Graffiti: Môn nghệ thuật đường phố cần được yêu thương

1

Nói đến Graffiti, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến những “hình vẽ kỳ quái” tự nhiên xuất hiện đâu đó trên đường, trong khu phố, hay trên cửa nhà mình… Tuy nhiên hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại môn nghệ thuật này theo đúng bản chất của nó – một môn nghệ thuật đường phố.

Mày là ai?” 

Tại sao mày vẽ ở đây? 

Tao đâu biết mày!

“Có những lúc đi xin tường người dân đã đồng ý, khi chính quyền đến họ lại trở mặt như vậy.”

Đó là chia sẻ của nghệ sĩ Graffiti Hoàng Hiệp hay còn được biết đến với tên Ties hoạt động Graffiti được 10 năm.  

Bắt nguồn từ tiếng nói của tầng lớp thấp

Graffiti đã có từ rất lâu nhưng Graffiti hiện đại mà chúng ta thường thấy ngày nay (sử dụng bình xịt để vẽ) xuất hiện từ những năm 1960 ở Philadelphia. Đến những năm 1970 cùng với trào lưu hiphop ở New York, Graffiti bước vào thời kỳ phát triển của nó. 

Graffito (danh từ số ít của Graffiti) cổ đại ở Đền Kom Ombo (332 TCN – 339 SCN), Ai Cập. Nguồn: en.wikipedia.org 

Bức Graffiti tưởng nhớ George Floyd – người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát da trắng giết chết vào năm 2020. Nguồn: www.vaticannews.va

Thời ấy, Internet vẫn chưa phát triển, những người nghèo khổ muốn tạo ra hình thức truyền thông riêng, ít tốn kém nhưng phải hiệu quả và như thế Graffiti ra đời. “Những người da đen bị phân biệt chủng tộc, họ nghèo đói, họ không thể nói lên tiếng nói của họ nên đã dùng cách vẽ lên tàu để nói cái khổ của bản thân cho mọi người. Chiếc tàu đi khắp thành phố và thông điệp của họ sẽ được để ý.” Đó cũng là nguồn gốc của Graffiti Bombing. Sở dĩ gọi Bomb bởi nó chỉ việc vẽ lên nhiều bức tường/toa tàu trong một lúc, nhanh chóng như việc “đánh bom”. 

Các “Bomber” sẽ có xu hướng sử dụng những kiểu đơn giản khi vẽ và Graffiti Tagging là một trong số đó. Tagging là việc viết chữ ký/bút danh của nghệ sĩ Graffiti lên tường – hình thức Graffiti phổ biến nhất. Ngoài ra, các nghệ sĩ Graffiti thường sử dụng các kỹ thuật như: spraying, stencil, stickers, postersmosaic… trong việc thể hiện tác phẩm của mình. 

Nghệ sĩ Việt với đam mê Graffiti 

Vào đầu những năm 2000, những “bức tranh tường nguệch ngoạc” đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội và Sài Gòn. Đến năm 2004, nhiều nhóm Graffiti được thành lập, khi ấy Graffiti mới thật sự bắt đầu được chú ý. Từ 2005 đến 2008 là giai đoạn đầu phát triển của Graffiti ở Việt Nam khi các cuộc thi về bộ môn này được tài trợ bởi các công ty lớn như Yamaha motor. 

Tác phẩm Graffiti ở Việt Nam năm 2008. Nguồn: www.graffiti.org

Khoảng 20 năm tồn tại và phát triển ở nước ta, Graffiti vẫn là một môn nghệ thuật trẻ, sự nhìn nhận từ cộng đồng là một chướng ngại lớn cho những nghệ sĩ Graffiti. Nói đến những khó khăn trong việc theo đuổi môn nghệ thuật này, Danny Dao – nghệ sĩ Graffiti với hơn 16 năm kinh nghiệm từng chia sẻ: “Năm 2011, mình từng bị bắt trong khi đang vẽ tranh tường trên phố… Ngay giữa khuya, mẹ phải tất tả mang sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân để bảo lãnh mình trên đồn công an.” 

