Rick Owens: Nhà thiết kế tài năng ngự trị địa hạt thời trang hắc ám

0

“Tôi muốn tạo ra một thiên đường, nơi chống lại sự khoan dung từ xã hội lẫn thời trang” – Nhà thiết kế Rick Owens chia sẻ

Không chọn lối mòn cho cách thể hiện những thiết kế của mình, Rick Owens khiến giới mộ điệu “nhớ mặt đặt tên” với những tính từ thể hiện sự kinh ngạc và khó lường trước các BST mang âm hưởng Avant-garde. Sức hút dị biệt của Rick Owens không chỉ nằm ở thiết kế trang phục mà còn ở sự sáng tạo, bứt phá khỏi mọi khuôn khổ có sẵn.

Nhà thiết kế Rick Owens là ai?

Richard Saturnino Owens sinh ngày 18/11/1962 tại bang California, Mỹ. Nhà thiết kế người Mỹ trưởng thành trong một gia đình gia giáo, có bố là một nhà hoạt động xã hội đã nghỉ hưu còn mẹ là giáo viên kiêm thợ may. Vốn sinh ra với cơ thể ốm yếu nên từ nhỏ, Richard đã sống trong sự bao bọc của gia đình. Sau này, ông học tại một trường Công giáo và trải qua tuổi thơ bị kìm hãm, thiếu tự do.

Chia sẻ về cha mình, Rick Owens cho biết đó là một người mang tư tưởng cổ hủ: “Ông ấy kỳ thị người đồng tính, phân biệt chủng tộc và luôn mang quang điểm chính trị vào các cuộc nói chuyện“. Đứng trước sức ép về tinh thần từ gia đình, Rick đã phải lựa chọn giữa việc tuân theo hoặc bứt phá khỏi xiềng xích. Tuổi thơ gian truân ấy đã tôi luyện nên một Rick Owens cứng cỏi và đặc biệt như hiện tại: “Có thể nói cha vừa là nỗi ám ảnh nhưng cũng là động lực giúp ông có được sự thành công như hiện tại“.

Rick Owens từng theo học mỹ thuật tại Đại học Otis College of Art and Design nhưng phải bỏ ngang sau khi không đủ tiền để đóng học phí. Sau đó, NTK gốc Mỹ đã đăng ký học một khóa cắt may để kiếm công việc ổn định hơn. Thời gian đầu, ông đã từng phải sao chép thiết kế của người khác để kiếm sống.

Nếu Rick Owen nói rằng “Cậu trông thật quái dị” thì đó là một lời khen dành cho bạn đấy!

Vào năm 1994, thương hiệu Rick Owens được thành lập nhưng không được nhiều người biết đến. Ngay từ những ngày đầu, Rick Owens đã là thương hiệu độc lập, không trực thuộc bất cứ tập đoàn xa xỉ nào. Phong cách mà Rick Owens hướng đến chính là chất bụi bặm đường phố pha trộn Rock’n’roll và Gothic bí ẩn. Vì vậy, giới thời trang ưu ái gọi tên thương hiệu là “The Lord of Darkness” bởi tông màu đen chủ đạo xuyên suốt các BST.

Gần một thập kỷ sau, Kate Moss diện chiếc áo khoác da của ông xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue Paris. Điều này đã giúp ông gây được tiếng vang trên toàn thế giới và nhận được sự hỗ trợ từ tổng biên tập Vogue Mỹ – Anna Wintour. Từ đó, thương hiệu và cả Rick cũng được giới mộ điệu để mắt đến.

Siêu mẫu người Anh – Kate Moss mặc chiếc áo khoác da của Rick Owens ở tạp chí Vogue US (tháng 4 năm 2001)

“Khác người” từ các thiết kế đến runway

Trong một thị trường mà giá cả của những mặt hàng xa xỉ không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm mà còn bao gồm giá trị thương hiệu với những chiếc logo sang trọng sáng bóng trên từng thiết kế thì Rick Owens tại đi theo hướng ngược lại. Thời trang của Rick Owens là sự xa hoa “tàng hình”. Do đó, các thiết kế lẫn cách mà ông truyền tải trang phục của mình trên sàn runway cũng khác với những gì mà phần còn lại của thế giới đang làm.

Rick Owens S/S03 – Sukerball

Mặc dù không nhận được quá nhiều sự chú ý của giới mộ điệu nhưng BST Xuân Hè 2003 của Rick đã góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi bởi nó thể hiện tầm nhìn tiên phong của ông. Rick đã kết hợp thời trang nam và nữ vào cùng một bộ sưu tập. Tuy nhiên, phần lớn các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập lại có màu xám hoặc trắng – đây là điểm khác biệt bởi Rick Owens có sở thích là sử dụng tông màu đen. Chính yếu tố này đã bộc lộ một khía cạnh “nhẹ nhàng” hơn của nhà thiết kế hắc ám và dĩ nhiên, thiết kế với đường cắt mạnh mẽ, dứt khoát vẫn là “đặc sản” của thương hiệu Mỹ.

