Mặt trái Fast Fashion: Kẻ thù “không đội trời chung” của môi trường (Phần 1)

0

Với việc thải ra môi trường vô số vải vụn, vật liệu thừa,…thật không sai khi gọi fast fashion là “hung thủ” giết chết Mẹ thiên nhiên.

Theo bộ phim tài liệu The True Cost (2015), thế giới tiêu thụ khoảng 80 tỷ sản phẩm quần áo mới mỗi năm, nhiều hơn 400% so với mức tiêu thụ của 20 năm trước. Cùng với sự phát triển của máy móc, ngành công nghiệp thời trang ngày một phát triển hơn bao giờ hết. Từ đó những thương hiệu fast fashionn ra đời với cách thức hoạt động như xào nấu các ý tưởng và ra mắt sản phẩm mới như vũ bão.

Fast fashion đã vận hành như thế nào?

Trong khi những thương hiệu lớn chỉ ra mắt 2-3 bộ sưu tập trong một năm thì fast fashion lại “bành trướng” hơn. Cứ vài tuần, một bộ sưu tập mới lại được ra mắt với giá thành cực rẻ. Các xu hướng cũng luôn được cập nhật với tốc độ “nhanh chóng mặt”. Theo ước tính, thời gian để một sản phẩm đi từ khâu thiết kế đến khi được bán diễn ra chỉ vỏn vẹn vài tuần. Năm 2012, Zara đã có thể thiết kế, sản xuất và cung cấp sản phẩm mới đến thị trường trong 2 tuần, còn với Forever21 là 6 tuần và H&M trong 8 tuần.

Trong khi đó, không phải thương hiệu “thời trang nhanh” nào cũng có chất lượng tốt. Chỉ cần chưa đến một năm, hầu hết các sản phẩm đã xuống cấp hoặc trở nên lỗi thời. Chính vì thế, mà vô số sản phẩm cũ từ người mua fast fashion được vứt đi hằng năm. Không chỉ vậy, việc sản xuất sản phẩm ồ ạt tỉ lệ thuận với lượng chất thải được đưa ra môi trường cũng nhiều không kém.

Những con số khổng lồ về chất thải được đưa ra môi trường

Theo báo cáo của Quantis International năm 2018 cho thấy 3 tác nhân chính gây ô nhiễm toàn cầu của ngành công nghiệp thời trang là: nhuộm, chuẩn bị sợi và sản xuất sợi. Theo Business Insider, ngành công nghiệp thời trang thải ra 10% tổng lượng khí carbon toàn cầu bằng với lượng khí cacbon của toàn bộ Châu Âu thải ra. Cứ một ký vải được sản xuất sẽ thải ra 23 ký khí hiệu ứng nhà kính.

Song song với việc sản xuất vải gây ảnh hưởng lớn đến môi trường là 85% hàng dệt may bị vứt đi hàng năm. Thêm vào đó, ngay cả việc giặt quần áo cũng giải phóng 500.000 tấn microfibers xuống đại dương mỗi năm, tương đương 50 tỷ chai nhựa. Theo Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, khí thải từ sản xuất dệt may được dự đoán sẽ tăng vọt 60% vào năm 2030 nếu tốc độ vận hành của fast fashion vẫn chiếm ưu thế.

Ngoài ra, các thương hiệu thời trang sử dụng sợi tổng hợp như polyester, nylon và acrylic phải mất hàng trăm năm để phân hủy sinh học. Theo một báo cáo năm 2017 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ước tính rằng 35% các loại nhựa siêu nhỏ không phân hủy sinh học trong đại dương đến từ chất thải của việc dệt vải tổng hợp như polyester.

Business Insider cũng cảnh báo rằng nhuộm dệt là ngành gây ô nhiễm nước lớn thứ hai thế giới, vì nước còn sót lại từ quá trình nhuộm thường được đổ xuống mương, suối hoặc sông.

