EVISU: “Đôi cánh hải âu” nơi bầu thời trang Nhật Bản

0

Ở Nhật Bản, những chiếc quần Evisu với hình vẻ cánh chim hải âu phía sau từ lâu đã trở thành tượng đài với giới mộ điệu nơi đây. Ngày qua ngày, cánh chim ấy không chỉ dừng chân ở xứ Phù Tang mà còn bay xa đến toàn cầu.

Thời thế tạo nên biểu tượng

Từ những năm 1950, chất liệu denim có nguồn gốc từ Mỹ trở thành một trong những sản phẩm được yêu thích và sử dụng nhiều nhất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, sự yêu thích của người Nhật dành cho đồ denim Mỹ về sau lại giảm dần bởi 2 lý do chính.

Thứ nhất, các thương hiệu đình đám như Levi’s và Wranglers được làm ra theo số đo dành cho đàn ông phương Tây, vì vậy, chúng khó mà vừa vặn với tỉ lệ cơ thể của nam giới Nhật. Để giải quyết vấn đề trên, phần lớn nam giới Nhật khi mua sản phẩm denim Mỹ về sẽ mang đến các tiệm may để cắt và sửa chữa lại cho vừa vặn hơn. Song, cách này lại khá mất thời gian và nếu tay nghề của người thợ may không cao có thể gây hỏng phom dáng vốn có của sản phẩm.

Thứ hai, Levi’s và Wranglers vô cùng thành công ở thập niên 70 nhưng về sau, chất lượng của vải denim Mỹ lại giảm dần do nhu cầu mua ngày càng tăng. Như một quy luật thiết yếu trong kinh tế: nhu cầu tăng nhưng giữ giá thành thì giảm chất lượng. Bởi thế, sản phẩm denim Mỹ được bán đại trà tại những cửa hàng thời trang ở Nhật với chất vải mỏng – không dày dặn như trước. Điều đó khiến các nhà thiết kế và thương hiệu Nhật Bản cảm thấy ngán ngẫm và bắt tay vào tự sản xuất vải denim “Made in Japan” với chất vải dày dặn cùng hoa văn thêu chi tiết như Studio D’Artisan, Denime, Full Count hay Warehouse… Và rồi, mọi thứ bước sang một giai đoạn mới vào năm 1991 khi Hidehiko Yamane thành lập nên thương hiệu Evisu.

evisu
Studio D’Artisan, Denime, Full Count, và Warehouse là những cái tên nổi tiếng khi ấy ở Nhật Bản khi nhắc đến quần denim

Quá trình sản xuất kỳ công

Năm 1991, Hidehiko Yamana từ bỏ công việc thợ may để dành mọi tâm huyết cho đứa con tinh thần mang tên Evisu. Tiền kỳ thành lập, Yamane đã cùng đồng nghiệp là Mikiharu Tsujita (người sau này đã thành lập thương hiệu denim Full Count) đã dành ra một khoảng thời gian khá dài để nghiên cứu về những dòng denim xưa cũ nhằm tạo nên một cặp quần jean bền và chất lượng hơn.

evisu
Hidehiko Yamana

Yamane và Tsujita mong muốn tạo nên những chiếc quần denim đúng nghĩa và may mắn đã thật sự đến với họ. Ông cất công đi tìm những chiếc khung cửi dệt vải của Mỹ có khả năng dệt 40m trong một ngày; chúng vốn là máy móc bị Levi’s vứt bỏ từ những năm 1950 và đã không được sử dụng trong 40 năm. Nguyên liệu mà Yamane chọn để tạo ra chiếc quần bò của ông chính là sợi chỉ bông nhằm mang đến màu sắc tự nhiên, tạo cảm giác dễ chịu và thoải mái cho người mặc. Tuy nhiên, đây là loại vải dễ đứt nên quá trình sản xuất đòi hỏi người thợ phải vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận.

evisu

Sau đó, chúng được nhuộm màu chàm bằng máy nhuộm kiểu cũ rồi mang đi phơi nắng trên nóc nhà xưởng ở Osaka để oxi hóa màu chàm rồi nhúng vào thùng thuốc nhuộm tiếp theo. Mỗi thành phẩm được nhuộm ít nhất 16 lần và cần đến 30 lần nhuộm để mang đến màu xanh đậm đúng chất denim truyền thống. Hơn cả thế, Yamane còn nghiên cứu và trồng riêng một giống cây tràm nhằm phục vụ cho việc tạo nên màu thuốc nhuộm ưng ý.

