Không chỉ gây tranh cãi về ăn cắp chất xám hay bản quyền, việc đạo nhái của local brand đang góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy mua sắm của người tiêu dùng.
Cho đến hiện tại, đã có vô số bài viết bóc phốt hay vạch trần hành vi đạo nhái của một local brand nào đó. Lạ thay, nhiều thương hiệu local chọn đạo nhái như cách để marketing hay gây nổi, thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng.
Vì các bài viết bóc phốt local brand đạo nhái được đăng tải trên mạng xã hội vốn đã nhiều vô số kể rồi. Nên hôm nay, Street Vibe sẽ phân tích một khía cạnh khác của việc đạo nhái. Đó là việc nó ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt với đối tượng khách mới tìm hiểu về thời trang như thế nào.
Tư duy nhỏ, hệ lụy to
Khi một local brand cho ra sản phẩm bị gắn mác “đạo nhái” từ cộng đồng. Kỳ lạ thay, có người tẩy chay sản phẩm hay thương hiệu đó, cũng có người lại tiếp tục…mua nó. Nhất là ở nhóm đối tượng vừa bắt đầu tìm hiểu về streetstyle hay đơn giản họ không quan tâm đến streetstyle. Điều họ cần chỉ là một item hợp mắt và hợp túi tiền.
Đối với nhóm người vừa bắt đầu tìm hiểu về streetstyle hay chuyện ăn mặc. Họ vẫn chưa định hình được bản thân sẽ phải theo đuổi phong cách nào hay mua sản phẩm nào để làm khởi điểm. Bởi lý do đó, nhóm đối tượng mới này sẽ có xu hướng lựa chọn các phong cách đơn giản, dễ mặc và sản phẩm đang trendy trên thị trường vì dễ tìm kiếm thông qua các mạng xã hội.
Chúng ta không thể nào bắt họ vừa “học vở lòng” về phối đồ đã phải biết mix n match sao cho thật phong cách, “xịn xò” được. Họ cần những kiến thức cơ bản nhất để từ từ phát triển. Bất kỳ sự phát triển vượt bậc nào cũng cần nền tảng cơ bản vững chắc. Chẳng phải Leonardo da Vinci cũng đã từng vẽ đi vẽ lại quả trứng cả trăm lần rồi mới phát triển dần tài năng hội họa của ông sao? Hiểu được tâm lý đó, phần lớn các “thương hiệu địa phương” hiện nay cũng được xây dựng theo định hướng basic, nhắm đến nhóm khách hàng vừa tìm hiểu về thời trang, ít quan tâm đến thời trang và thích sự đơn giản trong thiết kế.
Ở khía cạnh khác, những người bắt đầu vào “cuộc chơi” này đều mong muốn mặc đẹp-độc-lạ nhưng kinh tế chẳng thể như cô Minh Hiếu xem tiền bạc như “con bò rụng lông”, như “cây me rụng lá”. Vậy họ phải làm sao? Khá nhiều trong số nhóm người đó chọn mua những item có thiết kế gần giống nhưng rẻ hơn so với item họ mơ ước. Bất chấp đó là món đồ đạo nhái.
Tại sao phải vung tiền túi mua đồ hiệu từ hãng X làm gì trong khi hãng Y đạo nhái lại món và bán rẻ hơn gấp nhiều lần? Càng dần về sau, quan điểm “mua đồ đạo nhái giống thương hiệu nổi tiếng, miễn sao nó rẻ là được” càng ăn sâu hơn vào tư duy của họ.
Nếu tư duy đó vẫn cứ tồn tại trong đầu họ và lan truyền đến những người khác. Nó sẽ dần dần giết chết những thương hiệu bị đạo nhái hoặc bỏ chất xám ra để tạo nên các thiết kế nguyên bản. Sẽ ít ai muốn mua sản phẩm nguyên bản nữa. Vì sao? Vì đã có sản phẩm đạo nhái giống nguyên bản nhưng rẻ hơn! Những thương hiệu ‘bị hại” mất đi cơ hội đưa sản phẩm nguyên bản đến người tiêu dùng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của thương hiệu.
Ngoài ra, chuyện local brand đạo nhái cũng tạo nên định kiến tiêu cực về hình ảnh local brand trong mắt nhiều người. Quanh năm suốt tháng, đâu đâu cũng thấy brand X, brand Y đạo nhái. Dần dần, nhiều người họ mang suy nghĩ rằng “local brand chỉ toàn đạo nhái và áo thun in” mà quên mất rằng vẫn còn nhiều thương hiệu khác đang cống hiến hết chất xám vì thời trang Việt với thiết kế riêng biệt/độc đáo và chất lượng ngày một nâng cao.
Vậy giải pháp là gì?
Giải pháp hữu hiệu nhất nằm ở chính người dùng – thay đổi tư duy. Chúng ta không thể nào xuôi tay, dễ dãi cho qua các hành vi đạo nhái trắng trợn. Đó sẽ là một cuộc chiến dai dẳng nhưng nếu cố gắng, chúng ta có thể chung tay đẩy lùi “cơn dịch” đạo nhái này. Tác giả bài viết xin được phép trích lời “Chị X” Gào:”Có tẩy chay thì hãy tẩy chay một cách triệt để, đừng tẩy chay nửa vời. Sống như vậy không có cá tính, càng không có chính kiến“.
Ngoài ra, những celeb hay influencer được xem là “người truyền lửa” tạo nên nguồn động lực hay cảm hứng cho cộng đồng cũng có thể giúp ích phần nào trong công cuộc này. Việc tốt nhất họ có thể làm để thay đổi tư duy thị trường chính là sử dụng sản phẩm từ chất xám nguyên bản, lan tỏa hình ảnh một thương hiệu tốt thay vì pr cho những thương hiệu hay sản phẩm đạo nhái. Đã từng có giai đoạn anh “Youtuber về thời trang, công nghệ và đời sống” nào đó “gián tiếp” quảng cáo cho thương hiệu M hay anh KOL tên F.N dành lời khen ngợi cho một chiếc nón đạo nhái từ local brand nọ. Biết rằng họ nhận quảng cáo vì tiền nhưng vô tình, hành động đó lại khiến những người không biết gì dành sự quan tâm và sử dụng local brand đạo nhái nhiều hơn.
Và hãy nhớ luôn nâng cao khẩu hiệu “NÓI KHÔNG VỚI SẢN PHẨM ĐẠO NHÁI” nhé.