Còn theo Ties, thử thách trong việc chơi Graffiti của anh chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu, anh không thể vẽ được bức nào “gọi là nhìn được”. Vượt qua nó, tài chính là vấn đề tiếp theo anh phải đối mặt. Ties chia sẻ: “Để một bức Graffiti, gọi là vẽ chơi thôi cũng phải tốn từ 600.000 đến 1.000.000 đồng”. Sau tài chính lại là vấn đề về sự đón nhận của cộng đồng, khi việc xin tường để vẽ ở Việt Nam là một điều khó khăn. 

Vẽ Graffiti là sai? 

Mày là ai?”, “Tại sao mày vẽ ở đây. Tao đâu biết mày.

Có những lúc đi xin tường người dân đã đồng ý, khi chính quyền đến họ lại trở mặt như vậy. Mình đã trả qua chuyện đó nhiều lần rồi nên mình cảm thấy nó rất bình thường.” 

Tìm kiếm cụm từ Graffiti ta dễ dàng nhận được nhiều kết quả. Nhiều bài viết với nhiều góc nhìn khác nhau về việc tác động của Graffiti đối với mọi người. Tuy nhiên, rất hiếm khi thấy bài viết nào đề cập đến thái độ của cộng đồng đối với người nghệ sĩ. Trên thực tế không phải ai cũng hành xử như trên, nhưng nhìn lại, không phải nghệ sĩ nào thuộc bộ môn này cũng vẽ một cách vô ý thức, không xin phép. Dù vậy người nghệ sĩ Graffiti vẫn luôn phải luôn giữ vai “kẻ ác” trong mắt nhiều người.

Tác phẩm được tổng hợp vào năm 2011 bởi Zunk On Street. Nguồn: zunkonstreet.blogspot.com

Ngày 25/2/2022, Vietcetera đăng bài viết “Ties: Vẽ không gây hại cho ai cả, nói về quan điểm của nghệ sĩ về Graffiti“. Có dịp trò chuyện cùng Ties, tôi có đặt cho bạn câu hỏi: V quan điểm ‘Vẽ không gây hại cho ai cả’, bạn có nghĩ nó mâu thuẫn với việc vẽ bậy trên tàu Metro gần đây không? 

Ties trả lời: “Mỹ thuật không ảnh hưởng đến ai cả, bất kỳ vẽ xấu hay đẹp. Đó là những gì mình chia sẻ, là góc nhìn của mình về Graffiti”.

Ngày 12/6/2022 bài viết “Vẽ tranh graffiti trên thế giới: phá hoại hay nghệ thuật?được đăng trên Tuổi Trẻ đưa ra hai quan điểm về Graffiti. Một quan điểm tích cực và một quan điểm tiêu cực. Tuy nhiên, dưới phần bình luận có 14 trên 16 ý kiến tiêu cực với môn nghệ thuật này, chỉ có 2 ý kiến trung lập. Có thể thấy ác cảm đối với bộ môn nghệ thuật này vẫn còn rất lớn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn lại việc đột nhiên tường nhà bị vẽ, bị “bôi bẩn” thì tức giận là khó tránh. Thêm vào đó, người chủ nhà sau đó phải tốn chi phí, công sức sơn sửa thì quả thật họ cũng là “nạn nhân”. Có lẽ chính vì thế mà hình ảnh của Graffiti trong mắt mọi người ngày càng xấu đi. 

Đi khắp các con đường ở TP. HCM, ta dễ dàng bắt gặp những hình vẽ Graffiti. Có nơi nhiều, có nơi ít, có nơi vẽ đẹp, có nơi vẽ xấu,… Nhưng nhìn chung, trong mắt nhiều người, đa số hình vẽ Graffiti ấy đều là những “hình vẽ bậy”. Điều đó đã làm mất đi giá trị thật sự của Graffiti: Môn mỹ thuật làm đẹp cho đô thị.

Như vậy, “vẽ Graffiti có thật sự là sai?”. Câu hỏi này, tác giả bài viết cũng không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng, suy cho cùng, điều đó tùy thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân.

Graffiti là một nét văn hóa

Gặp những người chơi Graffiti, tôi hỏi họ chung một câu hỏi: Lợi ích lớn nhất Graffiti mang lại cho bạn là gì? 

“Bạn bè” chính là câu trả lời tôi nhận được nhiều nhất. Con người kết nối với con người – đúng nghĩa tinh thần hiphop. Những người có chung đam mê, lý tưởng sống “bắt nhịp” với nhau, làm cùng nhau quả là một điều “sung sướng” khi chơi môn nghệ thuật này. 