Gây cạn kiệt nguồn tài nguyên

Tác động lên môi trường của fast fashion bao gồm sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, thải khí nhà kính và sử dụng một lượng lớn nước cùng năng lượng. Một số báo cáo cho biết ngành công nghiệp thời trang là ngành dùng nước lớn thứ hai thế giới vì cần khoảng 700 gallon để sản xuất một chiếc áo bông và 2.000 gallon để sản xuất một chiếc quần jean.

Tương tự, việc sản xuất da còn khó khăn hơn vì không những đòi hỏi một lượng lớn thức ăn, đất, nước và nhiên liệu hóa thạch để chăn nuôi động vật, mà còn ảnh hưởng bởi quy trình thuộc da – quy trình đã tạo ra những chất độc hại nhất trong các chuỗi cung ứng thời trang. Theo đó, hóa chất được sử dụng để làm sạm da bao gồm muối khoáng, formaldehyde, dẫn xuất than đá và các loại dầu và thuốc nhuộm khác nhau đều không thể phân hủy sinh học và làm ô nhiễm nguồn nước.

Cùng với đó, việc sản xuất sợi nhựa thành hàng dệt là một quá trình tốn nhiều năng lượng, đòi hỏi lượng lớn dầu mỏ và giải phóng các chất hạt dễ bay hơi, cũng như axit như hidro clorua. Ngoài ra, nguyên liệu bông của các sản phẩm thời trang nhanh cũng không thân thiện với môi trường để sản xuất, ví dụ như thuốc trừ sâu được xem là cần thiết cho sự phát triển của bông nhưng lại làm giảm đi chất lượng đất đai.

Đâu là hướng giải quyết?

Đối nghịch với fast fashion chính là sustainable fashion hay eco fashion – thời trang thân thiện môi trường với tiên phong hàng đầu là bảo vệ và tái sinh Mẹ thiên nhiên. Những thương hiệu ra đời phục vụ cho mục đích đó sẽ phải chú trọng việc làm giảm đi chất thải đưa ra ngoài bằng cách nghiên cứu những phương pháp mới nhằm sản xuất quần áo ít hao tốn nhiên liệu hơn; ưu tiên chọn chất liệu thân thiện với môi trường và có thời gian phân huỷ sinh học nhanh, hoặc sẵn sàng tái chế các chất liệu cũ, rác thải để làm trang phục mới.

Ngay cả những thương hiệu fast fashion cũng đang thay đổi hướng đi cho phù hợp hơn với việc bảo vệ môi trường. H&M là một trong số rất ít hãng fast-fashion thực hiện điều này. Theo đó, H&M đã thu gom quần áo từ nhiều thương hiệu khác nhau để tái chế và đầu tư nghiên cứu để tìm ra những nguyên liệu mới, bền vững, ít tác động đến sức khỏe con người và môi trường. Trong bộ sưu tập Conscious Exclusive 2019 hồi tháng Tư, H&M đã lần đầu cho ra mắt những sản phẩm được may từ chất vải thân thiện với môi trường và có tốc độ phân huỷ sinh học nhanh.

Bên cạnh đó, việc tái sử dụng đồ 2hand, vintage cũng là một cách để làm giảm lượng quần áo bị vứt ra môi trường với những lý do như lỗi thời, nhàm chán… Với bàn tay khéo léo, một số người còn có thể rework để quần áo 2hand mang một diện mạo mới mẻ hơn.

Đồ 2hand là sự lựa chọn hợp lý, không tin bạn cứ hãy nghe thử bài Thrift Shop của Macklemore x Ryan Lewis đi

Fast fashion rồi cũng sẽ đến lúc không còn nữa bởi ngành công nghiệp thời trang đã, đang và sẽ mang đến nhiều hành động thiết thực hơn để loại trừ quần áo kém chất lượng, giảm thiểu rác thải và đóng góp một phần không nhỏ cho công cuộc làm xanh địa cầu từ vật liệu tái chế, vật liệu mới ít tạo sức ép lên môi trường.

Ở bài viết kế tiếp, chúng ta sẽ nói đến mặt trái thứ hai của fast fashion trên khía cạnh khác sâu xa hơn về chế độ đối xử với người lao động mà các thương hiệu này đang làm.

Nguồn tham khảo: Impkater…
Bài viết: Ái Huỳnh

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here