã từng thấy dòng chữ “Trapstar” viết theo trường phái Gothic trên chiếc áo hoodie của những người nổi tiếng như A$AP Rocky, Rihanna, Central Cee… cùng với các sản phẩm áo Puffer. Vào năm 2019, thương hiệu này vượt mặt những “tay to” gồm Supeme, Stussy và Palace để được xướng danh “Best Streetwear Brand” thuộc Giải thưởng World Fashion. Còn ở thời điểm hiện tại, thương hiệu này đã trở thành là một trong các thương hiệu thời trang đường phố thành công nhất của Vương quốc Anh. Đó chính là Trapstar, niềm tự hào của thời trang đường phố London.

Ngày hôm nay, hãy cùng Street Vibe tìm hiểu về sự ra đời của thương hiệu từng được Tạp chí GQ ví von như “Supreme của Anh Quốc” qua bài viết này nhé!

Trapstar – “Có một ngôi sao ở trong ta”

Từ rất lâu về trước trên những con phố sương mù của vùng phía Tây London, có 3 cậu bé tên Mikey, Will và Lee đã làm quen rồi trở thành những người bạn thân thiết. Họ cùng nhau lớn lên và trưởng thành với đam mê dành cho quần áo cũng như thời trang đường phố. Có nhiều tài liệu cho rằng Trapstar được thành lập khoảng năm 2005-2006 nhưng cũng có nguồn bảo thương hiệu ra đời vào năm 2008. Khi Mikey, Will và Lee quyết định tạo dựng nên Trapstar, cả ba cùng nhau dùng cái tên ấy như họ của bản thân. Không ai biết họ tên thật sự của bộ ba là gì. Thậm chí, những bức hình của họ cũng không “show” rõ hoàn toàn khuôn mặt. Họ chỉ cho công chúng cùng người theo dõi thấy nửa phần trên ngũ quan và che kín miệng bằng tay hoặc khẩu trang. Riêng với Mikey, anh ít “ẩn danh” hơn hai người bạn còn lại và đồng thời là thuyền trưởng chính chèo lái con tàu Trapstar London vượt biển cả Anh Quốc để cập bến quốc tế.

Bộ ba Trapstar

Cái tên Trapstar được ghép lại bằng hai từ “trap” (mắc kẹt) và “star” (ngôi sao). Nó được cả ba nghĩ ra trong một cuộc trò chuyện thân tình cùng cha dượng của Lee. Người cha đã nói rằng: “Tất cả các con đều nghĩ rằng mình là những kẻ mang tâm hồn bay bổng nhưng thực chất, các con đang bị mắc kẹt ở nơi đây. Vì vậy, hãy thử làm điều gì đó xem!”. Mikey đáp lại: “Có thể tụi con đang bị mắc kẹt, nhưng luôn có một ngôi sao mắc kẹt trong mỗi con người“. Đồng thời, Trapstar với Mikey cũng là một sự tri ân đến văn hóa Trap.

Mikey

Thành lập thương hiệu vì bị… dọa?

Khi Trapstar bắt đầu hoạt động vào năm 2006, họ thậm chí chả bán buôn bất kỳ sản phẩm nào. Ban đầu, Mikey, Lee và Will thành lập nên thương hiệu chỉ để tự sản xuất quần áo cho bản thân vì cả ba có chung niềm yêu thích với âm nhạc, thời trang và sneaker. Các sản phẩm được đăng tải trên MySpace, Mikey đã sử dụng chiếc Nokia của mình chụp lại bức tranh mà anh ấy mới mua để trang trí nhà cửa. Bức tranh đó sau này đã trở thành thiết kế của một trong những chiếc áo thun từ thương hiệu. Các chiếc áo được Trapstar ra mắt nhằm mục đích phục vụ cá nhân và bán cho những người bạn của bộ ba.

Thế nhưng, chiếc áo đó lại thành công ngoài mong đợi khi cả khu phố truyền miệng nhau về “độ hot” của nó. Khi đã sạch họ, những người bạn bè khác của Mikey bắt đầu nửa đùa, nửa thật dọa rằng sẽ làm hàng giả chiếc áo để họ có thể sở hữu nó. Chính khoảnh khắc này đã trở thành tín hiệu mách bảo với Mikey rằng đã đến lúc bắt đầu mở bán rộng rãi cho thị trường.

Không ai tin rằng Trapstar có thể thành công, không có cửa hàng nào muốn đưa quần áo thương hiệu này lên danh mục sản phẩm của họ. Vì vậy, những người sáng lập đã lựa chọn hướng đi độc đáo không giống ai và để lại dấu ấn đến nay. Không chỉ trên MySpace, bộ ba quyết định đưa sản phẩm của họ đến các sự kiện pop-up. Khách hàng có thể mua sản phẩm bằng cách gửi tin nhắn tới số điện thoại đặc biệt của Trapstar. Đây vốn là một chiếc “trap phone” – thứ phương tiện được dùng bởi các tay buôn chất cấm để không lộ thông tin cá nhân hay bị nghe lén. Bán quần áo mà cứ như bán chất nhỉ? Đúng vậy, bộ ba quyết định giao sản phẩm đến tay khách hàng theo cách như vậy! Họ đóng gói quần áo trong… một chiếc pizza. Khi có khách hàng liên lạc đến “trap phone”, thương hiệu sẽ xác nhận đơn hàng, hẹn khách hàng đến một địa điểm bí mật rồi lén lút đưa tận tay người mua. Hoặc thay vì tin nhắn qua điện thoại, khách hàng có thể nhắn tin qua tài khoản MySpace của thương hiệu. Đến năm 2010, bộ ba nhà Trapstar đã kiếm đủ tiền để mở cửa hàng hàng đầu của thương hiệu trên đường Portobello ở phía tây London.

Va vào sự chú ý của Jay-Z

Sự độc đáo của Trapstar và sức hấp dẫn thời trang đường phố đã va vào sự chú ý của công ty Roc Nation do Jay-Z thành lập cùng Jay Brown và Ty Ty Smith. Do đó, chính Jay và Ty Ty đã mời bộ ba Trapsatr đến văn phòng của Roc Nation tại London vừa đưa ra yêu cầu muốn được đầu tư cho thương hiệu đường phố này.

Sự hợp tác với Roc Nation – một công ty lớn trong ngành giải trí – không chỉ mang lại khoản đầu tư tài chính mà còn là nền tảng rộng lớn để Trapstar tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Sự hợp tác này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của bộ ba nhằm hợp tác với những nhân vật có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp âm nhạc và thời trang. Quyết định đầu tư vào Trapstar của Jay-Z có thể là do mối liên hệ chặt chẽ của thương hiệu với văn hóa đường phố. Khoản đầu tư của Roc Nation đã như quả tên lửa đưa tên tuổi của Trapstar lên một tầm cao mới đến tận ngày nay.

Gần hai thập kỷ sau khi ra đời, đứa con tinh thần của Mike, Will và Lee đã hợp tác cùng vô số các cái tên nổi tiếng như PUMA, Avirex, HITMAN, Hunter x Hunter, Naruto…

Bài viết: Nam Đình Đoàn

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here