Thêm vào đó phép lịch sự cũng là điểm mà tôi ấn tượng khi tìm hiểu về văn hoá Graffiti. Theo Ties chia sẻ, khi vẽ tại các khu vực công cộng, người nghệ sĩ thường để lại lời nhắn như “bức này chưa vẽ xong”, “bức này mới vẽ”… Khi đó, người trong giới sẽ không vẽ đè lên bức Graffiti chưa vẽ xong đó. “Bởi khi bạn không có khả năng vẽ đẹp hơn bức vẽ của người khác thì bạn không thể vẽ đè lên được, đó là luật của Graffiti”. Sự tôn trọng được thể hiện trong cộng đồng này, cộng đồng thường bị hiểu lầm là “vô lề lối”. 

Graffiti
Tác phẩm được tổng hợp vào năm 2011 bởi Zunk On Street. Nguồn: zunkonstreet.blogspot.com

Ngoài ra, Graffiti – một trong những trụ cột của Hiphop còn kết nối chặt chẽ với những subculture khác. Graffiti phát triển gắn liền với Breakdance và Rap. Người hoạ sĩ vẽ trên nền nhạc rap, vẽ trong lúc nghe rap, sáng tạo trên con beat. Đồng thời, những câu từ trong tác phẩm Graffiti trên đường phố cũng là cảm hứng cho rapper sáng tác, là nền tường cho các Bboy thể hiện mình. Theo người nghệ sĩ “chúng giống như anh em vậy!”

Graffiti
Màn trình diễn breakdance tại Street Dance Việt Nam. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. 

Nói về Graffiti thì phải nói đến ảnh hưởng của nó đến thời trang. Trên thế giới nhiều thương hiệu thời trang lớn như Louis Vuitton đã lấy cảm hứng từ môn nghệ thuật này, với những chiếc khăn được thiết kế bởi các nghệ sĩ Graffiti. Hay Moschino với chiếc váy sử dụng hình Graffiti được Katy Perry diện vào Met Gala 2015. Gần đây chắc mọi người vẫn nhớ đến chiến dịch quảng bá của GUCCI x Balenciaga: The Hacker Project được thể hiện ấn tượng với các dòng Graffiti,… Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu thời trang cũng lấy chúng là cảm hứng trong thiết kế. Có thể kể đến như: D-Hustle, NGON, Paradise,… 

Ngoài đời sống ta cũng có thể bắt gặp các nghệ sĩ Graffiti trong “bộ dạng chất lừ” với một chiếc khẩu trang, một chiếc beanie/snapback, bình xịt, tai nghe, hình xăm, và nổi bật nhất là khí chất của họ – điều đã tạo cảm hứng cho biết bao thương hiệu thời trang lớn nhỏ. 

Graffiti
Những chiếc khăn quàng cổ phiên bản giới hạn của Louis Vuitton với họa tiết Graffiti. Nguồn: www.widewalls.ch
Graffiti
Katy Perry và Jeremy Scott diện thiết kế đậm hơi thở graffiti của Moschino tại Met Gala 2015. Nguồn: vnexpress.net
Graffiti
Chiếc Graffiti Large Tote Bag trị giá hơn 74 triệu đồng trong BST GUCCI x Balenciaga: The Hacker Project.
Nguồn: www.oldcobbler.ru

Graffiti trên con đường tìm sự công nhận

Nhiều người biết đến Graffiti với tên gọi “Art Crime” (Mỹ thuật tội lỗi) nhưng ít ai biết được nó còn có cái tên khác “Urban art” (Mỹ thuật đô thị). Nhiều nghệ sĩ Việt đã và đang đưa môn mỹ thuật đô thị này đến với mọi người bằng những cố gắng của mình qua nhiều năm.

Năm 2008, Spray It, Don’t Say It (2006)  – phim tài liệu ngắn đầu tiên của Việt Nam về văn hoá Graffiti trở thành một trong ba bộ phim của Việt Nam được trình chiếu trong Hội thảo làm phim tại Mỹ: Filmmaking: the Good, the Bad, and the Ugly.

