Carhartt: Câu chuyện về biểu tượng Workwear số một thế giới

0

Carhartt là một thương hiệu tồn tại hơn 100 năm luôn sản xuất ra những món đồ Workwear cực kỳ chất lượng. Ngày nay, thương hiệu dần được công nhận và săn đón “nồng nhiệt” trên bản đồ thời trang đương đại.

Khi nhắc đến Workwear, ta dễ liên tưởng tới những người đàn ông đang bận rộn tại công trường trong trang phục bảo hộ lao động. Nhưng ở thời điểm hiện tại Workwear lại là một xu hướng thời trang mới của giới trẻ. Và nhắc đến xu hướng này phải nhắc đến Carhartt – thương hiệu tiên phong trong mảng thời trang bảo hộ lao động.

Lịch sử hình thành của Carhartt

Carhartt là một công ty sở hữu gia đình, được sáng lập bởi Hamilton Carhartt với trụ sở tại Dearborn, Michigan vào năm 1889. Công ty bắt đầu chỉ với hai máy may và năm công nhân. Thương hiệu tham gia vào một số “nghiên cứu thị trường” và nói chuyện trực tiếp với công nhân đường sắt để thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ. Quần yếm (Overall) của Carhartt đã được ra đời và trở thành sản phẩm chủ chốt của dòng Carhartt.

Phương châm của công ty lúc đó và ngay cả bây giờ là “giá trị thực sự cho một đồng đô la thực sự”. Nói cách khác, khách hàng có thể mua quần áo Carhartt với giá hợp lý với chất lượng bền bĩ cho đến ngày nay. Sang năm 1909, công ty đã có mặt tại 8 thành phố, trong đó có 2 cửa hàng thành phố ở Canada và 1 cửa hàng ở Anh.

Trong thời điểm xung đột quốc tế leo thang, Carhart không “ngồi yên” mà mong muốn tham gia góp vào cuộc chiến. Thương hiệu đã cung cấp 7 nhà máy cho chính phủ Mỹ với mục đích sản xuất đồng phục cho quân đội Hoa Kỳ. Trong thời kỳ chiến tranh, thương hiệu này đã sản xuất quần yếm cho binh lính ngoài tiền tuyến và quần áo bảo hộ lao động cho phụ nữ làm việc trong nhà máy.

Năm 1960 – 1990, Carhartt tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh và sự hiện diện của mình trên toàn Hoa Kỳ. Thương hiệu này phát triển các loại quần áo và phụ kiện mới như áo khoác, áo nỉ và quần jeans để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Đến 1990 – 2000, Carhartt bắt đầu mở rộng quốc tế và phát triển sự hiện diện toàn cầu. Thương hiệu này mở các cửa hàng bán lẻ Carhartt đầu tiên tại Nhật Bản và Châu Âu. Carhartt cũng tăng cường chiến lược tiếp thị, quảng cáo để nâng cao nhận thức về thương hiệu.

Năm 2000 cho đến nay, Carhartt tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh. Thương hiệu này phát triển các kênh bán hàng trực tuyến và mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ Carhartt trên khắp thế giới. Carhartt cũng nâng cấp sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Cựu Tổng thống Barack Obama mặc đồ Carhartt khi ông đến thăm Alaska vào năm 2015, Rick Perry mặc thương hiệu nêu lên giá trị của Mỹ trong một quảng cáo truyền hình năm 2012 và Sarah Palin đã mặc Carhartt khi bà tranh cử Phó Tổng thống. Những chính trị gia này (và các nhạc sĩ, người nổi tiếng, vận động viên trượt ván và nghệ sĩ hip hop) biết rằng thương hiệu Carhartt đồng nghĩa với trái tim và linh hồn của Hoa Kỳ. Nó đã là niềm yêu thích của tầng lớp lao động – những người làm việc trên đất liền, trong xây dựng hoặc trong các tòa tháp văn phòng.

Detroit Jacket: Chiếc áo được săn đón nhiều nhất

Khi nhiều người biết đến Carhartt nhờ Chore Jacket, Painters Pants và áo Hoodie thì Detroit Jacket lại nổi tiếng một cách âm thầm. Đây là một trong những sản phẩm chủ chốt của thương hiệu và được săn lùng khắp thế giới trong hơn 70 năm qua. Tại Việt Nam, chiếc áo khoác này cũng được Gen Z đam mê thời trang săn đón với giá vài triệu đồng trở lên.

Ra mắt lần đầu vào năm 1954 với chất liệu Denim chứ không phải vải Canvas Cotton nặng như bây giờ. Chiếc áo khoác cũng được đặt với cái tên là Zipper Jacket vì nó là chiếc áo khoác duy nhất có khóa kéo của Carhartt – chứ không phải Detroit Jacket như bây giờ. Cái tên này phổ biến chỉ xuất hiện cho đến năm 1998.

