Heroin Chic: “Nét đẹp nghiện ngập” có thật sự đẹp?

0

Đã có lúc, người tay say mê nét đẹp đến từ sự gầy gò, hốc hác do lạm dụng chất kích thích. Tuy nhiên, nét đẹp “Heroin Chic”, có thật sự đẹp?

Heroin Chic là gì?

Thuật ngữ này từng rất phổ biến vào những năm giữa thập niên 90 trong thế giới thời trang. Nó ám chỉ đến đặc điểm ngoại hình của những người lạm dụng Heroin hay các chất kích thích quá mức; dẫn đến tình trạng gầy gò, da nhợt nhạt, quầng thâm mắt và gương mặt thiếu sức sống. Lạ thay, với những đặc điểm trên, con người của thời đại trước lại xem chúng như một nét đẹp (Chic) và gọi phong cách này với cái tên “Heroin Chic”.

Đó từng là một trào lưu độc hại với vô số người đua theo tham gia, đặc biệt với giới người mẫu. Đơn giản bởi vì họ luôn muốn sở hữu thân hình gầy gò để có thể tiếp tục duy trì công việc người mẫu. Họ sợ rằng nếu chỉ trông “có da thịt” một tí, sự nghiệp sẽ tiêu tùng. Song, cánh người mẫu cũng dường như quá lười thể dục lành mạnh; họ tìm đến chất gây nghiện như một biện pháp tối ưu. Mặt khác, đây được xem như làn sóng trái nghịch, chống lại hình mẫu về một người mẫu khoẻ mạnh vào đầu thập niên như Cindy Crawford.

Cindy Crawford

Nhắc đến Heroin Chic là phải nhắc đến “Nữ hoàng của các nàng thơ” – Kate Moss. Vào những năm 90, Kate Moss như một biểu tượng thực thụ đại diện cho “Nét đẹp nghiện ngập”. Con dân thời trang khi ấy tỏ ra kinh ngạc khi nhìn thấy một nữ người mẫu đẹp đẽ ngày nào như Kate xuất hiện với vẻ ngoài tiều tụy, gầy gộc đến trơ xương cho bộ ảnh chiến dịch của Calvin Klein.

Tranh cãi? Có chứ. Phản ứng gay gắt? Vẫn có nốt! Nhưng lạ làm sao, Heroin Chic vẫn tiếp tục thịnh hành đến những năm 2000.

Điều gì khiến Heroin Chic trở nên thịnh hành vào đầu thập niên 90?

Yếu tố đầu tiên khiến Nét đẹp nghiện ngập có cơ hội được lên ngôi nằm ở chính thị trường “chợ đen”. Thời ấy, heroin đã trở nên tinh khiết hơn và được sử dụng phổ biến hơn vì giá thành đã rẻ hơn so với khi trước. Chúng không còn được dùng để tiêm vào cơ thể nữa mà chuyển sang dạng hít bằng mũi.

Yếu tố thứ hai, heroin hay chất kích thích ngày càng được tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở nước Mỹ khi ấy xem như một “thú chơi” chứng tỏ địa vị. Những người mẫu có tiếng sẽ nhận được tiền lương hậu hĩnh nên họ cũng chẳng ngại gì chi tiền cho “thú chơi” để chứng tỏ bản thân hay kết giao với những người khác thuộc tầng lớp cao cấp.

Yếu tố cuối cùng, sự phổ biến của chất gây nghiện không chỉ xuất hiện trong đời sống xã hội nước Mỹ và giới thời trang. Chúng còn xuất hiện trên cả các bộ phim điện ảnh như Pulp Fiction hay Trainspotting. Chỉ với những yếu tố trên, cũng đủ hiểu vì sao thứ nét đẹp độc hại này lại có cơ hội được “viral” đến vậy.

“Nét đẹp nghiện ngập” không thật sự đẹp!

Không cần nói nhiều, chúng ta vẫn thừa hiểu tác hại đến cơ thể của các chất gây nghiện kinh khủng đến như thế nào. Kể cả trong giới thời trang, đã có vô số phong trào nổ ra đòi lại công bằng cho người mẫu. Các phong trào này mong muốn loại bỏ hoặc hạn chế nhẹ những luật lệ hà khắc o ép, bắt buộc người mẫu siêu-gầy. Điều đó sẽ tạo tinh thần thoải mái hơn cho người mẫu để họ không phải ăn kiêng quá mức hay lạm dụng chất kích thích để giảm cân.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here