Vì sao các xu hướng thời trang ở hiện tại lại xuất hiện ồ ạt?

0

Hẳn các tín đồ thời trang những năm gần đây phải liên tục cập nhật xu hướng thời trang mới để không bị bỏ lại trong cuộc đua mang tên “trendy”!

Đã qua lâu rồi cái thời con người ta “ăn no mặc ấm”, bởi giờ đây một trong những tiêu chí để đánh giá địa vị một người trong xã hội nằm ở bốn chữ “ăn ngon mặc đẹp”. Bàn về khía cạnh “mặc”, trang phục không còn là thứ chỉ để che chắn mà còn là tuyên ngôn thời trang, là cách để mỗi người thể hiện bản sắc và nét cá tính riêng biệt. Mong muốn thể hiện cái tôi ngày càng lớn, đặc biệt ở bộ phận giới trẻ mà trong những năm gần đây, nhiều xu hướng mọc lên và kết quả là người người nhà nhà miệt mài chạy theo không ngừng nghỉ.

Vậy, tại sao chúng ta lại quan tâm đến việc chạy theo xu hướng? Tại sao hiện nay xu hướng thời trang lại nở rộ nhiều như vậy và ảnh hưởng của nó là gì? Cùng Street Vibe tìm hiểu nhé!

Xu hướng thời trang có từ bao giờ?

Thật ra, thứ gọi là “xu hướng thời trang” đã xuất hiện từ lâu. Bắt đầu từ khoảng thế kỉ 14, khi con người bắt đầu tích lũy được nhiều của cải, các tầng lớp trong xã hội bắt đầu cập nhật xu hướng ăn mặc để chứng tỏ sự giàu có và vị thế của mình. Nếu như một người xuất hiện với bộ quần áo mới trong vài tháng một lần, hay vài tuần một lần, thì chắc chắn họ là người có rất nhiều tiền.

Ở các thế kỉ trước, những bộ trang phục của giới hoàng tộc và quý tộc có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, trào lưu ăn mặc trong cộng đồng cũng xuất phát từ giới tinh hoa này. Các gia đình thương nhân, tư sản, tiểu tư sản muốn ăn mặc giống họ để khẳng định vị thế của mình. Thậm chí, người của tầng lớp bình dân cũng ao ước được trở thành “Lọ Lem” để một lần được diện như vậy, dù những bộ trang phục đó không thực sự phù hợp để mặc hàng ngày. Nếu không “ăn trắng mặc trơn”, không có người hầu kẻ hạ làm việc tay chân hộ thì những bộ cánh diêm dúa đó chắc chắn cản trở cuộc sống sinh hoạt rất nhiều. 

Vua Louis XIV của Pháp từng là một trong những người dẫn đầu xu hướng khi phong cách của ông được người châu Âu tranh nhau bắt chước. Đội tóc giả dài và đi giày cao gót chính là xu hướng của nam giới thời kì này.

Chu kì của một xu hướng có thể được chia làm nhiều giai đoạn. Bắt đầu từ khi xu hướng được khai sinh, tiếp đến là lan truyền, được thúc đẩy bởi những người tiên phong, sau đó lên đến mức đỉnh điểm, phổ cập rộng rãi khi các thương hiệu từ xa xỉ đến phổ thông cho ra những sản phẩm bắt nhịp xu hướng còn dân tình đổ xô đi mua. Sau giai đoạn này độ phổ biến của xu hướng bắt đầu giảm, những người tiên phong chuyển sang các xu hướng khác, còn lác đác những kẻ đến sau “níu kéo” hiện tại. Cuối cùng, xu hướng trở nên lỗi thời và bị loại bỏ.

Tuy nhiên, xu hướng hoàn toàn có thể quay trở lại bởi thời trang có tính chu kì. Chẳng hạn như chiếc áo corset từng rất phổ biến vào thế kỷ 16 và 17, nhưng đến thế kỷ 20 nó lại bị tẩy chay mạnh mẽ khi người ta ủng hộ việc giải phóng phụ nữ khỏi những chiếc nịt ngực bức bối. Chẳng ai biết trước được sau một thế kỷ, corset trở lại và nhanh chóng trở thành xu hướng hot hit toàn cầu, đặc biệt sau khi bộ phim “Bridgerton” (2020) được công chiếu. 

