Minh Kha và Steal: May mắn vì chọn được việc làm mình hạnh phúc!

0

23 tuổi với 7 năm kinh nghiệm theo đuổi đồ si, “ông chủ” của Steal – Minh Kha gây ấn tượng với Street Vibe rất nhiều với tâm huyết anh dành cho đồ si.

Minh Kha (23 tuổi) hiện là Founder của Steal – một tiệm đồ si tại TP. HCM.  

Street Vibe gặp Minh Kha tại Steal vào ngày cuối tuần, tiệm khá đông nhưng bất ngờ tụi mình được Kha tiếp đón rất chu đáo. Cuộc trò chuyện bắt đầu với ly nước sâm Kha chuẩn bị và lời chào của Kha: “Chào bạn, mình là Minh Kha, founder của Steal, cám ơn các bạn hôm nay đã ghé thăm cửa hàng nha!”.

Và rồi, cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra.

  1. Chào Minh Kha, rất vui được gặp Kha. Được biết kha đã theo đuổi đồ si được 7 năm. Vậy đâu là cơ duyên đưa bạn đến với nó?

Mình đến với đồ si năm 2015, khi ấy là cuối năm lớp 11, mình 17 tuổi. Lúc đó đi chơi hiphop thấy mọi người mặc đồ đẹp quá rồi mình hỏi ra mới biết đó là đồ si. Hồi cấp 3 mình cũng bán đồ online tùm lum hết!  Đến một lúc thị trường trước không ổn nữa. Mình mới nghĩ xem bán gì vốn ít, lợi nhuận nhiều và mọi người phải mua thường xuyên. Thế là mình đến với đồ si và bắt đầu với 500 nghìn tiền vốn. Rồi mình “lún” vô công việc này luôn đến giờ luôn (cười).

  1. Khi đi săn đồ si, đối với cá nhân Kha, tiêu chí nào được bạn coi trọng nhất?

Có 3 tiêu chí: chất liệu, form đồ và thi công. Một món đồ được đem bán khi đạt được 3 tiêu chí trên. Ngoài ra, mình rất thích những brand hiphop ngày xưa. Cách mà thương hiệu làm đồ và cả câu chuyện của thương hiệu đó, nó có cái gì đó rất hay mà mình bị cuốn vào . Ví dụ hình in trên chiếc áo thun, những góc nhìn, những tư duy để vẽ ra cái hình đó hay cách người ta thi công,… là điều mình thích khi lựa chọn một món đồ si. 

  1. Minh Kha có khi nào bị áp lực, nản hay muốn từ bỏ công việc hiện tại chưa?

Chưa. May mắn vì mình chọn được công việc làm mình thấy vui và hạnh phúc. Gặp khó khăn, thất bại thì mình cố gắng làm lại, nó không gọi là áp lực. Mình chỉ thấy buồn khi mình đã cố hết sức nhưng không làm ra được thứ mình muốn thôi.

  1. Kha có kỷ niệm vui/buồn nào bạn vẫn nhớ đến tận bây giờ không?

Có, đó cũng là kỷ niệm mình lấy làm niềm vui và mang nó đến cho các bạn ở Steal. Thời điểm cuối lớp 11, cứ cuối tuần, mình sẽ chạy xe từ Tây Ninh xuống Sài Gòn để giao hàng rồi đi săn đồ si. Lúc đó, những bữa ăn bất ngờ của những chủ cửa hàng là điều làm mình vui nhất. Mình vừa tới là họ mua cơm, mua nước rồi kêu “Ăn cơm đi hả làm hàng”. Vậy nên, đến bây giờ mình cũng tự xuống bếp nấu cơm và ăn chung với mọi người ở Steal luôn. 

steal
“Cái này như nấu đám tiệc chứ không phải nấu bình thường. Mình nấu cho 11 đứa ăn lận!” (cười) – chia sẻ hài hước của Kha. 

