Lịch sử hình thành và phát triển Air Jordan 3

0

Chính thức lên kệ vào năm 1988, được nhào nặn bởi nhà thiết kế tài ba Tinker Hatfield với quyết tâm phá bỏ những khuôn mẫu định sẵn từ trước. Lí do tại sao Air Jordan 3 được xem là niềm hi vọng cuối cùng của cả Nike và Jordan?

Sau thành công buổi ban đầu của Air Jordan 1 thì thời gian sau đó không quá êm ả đối với cả hai hãng nói trên, đồng thời hợp đồng của Nike và Michael Jordan cũng sắp phải kết thúc. Một thiết kế cuối cùng dành cho Michael Jordan, một hi vọng cuối cùng để cứu lấy Nike và dòng sản phẩm Jordan. Mọi trách nhiệm được đặt lên đôi vai của nhà thiết kế trẻ Tinker Hatfield vừa bước vào nghề.

Tinker Hatfield bên cạnh bộ sưu tập Air Jordan “Oregon”

Ý tưởng thiết kế

Tinker Hatfield, cha đẻ của dòng sản phẩm gắn liền với Nike, Air Max. Tinker Hatfield tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân của Đại học Kiến trúc Oregon – đây cũng là lý do tại sao Đại học Oregon lại được ưu ái với những sản phẩm thiết kế riêng có giá resell ở mức ngàn đô. Tinker Hatfield làm việc cho Nike năm 1981 nhưng đến năm 1985 ông mới bắt đầu làm ở bộ phận thiết kế. Năm 1987, Tinker đã tạo nên cuộc cách mạng sneakers với thiết kế Air Max 1 có airbag trong suốt. Ý tưởng airbag trong suốt dựa trên những gì ông cảm nhận được khi tham quan Trung tâm Georges Pompidou nơi được xây dựng hầu hết bằng kính trong suốt và người ta có thể nhìn xuyên qua phía bên kia của tòa nhà. Và dĩ nhiên, Tinker đã mang điều kì diệu này đến với AJ3.

Trung tâm Georges Pompidou

Nhìn vào mặt hình thức, Air Jordan 3 được thiết kế ở form mid-top thay cho high-top như ở Air Jordan 1 và 2, đồng thời Tinker đã bỏ đi hoàn toàn logo “Winged Basketball”, logo “Nike Air” ở lưỡi gà được thay thế bằng logo “Jumpman”, mở đầu cho sự xuất hiện của logo Jumpman ở mọi thiết kế về sau. Michael Jordan yêu cầu một đôi giày nhẹ và bền, trên hết là phải chịu được lối chơi “hổ báo” của ông. Nhưng MJ nhận được hơn thế, đó là một thiết kế đáp ứng đủ hai nhu cầu thiết yếu, thời trang và tiện ích.

Về mặt thời trang, không khó để thấy AJ3 gây sự chú ý ở thiết kế mid-top tiện lợi, dễ phối đồ. Phần upper làm hoàn toàn bằng da, có chất lượng ổn định. Đế visible-air rất được ưa chuộng vào thời kì đó và cho đến nay vẫn vậy. Ở mỗi phối màu, các mảng màu được sắp đặt hợp lý. Tuy nhiên chi tiết quan trọng và thu hút nhất là phần elephant print ở mũi và gót giày lần đầu tiên được ra mắt chính thức, đây là điểm nổi bật của AJ3 và cũng là lý do khiến AJ3 luôn chiếm trọn spotlight. Chẳng vì thế mà rapper Nelly mới đây đã “thay gót” cho một đôi Black Cement để tham gia gameshow khiêu vũ của Mỹ.

Về mặt ứng dụng, AJ3 có mặt đế được đầu tư khá ổn về độ bám với 80% được thiết kế nhám, bên cạnh đó là phần pivot gồm những vòng tròn gần như đồng tâm với các rãnh sát nhau, cuối cùng là các ngôi sao ở mũi vào gót đế giày để giảm trơn trượt. AJ 3 có midsole làm từ polyurethane chứa hai bộ đệm air ở gót (visible air-sole unit) và ở gan bàn chân (forefoot air-sole unit). Đế giày bằng cao su cứng như thường lệ.

