Hãy mặc đúng rồi mặc đẹp và đừng mặc lố

0

Mặc như thế nào mới gọi là đúng? Hay như thế nào mới được gọi là đẹp và không lố lăng? Rất nhiều câu hỏi trong thời trang được đặt ra xoay quanh vấn đề này. Hôm nay, hãy cùng Street Vibe giải đáp những thắc mắc này nhé!

Hiểu rõ thời trang là gì

Để trả lời các câu hỏi trên, trước tiên cần phải biết, phải hiểu được ý nghĩa thật sự của quần áo hay thời trang là gì? Từ ngàn đời xưa, quần áo đóng vai trò quan trọng như một vật phẩm thiết yếu để giữ ấm, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Quần áo còn là cách để phân biệt từng giai cấp trong xã hội xưa khi trang phục của vua chúa luôn lộng lẫy rồi đến quan chức và sau cùng là thường dân.

Thời trang xuất hiện khi nhu cầu con người ngày càng tăng lên, không còn là “ăn chắc – mặc bền” mà phải “ăn ngon – mặc đẹp” thoả mãn cuộc sống. Và thời trang được ra đời như một quy luật tất yếu, giúp con người thể hiện cái tôi, sự tự tin của bản thân thông qua phong cách riêng biệt trở thành một công cụ hoàn hảo giúp con người diễn đạt. Chúng ta cảm nhận thời trang theo nhiều phương diện khác nhau nhưng tính thẩm mỹ lại là mấu chốt của những cuộc tranh luận cũng như những câu hỏi ở trên.

Thom Browne Thu-Đông 2012

Cho đến thẩm mỹ của mỗi cá nhân

Tính thẩm mỹ, nghệ thuật đối với mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau qua các cảm quan vì trong mỗi người chúng ta vẻ đẹp không thể định nghĩa: nó có thể đẹp, ý nghĩa với người này nhưng lại gây khó chịu với người kia.

Không có định nghĩa chính xác nào về xấu/đẹp, điều đó nằm ở cảm nhận của mỗi cá nhân. Chúng ta được quyền nhận xét, bày tỏ quan điểm của bản thân về một style, cách phối đồ của một ai đó. Nhưng trên hết, hãy nhìn mọi thứ theo nhiều hướng và đặt bản thân vào họ trước khi phát ngôn.

Mặc dù có thể nói thời trang là tự do sáng tạo, mọi thứ đều được cho phép trong thời trang nhưng liệu có một dòng sông hay ranh giới nào không nên vượt qua hay không? Sẽ thật buồn cười nếu như nói không có sản phẩm hay phong cách ăn mặc thô thiển, lố lăng hay “thiếu tôn trọng” thị giác nào.

Carol Christian Poell Xuân-Hè 2004

Muốn phá vỡ quy tắc cần nắm vững quy tắc

Giống như tiêu đề vì sao lại có cách sắp xếp thứ tự như thế? Tại sao phải là mặc đúng rồi đến mặc đẹp và đừng mặc lố lăng? “Thời trang không hề tồn tại bất cứ quy tắc nào” — vừa đúng vừa sai. Thời trang như đã nói ở trên, được tạo ra để thể hiện tính riêng biệt của mỗi người.

Nhà thiết kế Rick Owens từng nói: “Quy tắc được tạo ra là để phá vỡ chúng” nhưng trước khi phá vỡ chúng thì ta phải nắm rõ các quy tắc ấy cùng kiến thức cơ bản. Thời trang không hề có quy tắc nào cả nhưng ẩn sâu bên trong mỗi loại hình nghệ thuật đều có quy tắc “ngầm” riêng biệt – những quy tắc này cấu thành từ thuần phong mỹ tục, đặc trưng văn hoá, tín ngưỡng của mỗi quốc gia hay mỗi khu vực.

Cho nên, trước khi bạn muốn mặc đẹp thì điều đầu tiên phải mặc đúng trước đã. Mặc đúng ở đấy không phải là bắt buộc hay quy chụp bạn phải mặc như thế nào. Thay vào đó hãy hiểu rõ nền tảng, phong cách ăn mặc hay đơn giản nhất là xu hướng trong thời trang thông qua các phương tiện đại chúng, truyền thông. Khi nắm rõ những nền tảng vững chắc thì chuyện mặc đẹp là vô cùng đơn giản!