Một vài looks trong BST Rick Owens’ SS03 – Sukerball

Rick Owens A/W06 Menswear – Dustulator

Rick đã tổ chức buổi trình diễn thời trang nam mùa Thu/Đông 2006 này tại Pitti Uomo Immagine, Florence. Show diễn này được chia thành ba chương riêng biệt trong đó phần trình diễn BST thời trang nam đầu tiên có tên là Dustdam. Chương tiếp theo sẽ là sự xuất hiện của một công trình được sắp đặt tại Stazione Leopolda – nơi chứa 30 looks bụi bặm được đặt trên một bức tường gỗ xám dài 30m và nội thất lấy cảm hứng từ chủ nghĩa thô mục. Chương cuối cùng sẽ mang tên Dustpump – phân đoạn gây tranh cãi nhất với sự hiện diện của một bức tượng sáp khỏa thân sở hữu kích thước người thật đang “đi vệ sinh” vào một tấm thảm gương và cát ở phía dưới.

nhà thiết kế rick owens
30 bộ quần áo được đặt trên một bức tường gỗ xám dài 30m tại Stazione Leopolda

Rick Owens A/W15 Menswear – Sphinx

Rick Owens chia sẻ ở phía sau hậu trường show diễn Sphinx 2015 rằng cụm từ “khỏa thân” thường dùng để chỉ hình thức biểu đạt thuần túy và cơ bản nhất. Các mẫu thiết kế của bộ sưu tập này sở hữu những đường cut-out vô cùng kỳ quái, cụ thể là những chiếc áo tunic đã bị khoét ở phần thân dưới khiến cho vùng nhạy cảm của các mẫu nam cứ lấp ló trong từng bước đi. Mặc dù nhận về nhiều lời phản đối cho rằng BST thật thô tục, lập dị nhưng Rick chỉ đơn giản đáp lại rằng “Đừng quên một chút đồi trụy vui vẻ”.

nhà thiết kế rick owens
BST vướng phải một số chỉ trích khi trình diễn

Rick Owens S/S16 – Cyclops

Là người duy nhất có thể tôn vinh phụ nữ theo những cách độc đáo và vô cùng sáng tạo. Trong show diễn này, ông đã buộc dính những người mẫu nữ của mình trong nhiều tư thế khác nhau, chẳng hạn như treo ngược phía trước và cõng phía sau lưng. Thông qua đó, Rick Owens không chỉ muốn nói về sức mạnh và sự độc lập của phụ nữ trong xã hội ngày nay – những người mạnh mẽ hơn bao giờ hết mà ông còn muốn nói về sự hỗ trợ lẫn nhau tồn tại giữa những người phụ nữ, từ tình yêu và tình bạn đến tình thân mật.

nhà thiết kế rick owens
Người mẫu nữ bị “buộc dính” sải bước tại show diễn Rick Owens’ SS16 – Cyclops

Tạo ra “tôn giáo” thời trang của riêng mình

Rick Owens là người có tâm hồn lãng mạn. Kỹ năng nổi bật của ông chính là pha trộn “ánh sáng” và “bóng tối”, cứng cáp và mềm mại, chính kĩ năng này đã mang đến cho ông một lượng khách hàng trung thành cũng như chiến thắng trái tim của những nhà phê bình thời trang khó tính.

nhà thiết kế rick owens
Nếu nói Rick Owens là một tôn giáo thời trang, thì nơi đây có rất nhiều tín đồ trung thành với Hoàng từ bóng đêm

Nếu xét về phong cách Avant-Garde, Rick Owens sẽ có phần nhỉnh hơn và dễ thấm so với các đồng nghiệp như Yohji Yamamoto, C.C.P hay Julius,… Đơn giản vì “hoàng tử bóng đêm” cân bằng được sự bay bổng trong thiết kế của mình lẫn tính thương mại cần có trên thị trường mua bán. Điều này dễ thấy khi Rick Owens phân nhánh cho thương hiệu của bản thân bằng các dòng sản phẩm chính và dòng sản phẩm phụ.

Bên cạnh đó, Rick Owens cũng bắt tay với các thương hiệu bình dân như Champion hoặc Converse để mở rộng tệp khách hàng hiệu quả nhất. Đây là một điểm cộng khiến Rick phục vụ được cho những tín đồ trung thành lâu năm lẩn bành trướng các sản phẩm của mình đến thời trang đại chúng.

nhà thiết kế rick owens
DRKSHDW by RICK OWENS X Converse tái hiện hình bóng của văn hóa Punk Rock

Đối với Rick, quần áo không đơn thuần là đồ vật vô tri, mà nó như một công cụ để ông tạo nên cộng đồng những người dùng trung thành và tôn sùng văn hóa, lối sống đằng sau những mảnh vải được thiết kế bởi nhãn hiệu. Nếu thời trang như một tín ngưỡng thì Rick Owens là một tôn giáo có đông đảo các tín đồ trung thành với những đồng phục, triết lý mang đậm tính nghệ thuật trừu tượng.

Các thiết kế của Rick Owens tuân thủ theo một quy tắc chính là không chạy theo xu hướng, những gì đẹp nhất được nhà thiết kế cho rằng chúng bắt nguồn từ sự tối giản không quá phô trương nhưng ẩn sâu trong đó có sự sắc nét từ những phối màu gam tối. Cái hay của Rick Owens Tribe chính là công cụ đề cao sự khác biệt, cá nhân hóa và vẻ đẹp nên xuất phát từ một hình thể tốt kèm theo thần thái bí ẩn.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here