Supreme x Nike SB Dunk Low (Ảnh: Spotern)

Cơn sốt “da voi” – elephant print

Họa tiết elephant print, đúng như tên gọi – được lấy cảm hứng từ da voi, đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng sneakerhead từ khi mới ra mắt. Những lần xuất hiện đình đám tiếp sau đó có thể kể đến như Nike SB x Supreme (giá retail ~166 USD, giá resell gấp 5-6 lần), Air Max 1 x Atmos (giá retail không rõ, giá resell không dưới 600 USD) hoặc Air Jordan “5Lab3” và “Black 5Lab3” đều được săn đón nhiệt tình. Mới đây nhất là mẫu giày tennis Nike Zoom Vapor Tour 9 x Air Jordan 3 được ra mắt với 2 phối màu Black/Cement và White/Cement, logo Nike Air hệt như phiên bản OG 1988, điểm nhấn làm tăng giá trị của sản phẩm này là việc Roger Federer đã mang vào đêm chung kết bảng B của giải ATP World Tour London. Mặc dù giá retail là 200 USD, mẫu giày tennis này nhanh chóng bốc hơi khỏi các kệ hàng và ngay sau đó các reseller đã đẩy giá lên ít nhất gấp 3 lần. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của họa tiết elephant print nói chung và thiết kế Air Jordan 3 nói riêng đối với shoesgame.

Phiên bản OG (sản xuất năm 1988) sử dụng logo Nike Air ở gót giày. Ở những phiên bản retro sau đó, logo Nike Air được thay thế bằng biểu tượng Jumpman đặc trưng. Riêng ở năm 2013, Jordan cho ra mắt phiên bản White Cement 88s’, một lần nữa logo Nike Air được tái xuất hiện ở Air Jordan 3. Dù giá retail là 200 USD cũng không cản được việc hết hàng hàng loạt tại các website retailer cũng như các store trong một nốt nhạc. Các rapper on-feet Air Jordan 3 như cơm bữa, đặc biệt rapper Wale đã từng “chơi ngông” khi mua tặng mỗi người một đôi White Cement Retro 88s’ ở flightclub cho cả ekip làm nhạc của mình bởi theo ông, thiết kế này rất kinh điển và có ý nghĩa với bản thân.

Air Jordan 3 xuất hiện trên chân Michael Jordan khá thường xuyên, kể cả ở những sự kiện lớn như giải All Star MVP, hoặc khi MJ ở đội hình 1 của đội hình phòng ngự tiêu biểu (All-Defensive 1st Team) và khi nhận giải Defensive Player of the Year suốt mùa giài 1987-1988. Những thành công này góp phần quảng bá cho AJ3, khiến lượng tiêu thụ tăng dần đều. AJ3 có khoảng hơn 20 phối màu bao gồm các phối màu OG tiêu biểu như “Fire Red”, “True Blue” ngoài ra còn có “Oregon”, “Do The Right Thing”, “Doernbecher”, “Pure Money”, “Black History Month” … Mỗi phối màu đều mang trên mình một câu chuyện riêng làm nâng cao giá trị của dòng giày, đưa nó tiến xa hơn ở những bảng xếp hạng “phải có”, “nên sở hữu”, … của những tạp chí uy tín về sneakers.

Air Jordan 3 “Mocha” (Ảnh: Sneakernews)

Air Jordan 3 được retro lần đầu năm 1994 bằng hai sản phẩm “Black Cement“, “White Cement” với logo Nike Air. Năm 2001, Jordan sản xuất 3 mẫu “Black Cement“, “True Blue” và colorway mới là “Mocha“. Từ đó về sau Jordan liên tục retro và cho ra mắt những phối màu mới với logo Jumpman ở tất cả các sản phẩm mà có thể thấy gần đây nhất là “Powder Blue”, “Infrared 23”, “5Lab3” và “Black 5Lab3”, “Wolf Grey”, “Sport Blue”. Riêng năm 2013 Jordan cho ra mắt thiết kế “White Cement Retro 88s’” với logo Nike Air ở back-tab như một món quà cho các sneakerheads.

Đã từng có thời gian Air Jordan 3 tạm ngưng sản xuất, nhưng một dòng giày hái ra tiền như này chắc chắn sẽ không ngủ quên quá lâu. Ít lâu sau, Air Jordan 3 trở lại với cuộc chơi mạnh mẽ hơn bao giờ hết với các phiên bản OG retro làm nức lòng người yêu giày. Phiên bản collab mới đây nhất cùng với Fragment là minh chứng rõ ràng nhất. Thiết kế tối giản nếu không muốn nói là có phần nhàm chán, nhưng sự tinh tế ở những chi tiết nhỏ nhặt ví dụ như phần back-tab logo trong suốt khiến cho Fragment x Air Jordan 3 đạt điểm tuyệt đối trong lòng người hâm mộ.

Hãy cùng điểm qua một vài phối màu chính thức của thiết kế kinh điển này bên dưới.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here