“Mình đã hài lòng với Steal của hiện tại”

Vân Huyền: “Mình nghĩ mình được chọn chứ không phải mình chọn làm việc ở Steal”.

Thiên Kim: “Mình may mắn gặp được bạn của anh Kha. Nhờ bạn ấy mà mình đến được với Steal”. 

Phương Trinh: “Steal là một môi trường mình có thể học hỏi được rất nhiều thứ. Mình thích mọi người ở đây!

Như Quỳnh: “Chỉ đơn giản là lửa gặp lửa vậy thôi.” (cười).

Đó là chia sẻ của các bạn ở Steal khi được hỏi về lý do chọn làm việc tại đây. Điều khiến các bạn yêu mến nơi này phần nhiều có lẽ do cái tâm mà Minh Kha đã đặt vào nó. 

steal
Kha chia sẻ: “Giờ nhân viên ở đây toàn là nữ thôi!

  1. Riêng tại TP. HCM đã có khá nhiều cửa hàng đồ si. Ngay trong hẻm này cũng có người bạn 3BICH. Vậy theo Minh Kha đâu là điểm làm nên sự khác biệt của Steal?

Theo cá nhân mình cảm nhận đó là việc lắng nghe mọi người. Mình là một người rất khó tính khi đi mua hàng vì chuyện abc nào đó. Những chuyện đó khi về cửa hàng của mình mình sẽ sửa hết. Mình sẽ không để khách hàng gặp các vấn đề như vô không ai chào hỏi, làm khách hàng của mình có cảm giác “lơ lửng” khi mình bước vô shop của mình.

steal
Kha cùng các bạn nhân sự tại Steal. Ảnh: Red Onion
steal
Bữa cơm Minh Kha tự tay nấu cho các bạn. 
  1. Thành công lớn nhất của Steal kể từ khi hoạt động đến nay là gì?

Là tìm được các bạn nhân viên hiện tại. Với mình đó là cái quý nhất rồi. Mình làm cái gì cũng vậy, có thời điểm mình sẽ không thấy vui khi làm việc với những người không phù hợp. Khi có được tất cả những bạn nhân viên ở đây, chỉ cần làm chung với các bạn, mình làm gì cũng được hết! 

  1. Thất bại lớn nhất của Steal kể từ khi hoạt động đến nay là gì?

Mình bắt chước người khác! Lúc đó mình thấy những shop secondhand khác lấy số lượng làm lợi nhuận, rồi mình loay hoay và quyết định theo hướng đó. Lần đó mình lỗ tổng cộng 600 triệu. 

steal
steal
steal
Thanh Cao và Thuỷ Tiên đến mua đồ tại Steal.
  1. Vậy hiện tại Kha đã hài lòng với Steal chưa? 

Rồi, mình đã hài lòng với Steal của hiện tại. Mình chỉ muốn hàng hoá nhiều hơn, đa dạng hơn còn lại tất cả thứ khác đều ổn hết. Vì tụi mình không bán online nên có nhiều bạn khách từ xa đến để mua đồ. Nếu mình không có đồ để hỗ trợ cho các bạn khách thì tội họ. Mình muốn hàng hoá thật nhiều, thật đa dạng để hỗ trợ cho các khách của mình. 

Chia sẻ về dự định của mình trong tương lai, Kha hào hứng:

Hiện tại Steal có một kho lưu trữ những món đồ mình thích và những món có giá trị cao. Mình không mặc, chỉ để lưu trữ như một cái gallery. Vì mình đang ấp ủ cho cửa hàng thứ ba của mình, một cửa hàng chuyên về đồ vintage. Mình muốn một cửa hàng có đầy đủ tất cả mọi thứ ở đó luôn. Để có thể đưa văn hoá này đến nhiều người hơn, giới thiệu với mọi người đâu là đồ của những năm 60, năm 70. Lúc đó mình mới thuyết phục khách hàng: Đây là vintage nè!

steal

Một số vấn đề về đồ si 

  1. Đồ si có giống đồ vintage? 

