Nếu ngày nay, nam giới Gen Z diện áo Cardigan sẽ bị gắn mác “phong cách Soft Boy” bởi một số thông tin sai lệch từ mạng xã hội. Nhưng khi nhìn thật rộng và sâu hơn, quá khứ của chiếc áo này lại “nguy hiểm” hơn so với vẻ ngoài mềm mại của nó. Lật lại quyển lịch sử thời trang, Cardigan luôn là lựa chọn được yêu thích từ “Ông hoàng nhạc Grunge” Kurt Cobain tới những chiếc Cardigan quý phái của Coco Chanel. Ngay cả cố nữ hoàng Elizabeth cũng mê mẩn những chiếc áo nhẹ tênh nhưng muôn phần hữu dụng này.
Nguồn gốc sau vẻ “mềm mại” của áo Cardigan
Cardigan thực ra chính là một dạng “biến thể” của áo Sweater. Những chiếc áo với chất dày đen bằng len hoặc vải và dài tay này có thể được như “tiền thân” của áo Cardigan ngày nay. Đặc biệt, tên gọi Cardigan được lấy từ cảm hứng từ câu chuyện của Thiếu tướng người Anh James Brudenell. Ông là vị Bá tước thứ 7 của vùng đất mang tên Cardigan.
Trong trận chiến xứ Balaclava – Crimean War, bá tước James cùng các sĩ quan đã mặc một chiếc áo dệt len xuyên suốt. Trận chiến đó trở nên nổi tiếng và đã “marketing” cho chiếc áo Cardigan lan đi khắp các xứ sở khác. Theo thời gian, chiếc áo đó dần mang cái tên Cardigan như chúng ta thấy ngày nay. Bắt nguồn từ một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, áo Cardigan đi theo dòng chảy lịch sử rồi bắt đầu cuộc xâm nhập vào văn hóa thời trang đại chúng.
Ban đầu, Cardigan là một dạng áo Sweater được dệt chất liệu dày, ấm, êm như len và lông cừu. Sau này, chúng được thêm các nút buộc ở phía trước, các nhà thiết kế thời trang còn đính thêm dây kéo tùy vào phong dáng và đường cắt may mà họ mong muốn phù hợp với cơ thể người mặc. Vào thập niên 80-90, áo Cardigan phổ biến với nam giới hơn vì khả năng giữ ấm cùng với phom dáng dễ mặc của chiếc áo. Item này đặc biệt được lòng đối tượng khách hàng thuộc giai cấp tri thức, quý tộc và có gu thời trang thanh lịch ở các vùng biển phía Bắc hoặc xứ lạnh ở Châu Âu.
Từng bị “lạnh nhạt” vì quá dày
Trên thực tế, những “mỹ nam” của thế kỉ 17 tỏa ra lạnh nhạt với áo Cardigan vì họ cho rằng chất liệu của sản phẩm quá dày và nặng nhưng lại không chống nước cũng như không có nhiều cải tiến để phù hợp thời đại. Chưa kể, áo Cardigan thời này còn có tính kinh tế thấp bởi người sản xuất cần sử dụng khá nhiều nguyên liệu và phụ thuộc vào sự ổn định của bên cung ứng vật liệu.
Từ những cản trở trên, các nhà thiết kế thời đại mới nắm bắt cơ hội thổi vào làn gió mới cho chiếc áo ấm có tuổi thọ lâu đời này. Trước tiên, họ làm cho chúng có chất liệu mỏng nhẹ, dễ sử dụng và mở rộng tệp khách hàng đến nữ giới. Tất nhiên, khi chúng mỏng, gọn thì công năng giữ ấm không còn như ban đầu nhưng bù lại, bước chuyển mình đã giúp cho Cardigan quay trở lại với “bản đồ thời trang” lúc đó.
“Tái định nghĩa” Cardigan thời đại mới
Thời trang là một vòng lặp vô tận, mà trong vòng lặp đó mỗi thời kỳ sẽ có những bước đột phá mới khác với tiền nhiệm. Áo Cardigan tưởng chừng sẽ “đóng khung” qua hình ảnh thời trang âu phục lịch lãm.. nhưng những “nam nhân – mỹ nhân” hiện đại biết cách lăng xê chiếc Cardigan một cách mới lạ và độc đáo.