Graffiti
Graffiti
Một số hình ảnh từ bộ phim Spray It, Don’t Say It năm 2006.
Một trong 17 bức Graffiti truyền đi thông điệp “Cứu tê giác” được các nghệ sĩ Graffiti thực hiện.
Nguồn: www.yan.vn

Năm 2017, 11 nghệ sĩ Graffiti trong nước và quốc tế đã thực hiện 17 tác phẩm Graffiti vẽ những chú tê giác để truyền tải thông điệp “Cứu tê giác”. Các bức vẽ ấy nằm trong chiến dịch giáo dục để chấm dứt việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã ở Việt Nam.

Graffiti
Bức tường được trang trí lại tại trường tiểu học Chợ Ré (Lâm Đồng). Ảnh: Tô Đậm

Cùng năm 2017, Tô Đậm – tổ chức phi chính phủ, được thành lập. Tô Đậm đã dùng nghệ thuật đường phố để điểm tô điểm cho những ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa. Với mục đích giúp các em nhỏ có một ngôi trường đầy màu sắc, Tô Đậm hiện tại đã làm mới hơn 6 ngôi trường ở những vùng khó khăn. 

Năm 2020, nghệ sĩ graffiti Lê Long đã thể hiện tầm quan trọng của cuộc chiến chống COVID-19 thông qua tác phẩm Stay strong – Let’s stay home. Được biết anh đã dành ra 30 ngày hoàn thành bức Graffiti trên tường căn nhà 4 tầng ở Hà Nội.

Graffiti
Tác phẩm STAY STRONG – LET’S STAY HOME của Lê Long tại Hà Đông. Nguồn: Cổ Động 

Năm 2021, Dự án Saigon Urban Arts với chủ đề “Thành phố Bền vững” được Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức với sự tham gia của những nghệ sĩ Graffiti nổi tiếng. Các tác phẩm của họ đã được đem trưng bày ở các thành phố lớn tại Việt Nam. 

Graffiti
Một số tác phẩm được trưng bày trong sự kiện “JAM.” Ảnh: Viện Pháp TP. HCM

Xét về cá nhân, có thể nhìn thấy người chơi Graffiti là một người nghệ sĩ đa tài. Một trong số đó là ZUNK (Trần Tiến Dũng) – nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật với 16 năm kinh nghiệm. Với niềm đam mê của mình, anh đã đưa Graffiti phát triển theo một cách riêng. Năm 2014, sau một năm nghiên cứu cẩn thận về văn hóa hiphop, ZUNK phát hành bản đầu tiên của tạp chí DUNKARE – tạp chí về nghệ thuật đường phố Việt Nam. Tháng 9/2021, ZUNK đã có sự kết hợp sáng tạo khi đưa Graffiti lên mặt nạ giấy bồi. Anh còn là founder của D-Hustle – local brand gắn liền với Graffiti, viết Blog và làm nhiều video về văn hóa hiphop. Xem các sản phẩm ZUNK, dễ dàng thấy được cái tâm bạn đặt vào cùng với ý nghĩ nhân văn đằng sau từng tác phẩm. 

Graffiti
Sự kết hợp giữa Graffiti và mặt bạn múa giấy bồi của nghệ sĩ ZUNK. Nguồn: Cổ Động 

Hay Cyril Kongo – huyền thoại Graffiti thế giới đồng thời cũng là một nghệ sĩ người Pháp gốc Việt. Anh là người truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ. Năm 2002, trong lúc Graffiti bị phản đối dữ dội, Kongo tổ chức Kosmopolite – Festival Graffiti đầu tiên tại Pháp để tôn vinh môn nghệ thuật này. Năm 2011, anh mở triển lãm về môn nghệ thuật này mang tên Galerie Wallworks ở Paris và đạt được thành công liên tục sau đó. 

Graffiti
Nghệ sĩ Cyril Kongo bên tác phẩm của mình trong studio của nhà thiết kế quá cố Karl Lagerfeld. Ảnh: CK
Thiết kế in tranh của Kongo trong bộ sưu tập Chanel Métiers d’Art 2018 được diện bởi Lily-Rose Depp. Ảnh: www.lofficiel.at 
Bức Graffiti trị giá 2 tỷ đồng của Cyril Kongo được trưng bày tại Việt Nam. 
Ảnh: zingnews.vn

Cyril Kongo còn được xem là “gương mặt graffiti” mà nhiều thương hiệu như: Hèrmes, Chanel, Richard Mille, Maserati,… “gửi vàng”. Cyril Kongo đồng hành cùng các thương hiệu cao cấp trong nhiều bộ sưu tập như: Hermès Twilly Graff Graffiti by Kongo, Richard Mille RM 68-01 Tourbillon Cyril Kongo,… Cyril Kongo cũng là nghệ sĩ đầu tiên được Karl Lagerfeld uỷ thác sáng tạo trong bộ sưu tập cuối cùng của mình – Chanel Métiers d’Art 2018. 

