Văn hoá hẻm: Khi người trẻ không còn xuống phố

0

Trước đây, khi hẹn nhau xuống phố, người trẻ hay chọn những địa điểm như đường lớn với xe cộ náo nhiệt, trung tâm thương mại hay quán trà sữa. Thế nhưng, có lẽ vì muốn “đổi gió”, hoặc muốn kiếm tìm hơi thở xưa, giới trẻ quay về những con hẻm – những nơi có lẽ đã gắn bó trọn vẹn với chiều dài lịch sử của Sài Thành.

Có đến 80% cư dân Sài Gòn sống trong hẻm nhỏ, với tuổi đời hàng chục thế hệ đi qua. Nhà sát nhà, vách cạnh vách, bởi vậy nên người sống trong hẻm vẫn còn tương trợ “tối lửa, tắt đèn” của thời kỳ xóm làng, thôn ấp. Đó là cái gốc, cái văn hoá mà lưu truyền từ thôn quê nay lên đến thành thị. Vì vậy, nét xưa của hẻm Sài Gòn vẫn còn đọng lại qua nếp sống, cách sinh hoạt của những bàn chân in đậm phố hẻm.

Ảnh: @nguyendatjatar

Cổ kính, cao tuổi là thế, nhưng lạ thay, xu hướng người trẻ lại muốn tìm đến những con hẻm, những dấu “xuyệc” đặc trưng. Dường như, tìm về hẻm phố đã dần trở thành một nét văn hoá độc đáo, một cách tận hưởng cuộc sống yên bình giữa lòng thành phố náo nhiệt của giới trẻ.

Làng thì có ruộng đồng, cây đa, bóng cả; thành thị thì có hẻm, có cà phê cóc, có con trẻ nô đùa. Những đặc trưng của từng vùng miền khác nhau, nhưng lạ thay, chúng đều san sẻ một điểm chung chính là sự bình yên vốn có.

Ảnh: @nguyendatjatar

Mang một âm hưởng retro và sắc thái vintage

Không gian ở các con hẻm luôn kém phần ồn ào và náo nhiệt, cộng với những căn nhà hàng trăm năm tuổi đã làm an yên thêm âm thanh nơi đây. Ngõ thì nhỏ hẹp, nhưng cây cối lại xum xuê nắng vàng, những con hẻm Sài Gòn lọt thỏm vào một thế giới khác, tách biệt, cách âm, không ô nhiễm, bụi bặm nhưng lại rất xưa và rất thời.

Ảnh: @thqueenachist

Hẻm là nơi ở, đồng thời cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, bày tiệc tùng, quần tụ lúc trà dư tửu hậu. Hẻm cũng là sân chơi, giải trí… đồng thời cũng là nơi bày một cửa hàng trong nhà bán tạp hóa, mở một quán cà phê trong sân vườn, đặt một xe nước mía, một quầy bán bánh mì, thậm chí một gánh xôi, gánh chè nơi góc hẻm, dưới chân cột điện. Có lẽ vì thế mà giới trẻ lại đam mê, nhất là những phong cách đậm vị streetstyle.

Ảnh: @byy54

Đặc trưng của những con hẻm Sài Gòn là hầu hết đều nối từ đường này sang đường khác, giống như sứ mệnh mà nó mang lại: kết nối những con người tứ xứ về Sài Gòn tha phương cầu thực, thành một cộng đồng chung dưới một con hẻm mà sẵn lòng tương hỗ với nhau.

Quán ăn “lề hẻm” không ngon không lấy tiền

Nếu nghiên cứu về văn hóa ẩm thực từ quán xá đến hàng gánh trong hẻm cũng có đủ, nhiều con hẻm có quán phở, quán mì nổi tiếng, quán cà phê ngon. Hẻm nhỏ Sài Gòn không chỉ tự bản thân mang đầy đủ bản sắc văn hóa vùng, miền, đa dạng, đa chiều mà còn là nơi tiếp nhận những giọng rao hàng, nghề nghiệp, bán thức ăn ngày lẫn đêm.

Ảnh: @foodtodrink

Và văn hoá cà phê cóc

Sài Gòn, hẻm, cà phê cóc là những thứ vun vén nên đặc trưng của chốn thành thị tấp nập, hoa lệ và cổ kính. Không chỉ là The Coffee House, Highlands, hay Starbucks, những cái tên như cà phê vợt, cà phê bít tất, cà phê bệt trở nên dần quen thuộc với giới trẻ. 

Ảnh: @kelvin_itsme

Đây cũng là một diễn giải hết sức chân thật cho xu hướng người trẻ không xuống phố, mà đi ngược lại tìm các con hẻm nhỏ.

Ảnh: @npu.be

Hẻm Sài Gòn là ký ức bị khuyết của người trẻ

Tuổi thơ của phần đa người dân Sài Gòn có lẽ là gắn chặt với con hẻm, bởi nó quyện hoà nên những hồi ức tuyệt đẹp từ những đặc trưng mà chỉ những con hẻm trong đất phố thị mới có.

Đó là những buổi sáng hò hẹn cùng đám bạn, san sẻ nhau từng tô hủ tiếu, bún bò, cơm tấm. Đó là những lần túm tụm chơi trốn tìm, bắn bi, cá sấu lên bờ, chơi đồ hàng, banh đũa,… Và đó cũng là nơi mà mỗi lần trời mưa, đám con trai thì cởi trần, con gái thì mặc đồ bộ, ùa ra đầu hẻm và cùng nhau té nước.

Ảnh: 1thegioi.vn

Dần dần, những con hẻm mất dần hồn vía của hẻm xưa, cái cổ kính rồi cũng phải nhường lại cho nét hiện đại. Lớn lên trong thời đại Internet, chung cư, nhà cao tầng và phố thị rộng lớn, người trẻ hầu như không được cảm nhận đầy đủ nét văn hoá, lối sống hẻm của dân Sài Thành thế hệ trước.

Có lẽ vì vậy, họ có xu hướng tìm kiếm, thử trải nghiệm những không gian mà chỉ được nghe qua tiếng nói của cha mẹ, để họ có cơ hội trở thành dân Sài Gòn chính hiệu.

Ảnh: @phong.le.photography

Hoặc là, đây cũng là lúc người trẻ tìm đến những không gian yên tĩnh, tách biệt để tạm “đăng xuất” khỏi bộn bề lo toan của đất Sài Thành náo nhiệt.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here