Số phận của những chiếc đầm Haute Couture hậu thảm đỏ sẽ ra sao?

0

Những chiếc đầm Haute Couture được chế tác thủ công một cách tinh xảo, làm từ nhiều chất liệu cao cấp và chi tiết, bán với số lượng chỉ-có-một với giá hàng chục nghìn đô dường như chỉ dành cho một mục đích duy nhất: lên thảm đỏ. Thế nhưng, chắc hẳn sẽ ít có ai tò mò về số phận của những chiếc đầm chỉ được mặt một lần duy nhất trong đời liệu sẽ về đâu.

Những sự kiện thảm đỏ luôn là “sân chơi” của những thiết kế Haute Couture như lễ trao giải Oscar, Met Gala hoặc Grammy, Brits, Quả cầu vàng… Đây luôn là sự kiện trọng đại của thời trang xa xỉ, có lẽ còn hơn cả các tuần lễ thời trang. Các trang phục từ đó nhận được sự soi xét từ công chúng đến từng chi tiết nhỏ, cũng như cách mà những gương mặt nổi tiếng của Hollywood mặc lên chúng.

Trong lúc diễn ra sự kiện, thông tin và hình ảnh đều được cập nhật liên tục, từng tấm ảnh ở mọi góc độ và ngay cả khi sự kiện đã kết thúc chúng vẫn sẽ được hiện diện trên các kênh truyền thông toàn cầu. Đó chính là lý do Haute Couture được mệnh danh là những bộ váy/thiết kế chỉ được mặc một lần.

met_gala_26.jpeg
Chị em nhà Jenner sánh đôi trong hai bộ váy đơn sắc của Versace tại Met Gala 2019.

Theo quy định, người nổi tiếng sẽ phải ký hợp đồng với các thương hiệu thời trang để góp phần quảng bá tên tuổi của thương hiệu ấy. Các hợp đồng này bao gồm số lần và tên các sự kiện người nổi tiếng mặc trang phục do thương hiệu ấy thiết kế. Vì vậy, những chiếc váy đều là duy nhất và được làm đặc biệt cho một người nổi tiếng nhất định.

Giá trị quảng bá

Thông thường, những người nổi tiếng phải trả lại quần áo ngay sau khi sự kiện kết thúc hoặc trong vòng 48 giờ, vì vậy họ hiếm khi được sở hữu luôn sản phẩm đó. Một chiếc váy có giá từ vài trăm nghìn USD đến hàng triệu USD, vì lý do kinh doanh, thương hiệu buộc phải thu hồi lại để tái sử dụng cho mục đích khác. Hơn nữa, những ngôi sao cũng đơn giản là không cần chiếc váy đó, vì họ sẽ không mặc lại bất kỳ trang phục nào đã diện tại các sự kiện thảm đỏ trước đó.

Haute Couture

Tuy nhiên, nhiều nhà thiết kế cũng hào phóng tặng những thiết kế Haute Couture cho các ngôi sao, đặc biệt là các thương hiệu lâu đời như Chanel (nhưng cũng rất hiếm khi). Nếu món đồ được người nổi tiếng mặc vào cuối mùa và nhà thiết kế không còn nhu cầu quảng bá, nó sẽ được tặng đi. Hay trong trường hợp chiếc váy đạt được mức độ truyền thông lớn, nó cũng có thể trở thành món quà cho các ngôi sao.

Giá trị lưu trữ

Một “lối đi” khác cho những trang phục đặc biệt được thiết kế riêng là kho lưu trữ. Các thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Valentino và Dior thường có xu hướng thu hồi váy trên thảm đỏ và giữ nó trong kho lưu trữ của họ.

Bên cạnh đó, chúng cũng có thể được đưa đến bảo tàng hoặc buổi đấu giá. Với 6.000 món đồ xuyên suốt lịch sử của nhà mốt, ngôi nhà Haute Couture của Balenciaga tọa lạc Avenue George V giống như một “ngôi đền thiêng” lưu giữ những giá trị nghệ thuật của thời trang tồn tại qua thời gian. Một số khác được lưu trữ trong các viện bảo tàng – như kho lưu trữ của Lanvin ngụ tại Palais Galliera, hay kho lưu trữ của Christian Dior có các trang phục được làm từ năm 1947 (thời kì Dior mới ra mắt) nằm trong tủ trưng bày được kiểm soát nhiệt độ, mang tính triển lãm di sản của thương hiệu.

