Nếu có một màu sắc mang lại sự xa xỉ và đắt giá bậc nhất, thì đó chắc chắn là màu xanh của Tiffany & Co. Bất kì sản phẩm nào chỉ cần được thêm màu Tiffany Blue – nó sẽ trở thành món đồ xa xỉ.
Chúng ta hãy cùng nhìn lại lịch sử hình thành sắc xanh của hãng trang sức nổi tiếng bậc nhất thế giới và sức ảnh hưởng của nó lên thế giới thời trang ngày nay như thế nào nhé.
Thương hiệu Tiffany & Co. (hay Tiffany, Tiffany’s) là một hãng trang sức sang trọng nổi tiếng thế giới được thành lập năm 1837, có trụ sở đặt tại Mỹ.
Các sản phẩm của Tiffany’s vô cùng đa dạng từ trang sức, bạc nguyên chất, đồ gốm, pha lê, nước hoa, đồng hồ đến đồ dùng văn phòng, phụ kiện cá nhân và các sản phẩm da thuộc khác. Thương hiệu Tiffany & Co. ghi vào lòng tín đồ thời trang trên thế giới ấn tượng về một thương hiệu sang trọng, cao cấp và nổi trội nhất ở các thiết kế trang sức kim cương. Tiffany & Co. tự chọn sứ mệnh cho thương hiệu là đi đầu trong thẩm mỹ và đặt ra những xu hướng phong cách cộp mác Tiffany’s.
Đúng như slogan “Chỉ có một tình yêu đích thực”, Tiffany & Co. là đại diện của tình yêu, là những điều lãng mạn nhất mà mọi chàng trai đều muốn làm cho cô gái của họ
Sắc xanh Tiffany – Tiffany Blue
Tiffany & Co. được sáng lập bởi Charles Lewis Tiffany và John B. Young, ban đầu là một cửa hàng văn phòng phẩm lớn tại New York mang tên Tiffany & Young. Tiffany Blue Box – chiếc hộp xanh huyền thoại lần đầu tiên được giới thiệu. Sắc xanh lục nhạt (robin’s egg blue) được chọn để tô đậm danh tiếng của thương hiệu về chất lượng cũng như sự chăm chút trong từng sản phẩm.
Năm 1845, Catalogue đầu tiên của Tiffany’s được xuất bản với tên gọi The First Blue Book. Blue Book trở thành truyền thống của hãng đến tận ngày nay.
Cùng với thời gian và sự phát triển thương hiệu, những chiếc hộp đựng hay món trang sức mang màu xanh nhỏ bé trở nên nổi tiếng với vai trò biểu tượng của Tiffany & Co. và được Pantone ưu ái gọi bằng cái tên Tiffany Blue.
Sắc độ xanh dương Tiffany này kể từ đó, độc quyền sở hữu bởi thương hiệu cùng tên như một lẽ dĩ nhiên bởi sự phổ biến và kết nối mạnh mẽ của màu sắc với bộ nhận diện thương hiệu. Ít ai có thể ngờ rằng, từ thời kì đầu những năm 90, màu sắc đã bắt đầu trở thành một đại diện có tính bản quyền cho bất kì thương hiệu nào chọn được màu hợp lí và xây dựng hình ảnh bản thân trên đủ các phương tiện truyền thông chỉ với một màu duy nhất. So với việc hàng loạt nhà mốt nổi tiếng hiện nay tìm kiếm gương mặt đại diện cho từng dòng sản phẩm hay hình ảnh thương hiệu, sự khác biệt khi dùng màu sắc làm đại diện chính là không có bản hợp đồng nào được kí và bản quyền là một thứ tự ý thức.
Năm 1889, Tiffany & Co. sử dụng màu xanh dương Tiffany cho quầy trưng bày của hãng tại Triển lãm thế giới (World’s Fair) tại ParisS. sự xuất hiện của sắc xanh dương tại sự kiện toàn cầu lúc này đã phần nào tuyên bố màu xanh sẽ gắn liền với cái tên Tiffany & Co. Chiếc hộp đựng màu xanh Tiffany của hãng ở thời điểm này đã nổi tiếng tới mức không còn chỉ đơn thuần là một công cụ marketing hay branding. Charles Lewis Tiffany thậm chí đã từ chối bán lẻ những chiếc hộp đựng trang sức của mình như một lời tuyên ngôn bạn không thể cảm nhận trọn vẹn những lời cầu hôn (biểu tượng vĩ đại của tình yêu và sự gắn kết) nếu thiếu đi một chiếc hộp xanh Tiffany đi kèm món trang sức bên trong.
Mặc dù xanh dương Tiffany đã được công nhận rộng rãi nhưng tới năm 1998, Tiffany & Co. mới công bố màu sắc đại diện của hãng và 3 năm sau đó, thương hiệu kết hợp cùng Pantone đặt một hệ mã chính thức cho màu sắc đại diện của mình: Xanh dương 1837 (RGB 82, 183, 189). Thậm chí còn dùng năm thành lập thương hiệu để đặt mã số cho sắc xanh này.
Điều này làm cho Tiffany & Co. không cần thiết kế hay làm quá nhiều thứ để nhận diện thương hiệu. Mọi thứ chỉ cần được sơn lên màu xanh này, nó sẽ mang trên mình sự xa xỉ của Tiffany.
