KOL và Influencer đóng vai trò quan trọng trong việc tăng độ tiếp cận cho sản phẩm/thương hiệu. Song, nếu họ pr cho một sản phẩm kém chất lượng hay đạo nhái, đó có phải là lỗi của họ?
Vấn nạn local brand đạo nhái dường như đã quá quen thuộc và trở thành một loại “virus” chưa thể tìm ra cách chữa trị ở cộng đồng streetstyle/thời trang Việt Nam. Tác hại của nó như thế nào thì đã có nhiều bài viết đưa tin. Nó ảnh hưởng đến tư duy người tiêu dùng ra sao, Street Vibe cũng từng có bài viết nói về vấn đề đó.
Liệu còn yếu tố nào có thể gây ảnh hưởng đến tư duy của người tiêu dùng hay gián tiếp giúp các local brand tệ được nhiều người biết hơn? Đó chính là hành động quảng cáo quá tay các sản phẩm kém chất lượng/đạo nhái mà chưa tìm hiểu kỹ về nó từ các KOL/Influencer.
Nhìn chung, việc KOL/Influencer nhận hợp đồng quảng cáo sản phẩm là một chiến lược truyền thông thông minh và được các thương hiệu sử dụng rộng rãi. Đồng thời, đó cũng không phải hành vi sai trái hay phạm pháp gì cả. Với số lượng người follow khủng cùng tầm hưởng cao, các KOL và Influencer là “mắt xích” quan trọng trong việc giúp các brand được tăng độ nhận diện và phủ sóng rộng hơn. Từ đó, nhiều khách hàng biết đến thương hiệu và tìm mua các sản phẩm từ thương hiệu.
Ở khía cạnh tâm lý học, chúng ta với góc nhìn là người follow một KOL/Influencer bất kỳ sẽ có xu hướng chịu ảnh hưởng quan điểm, nguồn cảm hứng từ họ. Chúng ta cũng mong muốn được như họ, học hỏi những điều hay ho và tin tưởng họ. Sự tin tưởng dành cho thần tượng được thể hiện qua việc thấy KOL/Influencer mà bản thân yêu thích pr cho sản phẩm bất kỳ nên chúng ta biết đến và muốn mua nó. Hoặc đơn giản chỉ vì “Idol có thì người làm fan như mình cũng phải có để được như thần tượng”.
Nhưng đôi lúc, vẫn có những pha quảng cáo sản phẩm vô cùng dở khóc dở cười. Quay lại năm 2020, B.T – Youtuber về “thời trang, công nghệ và đời sống” với 601K subscribers và hơn 150K followers đã ra mắt một video về MNML – một thương hiệu tai tiếng vì đạo nhái các thiết kế từ brand khác. Trong video, nam Youtuber phủ nhận bản thân anh không hề nhận tiền quảng cáo từ MNML, anh làm clip về brand này chỉ đơn giản vì bản thân thích nó. Sau khi đoạn clip đăng tải, một cuộc “đại chiến” đã xảy ra về vấn đề B.T đã vô tình tiếp tay cho sự phủ sóng rộng rãi hơn của một thương hiệu tai tiếng.
Chúng ta còn có trường hợp Youtuber F.N với 797K Subcribers và gần 175K Followers nổi tiếng qua các clip unbox, review đồ hiệu và du lịch… Gần đay không lâu, anh đã đăng story giới thiệu chiếc nón lưỡi trai “11” từ một local brand tên Eleven. Trong khi đó, Eleven đã từng “dính phốt” đạo nhái chiếc nón “11” từ Boris Bidjan Saberi cùng vô số sản phẩm copy từ những global brand khác vào năm 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Eleven vẫn không thay đổi thiết kế mà tiếp tục bán chiếc nón “tai tiếng” ấy. Thậm chí, nó còn được xem như “signature item” của brand.
Trước đó không lâu, nam Youtuber này đã giới thiệu seller Van Nang đến các fan có nhu cầu mua sắm đồ hiệu chính hãng. Ai đâu mà ngờ chính Van Nang lại là một trong những “siêu trộm” lẫy lừng tại Việt Nam từng lừa đảo chiếm đoạt của khách hàng với con số hàng tỉ đồng. Lần khác, Youtuber nổi tiếng này cũng pr cho một cửa hàng chăm sóc sneaker đời đầu nhưng dính phải vô số chỉ trích từ khách hàng.
Trường hợp KOL/Influencer nhận quảng cáo sản phẩm kém chất lượng hay đạo nhái đơn giản chỉ bởi vì họ phải làm vậy theo hợp đồng. Giả sử chúng ta chỉ mới biết đến thông qua các quảng cáo của KOL/Influencer và cũng chưa từng nghe đến những “tai tiếng” phía sau sản phẩm/thương hiệu. Khi mua về, chúng ta vô tình phải sử dụng những thứ kém chất lượng hay đạo nhái đã được tâng bốc lên chín tầng mây qua lời vị thần tượng mà mình tin tưởng.
Là một người mua hàng, đâu ai muốn mình phải sử dụng những thứ vật phẩm kém chất lượng hay từng vướng tai tiếng xoay quanh nó hoặc bị lừa gạt tài sản bởi một Scammer nào đó. Đó chính là sự tự trọng của một người tiêu dùng.
Khi ấy, người đang chịu thiệt thòi là ai? Chúng ta – những người mua hàng vô tội, vội trao cả con tim nhưng chỉ nhận về cú lừa. Thế còn lỗi thuộc về ai, vì KOL/Influencer vô tâm không tìm hiểu kỹ trước khi nhận hợp đồng hay do các thương hiệu ấy? Một phần nào đó, chúng ta cũng không thể quy chụp lỗi cho các KOL/Influencer. Họ cũng là nạn nhân, phải làm theo hợp đồng và không có bổn phận phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm. Nếu có tâm và đủ trách nhiệm, họ sẽ tìm hiểu kỹ trước về sản phẩm trước khi phổ biến đến fans – những người yêu quý họ.
Nhưng nếu KOL/Influencer vốn đã biết trước đó là sản phẩm kém chất lượng, từng vướng phải lùm xùm mà vẫn tiếp tục vì tiền, nhận quảng cáo thì khi đó, họ thật sự có lỗi. Theo các bạn độc giả của Street Vibe, khi những KOL/Influencer quảng cáo “lố” cho các sản phẩm hay thương hiệu kém chất lượng hoặc đạo nhái như vậy thì họ có lỗi hay không? Hãy để lại ý kiến của bạn bên dưới nhé.
bây giờ có nói gì thì các “KOL” này vẫn cho là bọn nó đúng thôi. Người ta có sức ảnh hưởng truyền bá về “tHờI tRaNg” mà.