Một bạn TikToker nào đó từng đội váy lên đầu xong bảo rằng: Hãy tự do làm điều mình thích, thời trang là không giới hạn. Nhìn chung, câu nói của bạn ấy không hề sai. Nhưng trong trường hợp bạn không có kiến thức nền tảng về thời trang, cứ mặc sai vô tội vạ rồi tự nhận đấy là “phá cách” thì có khác nào đang nhân danh thời trang và nghệ thuật để làm bức bình phong cho sự thiếu hiểu biết của bản thân.

Vì sao kiến thức và quy tắc cơ bản luôn là nền tảng quan trọng nhất

Trong thời trang có một thuật ngữ được gọi là Anti-fashion nói về phong cách hay xu hướng ăn mặc trái ngược với thời điểm hiện tại. Anti-fashion có thể xuất hiện một cách ngẫu nhiên hay xuất phát từ một mục đích chính trị như phản đối chiến tranh hay đòi quyền công bằng, dân chủ. Thuật ngữ này còn được dùng cho các nhà thiết kế tên tuổi và khét tiếng khi họ tạo ra xu hướng mới mà không đi theo xu hướng hiện tại.

Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo là hai cái tên khét tiếng trong Anti-Fashion

Anti-fashion mang đến sự sáng tạo triệt để trong thời trang vì trường phái này hiện hữu trong nó tính khác biệt. Đây có thể được xem như một trong những sự “phá vỡ quy tắc” trong thời trang: mang đến những điều mới mẻ, đột phá và được sự công nhận tích cực từ cộng đồng.

Nhưng trước mang đến trường phái “anti-fashion” vô cùng mới mẻ đó đến thời trang và nhận được lời khen ngợi từ cộng đồng, các NTK kể trên đều đã tích luỹ cho họ một nền tảng cơ bản kiến thức về may mặc hoặc thời trang thông qua trường lớp, môi trường sống hoặc các tài liệu hướng dẫn.

Hay nhắc đến danh hoạ Picasso, ai mà chẳng biết đến danh tiếng của ông nhỉ. Nhưng trước khi được công nhận như một danh hoạ và có thể tạo ra những tác phẩm mang nét vẽ thoát khỏi đời thường, Picasso đã từng là một người hoạ sĩ theo trường phái tả thực – có sao vẽ vậy. Sau thời gian dài, ông nắm vững nền tảng hội hoạ cơ bản rồi mới bắt đầu tìm ra thẩm mỹ riêng rồi phát triển chúng đến mức “độc nhất vô nhị” – đậm chất Picasso.

Từ những ví dụ trên càng chứng minh cho quan điểm “vạn vật đều có nền tảng” và “muốn đột phá thì cần phải vững nền tảng”. Bạn có thể xây một căn nhà theo bất kỳ kiểu kiến trúc nào cũng được nhưng thứ giúp ngôi nhà đứng vững chính là nền nhà. Liên hệ đến thời trang, kiến thức và các quy tắc cơ bản trong phối đồ chính là chiếc “nền nhà” để bạn ngày càng phá cách trong ăn mặc.

Lời kết

Ai trong chúng ta cũng phải học, học từ những điều đơn giản rồi dần mới chuyển sang phức tạp sau đó đến nâng cao. Những nhà thiết kế tên tuổi bậc nhất trong thời trang cũng đều phải học, sau khi ra trường họ cũng đều tìm cho mình một người thầy để theo học, để lấy cho mình những kinh nghiệm.

Jean Paul Gaultier và học trò Martin Margiela

Ví dụ như Martin Margiela là học trò của Jean Paul Gaultier hay Raf Simons là học trò Walter Van Beirendonck hay nhà thiết kế Louis Vuitton phải học việc đến 17 năm trước khi ông thành lập thương hiệu của riêng mình. Từ những kinh nghiệm có được, ta có thể dễ dàng làm chủ cuộc chơi trong ngành thời trang đầy sự sáng tạo này. Sự học hỏi, tiến bộ của con người là vượt bậc, vậy thì tại sao lại không trang bị cho mình những nền tảng vững chắc trước khi bạn muốn phá cách.

Street Vibe mong rằng sau bài viết này, các bạn sẽ phần hiểu nào hiểu rõ được thế nào là mặc đúng – mặc đẹp khác với ăn mặc lố lăng. Hãy tự tin thể hiện cá tính riêng biệt của mình nhưng đừng “phá cách” một cách lố bịch và buồn cười nhé!

Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết liên quan đến chủ đề tại:Làm sao để phối đồ đẹp hơn cho người mới tìm hiểu về thời trang?

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here