Trước khi có hình dáng như hiện tại, nó được thiết kế giống một chiếc áo khoác kiểu Eisenhower, theo tên chiếc áo khoác quân đội của Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Với mục đích để bán cho công nhân và điểm đặc biệt nhất trong thiết kế của nó chính là được làm theo dáng boxy (chiều dài ngắn rộng ngang) để những người công nhân có thể đeo đai dụng cụ. Phó phòng phát triển sản phẩm của Carhartt cũng cho biết vải và màu sắc của nó có chủ ý được chọn để mang lại vẻ cũ kỹ theo thời gian. Họ đã làm mềm vải nhưng không làm mất đi độ bền của nó hay cả việc giặt áo khoác trước khi rời khỏi nhà máy để mang lại cảm giác thoải mái hơn…

Từ công trường, Detroit Jacket bắt đầu được các nghệ sĩ Hip Hop tích cực “lăng xê”. Nó được mặc bởi Prince Paul trước khi Kanye West đưa chiếc áo vào tủ quần áo yêu thích của mình. Tommy Boy Records (công ty đã khởi đầu sự nghiệp của Queen Latifah, De La Soul,…) thậm chí còn sử dụng chiếc áo khoác này như một vật phẩm quảng cáo của mình lên và phân phối.

Ngày nay, những chiếc áo khoác Detroit của Tommy Boy Records chính hãng có thể có giá lên đến hơn 1.000 USD. Ngoài Hip Hop, vô số những người nổi tiếng như Daniel Day Lewis và Bella Hadid cũng đã sử dụng chiếc áo này trong trang phục hàng ngày.

Bên cạnh đó chiếc áo cũng góp phần cho sự chuyển mình của streetwear và việc vay mượn ý tưởng giữa các thương hiệu đường phố hoặc high-end. Điển hình là việc Stussy đã dùng “phôi áo” Detroit Jacket và thêu logo đặc trưng của thương hiệu lên item này ở phần ngực trái vào những năm 1980s.

Carhartt
Carhartt Detroit Jacket thêu logo Stussy vào những năm 1980s, trưng bày tại triển lãm ARCHIVISM 2023 – READYMADE: Một Vóc Nghìn Vải

Sự giao thoa giữa Workwear và thời trang hiện tại

Trước đây những món đồ quân trang dành cho những người lính sẽ chỉ thấy trong quân đội. Tuy nhiên ngày nay, những mẫu quần áo rằn ri lại xuất hiện khá phổ biến ở khắp các con phố. Thậm chí nó còn được sử dụng cho những bộ sưu tập thời trang trình diễn trên những sàn runway hoa lệ.

Cũng tương tự như vậy, những bộ quần áo theo xu hướng Workwear cũng không nằm ngoài xu hướng này. Những bộ trang phục được thiết kế dành cho người lao động chân tay như thợ mộc, thủy thủ, người làm vườn và công nhân đã được cải tiến mới mẻ hơn. Nó cũng được sử dụng như một xu hướng mới mẻ hơn, độc đáo hơn và không chút nhàm chán nào.

Theo Chris Gove – nhà sáng lập đồng thời cũng là giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang nam Anh Quốc Percival đã từng nói: “Workwear không bao giờ lỗi mốt vì nó không phải được thiết kế dành cho một thời đại hoặc phong trào nào. Do đó, mục đích và việc sử dụng Workwear luôn phù hợp với những xu hướng ngày càng phát triển”.

Do sự lớn mạnh từ thương hiệu lẫn quần áo lao động đang được hưởng ứng, Carhartt quyết định ra mắt thêm một thương hiệu con mang tên Carhartt WIP – viết tắt của “Work In Progress”. Thương hiệu phụ này luôn mang đến những thiết kế mới mẻ, có tính “casual” và dễ ứng dụng vào đời sống hơn so với các sản phẩm đậm tính lao động như thương hiệu gốc. Thay đổi về vẻ ngoài là thế nhưng Carhartt WIP vẫn ưu tiên tập trung vào chất lượng của từng sản phẩm. Tính đến nay, Carhartt WIP đã bắt tay collab cùng nhiều thương hiệu khác như Converse, Bodega, Salomon…

Thời trang Workwear đã vươn đến đỉnh cao khi trở thành xu hướng thời trang của hầu hết mọi đối tượng. Và cho tới ngày nay, với nhịp độ phát triển của thời trang thế giới, những bộ trang phục mang phong cách thời trang workwear có thể pha trộn đa dạng với Vintage, Streetwear, Menswear và nhiều hơn thế.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here