Hiển nhiên, động lực cho việc chạy theo xu hướng vẫn giống nhau dù là ngày xưa hay ngày nay, chính là biểu hiện của nhu cầu được mặc đẹp, được thể hiện đẳng cấp cá nhân. Chẳng ai không muốn mình trông thật xinh đẹp và hợp thời, đặc biệt với giới trẻ. Vì vậy, việc nhiều người luôn cố gắng bắt kịp xu hướng thời trang cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, “cái gì nhiều quá cũng không tốt”, nếu nhìn vào tốc độ xuất hiện và kết thúc của một xu hướng hiện nay chắc chắn chúng ta phải chóng mặt. 

Các xu hướng thời trang hiện nay “mọc lên như nấm”

Xu hướng nói chung đang xuất hiện nhiều hơn và nở rộ với tốc độ tính bằng ngày. Các trào lưu trải dài khắp mọi lĩnh vực, từ lifestyle đến ẩm thực, du lịch, mua sắm hay nhiếp ảnh… đều nở rộ và nhanh chóng được lăng xê khắp các mặt trận, “tấn công” dồn dập người dùng mạng xã hội. 

Thời trang lại càng không nằm ngoài vòng xoáy xu hướng đó. Các xu hướng được cập nhật liên tục, bên cạnh những phong cách đã từng một thời là xu hướng quay trở lại thì những khái niệm, định nghĩa mới cũng ra đời. Những cụm từ chỉ đặc trưng của xu hướng cộng với “aesthetic” hoặc “core” sẽ trở thành tên để chỉ xu hướng đó như “blokecore”, “business core” hay “normcore”. Từ những cái thật sự tồn tại, được các tạp chí thời trang uy tín đưa tin đến những cái không được công nhận chính thức là một phong cách (style) như “Soft Boy” hay không phải aesthetic như “American Core”.

Trên thực tế, việc cộng đồng hay các tạp chí tự đặt tên cho các xu hướng không phải là điều quá mới lạ. Bạn cho rằng “ngày này cứ cái gì thêm ‘core’ vào cũng thành một xu hướng”? Không, vì trước khi khái niệm “core” hay “aethestic” trở nên phổ biến thì việc này đã diễn ra từ rất lâu với các hậu tố như “-wear” với Techwear, Streetwear, Skatewear… hoặc “-chic” với Parisian-chic, Preppy-chic, Homesless-chic… Những đánh giá những khái niệm chỉ kiểu phối này là một thứ hoàn toàn mới hay “bình mới rượu cũ” – ta cần nhìn vào tính bản chất của kiểu phối đó.

Y2K là một trong những xu hướng lớn gần đây mà giới trẻ theo đuổi
Xu hướng “Blokecore” phá bỏ khái niệm giới tính được cả nam và nữ nhanh chóng ưa chuộng

Nguyên nhân nở rộ quá nhanh của các xu hướng thời trang 

Sự phát triển về mọi mặt của xã hội đã kéo theo sự thay đổi trong thói quen và hành vi của mọi người. Không chỉ về mặt vật chất khi giờ đây người ta đã có nhiều điều kiện kinh tế hơn để mua sắm mà cả về mặt tinh thần khi việc khẳng định bản thân giữa đám đông trở thành nhu cầu cần thiết, cần được đáp ứng ở mức độ cao.

Thay đổi về hình thức mua sắm 

Phải nói rằng, sự ra đời và phát triển của công nghệ đã thay đổi cuộc chơi mua sắm 180 độ khi giờ đây chẳng cần bước chân ra khỏi nhà, ta vẫn có thể mua được bất cứ thứ gì ta muốn ở bất cứ đâu. Các nền tảng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội khiến cho việc mua sắm chưa bao giờ tiện lợi hơn. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận với các xu hướng mới nhất với những sản phẩm ở nhiều phân khúc giá cả, chẳng cần phải có nhiều tiền mới có thể theo trend như thời tầng lớp quý tộc của thế kỷ 15-16.

