“Đồ Si Game” có phải là một thú chơi kế thừa từ Shoes Game?

0

Thời trang là một cộng đồng lớn mà trong đó có vô vàn thú chơi đa dạng và hấp dẫn. Kết một thúc kỷ nguyên thống lĩnh bởi văn hóa sát mặt đất, “ngai vàng” gọi tên đến Đồ Si Game – thú chơi kế thừa Shoes Game.

Săn đồ si vốn là hình thức mua sắm các mặt hàng cũ giá rẻ không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Thế nhưng, hình thức này không còn đơn giản là việc tiết kiệm chi tiêu trong công cuộc shopping của người trẻ. Hiện nay, nhu cầu này dường như đã phát triển thành một cộng đồng lớn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều gì làm Secondhand Game trở nên hấp dẫn đến vậy?

Điểm giống nhau giữa hai “cuộc chơi”

“Đồ si” hay “Secondhand/2hand” hiểu đơn giản là hàng đã qua sử dụng của người khác (hoặc nhiều người). Bằng một cách “thần kỳ” nào đó, những món đồ này sẽ được tập kết và đóng gói thành kiện lớn. Sau đó, chúng được các Thrift Shop / Secondhand Shop (Tiệm đồ si) mua lại và bán với giá rẻ cho những ai có nhu cầu. Các mặc hàng 2hand nhiều vô số kể. Từ quần áo, giày dép, trang sức…gần như có cả. Vì được bán với giá thành rẻ hơn so với mức thực tế nên chúng dần trở thành sự lựa chọn hợp lý của nhiều người.

Khởi nguồn

Bắt đầu từ nhu cầu thiết yếu, đồ si đa chỉ đơn thuần dành cho người mua đồ đã qua sử dụng với một mức giá phải chăng. Trùng hợp thay khi kinh tế trên toàn thế giới đang đi xuống cùng với hậu Covid thì đây quả là sự lựa chọn tốt nhất. Từ nhu cầu cơ bản, người săn đồ si có “nhân phẩm” tốt sẽ dễ dàng có được những món đồ đẹp, hiếm và độc lạ mà khó có ai có được cái thứ hai. Nếu thêm phần may mắn họ sẽ mang về tủ đồ một chiếc áo có giá trị resell cực kỳ cao trên Grailed, Goat hoặc StockX,..

Với Shoes Game cũng có tính tương đồng. Thuở sơ khai, các đôi giày thể thao chính hãng bắt nguồn từ nhu cầu sử dụng sneakers chất lượng cao nhằm đáp ứng các trận banh. Hay đơn thuần là đồng hành cùng những người đam mê thể thao vận động. Rồi từ đó, người sử dụng sẽ trở thành “người chơi game” khi họ muốn tìm kiếm những gì giá trị hơn, độc đáo hơn là một đôi sneakers thông thường.

đồ si game shoes game
Fabo Nguyễn – một trong những sneakerhead “thứ dữ” tại Việt Nam
đồ si game shoes game

Hội nhóm, cộng đồng và cửa hàng

Khi những “gamer” của “Đồ Si Game” và Shoes Game đã sở hữu cho mình một item đặc biệt và giá trị, điều đầu tiên phải làm – đó là “flex”. Mà “flex” ở đâu? Còn gì thích hợp hơn là hội nhóm và cộng đồng có cùng sở thích giống mình, đây như một trong những tiền đề tạo nên những hội nhóm nổi tiếng. Với giới chơi giày, chúng ta từng có THẦN KINH GIÀY, HNBMG, Viggos… Và với hội người chơi đồ si, các hội nhóm như MÊ ĐỒ SI ĐA, Hội Đồ Si, Nghiện Đồ Cũ… lần lượt ra đời.

