“Giải mã” phong cách Hồng Kông hấp dẫn mọi thế hệ Việt Nam

0

Phong cách Hồng Kông (Hong Kong Style) là một thuật ngữ trường tồn với thời gian, bao gồm thời trang, lối sống đầy mơ mộng mà không kém phần hoài niệm và nhiều khía cạnh khác. Phong cách này đã hấp dẫn bao thế hệ 8X-9X Việt và chưa có dấu hiệu “nguôi ngoai” ở thời điểm hiện tại.

Thập niên 1980 kéo dài đến 1990 là một thời kỳ sáng tạo và phát triển của văn hóa – thời trang châu Á nói riêng. Từ đất nước Hồng Kông đã tạo ra một lối sống, thẩm mỹ và phong cách thời trang độc đáo sau đó dần lan rộng tới các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Phong cách Hồng Kông phần lớn phản ánh sự đa dạng và phức tạp của xã hội Hồng Kông năm 70 đến 90 một cách chân thực.

Nguồn gốc của phong cách Hồng Kông

Ít nhiều trong các thế hệ trẻ người Việt đều đã từng yêu thích hoặc từng bắt gặp phong cách thời trang đậm chất Hồng Kông ở bất kỳ đâu đó trong cuộc sống. Đã có thời điểm, nhiều bạn trẻ lấy cảm hứng từ phim Hồng Kông để chụp ảnh, làm poster, trang điểm và phối đồ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải học tiết “Lịch Sử” để hiểu hết giai đoạn hình thành nên phong cách sống và thời trang của Hồng Kông trong thập niên qua.

1/ Trước khi du nhập văn hóa phương Tây

Khi Hồng Kông đang trải qua thời kỳ đen tối trong Chiến tranh thế giới thứ hai, việc ăn mặc sành điệu không phải là ưu tiên của người dân bình thường trong thời kỳ loạn lạc. Cùng với chiến tranh, ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ và dân số nơi đây trở nên bùng nổ. Lúc này, sườn xám truyền thống là trang phục hằng ngày của phụ nữ. Lần đầu tiên được phổ biến ở Thượng Hải vào những năm 1920 và 1930, chiếc áo dài ôm sát cổ cao này đã trở thành một cú nổ lớn tại Hồng Kông sau khi làn sóng những người thợ may Thượng Hải từ đại lục chạy sang Hồng Kông vào những năm 1950.

Đến những năm 60, văn hóa – thời trang Hồng Kông chịu sự ảnh hưởng từ các nghệ sĩ âm nhạc phương Tây, phim ảnh Hollywood và truyền thông từ Châu Âu. Thời trang của nữ giới xứ Cảng Thơm cũng dần thay đổi, sườn xám được thay thế bằng váy ngắn và váy chữ A. Tuy nhiên, phần cổ áo vẫn giữ sự kín đáo cổ điển phương Đông. Nam giới cũng thay thế những chiếc áo rộng dài tay bằng những bộ âu phục, áo sơ mi vừa vặn và Cuban Shirt (áo sơ mi tay ngắn) đầy màu sắc cho những ngày xuống phố.

2/ Sau khi du nhập văn hóa phương Tây

Đến thập niên 1970, đây là lúc mà thị trường nội địa của Hồng Kông bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ này nền văn hóa đại chúng âm nhạc và phim ảnh nội địa Hồng Kông bắt đầu cất cánh như diều gặp gió.

Joyce Ma – một trong những fashionista đầu tiên của Châu Á đã thành lập nhà bán lẻ thời trang nội địa Joyce Boutique vào năm 1971. Phụ nữ thời đó chỉ chuộng giày đế cao và váy thắt eo, trong khi cánh mày râu sành điệu không thể không có trong tủ quần áo của mình một chiếc quần jeans ống loe. Và tất nhiên, denim vào thời điểm này cũng không thể thiếu trong tủ quần áo của các nam thanh nữ tú Hồng Kông.

Joyce Ma

Màu sắc rực rỡ, sống động trong chất liệu vải đã thống trị thị trường thời trang trong những năm 1980 tại Hồng Kông. Nó phản ánh sự tự tin và lạc quan cao được thúc đẩy bởi sự thịnh vượng kinh tế chưa từng có từ nước ngoài. Trong thời trang casual, áo khoác Bomber, quần Capri (quần ống lửng) và quần Baggy Jeans đã trở thành xu hướng unisex. Kéo theo đó là sự lên ngôi của thời trang oversized. Thập niên 80 cũng là lúc Hồng Kông “chạm đỉnh” về năng lực sản xuất, thúc đẩy mọi người táo bạo cũng như phá cách hơn trong trang phục.

3/ Từ năm 1990 đến 2000

Những năm 1990 chứng kiến ​​Hồng Kông phát triển thành một thành phố toàn cầu. Hồng Kông đã gần như “chín muồi” trong văn hóa, thời trang, phim ảnh, trang điểm và cả màu sắc đa lĩnh vực. Từ đó, phong cách Hồng Kông cũng hình thành nét đặc trưng và ảnh hưởng sang các quốc gia Châu Á lân cận, trong đó có Việt Nam.

Một số xu hướng đến từ những thập kỷ trước vẫn được ưa chuộng: Denim bạc màu và áo sơ mi cài cúc. Còn có sự xuất hiện của áo ôm sát, quần yếm có dây, trang phục thể thao… Đặc biệt, nam giới trẻ rất yêu thích áo khoác bóng chày (Baseball Jacket) và áo gió (Wind Jacket), toát lên sự thể thao và năng động.