Nhờ có mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok…), các nội dung đều có sức lan truyền vượt xa ngày trước. Trước đây, có thể phải mất hàng năm để một phong cách có thể trở thành xu hướng thì giờ đây một bức hình của Celebrities/KOL/Influencer mặc item nào đó có thể trở thành đề tài bàn tán sôi nổi và sau đó các item này sẽ rơi vào tình trạng “cháy hàng”. 

Sự hợp tác giữa nhà sản xuất với người nổi tiếng hay các nhà sáng tạo nội dung góp phần mạnh mẽ vào sự thúc đẩy xu hướng tiêu dùng này. Các nhà sản xuất mong muốn bán được nhiều hàng, còn người sáng tạo cũng cần “kiếm cơm” từ các hợp đồng PR, quảng cáo. Mối quan hệ win-win này là một trong những lí do khiến công chúng bị thu hút và cuốn vào vòng lặp mua sắm không hồi kết.

Nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân rõ rệt 

Ở cái thời đại mà ai cũng có thể làm sáng tạo nội dung, có thể chia sẻ quan điểm của mình và trở nên nổi tiếng thì xu hướng được coi như một thứ công cụ cần thiết để sản xuất content. Nói vậy thì hóa ra ai cũng giống nhau à? Không, các nhà sáng tạo nội dung và cả những người bình thường sẽ có cách “tiêu thụ” xu hướng riêng, họ sẽ cho vào đó phong cách cá nhân của mình để bộ trang phục vừa thời thượng, “trendy” nhưng đồng thời vẫn mang đậm màu sắc cá nhân. Điều này không chỉ giúp thể hiện rằng họ thức thời, hợp mốt mà còn là người có gu, có “taste” đặc biệt.

Tuy nhiên, việc thể hiện sự có gu và cái tôi cá nhân đôi khi bị vượt quá giới hạn. Nhiều cá nhân tự cho mình là “chuyên gia”, tạo ra những khái niệm mới, khởi xướng xu hướng mới nhưng thực chất nó không tồn tại hoặc chỉ là “bình mới rượu cũ”. Điều không hay đó là nhiều người hưởng ứng và có thể gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng về thời trang hay văn hóa, xã hội.

Hailey Bieber từng bị chỉ trích chiếm dụng văn hóa vì lăng xê kiểu đánh son viền môi bằng tên mới cô tự nghĩ ra

Các thương hiệu thay đổi đường lối

Sự thay đổi về thị trường dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc và đường lối phát triển của các thương hiệu. Các thương hiệu lớn đã không còn quyền kiểm soát các xu hướng như trước kia, mà ngược lại bị chi phối bởi xu hướng. Để có được nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi tiềm năng, nhiều “ông lớn” đã chấp nhận thay đổi định hướng, phân khúc hay các nhân sự quan trọng như giám đốc sáng tạo.

Các thương hiệu nhỏ hay Local Brand thì ra sức “chạy” theo xu hướng để mong khách mua hàng. Việc này càng thúc đẩy các xu hướng phát triển nhanh hơn nữa và vô hình biến thị trường thời trang thành cuộc chiến “ai nhanh hơn người đó thắng”.

Các thương hiệu thời trang xa xỉ như Celine, Louis Vuitton, Dior và Givenchy tích cực theo đuổi các xu hướng thời trang mới để thu hút khách hàng trẻ. Điều này có thể tác động đến DNA thời trang cao cấp truyền thống mà họ được biết đến. Như làm giảm tính độc quyền và sự khéo léo gắn liền với thời trang cao cấp, khi trọng tâm chuyển sang sự hấp dẫn và khả năng tiếp cận nhóm đại chúng đông đảo.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các thương hiệu xa xỉ thường thận trọng trong việc thích ứng với xu hướng để duy trì sự cân bằng giữa việc thu hút khách hàng trẻ tuổi và duy trì bản sắc thời trang cao cấp. Các nhà mốt có thể diễn giải lại các xu hướng đương đại theo cách vẫn phản ánh di sản và tính thẩm mỹ độc đáo của thương hiệu.