1/ “Grunge King” Kurt Cobain
Vào những năm mà tinh thần nhạc Grunge thống lĩnh văn hóa đại chúng, Kurt Cobain đã trình diễn trong những chiếc áo Cardigan được chính tay ông “hủy diệt” bằng đủ mọi cách như làm rách, xé, mài, dập ghim,… Với sự ảnh hưởng của mình, Kurt Cobain đã đưa Cardigan thành một trong những items yêu thích tại thời điểm đó. Chiếc áo Cardigan mà Kurt mặc tại chương trình MTV Unplugged vào năm 1993 đã được bán với giá khoảng $334.000 (~ 7.5 tỉ VND).
2/ Sao nam Hollywood diện Cardigan
Ngoài màn ảnh, sao Hollywood đã mặc Cardigan như Brad Pitt, Michael B Jordan. Điều quan trọng, đây không phải là xu hướng Quiet Luxury. Brad Pitt mặc chiếc áo Cardigan nhiều màu sắc nổi bật kèm khóa kéo “cách tân”, trong khi Michael B Jordan chuộng kiểu cổ chữ V màu hồng với áo thun trắng cổ thấp.
Pedro Pascal – ngôi sao của The Last of Us đã biến tấu chiếc Cardigan nâu trông thật thoáng mát và nhiều “lỗ hỏng”. Và thật “mốt” khi anh mặc dáng áo Cropped tại buổi ra mắt The Mandalorian và áo oversized khi xuất hiện trên Radio 1.
3/ Cardigan qua “bàn tay” thiết kế Coco Chanel
Coco Chanel đã tìm thấy điểm chung giữa bà và Cardigan bởi xuất phát điểm của chiếc áo này là dành cho nam giới. Bà là một người tìm kiếm nguồn cảm hứng đến từ thời trang nam và áp dụng nó vào thời trang nữ sao cho phù hợp.
Ngoài ra, quý bà cũng nổi tiếng vì “phù phép” những bản thiết kế, chất liệu bình thường hóa thành sản phẩm sang chảnh, cao cấp trong giới mộ điệu. Hiển nhiên, Cardigan cũng không ngoại lệ khi quý bà thường xuyên xuất hiện cùng với chiếc áo khoác nữ tính và sang trọng do chính tay mình “biến tấu”.
Bị “gắn mác” với.. Soft Boy
Vào thời điểm mạng xã hội ngày càng phát triển, thật không khó để thấy các video hướng dẫn phối đồ cho Soft Boy là phải có áo khoác Cardigan. Thật chất, Soft Boy không phải là một loại “phong cách” mà danh từ chỉ dùng để miêu tả một người con trai có vẻ ngoài ấm áp, nhẹ nhàng và mềm mại thông qua outfits của họ.
Trùng hợp thay, Cardigan cũng là chiếc áo khoác mang lại sự ấm áp, dịu dàng trùng với cái nhìn mà mọi người gọi là “phong cách Trai Mềm”. Do đó, nam giới Gen Z mặc Cardigan ngày nay bị một số người gán ghép là Soft Boy chỉ vì những thông tin sai lệch từ mạng xã hội chia sẻ. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn sẽ thành Soft Boy nếu mặc chiếc áo này, hãy lấy ví dụ về hai cá nhân nổi tiếng trong giới thời trang hay mặc áo Cardigan chính là Kurt Cobain và G-Dragon.
Vì vậy, đừng ngại mặc lên người chiếc áo khoác Cardigan vì sợ bị trêu là Soft Boy. Chiếc áo đó không đủ “rập khuôn” để bạn bị gọi như vậy. Và hơn cả hết, Soft Boy là danh từ chỉ tính cách của con người nên đôi khi chiếc quần chiếc áo không đủ sức nặng để “đóng khuôn” bạn vào các định kiến xã hội.