Những đôi sneakers gắn liền với văn hóa Hip Hop

0

Nhắc đến văn hóa Hip Hop là nhắc đến lối sống đậm chất đường phố và đầy sự tự do. Cũng vì lẽ đó mà sneakers được xem như một trong những “món ăn tinh thần” không thể thiếu dành cho những nghệ sĩ bụi bặm trong cộng đồng này.

Mời bạn “liếc mắt, đưa tình”, cùng Street Vibe điểm lại một số mẫu giày được xem như không thể thiếu trong “lối sống” gai góc, đường phố đậm chất Hip Hop. Đây đều là những đôi giày gắn liền với sự phát triển của lịch sử văn hóa Hip Hop theo từng thời kỳ.

Nike Air Force 1

Air Force 1 trong văn hóa đại chúng có lẽ là một trong những đôi giày thể thao mang tính biểu tượng nhất. Để mẫu giày này trở thành biểu tượng như hiện nay, có lẽ Nike phải gửi lời cảm ơn rất nhiều đến những nghệ sĩ Hip Hop đã tích cực “lăng xê”.

Các nghệ sĩ đã biến đôi Air Force 1 trở thành một đôi sneakers không thể thiếu trong tủ quần áo của họ, từ Dame Dash đến Dr. Dre đều mang chúng ở sân khấu hay đời thường. Còn có “giai thoại” cho rằng nam rapper Drake sưu tầm cả một kho giày Air Force 1 số lượng lớn để sẵn sàng diện bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra, Nelly đã phát hành một trong những bài hát nổi tiếng nhất về giày thể thao vào đầu những năm 2000 là “Air Force Ones” để bày tỏ niềm yêu thích đôi giày này.

adidas Superstar

Đối trọng của Không Lực 1, chắc hẳn chính là “mũi sò” adidas Superstar, đôi giày với điểm nhấn mũi tròn trông như vỏ sò đại dương và nhấn nhá bằng logo 3 sọc hai bên “má giày”.

Đây là đôi giày đã “hô mưa, gọi gió” trong cộng đồng Hip Hop bởi chúng được Run DMC tích cực ca ngợi qua bài hát “My Adidas”. Run DMC luôn mặc tracksuit, mang giày Superstar và không buộc dây giày trong các buổi biểu diễn của mình. Khi cách mạng giày này trở nên phổ biến và thu hút nhiều khách hàng đến với adidas, công ty đồ thể thao đình đám đã ký hợp đồng với Run DMC.

Sự hợp tác giữa adidas và Run DMC mở đường cho mối quan hệ giữa quần áo thể thao, văn hóa Hip Hop và Sneakerhead mà chúng ta thấy ngày nay.

Puma Suede

Puma Suede ban đầu là đôi giày đế bằng dùng cho bóng rổ nhưng về sau đã được các BBoy “tiếp quản” khi bắt đầu mở bán.

Suede cũng giữ một vai trò quan trọng trong nền văn hóa đại chúng như một phần thiết yếu của thời trang Hip Hop cho đến tận ngày nay. Chúng đã từng là một đôi giày hoàn hảo với kiểu dáng thanh mảnh và sạch sẽ, luôn nhận được sự ưu ái đến từ các rapper hay dancer vào thời điểm đó. Có thể nói, vào các cuộc thi nhảy battle, Hip Hop BBoy đều sẽ chọn PUMA Suede làm “chiến hài” mỗi khi chinh chiến.

Nike Air Jordan 1

Một đôi giày mà không cần phải “quảng cáo” quá nhiều về chúng. Air Jordan 1 là đôi giày đầu tiên được tạo ra dưới sự hợp tác của Michael Jordan với Nike, là đôi giày thể thao đầu tiên được xem là “biểu tượng của địa vị” trong cộng đồng người da màu nói riêng và văn hóa Hip Hop nói chung

Đến ngày nay, đôi giày này vẫn tiếp tục “sống” qua những hình ảnh mới và luôn được săn đón từ đại chúng lẫn giới nghệ sĩ. Từ sự kết hợp với Dior kiêu sa cho đến sự yêu thích của “La Flame” Travis Scott. Đủ cho thấy đây là một di sản trong cộng đồng Hip Hop lẫn Sneakers khắp thế giới.