Ngoài ra, các thương hiệu xa xỉ nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì tệp khách hàng trung thành của họ, thường bao gồm nhóm khách hàng có tuổi, có kinh tế và địa vị xã hội nhất định. Họ đánh giá cao đặc điểm của thời trang cao cấp truyền thống. Vậy nên cuối cùng, các thương hiệu xa xỉ phải đối mặt với thách thức thích ứng với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng trong khi vẫn duy trì đặc trưng của mình. Đó là một sự cân bằng tinh tế đòi hỏi phải xem xét cẩn thận giữa bản sắc thương hiệu, sở thích của khách hàng và xu hướng thị trường hiện tại.

Xu hướng túi cói năm 2022 từ các thương hiệu lớn

Hệ quả của việc các xu hướng thời trang mọc lên quá nhanh

Góc nhìn tươi sáng về xu hướng thời trang là chúng luôn thu hút, thúc đẩy thị hiếu người tiêu dùng và là động lực phát triển của ngành sản xuất tỉ đô. Còn góc nhìn tiêu cực của xu hướng thời trang là khi những nhà thiết kế “học hỏi” lẫn nhau, cho ra mắt những bộ trang phục “na ná” và người mặc thì mua, mua, mua và phong cách của ai cũng trở nên “na ná” nhau!

Thời trang bền vững đang dần bị lãng quên

Các xu hướng thay đổi quá nhanh chóng, nhiều sản phẩm thời trang chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn trước khi trở nên lỗi thời hoặc không thích hợp. Điều này tạo ra một vòng lặp tiêu thụ lớn và khủng hoảng thừa khi người tiêu dùng mua sắm quá mức cần thiết, còn các thương hiệu thì tồn đọng nhiều hàng khi không bán hết trong giai đoạn xu hướng. 

Xu hướng trang phục “bơm hơi” đầu năm 2023. Câu hỏi đặt ra là liệu khi hết trend các item này có thể sử dụng hàng ngày hay không?

Ngoài ra đi kèm với đó là chất lượng sản phẩm kém. Việc các xu hướng thay đổi liên tục khiến các thương hiệu tập trung vào việc sản xuất nhanh chóng và giá rẻ, khiến chất lượng của sản phẩm có thể bị giảm đi, các món thời trang không bền lâu và dễ hư hỏng. Vấn đề xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường là một hệ quả nữa Trái Đất và chính chúng ta phải gánh chịu.

Tính nghệ thuật và thủ công dần không còn chỗ đứng

Một hệ quả nữa ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm ngành thời trang đó là thời đại may đo, Haute Couture thoái trào; thay vào đó ready-to-wear và fast fashion lên ngôi. Tính nghệ thuật, sự sáng tạo và tay nghề thủ công dần bị bỏ lại. Các thương hiệu dần đánh mất chất riêng của mình còn những “nhà máy công nghiệp” thì ngày càng phất lên.

Không chỉ các thương hiệu toàn cầu bị ảnh hưởng mà các Local Brand cũng có thể bị cuốn vào vòng xoáy nếu không cân bằng giữa việc chạy theo xu hướng và giữ màu sắc của mình, chỉ mải chạy theo trào lưu và khi một trào lưu nào đó kết thúc, họ lại loay hoay xoay chuyển sang xu hướng khác và nếu theo không theo kịp, không nắm bắt được sự thay đổi của thị trường thì kết cục chính họ sẽ chết dần chết mòn trước dòng chảy thời gian khắc nghiệt.

Lời kết

Thị trường thời trang toàn cầu đã thay đổi để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về xu hướng cho giới trẻ. Thực trạng các xu hướng ngày một nhiều và phát triển nhanh đang ngày một rõ rệt hơn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Câu hỏi đặt ra là liệu nó chỉ là thực trạng hữu hạn hay là sự thay đổi hệ thống mang tính bước ngoặt của toàn ngành thời trang?

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here