Thời trang Haute Couture là nét nghệ thuật vương vấn trong những thiết kế thời trang đậm chất thủ công, trong khi đó Ready-To-Wear lại đề cao tính ứng dụng và chức năng sử dụng của từng bộ quần áo. Vậy hiểu thế nào cho đúng để không nhầm lẫn giữa những khái niệm về thời trang?
HAUTE COUTURE
Haute couture, trong tiếng Pháp, nghĩa là “quần áo may đo cao cấp”. Thuật ngữ này lần đầu được NTK người Anh Charles Frederick Worth đặt cho các thiết kế của mình vào giữa TK 19. Mãi đến sau này, Haute Couture trở thành một tước hiệu đặc biệt được lập bởi Chính phủ Pháp trao cho những nhà may đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định. Tạp chí nổi tiếng Vogue từng mô tả Haute Couture là “những tác phẩm nghệ thuật”, vì mỗi thiết kế Haute Couture là độc nhất vô nhị. Nó sẽ được làm riêng theo số đo của từng khách hàng và hoàn toàn được dựa theo phong cách, trường phái và kích thước mà khách hàng yêu cầu.
Sau khi nhà mốt nhận đơn đặt hàng, họ sẽ có bước kiểm tra và cân nhắc có nên chấp thuận nhận đặt hàng hay không dựa trên địa vị và quan hệ với khách hàng. Nếu được chấp nhận, khách hàng là sẽ là người đến trực tiếp các nhà mốt tại Paris để được thử đồ và may đo. Một từ khác thường bị nhầm lẫn với Haute Couture là couture – được dùng để nói đến những trang phục thời thượng, đắt tiền được chế tạo thủ công và được sản xuất với số lượng chỉ giới hạn trong vài sản phẩm.
Một thương hiệu thời trang cần phải đạt được một số điều kiện nhất định để được công nhận là Haute Couture: họ phải có xưởng may đo riêng (atelier) ở Paris với ít nhất 15 nhân viên làm việc toàn thời gian và thương hiệu phải thiết kế theo đơn đặt hàng riêng của khách hàng với ít nhất một mẫu thử. Những điều kiện này nhằm để đảm bảo các thiết kế Haute Couture sẽ được đến tay khách hàng là các sản phẩm hoàn toàn hoàn hảo. Và các nhà mốt thuộc Haute Couture phải trình làng 2 BST mỗi năm, bộ sưu tập Xuân – Hè vào tháng 1 và Thu – Đông vào tháng 7 ở kinh đô thời trang Paris. Với những điều kiện khó khăn như thế, không khó để hiểu rằng hiện nay chỉ có trên dưới 20 thương hiệu thời trang nổi tiếng được chọn là Haute Couture ở Pháp, trong đó có Chanel và Dior.
Những thiết kế Haute Couture thường là những thiết kế mang tính tiên phong, là màn “ra mắt” cho xu hướng thiết kế tiếp theo của nhà mốt, kể cả những thiết kế ready to wear trong mùa. Làm ra một trang phục Haute Couture để lên sàn diễn vốn từ lâu đã là mục tiêu chinh phục của bất kỳ nhà thiết kế nào, vì đây là cách thức rõ ràng nhất để giới mộ điệu có thể cảm nhận được phong cách và định hướng thiết kế của NTK, từ đó công nhận họ.
READY-TO-WEAR
Ready-To-Wear, hay “off the peg”, “off the rack”, tiếng Pháp là prêt-à-porter, ở tiếng Việt được gọi là quần áo may sẵn hoặc quần áo công nghiệp. Vào thời chiến, chính quyền Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất đại trà đồng phục cho binh lính, đây được coi là những trang phục ready-to-wear đầu tiên trên thế giới. Khái niệm ấy đã sống sót sau cuộc chiến, và đến cuối thế kỷ XIX, người ta đã có thể mua sắm quần áo ready-to-wear trong các cửa hàng thời trang trên phố lớn.
Nhà thiết kế Gaby Aghion, khai sinh ra thương hiệu Chloé, được cho là người đầu tiên tạo ra cụm từ Prêt-à-porter dành cho quần áo may sẵn. Loại trang phục này đề cao sự tiện lợi, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và tính thời thượng, dễ tiếp cận với đa dạng kích cỡ và phải được trưng bày ở nhiều cửa hàng. Tuy thế, một số thiết kế ready-to-wear chỉ sản xuất ở những kích cỡ tiêu chuẩn với số lượng lớn. Tương tự Haute Couture, bộ sưu tập Ready-to-wear được trình diễn 2 lần/năm vào tháng 2 cho thiết kế Xuân – Hè và tháng 9 cho thiết kế Thu – Đông.
Trong khi cũng được xem là thời trang cao cấp và lấy ý tưởng từ bộ sưu tập Haute Couture, các thiết kế thuộc Ready-to-wear khá đại trà, không độc nhất và mang nhiều tính biểu tượng. Thay vào đó, loại trang phục này có tính ứng dụng cao hơn vì hầu như sẽ được thiết kế theo mùa, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khi có sự thay đổi về thời tiết, khí hậu. Chất liệu của hàng ready to wear là do máy móc tổng hợp, còn chất liệu của thời trang haute couture có thể từ nhuộm và dệt thủ công.Tuy là thời trang được sản xuất với đa dạng kích cỡ và số lượng lớn, các trang phục ready-to-wear cũng được định giá rất đắt và thuộc hàng thời trang cao cấp.
Ngành công nghiệp thời trang cũng sớm nhận ra rằng khách hàng thích những thiết kế độc nhất mang hơi hướng Haute Couture nhưng có giá của Ready-to-wear khi nhà mốt có thể cắt giảm chi phí bằng cách máy móc hoá các quy trình sản xuất, cũng như giảm độ sang trọng và chất lượng của chất liệu trang phục. Do đó các hãng nhanh chóng tạo ra các dòng thời trang “khuếch tán”, trung hòa sự hào nhoáng, sang chảnh của trang phục Haute Couture với mức giá có thể chấp nhận được của hàng Ready-to-wear.