Review phim: DIOR AND I – Bước ngoặt của Raf Simons hay tái hiện tâm hồn đẹp đẽ của Dior!

0

“Dior and I” không chỉ là bộ phim tài liệu giới thiệu cách một bộ sưu tập kỳ công ra đời; bởi hơn 90 phút trôi qua, đạo diễn đã gói gọn những gì tinh túy nhất của nhà mốt lừng danh hàng chục thập kỷ qua hình ảnh của Raf Simons và những nghệ nhân ở đây.

Chọn Dior And I để xem trong một chiều mưa tầm tã nơi góc quán quen thuộc, hoà mình vào tác phẩm để đời của Raf Simons tại Dior và cũng để cảm nhận những gì đẹp đẽ nhất, ý nghĩa nhất mà đạo diễn muốn lột tả qua bộ phim. Có thể nói, nếu bạn mới bước chân vào làng thời trang thế giới, muốn tìm hiểu về nó nhiều hơn thì Dior And I là sẽ là bộ phim thích hợp nhất bởi dễ xem, dễ hiểu, dễ cảm nhận những niềm thổn thức khi từng chi tiết trên những bộ trang phục lộng lẫy dần thành hình.

Được thực hiện bởi Frederic Tcheng – vị đạo diễn từng làm nên những tác phẩm nổi tiếng khác như “Valentino: The Last Emperor” (2008) và “Diana Vreeland: The Eye Has To Travel” (2011) nên hẳn nhiên “Dior And I” rất đáng xem. Hơn hết, nó đã cho người ta thấy sự sáng tạo, chỉn chu và cả những tâm huyết về “tình yêu Dior” bên trong những con người kỳ cựu nhất ở đây – những người đã mất hơn một tháng để đổi ba mươi phút mãn nhãn trên sàn runway.

Ngay từ cái tên, bộ phim đã thể hiện rất nhiều khía cạnh khác nhau. “Dior Anh I” và “I” ở đây có thể là Raf Simons với hình ảnh rất khác, có thể là những người chế tác nhỏ bé nhưng tâm hồn vĩ đại hoặc có thể là chính Christian Dior – người sáng lập thương hiệu thời trang đình đám này.

Một Raf Simons ngại ngùng trước nhà mốt lừng lẫy:

Dior – nhà mốt lừng danh đã từng khiến thế giới chao đảo nín thở trước mệnh tồn vong khi ngai vàng “Giám đốc sáng tạo” phải bỏ trống khi nhà thiết kế nổi tiếng ngu ngốc, lắm tài nhiều tật John Galliano chính thức bị Dior “từ mặt”. Đó là một giai đoạn chông chênh đáng nhớ mà lịch sử thời trang ghi lại cục diện, cho đến khi Raf Simons – vốn là một nhà thiết kế theo trường phái tối giản (minimalism) chuyên trị thời trang ready to wear bất ngờ được bổ nhiệm ngồi vào chiếc ghế quyền lực đó và thực hiện bộ sưu tập haute couture đầu tiên trong đời mình với thời hạn deadline là 1 tháng.

Cách thức Raf Simons tiếp quản nhà mốt Dior đã từng là một bí mật đối với giới mộ điệu, nhưng khi người ta nhìn thấy những gì anh trải qua từ lúc bắt đầu đến khi sàn runway đóng lại mới thật sự là câu trả lời thỏa đáng. Điều đáng chú ý nhất trong phim khi Raf Simons vốn là “thầm lặng” lại bộc bạch những cảm xúc thật nhất của mình trong suốt quá trình trở thành “người nhà Dior”.

Ai cũng thấy rằng Raf như đang gánh cả một quả đồi trên vai, làm thế nào để hoà hợp couture và ready to wear?. Không ngại thử thách, điều đầu tiên Raf Simons có thể làm là gợi cho thế giới nhớ đến một Christian Dior sau rất nhiều năm dài bị ảnh hưởng bởi nhà thiết kế tiền nhiệm. Anh dành rất nhiều tháng trong kho lưu trữ nhà Dior để bắt tay thực hiện bộ sưu tập và anh chọn sử dụng lại thiết kế “chiết eo” đặc trưng của nhà mốt này cũng như gắn thêm những ý tưởng táo bạo của anh.

Ngoài việt thiết kế ra 54 bộ outfit, anh còn lên ý tưởng cho sàn runway. Lấy ý tưởng từ “Flower Puppy” của Jeff Koon, anh quyết định đính hoa lên cả 5 căn phòng theo các tông màu khác nhau. Đến tận bây giờ, người ta vẫn nhớ sàn runway với 300.000 bông hoa tươi phủ ngập gian khánh tiết và show diễn haute couture mùa Thu/Đông 2012 đã diễn ra thành công, rực rỡ như một sự nhắc nhớ đến quyền năng trường tồn của thiết kế New Look.

Đạo diễn của “Dior anh I” đã tiết lộ rằng Raf thực chất là một người đàn ông đa cảm và có phần rụt rè, ban đầu anh đã từ chối thực hiện cuốn phim tài liệu này vì thật không dễ dàng gì để đứng trước máy quay trong những thời kỳ khó khăn nhất sự nghiệp của anh. Thậm chí, đã có lúc áp lực dâng cao đến mức Raf Simons muốn trốn tránh hoàn toàn máy quay, lên mái nhà và… khóc. Vậy nên những thước phim này ẩn chứa nhiều góc khuất đằng sau Raf hơn chúng ta tưởng.