Tác phẩm của Kongo trên chiếc bếp của La Cornue giá 300.000 USD. Ảnh: Figura.

Với tinh thần “Chúng ta càng dạy những điều này sớm, càng thúc đẩy xã hội tiến xa” Kongo mở lớp dạy bộ môn này cho trẻ em nghèo, viết sách và sáng tạo Graffiti trên đồ nội thất,.. để khẳng định vẻ đẹp của Graffiti chân chính.  

Graffiti
Cyril Kongo Vietnam Gallery tại số 9 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguồn: Cyril Kongo Vietnam Gallery

Năm 2020, Cyril Kongo đã gửi món quà cho quê hương Việt Nam. Đó chính là Cyril Kongo Gallery Việt Nam – phòng tranh cá nhân đầu tiên của Kongo trên thế giới. Đặc biệt với bức Parisian trị giá hơn 2 tỷ đồng, anh muốn gửi sự tri ân đến tất cả nghệ sĩ graffiti…

Những đóng góp kể trên là một phần trong những nỗ lực của nghệ sĩ Graffiti đi tìm sự công nhận. Nhưng sau tất cả, môn nghệ thuật này vẫn chưa có được cái nhìn thiện cảm từ số đông. Hy vọng, sau bài viết mọi người có thể cùng Street Vibe hiểu và “yêu lại từ đầu” môn nghệ thuật này và giúp nó phát triển theo đúng ý nghĩa ban đầu của mình:

Graffiti – Art not crime

ZUNK

Tham khảo: 

  1. Amélie Huynh Le Maux, Hành trình tìm chỗ đứng của nghệ thuật đường phố tại Việt Nam, saigoneer.com, 26/8/2021. 
  2. Zunk, Graffiti ở Việt Nam, zunkonstreet.blogspot.co, 22/03/2011. 
  3. Cổ Động, STAY STRONG – LET’S STAY HOME – tác phẩm Graffiti của Lê Long, www.facebook.com/Codongpage, 27/6/2022. 
  4. Minh Anh, DAOS501 – Vẽ để cái tên không bị lãng quên, vietcetera.com, 22/5/2022.
  5. Chung ng, Ties: Vẽ không gây hại cho ai cả, vietcetera.com, 26/2/2022. 
  6. Tùng Lâm, Dunkare – Sách hay về nghệ thuật đường phố Việt, zingnews.vn, 31/5/2014. 
  7. Zing Podcast team, Vẽ Graffiti lên Metro ở TP. HCM là phá hoại không phải nghệ thuật?, zingnews.vn, 17/6/2022. 
  8. Wikipedia, Graffiti, en.wikipedia.org, 27/6/2022. 
  9. Hoài Thương, Họa sĩ Dũng Zunk: Quá dễ dãi với graffiti mới vẽ bôi bẩn đường phố, thethaovanhoa.vn, 16/9/2016.
  10. Lê Thị Thái Hòa, Hội thảo của những nhà làm phim Việt tại Mỹ, thanhnien.vn, 26/06/2022. 
  11. Quỳnh Anh, Chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 bằng những sáng kiến trong cộng đồng, hanoi.gov.vn, 27/6/2021.

1 Comment

  1. Mình cũng là một người đam mê văn hóa hiphop mình thích rap,breakdance,graffiti,dj,mc hype.Hiện nay mình thấy cộng đồng hip hop đang dần được công nhận bằng nhiều cách như thông qua các chương trình như Rap Việt,Street dance,mình vui vì điều đó.Chỉ mong muốn là graffiti cũng sẽ được tất cả mọi người ở việt nam công nhận,và có thể mở lớp dạy về graffiti,rap,mc hype,beat box,…như là tạo cơ hội cho các bạn có niềm đam mê hiphop mình rất thích những bài báo như thế này,mong là sẽ còn những bài báo viết về những hoạt động văn hóa hip hop như thế này nữa

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here