Có bề dày lịch sử lên đến 35 năm với nhiều thiết kế đa dạng cùng giá bán lẻ ban đầu chỉ vài triệu đồng tiền Việt Nam. Nike Dunk có gì hấp dẫn khiến cho các đầu giày sẵn sàng bỏ ra NỬA TỶ để sở hữu một đôi SB Dunk “Paris” giống như Travis Scott đi dưới đây?
Nguồn gốc ra đời Nike Dunk
Vào năm 1985, tân binh Michael Jordan càn quét sân bóng rổ với Air Jordan 1 đã mang lại nhiều thành công về doanh thu lẫn tiếng tăm về cho công ty mẹ. Tuy nhiên, Nike không chỉ dừng lại tại đó. Chỉ vài tháng sau, đợt Nike Dunk đầu tiên được phát hành thông qua chiến dịch mùa hè mang tên “Be True To Your School”. Không khó để có thể biết được ai là cha đẻ của dòng sản phẩm này, khi phần outsoles được giữ nguyên bản từ Air Jordan còn upper được lai tạo với Nike Terminator, và cả ba đều là thiết kế in đậm dấu ấn của Peter Moore trứ danh.
Nike Dunk ghi điểm tuyệt đối trong lòng người tiêu dùng lúc ấy với 8 phối màu nổi bật đầy cá tính, lấy cảm hứng từ màu áo đấu của các đội bóng đến từ các trường đại học khắp nước Mỹ, UNLV, Arizona, Iowa, Georgia, Syracuse, Georgetown và Kentucky bên cạnh những sản phẩm cùng chủ đề “College Colors” khác như áo quần, túi thể thao, … Bạn muốn có một đôi Nike “Like Mike” nhưng bạn không phải fan của Chicago Bulls cũng như màu áo trắng-đỏ-đen ư, không sao cả, đã có Nike Dunk với đủ các lựa chọn màu tùy thích.
Thị trường bị bão hoà cuối những năm 80
Cùng với thành công của Air Jordan 1 và Nike Dunk, các công ty khác nhận ra cuộc đua giành thị phần giày bóng rổ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đồng nghĩa với việc các sản phẩm cạnh tranh liên tục được cho ra mắt. Hình ảnh Nike Dunk dần phai đi nhanh chóng trong cộng đồng người tiêu dùng. Tưởng như cơn sốt Dunk đã dần thoái trào thì vào năm 1986, Dunk lại xuất hiện trước công chúng theo cách riêng, không phải trên sân hardwood bóng bẩy cùng những tiếng nện bóng chắc nịch, mà được “bào” mòn trên bề mặt giấy nhám grip-tape cùng với chiếc ván trượt nhờ Mark Gonzales và Z-Boys – những gương mặt nổi trội trong giới skateboard thời bấy giờ. Chứng minh sức sống của Dunk là bất diệt, như ngọn lửa âm ỉ luôn mang đầy hy vọng về sự chuyển mình.
Năm 1999, Nike tái phát hành bộ sản phẩm “Be True To Your School” và thêm vào đó với vô số phối màu mới mà đáng nói nhất là “Wu-Tang” – một nhóm nhạc hip-hop thành công nay đã trở thành một phần trong văn hoá đường phố ở Mỹ và khắp thế giới – với logo “Wu W” đặc trưng trên phối màu đen-vàng “Iowa” truyền thống. Điều này góp phần tạo tiền lệ cho việc phát hành các limited editions vốn là thế mạnh của Nike từ trước đến nay.
Sưu tập Dunk: “ngon” nhưng không dễ “ăn”
Nếu như các phối màu được yêu thích của Air Jordan cách vài năm sẽ được retro thì với Dunk người tiêu dùng không có nhiều thời gian để quyết định. Các phối màu nổi trội đều có một câu chuyện đi cùng, hoặc một ý nghĩa riêng, đặc biệt với các phát hành dưới dạng collab hoặc regional (giới hạn theo khu vực). Bạn muốn sở hữu nó, bạn phải cố gắng để có được nó hơn rất nhiều lần vì cơ hội sẽ không đến lần hai. Điều này làm tăng mức “cầu” hơn so với mức “cung”, và khi cung bé hơn cầu, giá trị sản phẩm sẽ không bao giờ bị trượt giá mà chỉ có tăng dần đều theo thời gian mà thôi. Supreme cũng đang làm điều tương tự trong suốt thời gian vừa qua.
