Âu phục (Suit) hay áo Blazer – loại trang phục được cho là “vũ khí” đẳng cấp của đấng mày râu mọi thời đại. Loại trang phục này phổ biến hơn bao giờ hết bởi tính trang trọng, lịch lãm, được lựa chọn trong các ngày trọng đại hay phục vụ công việc chốn công sở.
Trải qua một lịch sử hình thành lâu dài và nhiều thời kỳ hưng thịnh trước, Suit & Blazer đã có chặng đường gian nan trở thành trang phục phổ biến của nam giới như ngày nay. Nói về khái niệm Suit & Blazer, phần lớn người mặc, thậm chí cả những hãng thời trang lớn đều có sự nhầm lẫn nghiêm trọng.
Sự khác nhau của Vest, Suit và Blazer
Vest – thực chất là áo Ghile
Tại Việt Nam, người ta thường gọi chiếc áo khoác bên ngoài bộ âu phục (Suit Jacket) là Vét (Vest). Trên thực tế, cách gọi này không đúng nhưng cũng không hẳn sai. Vào thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã đưa văn hóa, nghệ thuật và trang phục của họ du nhập vào nước ta. Trong số đó có cả những chiếc áo Veste được thiết kế tương tự như Suit Jacket (hay “Comple-veston” trong tiếng Pháp). Từ “Veste” hay “Veston” trong tiếng Pháp mang ý nghĩa “Áo khoác”. Dần dần, người Việt phiên âm “Veston” thành “Vét-tông” và rút gọn còn “Vét” (Vest). Từ đó, nhiều người vẫn hay gọi chiếc áo khoác bên ngoài bộ âu phục và kể cả áo Blazer bằng tên “Vét/Vest”.
Nhưng với tiếng Anh của người Mỹ và Canada, “Vest” dù bắt nguồn từ từ “Veste” nhưng họ xem nó như chiếc áo cộc tay thuộc một phần trong bộ Comple ba mảnh. Nó được mặc trong áo khoác bên trong Suit Jacket với mục đích để làm đẹp, giữ ấm cho người mặc. Riêng với tiếng Pháp, người Pháp ngày nay gọi chiếc áo cọc tay này là “Gilet” hay “Gi-lê” khi phiên âm tiếng Việt.
Suit – Âu phục
Suit là cả một set đồ bao gồm áo, quần hoàn chỉnh như áo khác, quần âu, vest và giày tây Oxford. Một bộ âu phục sẽ được thêu dệt với cùng một loại vải, kiểu dáng và màu sắc (ton-sur-ton). Nhiều người thường nhầm lẫn Suit với Blazer và Vest. Tuy nhiên, điều đó sai hoàn toàn, hãy nhớ rằng Suit được dùng để chỉ cả một bộ outfit hoàn chỉnh.
Blazer – Tối giản, thoải mái và hiện đại
Khác với sự chỉnh chu, lịch thiệp mà Suit Jacket mang lại, Blazer là chiếc áo được thiết kế một cách tối giản và thoải mái hơn cho người mặc. Vai suôn mềm mại, phom dáng rộng thoải mái, thiết kế không cần mặc với quần cùng màu, chính vì những đặc trưng đó mà Blazer cũng trở nên năng động, dễ mang hơn dành cho tất cả đối tượng.
Áo Blazer phù hợp để sử dụng cho quy chuẩn ăn mặc (dress code) tương đối thoải mái như Business casual, Casual chic, Streetwear, Minimalist… hoặc khi đi ăn tối (Fine dining). Tuy nhiên, nó không phù hợp để mặc trong các buổi họp hay sự kiện mang tính trang trọng.
Nguồn gốc hình thành
Khởi nguồn
Trang phục tiền thân của âu phục xuất hiện từ khá lâu – cách ngày nay khoảng 400 năm. Bộ trang phục với áo sơ mi, áo khoác và quần chẽn đã được tìm thấy ở thế kỷ 17 trong những bức tranh cổ, đó như là bộ mặt mà bất cứ người đàn ông nào ở thời đại đó cần có. Theo ghi nhận, vua Charles II của nước Anh là người đầu tiên mặc âu phục. Sau một thời gian, trang phục này được mặc bởi giới thượng lưu và quý tộc. Năm 1670, kiểu áo váy túm ống đã được thiết kế bởi phong cách kiểu dáng nhỏ gọn hơn và được cắt ngắn tới đầu gối. Đó là thời điểm mà kiểu trang phục Comple ba chi tiết gồm áo ghi-lê, áo khoác và quần dài được chính thức giới thiệu lần đầu.
Đến đầu thập niên 1800, George Bryan Brummel, một người bạn thân của vua George IV đã tạo ra một phong cách thời trang cho nam giới hiện đại: trang phục may đo được cắt vừa vặn với khăn quàng cổ được thắt nút cẩn thận mà sau này gọi là cà vạt. Không chỉ tạo ra một kỷ nguyên mới về thời trang cho phái mạnh, Brummell còn mang đến tư tưởng mới hoàn toàn: đó là mọi quý ông nên chải chuốt và chú ý chăm sóc đến phong cách của bản thân. Tư tưởng này đã đưa âu phục trở thành thứ trang phục bắt buộc phải có của bất kỳ người đàn ông nào, đặc biệt tại châu Âu.
