Thổ cẩm: Đỉnh cao tinh xảo của ngành dệt may thủ công tại Việt Nam

0

Thổ cẩm điển hình là di sản, là tinh hoa hội tụ từ những dân tộc thiểu số sinh sống ở đất Việt hàng nghìn năm nay. Khác với những sản phẩm dệt kỹ thuật số, dệt may thủ công vẫn luôn là nghề cổ gắn kết văn hóa tinh thần người Việt từ bao đời.

Thổ cẩm là loại vải được dệt thủ công từ các sợi vải có nguồn gốc từ cây lanh, cây bông và cây gai. Bề mặt vải thổ cẩm được dệt chi tiết, có các ô hoa văn nổi lên như thêu bằng tay, nhưng thực chất tất cả quá trình để tạo ra tấm vải thổ cẩm đều được thực hiện trên khung cửi.

Vải thổ cẩm được làm thủ công bởi những người dân ở vùng dân tộc thiểu số. Mỗi hoa văn được dệt lên vải thể hiện cho từng bản sắc riêng của các dân tộc. Có thể nói, đây là sản phẩm lâu đời được những người dân miền núi sử dụng để may các loại trang phục. Ngày nay, loại vải này được rất nhiều người ưa chuộng bởi hoạt tiết của chúng nổi bật, lạ mắt và có thể ứng dụng vào thời trang hiện đại.

Quá trình kỳ công tạo nên họa tiết thổ cẩm

Có thể nói, thổ cẩm là loại vải họa tiết đứng đầu trong việc kết hợp nhiều màu sắc để tạo nên nét đặc trưng riêng cho một trang phục hoặc một mảnh vải. Tuy nhiên, những màu sắc dùng để nhuộm các sợi vải không phải từ chất màu hoá học mà chúng được lấy từ thiên nhiên:
Màu vàng: Được lấy từ củ nghệ, sau khi sợi vải được nhuộm sẽ được đem đi để phơi khô trong tự nhiên.
Màu đỏ: Ở các vùng đất tại miền núi có một loại cây được gọi là Krung. Để lấy được màu đỏ từ cây này, các nghệ nhân sẽ lấy vỏ thân cây sau đó giã ra rồi đem đi nấu.
Màu đen: Để lấy được màu đen, người ra sẽ ngâm bùn non với lá chùm bầu trong vài ngày.
Màu xanh: Những vỏ con ốc suối sẽ được đem đi nấu cho khô. Ngâm chúng thành vôi rồi sau đó sẽ ngâm với lá chàm.
Màu nâu đỏ: Vỏ cây sủi sẽ được ngâm với giấm, đun sôi trong vòng 3 tiếng và để nguội qua đêm. Khi ngâm sợi vải phải pha thêm phèn.
Màu nâu hoặc màu đỏ sẫm: Được nhuộm từ các loại vỏ thân cây.

Mỗi vùng miền sẽ có những cách dệt thổ cẩm khác nhau, tuy nhiên chúng đều trải qua các bước và đa số được làm từ sợi bông (cotton). Quy trình dệt thổ cẩm bắt đầu từ bước trồng bông và thu hoạch. Người dân sẽ trồng cây bông sau Tết Nguyên Đán và thu hoạch sau khi chúng sinh trưởng được khoảng 6 tháng vào ngày nắng – cây bông trưởng thành là khi có hoa đã nở.

Tiếp đến là cán bông: sau khi bông được thu hoạc sẽ đem đi phơi khô. Những quả bông này tiếp tục được bật ra bằng dụng cụ chuyên dụng giúp cho sợi bông được tơi và nhuyễn và sau khi được bật chúng sẽ trở thành dạng thô. Các sợi bông thô sẽ được cán tiếp nhằm tạo sự liên kết giữa các sợi bông.

Dùng que tre có kích thước như chiếc đũa nhưng dài khoảng 40cm. Lấy một ít sợi bông trải ra sau đó cho que tre lên trên rồi vò lại sao cho bông cuộn chặt trên đầu que tre và to bằng khoảng ngón chân cái. Mỗi que bông như vậy được gọi là một con cúi. Sau đó, dùng từng con cúi để kéo thành sợi vải, vừa kéo sẽ vừa cuộn sợi vải lại thành những ống chỉ có độ dài khoảng 15cm. Đây được gọi là quy trình kéo sợi.

