Giày đen & tất trắng: “Điều cấm kỵ” hay quy tắc cần phá vỡ?

0

Vậy quy tắc về màu sắc giữa “giày đen & tất trắng” là gì và liệu chúng ta có cần phải tuân thủ các nguyên tắc, hay đơn giản là phá vỡ nó đi?  

Giày – tất luôn là hai vật thể gắn liền với nhau trong một outfit hoàn chỉnh, mặc dù đôi tất chỉ được coi là phụ kiện đi kèm nhưng lại có vai trò quan trọng như một thứ kết nối giữa phần trên và dưới và được nhiều người coi trọng, tỉ mỉ lựa chọn chẳng kém gì các món đồ khác. Khi lướt trên các nền tảng mạng xã hội, ta có thể vô tình bắt gặp khá nhiều người bắt bẻ, mỉa mai chuyện “tất trắng phối với giày đen” trong các clip có chủ đề về thời trang.

Quy tắc của những đôi tất

Trong thời trang luôn có những nguyên tắc bất thành văn điều chỉnh các hành vi ứng xử và chọn lựa trang phục. Việc chọn vớ đi kèm với một đôi giày cũng không ngoại lệ. Do đó, từ trước tới nay người ta thường tuân theo nguyên tắc đồng bộ khi sử dụng các loại tất có cùng màu sắc với giày hay quần. Trong văn hoá thời trang phương Tây, giày đen thường mặc với suit đen và quần đen (tối màu) để thể hiện sự sang trọng, lịch lãm. Ngoài ra, một quy tắc cơ bản của thời trang là ton-sur-ton nên nếu mang với tất trắng thì nó phá vỡ các nguyên tắc đó. Bởi vì nhiều người cho rằng sự xung đột giữa hai màu sắc trắng-đen giữa giày và tất phá vỡ mạch liên kết trong tổng thể bộ trang phục. 

Người ta quan điểm rằng theo hướng mắt nhìn thuận theo tự nhiên, thường mắt người sẽ quét từ trên xuống dưới: quần – tất – giày. Việc phối quần đen – tất trắng – giày đen làm cho thao tác nhìn từ quần xuống giày bị khựng lại một khoảng từ đó tạo nên cảm giác khó chịu. Trong khi đó, khi phối áo trắng với suit đen không bị hiện tượng này do phần thân trên chia làm 3 phần nằm dọc song song – ngược với phần dưới bị chia làm 3 phần nằm ngang. Tại một buổi gặp mặt ai đó, nếu vi phạm nguyên tắc này còn có thể vô tình bị coi là thiếu lịch sự, vô duyên và thể hiện gu ăn mặc kém của người đó.

Tại Mỹ, tất trắng được coi là chỉ dành cho đồ thể thao, không mang tính sang trọng. Thế nên khi kết hợp với giày da màu đen sẽ bị coi là quê mùa hoặc có thể bị các “cảnh sát thời trang” để mắt tới. Thay vì màu trắng, người ta thường chọn lựa các loại tất có gam màu đồng bộ hay quần, điều đó tạo ra kết cấu 3 phần hoàn chỉnh từ trên xuống dưới, đặc biệt là “tuân theo quy tắc” thì tôn trọng người nhìn hơn.  

Trong chương trình Vietnam’s Next Top Model mùa thứ ̀5, giám khảo Adam Williams đã bực bội vì một thí sinh sử dụng giày đen kết hợp với tất trắng. Có thể thấy được, văn hoá thời trang từ phương Tây rất coi trọng những chi tiết nhỏ, thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ. Nhưng phản ứng mang tính khó chịu tạo ra áp lực cho những người vô tình phạm phải quy tắc đó. 

Adam Williams

Với sự lan toả của thời trang trên thế giới, các quy tắc cũng dần được du nhập vào Việt Nam và thấm nhuần trong cách ăn mặc của nhiều người. Điều đó dẫn tới sự khắt khe, hay tạo ra các cảnh sát thời trang trên mạng xã hội, nhiều người cảm thấy lạ lẫm cũng như khá khó chịu với hình ảnh giày đen tất trắng. Đặc biệt là với người chơi Sartorial, những người có phong cách ăn mặc lịch thiệp sang trọng thường khá khó tính trong từng chi tiết trên trang phục, họ không cho phép viền cắt màu trắng nằm giữa giày và ống quần, như thế khiến bộ suit họ mang mất đi tính cân bằng, giảm đáng kể độ hoàn thiện, tinh tế mà họ cất công xây dựng nên. 

Điều cấm kỵ hay quy tắc cần được phá vỡ?

Đọc tới đây, bạn sẽ nghĩ rằng mình đã từng phạm phải quy tắc ấy và đang bị lung lay ư? 

Đừng lo, bởi thời trang không phải là toán học nên cũng chẳng có quy tắc nào là tuyệt đối cả, thời trang là sự sáng tạo không ngừng nghỉ để tạo ra những giá trị đẹp đẽ cho từng thời đại mà nó tồn tại. Năm 2024, việc một người đàn ông mặc đầm hay váy không còn là điều gì lạ lẫm hay kì quặc nữa, con người đang phát triển dựa trên nền tảng cũ và luôn tạo ra những thứ mới mẻ, phá vỡ những quy tắc chuẩn mực cũ. 

