Tìm kiếm cảm hứng thời trang nơi đâu dành cho các nhà thiết kế?

0

Để tạo ra các sản phẩm may mặc, các nhà thiết kế thời trang đều phải đi tìm nguồn cảm hứng để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Vậy tìm kiếm cảm hứng thiết kế ở đâu?

Ngành thiết kế thời trang ngày nay không chỉ dừng lại ở những bộ trang phục lộng lẫy mà đôi khi còn là những thành tựu nghệ thuật nhằm bày tỏ quan điểm hay thể hiện góc nhìn của NTK. Chính vì vậy, các “nhà sáng tạo” thời trang cần được liên tục trau dồi kỹ năng, tính sáng tạo, và sự hiểu biết về chất liệu. Từ đó, sản sinh ra thứ gọi là nguồn cảm hứng – một trong những bước đầu tiên của quá trình tạo ca các sản phẩm may mặc chứa đựng tính nghệ thuật.

Thế giới tự nhiên

Thế giới tự nhiên có sự liên kết chặt chẽ với thiết kế thời trang. Sáng tạo trong thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận, đẹp đẽ và tự do.

Cảm hứng có thể đến với chúng ta bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. Lĩnh vực thời trang cho thấy sự kết nối trực tiếp giữa quần áo, và những hình ảnh ban đầu lưu giữ cảm hứng. Tài liệu về cảm hứng thời trang của Bianca Luini trong blog có tiêu đề là Where I See Fashion (WISF) đã cho thấy thiên nhiên, nghệ thuật và hình ảnh có sự liên kết chặt chẽ với thiết kế quần áo.

Maison Martin Margiela Fall 2014 | Cảm hứng thiết kế từ tranh vẽ hoa bởi họa sĩ Vincent Van Gogh,

Một chiếc váy trong bộ sưu tập thời trang cao cấp của Margiela năm 2014 đã táo bạo lấy cảm hứng từ bức tranh sơn dầu của Van Gogh năm 1889. Hay lần khác, cảm hứng thời trang đơn giản chỉ là ý tưởng giống với bức ảnh The White Story, được chụp bởi Matilde Travassos. Đôi mắt được làm nổi bật lấy từ hình ảnh thác nước đông lạnh ở Aspen, Colorado. Thiết kế thời trang dù đơn giản hay trừu tượng, hãy để mắt đến những thứ có khả năng thu hút thú vị đó.

Lịch sử và văn hóa

Có lẽ một trong những chủ đề phổ biến nhất mà các nhà thiết kế sử dụng để tạo cảm hứng là lịch sử. Hình bóng, chi tiết, chất liệu vải, kỹ thuật tạo hình, trang trí và thậm chí cả văn hóa gắn liền với một thời đại cụ thể đều có thể là những chất liệu để hình thành một bộ sưu tập. Lịch sử mô tả những tiến triển và cách mạng đã xảy ra trong xã hội trên những trang phục, kiểu dáng vải, màu sắc, khả năng mặc và thậm chí cả khả năng tiếp cận thời trang đều bị ảnh hưởng của lịch sử.

Viktor & Rolf Couture Spring 2019 | Thời trang lấy cảm hứng từ các phong trào xã hội

Sự phát triển của trang phục đã được ghi lại từ cách đây hàng ngàn năm, chẳng hạn như các nền văn minh Ai Cập – La Mã – Hy Lạp cổ đại cho tới Phục Hưng, Baroque… Chẳng hạn như Chanel Métier d’Art 2018 lấy cảm hứng từ trang phục Ai Cập cổ đại hay Dior Haute Couture 2020 mang hơi thở của những nữ thần Hy Lạp. Sự lồng ghép khéo léo yếu tố lịch sử, những chi tiết thuộc về một nền văn minh cũ cùng với đường nét thiết kế hiện đại tạo nên sự kết hợp thú vị và không bao giờ nhàm chán.

Những năm 1960 chứng kiến ​​​​những đường nét và hình thức rõ ràng của thời trang “thời đại không gian” của Cardin và Courrèges cũng như thời trang hippie có họa tiết và hoa văn dân tộc nhiều hơn. Khi thiết kế có thể kết hợp các chất liệu vải hiện đại và cập nhật kỹ thuật thời trang mới. Người Nhật vốn mang tinh thần tự hào dân tộc rất cao, chính vì vậy mà yêu tố văn hóa trong đời sống của họ cũng được áp dụng lên may mặc – Boro một trong những kỹ thuật chắp vá đã khiến người Nhật tạo được dấu ấn trên thị trường thời trang quốc tế.

Ngay cả đất nước Việt Nam của chúng ta cũng chứa đựng rất nhiều “tư liệu” quý giá để các NTK thời trang có thể sử dụng chúng tạo nên các sản phẩm may mặc mang đậm nét văn hóa, tinh thần dân tộc Việt.

Cuộc sống và những điều trước mắt

Thời trang là thứ phản ánh cuộc sống và con người, những điều nhỏ nhặt và những điều mà nhiều khi trong cuộc sống chúng ta lại bỏ qua hoặc không dành nhiều sự quan tâm đến nó. Khi nhắc tới Tabi thì hẳn ai cũng nghĩ tới kiểu giày hai ngón của Maison Martin Margiela. Martin Margiela được xem là một trong những NTK thời trang có tầm ảnh hưởng bậc nhất không chỉ trong thời đại của ông mà tính tới bây giờ. Tabi Shoes cũng đóng góp không hề nhỏ cho dòng tiền doanh thu của M.M.M – và Tabi cũng là một biểu tượng thời trang của Margiela mỗi khi được nhắc tới.

