Mặt trái Fast Fashion: Thời trang không phải là bóc lột sức lao động (Phần 2)

0

Bên cạnh vấn đề gây ô nhiễm môi trường, Fast fashion còn chứa đựng những góc khuất trong xã hội về vấn đề bóc lột sức lao động của phụ nữ và trẻ em – những nhân tố vốn được bảo vệ toàn diện trên thế giới.

Ở kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu về việc Fast Fashion đang tổn hại đến môi trường như thế nào, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và ngành thời trang đã bắt đầu có xu hướng thay đổi trong những năm gần đây ra sao. Tại bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khía cạnh khác của Fast Fashion mà theo đó, những góc khuất về vấn đề lao động trong xã hội ẩn sau mỗi sản phẩm đều được phơi bày.

Bạn có thể đọc lại bài viết trước tại đây.

Phụ nữ và trẻ em bị cưỡng bức lao động

Theo tổ chức phi lợi nhuận Remake, 80% sản phẩm may mặc từ Fast Fashion được sản xuất bởi phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 24. Và cũng theo một báo cáo khác của Bộ Lao động Hoa Kỳ năm 2018 tưng đưa ra các bằng chứng về cưỡng bức lao động nữ và trẻ em trong ngành thời trang ở Argentina, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc , Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Bản chất của Fast Fashion là sản xuất ồ ạt, liên tục, không theo mùa cũng đồng nghĩa với việc các thương hiệu cần rất nhiều nhân lực tại xưởng gia công của mình và hiển nhiên doanh số, lợi nhuận nằm trên phúc lợi của nhân viên. Vì thế, họ không ngại nhận phụ nữ và trẻ em miễn là năng suất sản xuất tương ứng với nhu cầu người tiêu dùnh, thậm chí, sản xuất càng nhiều để bán được càng nhiều. Tại Myanmar, một đứa trẻ 14 tuổi từng bị bắt làm việc 12 tiếng/một ngày và với người trưởng thành còn nhiều hơn thế.

Fast fashion luôn có giá thành rẻ và để bán ra thị trường mức giá có-thể-chấp-nhận được đó các xưởng may và các thương hiệu không chỉ sử dụng vật liệu kém bền mà cả tiền lương cho nhân công cũng chẳng được bao nhiêu. Giả sử một cái áo được bán với giá 5 đô thì tiền lương cho công nhân có khi chưa đến 1 đô. Hành động này có thể gọi là “bóc lột lao động” và nên nhận về những hình phạt thích đáng.

Trong cuốn sách No Logo của Naomi Klein, một vài lập luận được ra như sau: Các quốc gia đang phát triển thường được các hãng đặt xưởng may vì lý do “lao động giá rẻ, tiền thuế thấp, luật pháp và quy định dễ luồn lách”. Điều đó dựa trên nguyên lý “người khó khăn thì luôn cần việc, còn họ thì luôn cần tiền và những ích lợi trước mắt”.

Thông thường, “bóc lột lao động” chỉ diễn ra ở các nước kém phát triển. Còn ở những nước đang phát triển, tiền lương được trả vừa đủ cho một nhân công. Thế nhưng, số tiền đó vẫn ít hơn rất nhiều nếu các hãng thuê nhân công ở những nước phát triển.

Cụ thể hơn, ở Bangladesh, công nhân làm việc trong xưởng may tồi tàn sẽ kiếm được 30 đô la mỗi tháng, trong khi mức sống của họ cần ít nhất 60 đô la thì mới có thể chi trả cho những chi phí cơ bản nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Môi trường làm việc tệ hại và không có chính sách đãi ngộ

Ngoài việc bóc lột sức lao động, các thương hiệu Fast Fashion không có chính sách đãi ngộ cho nhân viên, lại để họ làm việc tại các xưởng may với môi trường luôn không sạch sẽ, chứa đựng nhiều mầm bệnh. Bên cạnh đó, các loại máy móc, trang bị thiết bị lại quá nguy hiểm, cộng với hoá chất dệt may được xem là chất độc hại bậc nhất đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ nhân công nhưng họ không có lấy một trang thiết bị bảo hộ.

Từ năm 1990, do điều kiện làm việc nguy hiểm, hơn 400 công nhân đã chết và hàng ngàn người bị thương trong 50 vụ cháy nhà máy. Vào năm 2013, một nhà xưởng may tám tầng đã sụp đổ ở thủ đô Bangladesh, làm chết 1.134 công nhân và làm bị thương hơn 2.500 người. Những con số này đã thay lời ngành thời trang nói rằng “sự xuất hiện của Fast Fashion và một cơ số thương hiệu tồn tại, phát triển đã hình thành và che giấu góc khuất tệ hại, biến ngành thời trang trở thành ngành công nghiệp xấu trên thế giới dẫu rằng quần áo, giày dép là để đẹp!”