đồ si game shoes game
Nam Phạm – admin group TKG (THẦN KINH GIÀY)
đồ si game shoes game
HÔM NAY BẠN MANG GÌ? (#HNBMG)

Hội nhóm ngày càng phát triển hay sâu xa hơn là cộng đồng ngày một lớn rộng. Để đáp ứng nhu cầu cho các “thượng đế” ở thiên đường Đồ Si và Sneakers. Các Thrift Shop và Sneakers Store mọc lên như nấm sau mưa cùng với lượng hàng hóa đa dạng. Ở bất cứ kỳ phân khúc từ người chơi hệ lắm tiền đến người chơi hệ tiết kiệm, chỉ cần ghé thăm vài tiệm là sẽ có ngay một món đồ ưng ý.

Tạo điểm nhấn bằng sự kiện và buổi đấu giá

Sneaker Fest, Sole Ex, Sneaker Step,… khi nhắc đến các “lễ hội” này, chắc chắn các Đầu Giày đều tham dự ít nhất một lần và có cho mình kỉ niệm đẹp. Hoạt động chính mà các sự kiện này tổ chức thường có thể kể đến như chia sẻ đam mê, giá trị và câu chuyện từ thương hiệu hoặc người sở hữu muốn truyền tải đến cộng đồng. Ngoài ra, còn có các minigame trao thưởng, gặp gỡ những người có sức ảnh hưởng trong cuộc chơi và kiếm thêm một vài người bạn có cùng sở thích.

đồ si game shoes game

Tạo tiếng vang lớn đến đại chúng có lẽ là những buổi đấu giá lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy có nhiều lời ra tiếng vào về sân chơi đấu giá sneakers ở thời điểm đó nhưng chỉ những “người chơi” mới thực sự hiểu được giá trị vô hình, hữu hình khi họ sở hữu được Grailed (Chén Thánh – món item hiếm mong muốn có được) trong niềm vui sướng.

Đồ Si Game cũng không kém cạnh khi một vài năm gần đây đã có cho mình những sự kiện lớn tương tự như thú chơi Sneakers Game. Có thể kể đến Single Stitch là một event điển hình để người yêu đồ cũ và vintage có được thế giới của riêng của họ. Sự kiện đã nổ ra nhiều ý kiến trái chiều bởi phần bình luận không hiểu hết giá trị của chiếc áo ở buổi đấu giá và họ cho rằng chủ nhân mới của nó đã phí tiền khi chi hơn 27 triệu VND cho một chiếc áo cũ.

Sự ganh đua tạo nên cuộc chơi

Đã là cuộc chơi thì sẽ có sự ganh đua giữa các người chơi. Giả sử, người chơi A có được một đôi giày hoặc một chiếc áo cực kỳ hiếm, họ sẽ tạo được sự ảnh hưởng và mức độ uy tín nhất định trong cộng đồng. Vì vậy, điều đó sẽ dẫn đến có nhiều người chơi khác muốn sở hữu các món đồ khác có mức giá trị cao hơn hoặc bằng với người chơi A để họ cũng có được “fame” giống như vậy. Từ đó, sự ganh đua vô tình làm tăng chất lượng của “trò chơi” và tạo nên lời mời gọi hấp dẫn đến nhiều người tham gia.

Nhưng không vì sự ganh đua mà họ “toxic” quá mức và gây mâu thuẫn đến các người khác, cũng như ảnh hưởng xấu đến đại cuộc. Hãy là một “gamer” chất và không kém phần văn minh trong tất cả các Game.

Qua các đặc điểm trên, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được các xu hướng, sân chơi thời trang được phát triển và xuất hiện dựa trên cùng một “công thức”.

Khác nhau từ “luật chơi”

Shoes Game

Để ngồi xuống “đàm đạo” những câu chuyện về sneakers chắc chắn sẽ không bao giờ kể hết. Điểm hấp dẫn trong con game này xuất phát từ giá trị văn hóa được tạo ra bởi thương hiệu lớn như Nike, adidas, Puma… Họ thổi hồn vào những mẫu giày đình đám như Air Max, Air Jordan, Superstar, Stan Smith,… cùng với các KOL nổi tiếng ở các lĩnh vực tương đồng và những câu chuyện. Phần còn lại là từ “gamer” tiếp nối di sản và hình thành nên tiểu văn hóa và cộng đồng như hiện nay.