Mắc vải: Đây là giai đoạn đòi hỏi những người thực sự lành nghề và có bàn tay khéo léo. Công việc này phải có nhiều người cùng tham gia một lúc mới có thể hoàn thành được. Lúc này sẽ có một người đứng đầu giăng vải, những người còn lại sẽ dùng lược to để đánh giúp sợi vải không bị rối. Sau khi hoàn thành quy trình mắc vải, sẽ bước tiếp đến công đoạn đan co, sỏ khổ. Đây là giai đoạn gài hoa theo mẫu thổ cẩm có sẵn nhằm khi dệt xong hoa văn sẽ xuất hiện trên tấm vải.

Dệt thổ cẩm thường khó hơn rất nhiều vì phải nhớ từng con chỉ và hoa văn để thay các ống chỉ màu cho đúng. Nếu trong quá trình dệt có bị sai hay quên thì phải tháo ra và sửa ngay lại chỗ đó. Vì vậy để được một sản phẩm hoàn hảo, thổ cẩm dệt đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người dệt lâu năm.

Ứng dụng vào thời trang Việt Nam

Đối với những làng nghề dệt thổ cẩm thì vải thổ cẩm được con người ở đây sử dụng để may các loại trang phục truyền thống. Ngoài ra, khăn choàng đầu cũng rất được nhiều nơi sử dụng vải thổ cẩm để may như dân tộc Thái, Hà Nì, Dao Đỏ… mỗi loại trang phục thể hiện được bản sắc văn hoá và truyền thống riêng của từng vùng miền.

Nhiều nhà thiết kế đã sử dụng chất liệu thổ cẩm trong các bộ sưu tập trình diễn thời trang. Với vẻ đẹp tinh tế mang đậm nét truyền thống của người dân Việt, nhiều bộ sưu tập được đánh giá rất cao và tạo được ấn tượng đẹp với các nước bạn.

Gần đây nhất, “Người miền núi chất” Double 2T đã tích cực lăng xê họa tiết thổ cẩm vào tất cả outfits của mình mỗi khi anh biểu diễn. Phong cách thời trang của Quán quân Rap Việt màu 3 độc đáo ở sự pha trộn giữa thành thị hiện đại và vùng núi Tây Bắc truyền thống.. Đó cũng là một ví dụ tuyệt vời giao thoa giữa thời trang Hip Hop và văn hóa dân tộc truyền thống Tây Nguyên!

Ngoài ra vải thổ cẩm còn được dùng rất nhiều để may các loại ví, túi xách tạo được phong cách cá tính và sự nổi bật cho người sử dụng. Giày thổ cẩm cũng có nét đẹp riêng, nếu bạn biết cách phối đồ thì giày dép thổ cẩm cũng sẽ là item tuyệt vời trong set đồ của bạn. Ví dụ tuyệt vời chính là sự kết hợp giữa Converse x Baro: Mang di sản Êđê vào biểu tượng giày cổ điển.

Lời kết

Để lưu giữ nét văn hóa này, nhiều địa phương đã khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng các dân tộc. Khó khăn lớn nhất hiện nay là sản phẩm không có đầu ra ổn định và chỉ phục vụ cho du lịch. Để bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế văn hóa của nghề dệt thổ cẩm Việt Nam, cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về việc quảng bá thị trường và sản phẩm.

Vì vậy, người trẻ Việt Nam nên lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, lại đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó dùng thời trang để tôn vinh yếu tố văn hóa bản địa. Khai thác thổ cẩm là cơ hội mở cánh cửa vào thị trường quốc tế cho các nhà thiết kế Việt, và đồng thời khẳng định rằng đất nước hình chữ S của chúng ta không kém những kỹ thuật thêu dệt khác như boro, sashiko, patch es,… đang thịnh hành.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here