Bộ phim truyền tải cả những lúc Raf đơn giản trong bộ trang phục có phần “công sở” dù là nhà thiết kế đại tài hay những lúc Raf sáng tạo giữa không gian với tiếng nhạc thật lớn và anh hát theo chúng, hay những lúc Raf vật lộn với hàng tá những mẫu thiết kế khác nhau và quyết định xem chất liệu vải, hoạ tiết và kiểu dáng như thế nào thì giữ nguyên cái hồn đẹp đẽ sẵn có của nhà sáng lập Christian Dior mà vẫn mang cá tính của anh.

Tôi nghĩ rằng điều đó đã cho thấy ông ấy là 1 người rất chu đáo.” – Đạo diễn đã chia sẻ về Raf như thế – một cách chân thật và có lẽ sự chu đáo nằm hết ở bộ sưu tập của ông ở nhà Dior.

Thành quả vĩ đại từ những con người nhỏ bé:

Dior là niềm tự hào của người Pháp vì những chiếc váy haute couture là đỉnh cao của sự sáng tạo, kỹ nghệ, là tuyên ngôn thể hiện đẳng cấp của nhà mốt và thành công của Dior đã vực dậy thời trang Paris sau chiến tranh, giành lại ngôi số một trên thế giới. Điều đó phần lớn không chỉ đến từ nhà thiết kế mà còn đến từ những nghệ nhân trong xưởng chế tác của Dior, khi người làm lâu nhất có thâm niên lên đến gần 50 năm.

Ngay cả chính đạo diễn Frederic Tcheng cũng cho rằng những nghệ nhân nhỏ bé lại là người vĩ đại nhất, sự kết hợp giữa cách suy nghĩ hiện đại của Raf và cách những người con người nhỏ bé ở Dior tiếp cận khiến người xem bị cuốn theo bởi tình cảm của những “người nhà Dior” với nhau. Hình ảnh của các nghệ nhân được phác hoạ rất rõ, mỗi người một công đoạn chặt chẽ đến mức không thể thiếu 1 ai trong số họ cho đến việc họ chia nhau hàng trăm chai Coca lạnh khi chúng đã được gửi đến văn phòng.

Ở đó, những nghệ nhân nói chiếc váy họ đang làm như chính đứa con của mình vậy. Khi hoàn thành các sản phẩm, họ vui buồn lẫn lộn. Họ hạnh phúc khi các đứa con của mình đã lên sàn runway thật thành công nhưng cũng là lúc họ nói lời tạm biệt với bộ sưu tập mình chật vật tạo nên. Từ điều đó, “I” được nhắc đến ở tên phim như ẩn chứa tình yêu nghề và sự gắn bó suốt nhiều năm của nghệ nhân Dior – những người đã âm thầm giữ hồn cho ngôi nhà Dior rạng danh giữa lòng Paris. Và rất nhiều người xem đã khen ngợi Tcheng khi đã để các nghệ nhân chiếm spotlight gần như 50% màn ảnh vì dù họ là những người làm việc phía sau sàn runway, nhưng không đồng nghĩa họ không được biết đến.

Tôn vinh những giá trị vốn có của nhà mốt Dior:

Những tuyệt tác lộng lẫy được thổi luồng sinh khí mới qua cách thiết kế hiện đại, tối giản nhưng tiềm ẩn sự xa hoa trong kỹ thuật xử lý chất liệu, đã tôn vinh di sản Dior trên cả tuyệt vời – đó là những ấn tượng về BST haute couture đầu tiên Raf Simons thực hiện cho cố nhà thiết kế thời trang danh tiếng nước Pháp. Nhà báo của tạp chí Vogue nhận xét: “Thật thú vị khi được chứng kiến cách anh ấy thổi hồn vào những ý tưởng cũ”.

Bộ phim như hồi ức của cố nhà thiết kế thời trang Christian Dior qua Raf Simons của hiện tại. Có một phân đoạn thể hiện rằng tuy Raf là một nhà thiết kế tài năng, nhưng anh lại rất e dè trước ống kính. Raf Simons có nói rằng “Nếu anh bắt tôi đi hết sàn runway tôi sẽ xỉu đó”. Điều này cho thấy vì sao nhà mốt Dior lại chọn Raf cho chiếc ghế Giám đốc sáng tạo, tính cách của anh rất giống với Christian Dior. Tuy Dior là thương hiệu hàng đầu thế giới nhưng cố nhà thiết kế lại là người trái với hình ảnh đế chế đó, ông là người nhẹ nhàng và e dè. Có lẽ ở đâu đó ông vẫn đang theo dõi ngôi nhà và mình xây dựng nên và thật bất ngờ khi Raf đã chọn những thiết kế New Look “chiết eo” một thời để làm mới lại.

Những giá trị cốt lõi nhất của Dior đã được thể hiện trọn vẹn qua bộ phim và nếu bạn cũng thích nhà mốt này thì không thể ngó lơ Dior and I được. Quả là một bộ phim đầy sự nữ tính, đầy tình yêu thời trang nhưng cũng rất mạnh mẽ, kiên cường qua những tâm hồn thật đẹp của “người nhà Dior”.

By VD

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here