Bên cạnh giá trị vô hình từ các câu chuyện có phần được “thổi phồng”, các sneakerhead còn quan tâm đến condition (tình trạng) mới hay cũ, số lượng mở bán, thông tin restock của giày. Vì những giá trị hữu hình này cũng “góp mặt” không kém vào thị trường chuyển nhượng giữa các gamers.

Secondhand Game

Khác với Shoes Game, đồ si đa xuất hiện tập trung ở các khu chợ địa phương. Đồ Si được “săn lùng” bởi những người không muốn chi “hầu bao” quá nhiều vào tủ đồ của bản thân, những người này sở hữu được nhiều món đồ hay ho và dần tạo nên được vibe riêng từ quần áo cũ… Cuộc chơi này mới thực sự bắt đầu tạo nên sự ảnh hưởng rộng rãi.

Điểm khác biệt lớn giữa hai “bộ môn” nằm ở sự đa dạng của Đồ Si Game so với Shoes Game là chỉ bao gồm về giày. Riêng bộ môn Đồ Si rộng hơn thế khi bao gồm cả áo, quần, phụ kiện và bao gồm cả tất cả loại giày chứ không riêng gì về sneakers. Nếu cùng xuống một mức tiền như nhau, ở Shoes Game bạn chỉ có thể sở hữu một đôi giày tầm trung hoặc khá. Còn ở bộ môn đồ cũ có khi bạn có cho mình một bộ từ đầu đến chân.

Giá trị của cuộc chơi Đồ Cũ không hình thành dựa trên câu chuyện thương hiệu hay nhà sản xuất, mà cái chính vẫn là từ cộng đồng chơi cùng nhau và công nhận, hoặc là dựa trên cảm quan cá nhân của người chơi đồ si/vintage.

Sự chuyển giao “ngôi vương”

Có một sự thật rằng, cuộc chơi nào cũng có lúc tàn. Sneakers Game ở hiện đại không còn “mặn mà” như ngày xưa đều là từ nhiều lí do chủ quan lẫn khách quan.

Ngày trước, việc check một đôi giày là giả hay chính hãng là điều tương đối không quá khó khi người kiểm định chỉ cần sự am hiểu, kiến thức và trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, ngày này việc kiểm định giày cũng phần nào khó hơn khi những đôi giày giả ngày càng được làm tinh vi hơn. Điều này không ít nhiều làm cuộc chơi giày “lụi tàn”. Trái lại, người chơi ở hệ Đồ Si không cần quá quan tâm nhiều về vấn đề này, miễn tình trạng món đồ đó “đủ dùng” là được!

Sau năm 2020, cuộc chơi đã thay đổi. Người trẻ giờ đây không còn chỉ tập trung vào việc lựa chọn một đôi giày đẹp cho bản thân nữa. Đối với họ, giày đẹp thì cả “cây trang phục” cũng phải đẹp theo. Người trẻ dành sự quan tâm cho thời trang hơn thay vì chỉ “chăm chăm” vào sneakers. Đây cũng là “cầu nối” dẫn đến sự chuyển giao thế hệ từ Shoes Game đến Secondhand Game.

Tương lai nào cho Đồ Si Game?

Như có thể thấy, trò chơi Đồ Cũ đang là một “tựa game” hot và sẽ còn tiếp tục phát triển trong một vài năm tới. Game hay sẽ đi cùng với việc bảo trì server, bảo dưỡng, update… nên có thể trong tương lai gần một số dịch vụ phục hồi đồ cũ, camp đồ, vệ sinh quần áo sẽ được xuất hiện như các dịch vụ chăm sóc Sneakers ra đời vài năm trước.

Sắp tới đây sẽ có nhiều người tham gia vào “thú chơi” đồ si, việc phát triển ngày càng mạnh mẽ hay đánh mất “hào quang rực rỡ” như Shoes Game là điều chúng ta không thể nào biết trước được. Hãy xem đây là một cuộc chơi chứ không phải một thị trường đầu tư đầy màu mỡ. Chúc các bạn chơi game vui vẻ và vững tâm lý nếu một ngày kia cuộc chơi này thoái trào.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here