Khác với những chầu bia rượu với DJ đánh nhạc xập xình với đèn điện sắc màu, cuộc chơi của Jazz và rượu dẫn dắt người ta đến một thế giới của suy tư và hào sảng, nơi trút bỏ những bầu tâm sự, những câu chuyện phím trải đời, và để suy tư với những dòng suy nghĩ miên man cùng chiếc ly chứa phần ba champagne trên tay.
Có lẽ thú vui của những người trưởng thành là sau giờ tan tầm, len lỏi vào một hidden bar ở góc trung tâm, tạm xa lánh mọi xô bồ công việc, bên ly champagne sóng sánh, trao cho nhau những lời thủ thỉ tâm sự và góc sân khấu với những điệu Jazz dồn dập nhưng sang trọng len lỏi qua từng ngụm rượu. Có lẽ, thú vui này đã khá già cỗi khi bản thân chất nhạc Jazz đã quá tuổi, cùng giai điệu không mấy bắt nhịp. Người ta đã dần quen với những cuộc quẩy xuyên đêm trên nền nhạc xập xình, khiến người ta nhún nhảy theo hồi mà quên đi những giai điệu trầm lắng và chậm rãi.
Jazz mang dáng dấp của một kẻ cô độc thích sự hoài niệm, vừa lộn xộn nhưng cũng rất ngăn nắp, vừa dồn dập nhưng lại rồi lan man. Có lẽ vì thế mà người ta không thích Jazz vì sự gai góc và dị thường của nó, vì vậy mà những kẻ thưởng thức Jazz lại là những kẻ có cuộc sống nội tâm phong phú, nghệ thuật, và đôi khi là thiên tài. Jazz dành cho những người lạc lối trong những suy tư rối mù về cuộc sống, những kẻ cô độc muốn trải câu chuyện mình ra để mà ngấm ngầm nghĩ ngợi, và vì thế Jazz bảo toàn sự riêng tư tuyệt đối cho những ai muốn trải lòng.
Rượu và Jazz có một mối liên hệ đặc biệt, khi khung cảnh ấy gợi ta nhớ tới những khung cảnh của các chàng cao bồi xưa tán gẫu trong những thước phim Âu Mỹ, những chàng Peaky Blinder với suit vải tweed cổ điển, sơ mi cổ bo viền tròn hay những tông màu trầm tối đậm chất quý ông đính kèm chiếc nón baker boy cổ điển. Đó chính là những lý do mà kẻ hoài cổ lại ưa thích đi bar để nghe Jazz và uống rượu.
Không gian của rượu và Jazz không chỉ là điểm nhấn về mặt thẩm mỹ mà còn phải là không gian lý tưởng để ôn lại những câu chuyện, những kinh nghiệm, hay đôi khi chỉ là những câu chuyện lá cải được nói ra trong một góc khuất kín người. Người trẻ lạc lõng, tha hương đi để tìm chốn chui rúc, để tĩnh lặng, để chếnh choáng say trong không gian không quá ư ồn ã. Còn đàn ông già thì tìm chốn để hoài niệm hương vị xưa đã lạc mất. Như thế, nói đi bar uống rượu nghe Jazz không phải là quá tuổi, mà là thể hiện chất sành, tính cách hoài niệm của mình, hay đơn giản là muốn được chìm đắm trong một không gian nghệ thuật như thế.
Với những nốt piano chầm chậm như miết nhẹ vào không gian, tiếng kèn đồng len lỏi quấn quýt vào những shot Tequilla cay nồng, giọng hát của Ella Fitzgerald vừa nhẹ tênh vừa sâu thẳm như ly cocktail mix-up tan trong miệng, đưa tất cả vào một không gian của tình yêu và sự lãng mạn. Những quãng 3 nhẹ nhàng bay bổng, điểm xuyết bằng những quãng 7 sâu hun hút với vị đắng của Gin được xử lý tinh tế và nhẹ bẫng như muốn phủ lên không gian tấm áo lụa thấm đẫm cảm xúc của ly martini xoắn chanh với những hoài niệm buồn vui xen lẫn. Hoà lẫn với nhau là thế, nhưng hoà tới mức nào thì phải xem xét cảm xúc của người thưởng thức, đậm vị đắng của rượu hay là tươi mát của chanh, hay vồn vập hối hả của những quãng nhạc Jazz.
Tách biệt hoàn toàn khỏi những cuộc vui ở vũ trường, cuộc chơi với rượu và Jazz hiện diện tại một thế giới khác, nơi người ta cảm nhận được sự cô đơn và tĩnh lặng của cuộc sống trưởng thành, hoặc là “chill” giữa thời cuộc quá bay bổng và khó khăn, hay muốn chìm đắm trong tình yêu, câu chuyện, và nét hoài niệm vốn có của Jazz.