Haute Couture
Balenciaga Haute Couture Shop tại Đại lộ George V, Paris

Vào năm 1954, diễn viên gạo cội Audrey Hepburn diện chiếc váy được thiết kế bởi Hubert de Givenchy lên nhận giải Oscar. Có nhiều thông tin cho rằng chiếc váy cổ thuyền màu trắng đã được mẹ của Hepburn – bà Ella van Heemstra – tặng cho một người bạn ở Mỹ. Nó đã được đựng trong chiếc hộp phủ đầy bụi cho đến khi gia đình quyết định đưa ra đấu giá vào năm 2011. Cuối cùng, chiếc váy được một nhà sưu tập tư nhân trả hơn 150.000 USD. Số phận chiếc váy ấy, cũng như nhiều sản phẩm lưu trữ khác, đều sẽ trở thành những di vật vô giá nằm trong bộ sưu tập cá nhân của ai đó, hay thuộc về bảo vật của viện bảo tàng.

Haute Couture

Giá trị kinh tế

Những thiết kế Haute Couture sau khi được ra mắt tại khuôn khổ Tuần lễ thời trang Haute Couture, sẽ trở thành thiết kế tiên phong mang màu sắc chính của toàn bộ BST của mùa đó. Vì vậy, các sản phẩm may đo cao cấp này sẽ được thu hồi về để hoàn thiện chất liệu cho các sản phẩm ready-to-wear khác.

Các bộ váy mẫu này thường phải trải qua một chiến dịch bán hàng kéo dài trong vòng 3 tuần. Ngay khi vừa rời khỏi sàn catwalk, chúng sẽ được thu xếp và đưa đến một phòng trưng bày thương mại dành cho những buyer. Hầu hết các buyer, đặc biệt là người châu Á và Mỹ thường sẽ bỏ qua các buổi trình diễn ở Milan và sẽ đi thẳng đến Paris. Vì thế, các thương hiệu sẽ thận trọng sắp xếp một phòng trưng bày riêng tại Ý, sau đó đến Pháp và vòng lại Milan để tất cả các buyer khác có thể xem mẫu. 

Haute Couture

Sau đó, các thiết kế sẽ đến tay những người nổi tiếng và influencers dành cho các sự kiện thảm đỏ không quá danh giá như Oscar. Những chiếc váy được catwalk trong BST Haute Couture sẽ có nhiệm vụ giống hệt những thiết kế được làm riêng cho những ngôi sao hạng A – truyền thông quảng bá cho thương hiệu, tạp chí thời trang và bản thân các influencers.

Bộ phận truyền thông của các công ty thời trang và các agency truyền thông chịu trách nhiệm quản lý và bảo quản trang phục dành cho các tạp chí và người nổi tiếng từ nhiều châu lục khác nhau. Lúc này, các influencers sẽ đăng tải hình ảnh trên các bài đăng của mình trên mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng có xu hướng mua những trang phục mang tính hàng ngày, thể thao hơn là những trang phục diện trên thảm đỏ.

Haute Couture

Tạm kết, Vogue đã từng nhận định rằng: “Mỗi một chiếc váy xuất hiện tại sự kiện lớn luôn là phẩm nghệ thuật. Vậy mà mọi người chỉ có thể nhìn thoáng qua trước khi chúng được treo lên hoặc cất đi. Điều này không thực sự công bằng”. Vì vậy, xu hướng nhiều nhà mốt mở những cửa hàng Haute Couture để lưu trữ, trưng bày những thiết kế may đo cao cấp để thế hệ sau này được biết đến rộng rãi hơn những thiết kế thủ công nhưng là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của ngành thiết kế thời trang.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here