Nhưng bản chất Martin Margiela không làm ra điều mới mẻ. Margiela nổi tiếng với việc “làm lại” những thứ đã tồn tại sẵn và tạo ra thứ mới dựa trên nền tảng đó. Sự sáng tạo không nhất thiết phải tạo ra một thứ mới hoàn toàn mà chỉ cần áp dụng phương pháp “bình cũ rượu mới”. Sock sweater được làm từ cảm hứng những chiếc vớ dành cho quân đội hay gloves top – từ những chiếc găng tay – và Tabi cũng thế.

Tabi ngày càng phổ biến cho nhiều tầng lớp và đa phần người dân Nhật bản đều sử dụng

Theo nhiều nguồn, Tabi có nguồn gốc từ Trung Hoa và du nhập vào Nhật Bản thông qua bán đảo Triều Tiên nhưng việc tách ngón chân ra thì vào thế kỉ 15 mới xuất hiện. Đầu tiên, những đôi tất trắng bằng vải bông xỏ ngón này chỉ được sử dụng bởi tầng lớp quý tộc và có tiền nhiều của tại Nhật Bản. Dần dà thời gian thay đổi, xã hội biến chuyển thì Tabi ngày càng phổ biến cho nhiều tầng lớp và đa phần người dân Nhật bản đều sử dụng.

Âm nhạc và phim ảnh

Âm nhạc đã và đang trở thành một phần quan trọng của thời trang khi tạo nền cho tất cả các buổi trình diễn và đóng vai trò “cầu nối” trong việc giới thiệu các xu hướng thời trang tới công chúng. Mặt khác, thời trang mang tới hình ảnh đẹp cho nghệ sĩ, góp phần vào thành công của các buổi diễn âm nhạc. Có lẽ không ai có thể hình dung được một thế giới thiếu vắng những thanh âm “detox” cho tâm hồn, hay vẻ đẹp hào nhoáng của những tuần lễ thời trang náo nhiệt sẽ khiến cuộc sống chúng ta buồn tẻ như thế nào.

Thời trang Hip Hop đặc trưng gồm có quần thụng và áo oversized, một trong những dấu hiệu nhận biết các Hip Hop-er ngày đó

Quay về thập niên 1970s, khi âm nhạc Rock, Punk và Mod đang tung hoành ngang dọc thì nó cũng chính là nguồn cảm hứng để NTK Vivienne Westwood tạo ra BST Seditionaries cùng với Malcolm McLaren. Cho đến nay, di sản mà bà để lại vẫn luôn làm các tín đồ nhớ đến những năm tháng rực rỡ cùng với nhạc punk và lối sống đầy tự do, phá cách.

Các NTK thời trang xưa nay luôn đặt điện ảnh ở một vị thế đặc biệt trong tim. Trong mắt họ, điện ảnh chẳng khác gì một kho tàng nghệ thuật quý báu. Những bộ trang phục mà các minh tinh, tài tử diện lên người trên những thước phim yêu thích thường gây ấn tượng khó phai về mặt thị giác, nhân vật và đề tài, giúp gợi mở trong họ biết bao cảm xúc.

Ta có thể kể đến danh sách những bộ phim mà “gã nghiện” Hedi Slimane từng chia sẻ đến cộng đồng trên nền tảng xem phim trực tuyến MUBI. Trong đó gồm những tác phẩm kinh điển như Paris, Texas (1984), Charade (1963), hay Pierrot Le Fou (1965). Một ví dụ khác là hình ảnh trích từ Blue Velvet (1986), được in trên các thiết kế trong BST Menswear Thu – Đông 2019 của Raf Simons, bởi ông vốn là fan hâm mộ nhiệt thành của đạo diễn David Lynch. Hay như Vertigo (1958, Alfred Hitchcock đạo diễn) là cảm hứng cho BST Thu – Đông 2005 của Alexander McQueen.

Blue Velvet (1986), được in trên các thiết kế trong BST Raf Simons Fall/Winter 2019

Kiến trúc

Cảm hứng kiến ​​trúc cung cấp cho các NTK những phong cách, hình thức vô tận: màu sắc, hình thức, kết cấu, khái niệm và mục đích ý nghĩa của nó. Kiến trúc mang tính biểu tượng đưa ra một quan điểm hết sức chân thực do kiến ​​trúc sư đề xuất, có thể được chuyển thể thành thời trang, cả về mặt hình thức và ý nghĩa.

Trong khi các NTK như Issey Miyake, Iris van Herpen, Alexander McQueen, Rei Kawakubo hay Junya Watanabe áp dụng các kết cấu phức tạp để áp dụng nó lên cơ thể con người, thì các “kỹ sư” bậc thầy như Thomas Heatherwick, Rem Koolhaas, Samuel Ross và Frank Gehry lại đang gấp nếp và đan dệt bê tông, sắt thép như một người thợ vải thực thụ.

Thời trang và kiến trúc có một lịch sử sáng tạo từ rất lâu đời. Các nhà thiết kế và kiến trúc sư đã áp dụng mọi thứ từ hình học để tạo nên các phom dáng hay cho ra đời những cấu trúc, đường kẻ và từng khối hình khác nhau. Thời trang là thứ con người khoác lên thân thể, kiến trúc là không gian để ta làm điều đó. Như Coco Chanel đã nói: “Thời trang là kiến trúc. Tất cả đều quy hướng về những con số của tỉ lệ.”

Kết luận

Nguồn cảm hứng cho các thiết kế thời trang đang diễn ra xung quanh chúng ta ở mọi lúc mọi nơi. Hãy nhìn thấu bằng lăng kính và cảm quan cá nhân của từng người, đồng thời sử dụng chúng vào các thiết kế thời trang/phối đồ mà chúng ta thẩm thấu được.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here