Trải qua một thời gian dài khoảng hơn 400 năm, được biến hóa qua tay các nhà thiết kế, thợ may, âu phục đã dần biến đổi với những cách tân phù hợp với cuộc sống. Đến thế kỷ 19, âu phục là ngôn ngữ thể hiện phong cách, thị hiếu thẩm mỹ, sự chu toàn trong ăn mặc, đề cao sự thành đạt và vẻ đẹp chuẩn mực trong cuộc sống của quý ông.
Thế kỷ 20
Trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất (1914-1918), quần áo may sẵn đã thay thế những bộ âu phục may đo. Đến những năm 20 của thế kỷ XIX, âu phục hiện đại chính thức xuất hiện và thay thế mọi kiểu cách xưa cũ. Bộ Suit lịch lãm của đàn ông lúc này thực sự đã tạo dựng nên “tiêu chuẩn vàng” kinh điển cho phong cách thời trang nam. Giai đoạn này đánh dấu sự trỗi dậy của Suit Jacket vạt ngắn – thay thế kiểu áo choàng dài đã lỗi thời.
Tuy nhiên, cuộc suy thoái kinh tế từ năm 1929 cùng cơn lốc chiến tranh khiến đàn ông phải từ bỏ loại trang phục xa xỉ để tiếp nhận những trang phục phù hợp hơn với thời cuộc. Đồng thời, sau mốc thời gian này này cũng mang tiếng nhiều thay đổi lớn cho âu phục. Trong năm 1935, âu phục với phần áo rộng nhưng tay thon đã được giới thiệu, quần tây được tinh chỉnh thon gọn ở vòng ống. Đến năm 1940, áo Ghi-lê bắt đầu được thiết kế theo hướng rộng hơn nhưng không tạo được sự thoải mái khi mặc nó. Sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai (1939 – 1945) kết thúc, đàn ông bắt đầu quay lại xây dựng kinh tế và diện âu phục cho những dịp quan trọng hay đi làm công sở.
Xuyên suốt thập niên 1940 và 1950, xu hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa đối với âu phục trở nên mạnh mẽ. Đến thập niên 1960, kích thước của ve áo đã được co lại ở một cỡ rất nhỏ. Thân chính được cắt dọc cánh một cách thẳng nhất có thể mà không có dấu hiệu nào của đường vòng eo. Sự định mức vải thay đổi về phong cách 1 cách đáng kể, góp phần lớn trong việc giảm các đường cắt trên sản phẩm may, chẳng hạn như áo Suit Jacket hàng cúc đôi. Suit Jacket hàng cúc đôi như nhân vật James Bond của Sean Connery đã giúp Suit trở thành một biểu tượng của sự lịch lãm vào thập niên 1960.
Thập niên 1970, kiểu comple bó sát trở nên phổ biến một lần nữa. Phong cách này chấp nhận sự quay trở lại của áo Gile, kiểu áo vest ba chi tiết được trình làng như thuở sơ khai. Cho đến thập niên 1980, phong cách đơn giản và lịch lãm đã trở lại với âu phục. Sự đơn giản đó chính là bộ Suit chỉ với quần, áo gi lê, và áo vest chỉ cài ba nút. Đây cũng chính là tiền thân cho bộ Suit nam giới hiện đại. Thập niên 1980 chứng kiến xu hướng đơn giản hóa bề mặt áo khoác- chúng rộng hơn và áo ghi lê đã gần như bị loại bỏ. Một số nhà sản xuất vẫn sản xuất áo ghi lê nhưng nó rất ngắn và thường có 4 cúc. Những năm 1985-1986, bộ Suit ba chi tiết có sự chuyển biến và dần trở thành kiểu áo Suit hai chi tiết (áo và quần) với 1 hoặc 2 hàng cúc.
Xu hướng Suit & Blazer ở hiện tại
Hầu hết các chuyên gia thời trang đồng ý rằng theo lịch sử, ba phong cách chính của âu phục được phân chia theo 3 quốc gia gồm Mỹ, Ý và Anh dù chúng đã trở nên phổ biến ở tất cả các quốc gia. Ngoài ra, với sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang thì hiện nay có thể kết hợp cả hai trong ba hoặc cả ba phong cách trên cho cùng một bộ Suit giúp bạn tạo nên sự đang dạng về kiểu dáng, mẫu mã để các chàng có thể thoải mái lựa chọn cho mình trang phục phù hợp nhất.
Cho đến ngày nay, âu phục và Blazer đã là một trang phục không thể thiếu, một loại “vũ khí bí mật” của các quý ông. Các quý bà cũng không ngần ngại thử sức với loại trang phục này khi được các nhà thiết kế thời đại mới tinh chỉnh để trở nên mềm mại, dịu dàng. Các kỹ thuật như “chích eo”, cắt ngắn, độn vai đã làm cho người phụ nữ ở thời đại mới không ngần ngại mà diện những bộ âu phục ra đường phố hoặc công sở như đấng mày râu.