Khái quát về Air Jordan 1 – Cây đại thụ của làng sneaker

0

Trước khi Air Jordan 1 được ra mắt rộng rãi với công chúng vào năm 1985 thì trong khoảng thời gian “thử nghiệm” liền trước đó, Michael Jordan đã mang một mẫu giày tương tự mang tên Air Ship. Nhận thấy phản hồi tích cực từ công chúng, Nike tự tin phát hành Air Jordan 1 mang tính chiến lược, thay đổi toàn bộ shoesgame thế giới và đến tận ngày nay sức ảnh hưởng của Jordan vẫn chưa bao giờ giảm sút.

Nike Air Ship “Bred” và Air Jordan 1 “Bred” – Ảnh: MJ023DAN

Nguồn gốc ra đời

Nhắc đến dòng giày Jordan thì không thể không nhắc đến thiết kế giày khởi điểm Air Jordan 1 với năng lực hút tiền cho công ty mẹ mỗi khi được đưa lên kệ. Air Jordan 1 được thiết kế riêng cho Michael Jordan vào năm 1984 bởi Peter Moore với hai màu chủ đạo là đen và đỏ dựa theo màu áo đấu của Chicago Bulls. Thiết kế giày này ngay lập tức bị bác bỏ bởi David Stern – Ủy viên hội đồng NBA vì theo luật giày thi đấu ở NBA phải có màu trắng chủ đạo hoặc không được có màu sắc quá khác biệt với cả nhóm. Tuy nhiên Michael vẫn phải mang đôi giày này mỗi khi thi đấu và phải chịu một khoản tiền phạt là 5000 USD – một khoảng tiền không phải là nhỏ ở những năm 80. Nike rất vui lòng đóng khoản tiền phạt đó thay cho Michael và sử dụng nó như một chiêu trò marketing nhằm quảng bá sản phẩm của mình.

Air Jordan 1 “Bred” khởi nguyên dành riêng cho Michael Jordan với size giày cỡ khủng – chân trái 13US, chân phải 13.5US (Ảnh: Highsnobiety)

Chính Jordan cũng không thích việc bản thân trở thành tâm điểm của sự chú ý, đồng thời mang một đôi giày như vậy còn dễ khiến mọi người lầm tưởng Jordan muốn “chơi trội” hơn các đồng đội – điều tối kỵ đối với môn thể thao đề cao tính đồng đội như bóng rổ. Thể theo nguyện vọng của Jordan, hai phối màu “hiền hoà” hơn được cho ra mắt mang tên “Chicago” và “Black Toe”.

Điều đáng nói ở đây là Michael Jordan ban đầu chẳng hề có chút hứng thú nào với Nike cả, thay vào đó “ông lớn” đến từ nước Đức – adidas mới chính là bến đỗ mà Jordan mơ ước. Thậm chí có tin đồn rằng Nike đã phải “vận động” đến gia đình của Jordan mới có được chữ kí của chàng tân binh NBA này. Tuy vậy, việc nhà sáng lập Adi Dassler qua đời vào năm 1978 khiến cho toàn bộ tập đoàn chao đảo và cái tên Jordan mãi mãi không nằm trong danh mục hợp đồng của adidas. Chỉ có thể trách tại số phận đưa đẩy mà thôi.

Quá trình phát triển

Năm 1985, Air Jordan 1 chính thức được sản xuất và trở thành sản phẩm thương mại với mức giá retail là 65 USD, được biết đến là đôi giày bóng rổ đắt nhất từ trước đó tính đến năm 1985. Dòng sản phẩm khởi nguyên sử dụng bộ đệm air rất được ưa chuộng lúc bấy giờ và được thiết kế với logo “swoosh” đặc trưng ở bên hông, logo Nike Air ở lưỡi gà và đặc biệt là logo Winged Basketball đặc trưng ở cổ giày.

Có ba phiên bản Air Jordan 1 là low, high-top và K.O với tất cả 13 phối màu được phát hành trong khoảng thời gian đầu với những phối màu tiêu biểu nhiều người biết như “Bred”, “Royal”, “Chicago”, “Shadow”,… Trong vòng hai tháng đầu tiên, Nike thu về hơn 70 triệu USD, chưa khấu trừ các chi phí đi kèm, từ việc phát hành Air Jordan 1. Thị trường sau đó nhanh chóng bão hoà và lần đầu tiên trong lịch sử Air Jordan 1 phải gắn mác “sale” chỉ còn 20 USD. Đến đây hẳn bạn đọc đều ước gì mình có cỗ máy thời gian để làm giàu nhỉ? Đây cũng chính là thời điểm mà Nike Dunk bắt đầu có tiếng nói cho riêng mình, đồng thời đặt nền móng cho dòng sản phẩm SB Dunk lẫy lừng về sau.

Air Jordan 1 được retro lần đầu tiên vào năm 1995 và từ đó về sau mỗi phiên bản AJ retro thường có vài sự thay đổi về chất liệu hoặc thiết kế mà dễ thấy nhất là logo Jumpman thay thế cho Nike Air, đồng thời xuất hiện những thiết kế mới như Air Jordan 1 Mid, Air Jordan 1 Alpha hoặc là Phat. Những phối màu mới, các phiên bản đặc biệt và thậm chí là các collab nóng bỏng tay với những cái tên chất lượng như Fragment, Off-White, Travis Scott hay thậm chí là ông lớn làng thời trang Dior. Tất cả đều góp phần tạo thêm sức hút cho Air Jordan 1. Tuy nhiên dòng sản phẩm high-top vẫn được đánh giá cao nhất cũng như giá tiền của chúng cũng thuộc hàng “top” ở các chợ mua bán sneakers.

Cho đến ngày nay Air Jordan 1 rất được ưa chuộng bởi thiết kế không bao giờ lỗi thời đi cùng sự biến tấu độc đáo trong cách sử dụng các mảng màu. Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng với tình yêu giày vô bờ bến đến từ các bậc lão niên bên cạnh phong trào hypebeast chịu ảnh hưởng từ các KOLs trên toàn thế giới và chiêu trò marketing lão luyện của Nike thì Air Jordan 1 vẫn mãi sẽ là một tượng đài trong làng shoesgame thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ảnh: Sean Go

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here