Trong khi phái nữ thường mặc áo trơn kết hợp với quần lưng cao hoặc váy không tay có họa tiết gingham. Những năm 2000 không thể thiếu quần jean cạp trễ, quần túi hộp và áo tank top sặc sỡ. Được lăng xê tích cực bởi những nhân vật nổi tiếng như Trịnh Tú Văn, Dung Tổ Nhi, và nhóm Twins, những đường cắt quyến rũ cùng màu sắc bắt mắt trở nên thịnh hành khi Hồng Kông bước vào thiên niên kỷ mới.

Vì sao phong cách Hong Kong được ưa chuộng đến ngày nay?

Đầu tiên phải đề cập đến xu hướng tìm về những yếu tố hoài cổ của người trẻ hiện đại đang diễn ra trong nước và thế giới. Khi cuộc sống con người ngày càng hiện đại, thuận tiện và nhiều điều mới mẻ mỗi ngày được khai sinh. Con người có xu hướng thích tìm về những thứ cũ kĩ, hoài niệm so với những gì đại trà đang diễn ra. Vì những thứ cũ kỹ khó lưu trữ sẽ tạo nên tính độc nhất mà bất cứ ai cũng muốn sở hữu nhằm thể hiện cái tôi cá nhân trong thời đại 4.0.

Cuộc chơi Vintage/Archive và xu hướng thời trang Y2K là một ví dụ thực tế cho thị hiếu Gen Z ngày càng đề cao tính hoài cổ và độc nhất trong thời trang. Vì lý lẽ đó mà phong cách Hồng Kông vẫn tiếp tục tồn tại trong muôn vàn xu hướng thời trang tại Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung.

Thú chơi Film càng mờ càng thơ cũng là chất xúc tác trong quá trình “phục hưng” phong cách Hong Kong ở thời điểm hiện tại. Những thứ mơ màng từ ảnh film chụp bị cháy sáng là điều mà Gen Z cực kỳ mê mẫn khi tham gia thú chơi này. Vô tình, truyền thông và phim ảnh từ Hồng Kông những thập niên trước cũng có những nét thơ từ những thước phim hạt bị rỗ, mờ. Tất cả bổ trợ lẫn nhau và tạo nên concept Hồng Kông style mà chúng ta bắt gặp ở hiện tại.

Thêm vào đó, phim ảnh – âm nhạc trong nước và thế giới vào những năm 2000 trở đi được phát triển với nhiều thiết bị hiện đại và gu thẩm mỹ nên đã tạo ra một vẻ đẹp chuẩn mực mới cho các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc quốc tế. Khác thật nhiều so với các nàng thơ thập niên 1970 – 1990, vẻ đẹp thời điểm này thật thơ mộng tự nhiên và thuần khiết hơn so với chuẩn mực vẻ đẹp bây giờ. Cách make up và màu sắc của các nữ minh tinh đề cao những gam màu nổi bật như son đỏ, da trắng, mascara có phần hơi đậm nhưng tổng quan vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có của người phụ nữ Châu Á.

Trong kí ức của các bạn trẻ 8X-9X chắc hẳn đều rất nhớ những bộ phim Hồng Kông ăn khách và đình đám một thời của đài TVB. Bên cạnh nội dung hấp dẫn là những diễn viên xinh đẹp với lối diễn xuất tự nhiên. Không thể quên được phong cách kiểu Hồng Kông của các tượng đài nhan sắc. Các chàng trai thì mê mẫn, tự cao với lối sống phông bạt theo kiểu “Người trong Giang hồ”.

Từ đó có thể thấy thế hệ 8X 9X Việt chịu ảnh hưởng nhiều bởi Hồng Kông, sự ảnh hưởng từ thế hệ trước được Gen Z thừa hưởng từ đàn anh những tinh thần thơ mộng, màu sắc đến tận hôm nay.

Dạo một vòng quận 5, Chợ Lớn, hay những chung cư cũ ở quận 1, chúng ta sẽ nhận thấy lối kiến trúc ở các khu vực này khá giống với kiến trúc từ Hồng Kông xa xưa. Lối thiết kế này vô tình làm cho Hồng Kông style vẫn được lưu truyền và tồn tại đến tận hôm nay tại Việt Nam.

Ngoài ra, các quán ăn uống những năm gần đây cũng xây dựng theo khu phố Hồng Kông cùng các bảng hiệu chữ Tàu trộn lẫn tiếng Tây. Tất cả tạo nên một bầu không khí đậm chất đường phố Hồng Kông. Đã từng có một trào lưu chụp hình check in tại các quán xây dựng theo concept này trên các nền tảng mạng xã hội.

Điểm tâm kiểu “Hồng Kông” bên hông Chợ Lớn

Tương đồng giữa thời trang Việt và Hồng Kông 1970s

Đã có một thế hệ người Việt từng lớn lên với những bộ phim Hồng Kông và những tấm poster giai nhân đầu giường, ngôi sao xứ Hồng Kông luôn để lại ấn tượng không phai trong lòng cha mẹ, anh chị chúng ta. Họ học hỏi và đắm chìm cách ăn mặc giống các tài tử Hồng Kông, đặc trưng có thể thấy trong outfits là đóng thùng cùng chiếc áo khoác sơ mi bên ngoài, điểm xuyến cặp mắt kính đen và phiêu du trên con xe máy hai thì.

Vậy mới thấy, bậc phụ huynh của chúng ta cũng từng có một lối sống bụi bặm, ăn chơi và phong cách thời trang cực chất ở độ tuổi mười chín đôi mươi. Phong cách thời trang Việt Nam từ 1970 đến 2000 có nét tương đồng với thời trang Hồng Kông cùng thời.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here