Timberland Boots

Timberland Boots trở thành hình ảnh phản chiếu mặt tối của Brooklyn và văn hóa đường phố nơi đây. “Những kẻ côn đồ Brooklyn” trong đôi giày Timberland đã trở thành hình mẫu và là nguồn cảm hứng cho âm nhạc Rap/ Hip Hop. Nhiều rapper ở New York đã kết hợp giày Timberland vào phong cách thời trang và âm nhạc của họ. Biggie, Nas, Tupac… luôn xuất hiện trong những đôi giày của Timberland. Khi nhạc rap phát triển và phổ biến hơn, tên tuổi Timberland cũng lên như diều gặp gió.

Clark Wallabee

Xuất hiện tại New York trong những năm 1980 bởi người Jamaican nhập cư vào phía Tây nước Mỹ. Clark Wallabee thời bấy giờ rất được yêu thích khá nhiều bởi người dân nơi đây. Tuy nhiên, lần đầu đôi Clark Wallabee nói riêng và hãng Clark nói chung chính thức đặt chân vào “bản đồ Hip Hop” thế giới là vào năm 1993, với công lớn thuộc về nhóm nhạc Wu-Tang Clan huyền thoại.

Album “Enter the Wu-Tang“ ra mắt, Clark Wallabees không chỉ được mang trên chân để quay MV, mà còn được các thành viên của Wu-Tang Clan dành một sự ưu tiên vô cùng đặc biệt. Tiêu biểu là Ghostface Killah dành hẳn một bài solo mang tên “Wallabees Champ“.

Converse Chuck Taylor

Cuối những năm 1980, Converse là dòng giày rất được ưa chuộng đối với những thành viên thuộc các băng đảng Gangster. Đặc biệt tại California, khi phải “bóc lịch” vài ba cuốn hoặc bị “giáo huấn” tại những Trung tâm giam giữ Trẻ vị thành niên, Chuck Taylor mặc nhiên sẽ được phát như một phần đồng phục cho các tù nhân nơi đây.

hip hop

Bước sang thập niên 90, với sự bùng nổ của thể loại Gangsta Rap, Converse Chuck Taylor ngày càng khẳng định thêm vị thế vững chắc của mình “trong lòng” những tay Rapper cộm cán như: Snoop Dogg, Ice Cube, Xzibit,…Họ đều “giang hồ hoá” hình ảnh của họ thông qua mẫu Converse đen trắng kinh điển.

Cho đến ngày nay, “di sản” này vẫn được đông đảo đại chúng ưa thích. Không chỉ các Rapper new school mà các cô cậu học sinh lẫn dân lao động hoặc văn phòng đều có ít nhất một đôi Converse Chuck Taylor trong tủ giày.

Nike Cortez

Sự phổ biến của dòng rap “ma cô” tại LA đã đưa Cortez vào giới hip-hop với cái tên “Dopeman’s Nikes” từ bài hát huyền thoại “Dopeman” của NWA: “To be a dopeman boy, you must qualify. Don’t get high off your own supply.”

Thời điểm đó, trong xã hội cùng “ngầm” nhận định rằng đôi Nike Cortez chỉ dành cho dân đường phố Hip Hop hoặc các tay anh chị. Cho đến ngày nay, đôi giày đã xóa được hình ảnh tiêu cực và cũng được các nghệ sĩ, rapper ngày nay ưa chuộng, chẳng hạn như Kendrick Lamar – Tân vương Nhạc Rap.

Hip Hop là một lối sống tinh thần bắt nguồn từ trong những con hẻm nghèo của thành phố New York. Thời điểm này Hip Hop-ers phải thường xuyên “lăn lộn” với cuộc sống bên ngoài, họ chọn gắn liền với những đôi giày thể thao dễ mang cùng ước mong những “chiến hài” này sẽ giúp cộng đồng một ngày càng vươn xa và có cuộc sống ấm no.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here