Viên gạch đầu tiên của đế chế Nike Dunk được đặt xuống mang tên Stussy x Nike Dunk. Năm 2001 đánh dấu cột mốc đầu tiên của thời kì huy hoàng mang tên Nike Dunk. Chỉ phát hành trong hai tuần, ba phối màu, bốn cửa hàng duy nhất trên toàn thế giới – New York, Los Angeles, London và Tokyo, vỏn vẹn 12 đôi được phép bán ra trong một ngày cho mỗi phối màu. Nike thật sự biết cách khiến cho dư luận chú ý đến mình. Tiếp theo đó là bộ ba huyền thoại Supreme x Nike Dunk High cùng những phát hành nổi bật khác. Nếu bạn nào là fan của dòng phim “Step Up” thì đôi “Gunmetal” chàng Moose yêu thích là một đôi Dunk chính hiệu.
Skateboarding – SB Dunk: Biến hoá nhưng không biến tướng
Năm 2001, tổng giám đốc của Nike SB – Sandy Bodecker – tìm ra giải pháp nhằm giải quyết hai vấn đề lớn của Nike lúc bấy giờ, hướng đi tiếp theo cho Nike Dunk và một dòng sản phẩm chiến lược dành riêng cho giới skateboarding. Câu trả lời chính là tái thiết và cải tổ thiết kế Dunk hiện hành. Lưỡi gà dày hơn, lót giày êm hơn và đế giày bằng cao su được cải tiến phù hợp với mục đích mới hơn. Điểm nhấn cuối cùng là logo “Nike SB” chễm chệ ngay chính giữa thiết kế, thay cho logo “Nike Swoosh” đặc trưng trên lưỡi gà.
Sự nổi loạn về màu sắc, phá cách về chất liệu cũng như tuỳ biến trong thiết kế được giữ nguyên khiến Nike SB Dunk chứa đựng nhiều cá tính hơn các sản phẩm cùng thời. Bản collab thứ hai của Nike với Supreme là minh chứng rõ ràng nhất. Nhiều năm sau đó, Nike đều đặn phát hành những phối màu “dân dụng” song song với các phiên bản “để trưng” hiếm có khó tìm khiến các đầu giày ráo riết sưu tập cho bằng được, tiêu biểu như “Commes des Garcon”, “Paris”, “Pigeon”, “Tiffany”, bộ ba thành viên gia đình nhà gấu “Bear”, … cho thấy SB Dunk luôn có vị trí đặc biệt trong lòng những người yêu giày thực thụ.
Tượng đài bất diệt trong lòng người hâm mộ
Thời trang là một vòng lặp, sở thích sở ghét của mỗi cá nhân cũng tăng giảm và thay đổi theo thời gian. Tưởng như Dunk và SB Dunk đã vào độ “chững” của mình rồi thì một lần nữa ngọn lửa âm ỉ suốt 35 năm lại bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi Virgil Abloh – cha đẻ của Off-White – và Travis Scott – rapper có tài đốt cháy sân khấu mỗi khi on stage – liên tiếp trình làng những sản phẩm mang đầy dấu ấn cá nhân của mình mà không làm mất đi tính nổi loạn phá cách cũng như đặc trưng vốn có của thiết kế nguyên bản. Viên ngọc quý Nike Dunk càng nhận được nhiều sự chú ý từ các sneakerheads cả cũ lẫn mới và giới resellers. Ai mà ngờ được chỉ sau vài đêm ngắn ngủi, một đôi Dunk hay là SB Dunk giá chỉ vài triệu đồng tăng vọt gấp mười lần tại các “chợ đen” như StockX, GOAT, Grailed đâu, phải không nhỉ?
Nguồn tư liệu: Hypebeast, Grailed, Sneakerfreaker, StockX …