Nó là hai chủ đề khác nhau. Theo định nghĩa của mọi người, quần áo chỉ cần có từ 25 năm, 30 năm trở lên sẽ gọi là vintage. Không hẳn như vậy. Nếu quần áo cũ nhưng chỉ “tái bản” thì gọi là retro thôi. Định nghĩa vintage bao gồm cả lịch sử, điều kiện và bối cảnh của một thời kỳ trong quá khứ. Những chiếc Levi’s jacket type 1 nó khác, type 2 nó khác, type 3 nó khác. Đó là do nó gắn với 3 bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Quần áo vintage là món đồ phải ra đời đúng thời kỳ của nó. Đó gọi là True Vintage. 

Ví dụ một chiếc áo ra đời vào những năm 40 nhưng được làm lại vào những năm 60 thì có thể gọi là Vintage nhưng theo một nghĩa khác. Cũng là chiếc áo ấy nhưng ra đời năm những 80 90 trong một sự kiện nhạc rock hay ra đời trong thời đại Hiphop sẽ được gọi là True Vintage.

Nói thêm về vintage. Không có vintage style chỉ có vintage lifestyle. Nghĩa là mình sống theo cách của thời kỳ trước. Vintage không thể chỉ là một bộ quần áo, vintage phải là một lối sống. Như việc uống cà phê, chạy xe, cắm trại… gom lại sẽ thành vintage lifestyle.

Nhưng nói cho cùng, với mình quần áo chỉ là quần áo thôi! Mình có thể “gắn mác” này cho nó thì người khác cũng có thể “gắn mác” khác, hiểu theo cách khác. Điều quan trọng là cộng đồng, sân chơi, sự giao lưu với nhau. vậy nên mỗi người có một định nghĩa riêng về vintage, về đồ si là tốt nhất!

steal
Minh Kha trong một buổi chụp ảnh tại Steal.
  1. Theo Kha chính xác đồ si là gì?

Đồ si là đồ cũ, đồ secondhand, đồ used, nó à một lĩnh vực khác không với đồ vintage. Đồ si đơn giản là đồ do Liên hợp quốc hoặc những tổ chức khác đứng ra quyên góp, nhận quyên góp của những nước phát triển đem tặng lại cho những nước chưa phát triển.  

  1. Vậy việc săn đồ si có thể được xem là một nét văn hóa không? 

Có. Theo cá nhân mình, đồ si được thích bởi việc mình được đi săn đồ. Có lẽ đó cũng là văn hoá đồ si từ trước tới giờ. Trong việc săn si sẽ có 2 kiểu người: kiểu người như mình – chỉ thích hand pick, tự đi săn, được cái gì giữ cái đó; kiểu khác – họ sẽ mua thông qua reseller. Cái nào cũng ok hết. 

Kha hiện tại cũng “kiêm vị trí photographer và đầu bếp” cho Steal.
  1.  Đứng từ góc nhìn của Minh Kha, Kha nhận thấy “văn hóa đồ si” ở Việt Nam hiện đã phát triển chưa?

Theo mình thấy văn hoá này đã có nền móng ở Việt Nam nhưng vẫn chưa đủ vững. Cụ thể là sự liên kết với nhau về quần áo. Hiện tại mình thấy mọi người chưa thống nhất được quan điểm. Vấn đề nằm ở chỗ là những người chơi không tìm được điểm chung của cái văn hóa này là gì. Một phần là do nó nằm ở cá tính, quan điểm của những người chơi. Theo mình làm gì cũng vậy, nếu nó là văn hóa thì bản thân nó là văn hóa thôi! 

Cảm ơn những chia sẻ của Minh Kha và sự nhiệt huyết của đội ngũ Steal!

Bài viết và thực hiện phỏng vấn: Vân Anh
Hình ảnh: Vân Anh và tổng hợp
Biên tập bài viết: Ái Huỳnh

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here