Tất cả các loại quần Evisu đều được khâu tay, tạo nên một đường viền nối 2 bên quần và cắt thẳng đến mép quần, sau đó được vắt sổ. Vì thế, khi xắn ống quần lên có thể thấy 2 mép được khâu liền với nhau. Trên mỗi chiếc quần lại có 23 chi tiết đặc biệt. Với quá trình sản xuất mất nhiều thời gian để tạo nên một sản phẩm chất lượng, mỗi ngày chỉ có đúng 14 chiếc quần Evisu được “ra lò” nên được bán với giá đắt đỏ là điều hiển nhiên.

evisu

Cánh chim hải âu – biểu tượng của Evisu

Nhắc đến Evisu, người ta sẽ nhớ ngay đến biểu tượng cánh chim mòng biển (khá giống chữ M) được vẽ phía sau mỗi chiếc quần. Khi Evisu lần đầu tiên được ra mắt, Yamane đã tự tay sử dụng cọ với sơn trắng để vẽ các chữ “m” lên túi sau. Đối với ông, chúng là hình ảnh trừu tượng của những con chim mòng biển. Trong cuốn ‘Ametora’ của W. David Marx, Yamane bộc bạch: “Bức vẽ này chỉ là trò đùa thô vì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ai đó mua chúng”.

evisu
evisu

Riêng với tên thương hiệu, ban đầu, Evisu thì được Yamane đặt tên là Evis. Tuy nhiên, cái tên này lại gây liên tưởng với Levi’s và có thể vướng vào tranh chấp pháp lý. Vì vậy, ông đã đổi tên đứa con tinh thần thành Evisu – dựa theo tên của một vị Thần Tài trong đạo phật của Nhật (Ebisu), thường xuất hiện cùng cùng con cá và cần câu. Đồng thời, câu cá cũng là sở thích của Yamane. Hình ảnh vị thần tài này cũng được ông in lên patch da của những chiếc quần denim thô Evisu.

evisu

Đưa cánh chim Evisu bay đi xa

Được xem như một trong những hãng quần jeans “designer” đầu tiên với phom dáng và những đặc trưng độc đáo, Evisu nhận được sự yêu thích đặc biệt từ thị trường Nhật Bản. Trong khi ấy, những ông lớn phương Tây như Calvin Klein hay Tommy Hilfiger còn chưa thực sự dấn thân vào sản xuất từ A đến Z cho những chiếc quần jeans. Họ mà chỉ đơn thuần gắn mác thương hiệu cho những sản phẩm được sản xuất bởi những nhà máy khác; riêng Evisu lại làm được điều đó. Một sản phẩm “Made in Japan” từ đầu đến cuối và đảm bảo được chất lượng như mong đợi, thị trường Nhật Bản lại càng “lăng xê” Evisu hơn bao giờ hết.

Bảy năm sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Osaka, Yamane tiếp tục mở thêm thương hiệu phụ dành cho nữ giới mang tên Evisu Donna. Bước sang đầu những năm 2000, cha đẻ của Evisu tham vọng mang đứa con tâm huyết ra toàn cầu. Vì vậy, ông đã tìm đến Peter Caplowe, một doanh nhân ở Hồng Kông để tổ chức một buổi triển lãm thương mại thời trang tên The Hub. Từ bước đệm trên, những chiếc quần jeans độc đáo, đầy màu sắc của Evisu lần đầu đến tay những tín đồ thời trang ở London và New York. Dần dần, Evisu vượt biên giới Nhật Bản, đến thị trường toàn cầu: Châu Âu, HongKong và Đại Lục -hiện diện tại 400 cửa hàng và trung tâm bách hóa lớn trên khắp thế giới.

Sự ảnh hưởng của Yamane tiếp tục mở rộng, lấn sang san thời trang đường phố và hip-hop khi được nhiều rapper thời đấy yêu thích. Các rapper như Jay-Z đã diện chiếc quần Evisu trong MV “Show You How” và “Jigga That N*gga” hay “Lock & Load” của Lil Wayne khiến giới trẻ và những tín đồ hiphop không ngừng săn lùng những chiếc quần hải âu đình đám này. Có lần, danh thủ David Beckham cũng khiến công chúng chao đảo với chiếc quần Evisu phiên bản giới hạn với chỉ vàng và khuy vàng 18 carat.

Đã có lúc, Evisu chững lại và gần như chìm vào quên lãng nhưng nhanh chóng vực dậy qua collab với Palace hay được các rapper thế hệ mới “lăng xê” như Travis Scott. Ngày nay, Evisu tiếp tục mở rộng mặt hàng với nhiều loại quần khác nhau như: Bondage jeans, Evisu European Edition, Diacock Vintage Cut dành riêng cho Châu âu, Kizzu, Limited Edition… Ngoài ra, còn có Milenium Jean, loại quần này được Yamane sản xuất 100 chiếc vào năm 2000 với nút quần bằng vàng 22k, được đựng trong thùng gỗ. Giá mỗi chiếc khoảng 1.200 pounds. Những chiếc quần loại này được bán ra nhanh chưa từng thấy.

Tham khảo: Tổng hợp

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here