Theo phim tài liệu The True Cost, ước tính cứ sáu người thì có một người làm việc trong ngành công nghiệp thời trang, khiến nó trở thành ngành ảnh hưởng đến nhân lực lao động nhất cũng như phụ thuộc vào tình hình dân số và tính chất xã hội. Những quốc gia đang phát triển cũng hiếm khi tuân theo các quy định về môi trường. Ví dụ như Trung Quốc được mệnh danh là “nhà xưởng lớn nhất” của thời trang nhanh nhưng cũng nổi tiếng với suy thoái đất và ô nhiễm không khí, nước.

Vì các thương hiệu nắm được đòn tâm lý người khó khăn thì luôn cần tiền chi trả cuộc sống cơ bản nên chính sách đãi ngộ cho nhân viên tựa như…chuyện chưa từng tồn tại ở các xưởng may phục vụ Fast Fashion. Không có quy định về độ tuổi, thời gian làm việc, chỉ có ai cần tiền thì được nhận, không có ngày nghỉ, không có bất kỳ hỗ trợ nào từ các thương hiệu đang ngày đêm “cần mẫn” bán ra thị trường hàng tá quần áo mới.

Biện pháp nào đang được các tổ chức đưa ra?

Với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Fast Fashion lên cả môi trường lẫn nguồn nhân lực, các tổ chức lớn mạnh đã và đang đề ra các biện pháp thiết thực nhằm ngăn chặn sự huỷ hoại của chúng.

Như Viện Tài nguyên Thế giới đã gợi ý rằng các công ty cần thiết kế, thử nghiệm và đầu tư vào mô hình kinh doanh tái sử dụng quần áo và tối đa hóa. Hay như Liên Hợp Quốc đã cho ra đời và công bố Liên minh Thời trang bền vững để giải quyết các thiệt hại do Fast fashion gây ra, ráo riết tìm cách ngăn chặn các hành vi hủy hoại môi trường và xã hội từ ngành công nghiệp thời trang nhanh này.

Các nhà bán lẻ khác như adidas đang thử nghiệm thiết bị được tự động hóa để giảm bớt công việc cho nhân công. Hay Ralph Lauren đã tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng 100% nguyên liệu chính có nguồn gốc bền vững vào năm 2025 để bảo vệ sức khỏe cho nhân công cũng như vì yếu tố môi trường.

Chính phủ cũng đã tham gia tích cực vào ngành công nghiệp thời trang. Đơn cử là tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã ký một hiệp ước với 150 thương hiệu để làm cho ngành công nghiệp thời trang bền vững hơn thay vì như các bộ trưởng Anh – những người đã từ chối báo cáo của các thành viên quốc hội về việc giải quyết tác động môi trường của thời trang nhanh.

Thời gian gần đây, các thương hiệu luôn tìm cách để “greenwashing” hay “tẩy xanh” các sản phẩm của mình với những lời kêu gọi vì môi trường, nhưng thật chất đó chỉ là cách mà họ “tẩy trắng”, che lấp những tai tiếng về vấn đề lao động việc làm.

Cho đến hiện tại, câu chuyện về bóc lột sức lao động dường như vẫn chưa đi đến hồi kết và mãi là câu hỏi khó giữa lòng xã hội dù là bất cứ đâu trên thế giới. Bởi suy cho cùng, ngày nào Fast Fashion còn tồn tại, ngày đó những vấn đề này vẫn khó giải quyết triệt để. Giống như thức ăn nhanh vốn không tốt nhưng vì chúng ta luôn thích ăn nên các cửa hàng mọc lên như nấm; còn Fast Fashion dù ảnh hưởng xấu lên môi trường và xã hội nhưng lại phù hợp với đại đa số mức sống của người tiêu dùng nên hằng năm chúng vẫn cứ vận hành như một lẽ tất yếu.

Sau tất cả những thông tin trên, bạn nghĩ gì về Fast Fashion và cách mà nó vận hành? Đừng ngại để lại ý kiến cùng Streetvibe vì chúng ta ở đây cho những điều lớn lao hơn khi thay đổi tư duy ngành thời trang trong tương lai.

Nguồn tham khảo: Impakter…
Bài viết: Ai Huynh

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here