Đối với “giày đen tất trắng” cũng vậy, sự tương phản của màu tất với giày không phải là quê màu hay bất lịch sự gì nữa. Màu trắng của tất như một dải màu thuần khiết giữa 2 vùng tối từ quần và giày, tăng độ nổi bật của đôi giày, nếu xuyên suốt outfit của bạn chỉ là thuần đen, thì ai sẽ để ý tới đôi giày Dr. Martens mà bạn đã kỳ công chọn lựa, khi nhìn qua nó cũng chỉ như bao đôi giày khác. Có thể thấy được, tất trắng chính là chất xúc tác thu hút ánh nhìn từ người khác và tăng sự nổi bật cho đôi giày của bạn. Màu trắng vốn thể hiện tính lịch sự và thanh nhã, bởi lẽ mà sơ mi trắng luôn đi kèm với bộ âu phục tối màu. 

Với đặc tính thể thao, sử dụng tất trắng góp phần làm gọn phần cổ chân của bạn nhưng vẫn giữ được tính khỏe khoắn, năng động. Mang tất trắng cũng thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn thận nâng niu trang phục, vì giữ cho đôi tất được sạch sẽ là điều khó và cần phải giặt bằng chính đôi tay của mình. Hơn hết tất trắng cực kì dễ phối đồ, bạn có thể kết hợp với sandal, dép xỏ, các loại váy ngắn-dài, quần jeans, quần vải… sự linh hoạt, tiện lợi của chiếc tất màu trắng là lý do nhiều tín đồ thời trang ưa chuộng, tin dùng. 

Nếu bạn là người yêu thích Loafer Penny thì tất trắng là lựa chọn hoàn hảo nhất để kết hợp cùng dù trang phục ở phần trên của bạn có là gì. Đôi giày lười trên nền tất trắng thể hiện sự năng động trẻ trung nhưng không kém phần sang trọng, nó cũng được nhiều người sử dụng và dần phổ biến thành một phong cách tại phương Tây cũng như Châu Á. 

Trong quá khứ, “ông hoàng nhạc Pop” Michael Jackson luôn xuất hiện trước công chúng khi diện “giày đen tất trắng”, thể hiện tính độc lập, đi ngược lại với số đông thời ấy. Chiếc tất trắng đối với ông như một đốm sáng giữa vũ trụ u ám, thu hút mọi ánh nhìn hướng vào các chuyển động của đôi chân khi ông nhảy. Có lẽ, ông là những người tiên phong phá vỡ các quy tắc cứng ngắc này. Cách Michael Jackson kết hợp 2 màu tương phản giữa tất và giày tạo nên thương hiệu bên cạnh điệu nhảy nghiêng 45 độ huyền thoại.  

Đó là ngày trước, thế còn hiện nay thì sao? Các ca sĩ, rapper Việt Nam cũng như quốc tế, những người có phong cách ăn mặc đẹp cũng lựa chọn sự phá vỡ quy tắc này. Nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng nhiều lần lên ảnh diện outfit sang chảnh, kết hợp giày đen với tất trắng khiến người hâm mộ cảm thấy thích thú và “đu” theo. Hay G-Dragon, biểu tượng thời trang của làng KPop cũng không ít lần khoác lên mình âu phục xen kẽ chiếc vớ trắng tinh tươm. 

Trên thế giới, đồng phục nữ sinh của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng sử dụng kết hợp giày đen với tất trắng, tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh và truyện tranh. Nếu nói đến những quy tắc bị phá vỡ trong thời trang, không thể không nhắc tới người Nga ̣(mặc dù hơi dị). Đúng vậy, Nga ngố là các “Master Chef” trong việc xào nấu những món đồ thuần thể thao với giày da. Thời trang từ các dân chơi Gopnik tạo ra sự hài hước đôi khi còn được coi là thảm hoạ, nó cũng khiến cho người nhìn thấy khó chịu hoặc vui mắt. Cách xào nấu như thế lại trở thành một phần đặc trưng chỉ có trong tiểu văn hoá này. Trên hết sự pha trộn khó hiểu này đem lại cảm giác vui vẻ cho người mặc, thể hiện được sức mạnh cá tính riêng của bản thân, đó cũng chính cái đẹp mà tinh thần thời trang mang lại. 

Những nữ sinh Nhật Bản
Gopnik

Kết luận

Cuối cùng, trên tinh thần tự do thời trang, hãy làm những điều mình thích, mặc những gì mình muốn, chỉ cần bạn có đủ tự tin và thần thái thì dù trắng hay đen cũng đều là cái đẹp. Không cần phải tự ti hay đắn đo khi tuân theo những quy tắc khô khan ấy bởi suy cho cùng bản chất của thời trang chỉ phản ánh một phần hình thức bên ngoài của con người, sang trọng hay quê mùa quyết định là từ bên trong bản thân mỗi chúng ta. Học hỏi, tiếp thu, phát triển đó mới là thứ quan trọng. Những quy tắc sinh ra là để được phá vỡ bởi sự sáng tạo và việc phá vỡ những quy tắc trong thời trang là điều cần thiết, nếu không có sự đột phá mới mẻ thì tiêu chuẩn về cái đẹp sẽ chỉ quanh quẩn trong một vòng tròn vô cực.

Bài viết: Nam Đinh Đoàn

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here