Những lần Tiffany Blue làm mọi thứ trở nên đắt giá
Tiffany & Co biến “Bữa sáng ở Tiffany” trở thành sự thật
Đã lâu “Bữa sáng ở Tiffany’s” hiển nhiên trở thành một khái niệm của ước vọng xa hoa và phù phiếm của cuộc sống thượng lưu được chính nữ minh tinh Audrey Hepburn chấp cánh cho mọi cô gái. Những tưởng bữa sáng sang trọng mang tính biểu tượng ấy chỉ có trong những thước phim xưa cũ nhưng giờ đây các tín đồ của Tiffany’s có thể trải nghiệm cảm giác tuyệt vời ấy tại chính hiệu café cho thương hiệu kim hoàn nổi tiếng này làm chủ.
Quán cafe Blue Box được đặt tại tầng 4 của toà nhà toạ lạc tại số 727 Đại lô số 5 danh tiếng (5th Ave) của thành phố New York. Đây cũng là nơi Tiffany & Co trưng bày những thiết kế vòng cổ đắt giá và còn có tầm nhìn đắt đỏ ra Công viên Trung tâm nổi tiếng. Do vậy, Blue Box Café thật sự là “giấc mơ Mỹ” xa hoa chính hiệu mà bạn không thể chối từ.
Supreme X Tiffany & Co.
Supreme là cái tên khổng lồ trong giới Streetwear và bắt đầu hành trình hợp tác với những hãng thời trang xa xỉ sau cú nổ Louis Vuitton là hàng loạt những cái tên đình đám như Nike, The North Face. Và Supreme X Tiffany & Co. không phải là một điều gì quá bất ngờ. Chắc chắn những món đồ với sự kết hợp của hai hình ảnh nhận diện thương hiệu bậc nhất thế giới (Supreme logo box X Tiffany Blue) đã cháy hàng trên mọi mặt trận và là một bản hợp tác vô cùng hot của năm 2021.
Patek Philippe Nautilus Ref. 5711 x Tiffany & Co.
Năm 2021, Patek Philippe tuyên bố ngừng sản xuất dòng Nautilus. Tuy nhiên, trước khi dòng đồng hồ này chính thức biến mất, hãng đồng hồ Thụy Sỹ vẫn còn một tuyệt chiêu cuối cùng: Tung ra phiên bản giới hạn của Nautilus bắt tay cùng hãng kim hoàn Mỹ Tiffany & Co.
Không nhiều thương hiệu xa xỉ có thể trụ vững để vượt qua cột mốc 100 năm lịch sử. Cả Tiffany & Co lẫn Patek Philippe đều làm được điều này. Hai bên đã hợp tác với nhau từ tận năm 1851, khi Tiffany & Co trở thành nhà phân phối chính thức đầu tiên của Patek Philippe ở Mỹ.
Về sau, Tiffany & Co không còn là chuỗi cửa hàng duy nhất phân phối Patek Philippe tại quốc gia này. Nhưng, để trân trọng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, hãng đồng hồ Thụy Sỹ luôn gắn kèm logo Tiffany & Co trên các mẫu đồng hồ được bày bán độc quyền trong cửa hàng nằm ở đại lộ số 5, New York.
Bây giờ, nhân dịp kỷ niệm 170 năm tình bạn giữa đôi bên, Tiffany & Co đã bắt tay Patek Philippe để tung ra phiên bản cực kỳ giới hạn của đồng hồ Nautilus.
Nếu một chiếc Ref. 5711 tiêu chuẩn khan hiếm đến mức gần như không thể tìm thấy trong các cửa hàng phân phối chính hãng, thậm chí nó còn khó hơn với các phiên bản đóng dấu Tiffany. Nếu nhân viên cửa hàng thêm tên bạn vào danh sách, có lẽ bạn sẽ phải chờ đến 10 năm hoặc lâu hơn để nhận được cuộc gọi thông báo rằng chiếc Nautilus mà bạn đặt mua đã sẵn sàng. Theo giới sưu tầm đồng hồ, Tiffany chỉ bán hai hoặc ba chiếc Ref. 5711 mặt số xanh nguyên bản và một hoặc hai chiếc mặt số trắng mỗi năm.
Chỉ có 170 chiếc Nautilus mặt xanh Tiffany được sản xuất đặc biệt. Chúng được dành độc quyền cho những khách hàng quan trọng nhất của Tiffany & Co. Trong số đó, Tiffany & Co trích ra một mẫu để đấu giá đặc biệt hôm Thứ Bảy, 11/12 vừa qua, tại sàn Phillips ở New York. Toàn bộ tiền quyên góp được Tiffany & Co chuyển đến hội từ thiện The Nature Conservancy vì biến đổi môi trường.
Mức giá cuối cùng chiếc đồng hồ Nautilus đặc biệt này đạt được là 6,5 triệu đô-la Mỹ
Lời kết
Tiffany & Co. kể từ khi gia nhập LVMH không chỉ dừng lại ở trang sức mà còn sản xuất phụ kiện, nước hoa, đồng hồ và cả nội thất. Điều này làm cho sắc xanh Tiffany của thương hiệu không còn chỉ nằm ở trên những chiếc hộp nữa. Rất hiếm có một màu sắc nào mang lại được sự xa xỉ, cao cấp như màu xanh của Tiffany làm được. Một sắc màu bước ra từ trong tiểu thuyết và có lịch sử hơn 100 năm. Nó đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ mà một thương hiệu xa xỉ cần, biến thương hiệu thành giấc mơ của hàng triệu người.
Nguồn tham khảo: L’Officiel