Đồ hiệu có thật sự “nồi đồng cối đá” như ta vẫn lầm tưởng?

0

Dở khóc dở cười khi chúng ta bỏ một số tiền lớn để sở hữu đồ hiệu nhưng được dăm ba bữa thì món đồ đó lại nhanh “xuống cấp”. Vậy đồ hiệu có thực sự chất lượng như chúng ta nghĩ?

Đồ hiệu và đồ cao cấp luôn là những món xa xỉ được yêu thích muôn đời. Dù giá thành đắt đỏ nhưng chúng vẫn được nhiều tín đồ thời trang săn đón nồng nhiệt. Song, bên cạnh việc chi mạnh tay để sở hữu, chất lượng của những món đồ này vẫn có thể đi xuống nếu người dùng “thần thành hóa” hàng hiệu hoặc các món đồ này chưa thật sự đạt đến chất lượng cao như chúng ta nghĩ.

Thực trạng mang tên “hoàn hảo”

Đầu tiên, hàng hiệu ở đây là những món đồ mang thương hiệu thời trang quốc tế hoặc trong nước. Những món đồ này được người tiêu dùng Việt gọi chung là “đồ hiệu” nếu chúng sở hữu giá thành đắt hơn mặt bằng chung so với các sản phẩm may mặc thường thấy trên thị trường.

Sự thật mất lòng rằng đa số người tiêu dùng tại Việt Nam đều nghĩ rằng đồ hiệu là “nồi đồng cối đá” và không bao giờ bị hư hỏng. Nhưng trên thực tế, đồ hiệu chỉ là những món đồ có chất lượng tốt hơn đồ giả hoặc đồ chất lượng kém. Củng cố cho quan điểm đồ hiệu không hoàn hảo là có cơ sở. Bởi vì khâu sản xuất đồ hiệu thường theo quy trình công nghiệp dây chuyền hoặc theo thủ công số lượng lớn. Do đó sẽ vẫn có những sai số trong quá trình sản xuất, những lỗi này được gọi với tên “Factory Flaws”. Trong khâu kiểm tra chất lượng thương hiệu, Flaws thường được chấp nhận trong một khoảng nhất định, nếu chúng không quá to hoặc nghiêm trọng thì vẫn sẽ được bày bán trong các cửa hàng chính thức. Nếu những lỗi to hơn quy chuẩn, chúng sẽ được nhà sản xuất cho vào hàng Outlet Store hoặc đem đi… tiêu hủy.

Thông thường, các thương hiệu thời trang hoặc cao cấp tại nước ngoài sẽ chia các nhãn hàng thành nhiều phân khúc tiêu dùng khác nhau nên phần nào khách hàng sẽ hiểu được chất lượng của từng phân khúc để không quá khắt khe với các lỗi nhỏ từ đồ hiệu. Còn tại Việt Nam, người tiêu dùng vẫn đang sai lầm trong việc nhận thức các phân khúc thời trang và quy chụp các món đồ mắc tiền là đồ hiệu.

Minh chứng dòng giày Vans là một thương hiệu “bình dân” tại nước ngoài dùng cho các hoạt động hằng ngày và dành cho dân trượt ván. Tuổi thọ của đôi giày này chỉ từ khoảng 1 năm đến 2 năm, nên các vật liệu sản xuất chỉ dừng lại ở mức phổ thông hoặc khá. Khi thương hiệu này về đến thị trường Việt Nam thì nhận phải nhiều chỉ trích, khắt khe vì chất lượng không bền như định nghĩa “đồ hiệu” mà người mua mong đợi. Ngoài ra, nhiều người vẫn lầm tưởng các thương hiệu Fast Fashion như Zara, H&M, Pedro… là hàng hiệu vì chúng đắt hơn so với giá thành trang phục họ thường thấy.

Shopping vì.. giá trị thương hiệu

Chi trả một khoản bill cao ngút trời.. vậy số tiền đó chúng ta nhận lại được những giá trị gì cho tủ đồ của mình?

Đồ hiệu cao cấp (Luxury) sẽ ra sao nếu Chanel mất đi logo 2 chữ “C” lồng vào nhau. Sẽ thế nào nếu chiếc túi hiệu Goyard không có hoa văn chữ Y quen thuộc? Hay một chiếc túi Gucci lại không còn khóa chữ G đặc trưng? Túi của Louis Vuitton hay Neverfull thiếu đi hoa văn Monogram huyền thoại có tuổi đời hơn 100 năm? Lúc đó, phần nhiều chúng chỉ còn là một món đồ bình thường trong mắt nhiều người. Suy ra, quần áo và túi xách cao cấp cuối cùng cũng chỉ là một món đồ vật phục vụ cho con người, đừng nên “thần thánh hóa” chúng bởi nhãn hiệu.

Vậy nhưng nếu thiếu đi logo, bộ nhận diện thương hiệu của những nhãn hàng, liệu người tiêu dùng có còn sẵn sàng trả mức giá “trên trời” để sở hữu sản phẩm đó nữa không? Câu trả lời có lẽ là “Không”. Bởi bộ nhận diện thương hiệu cùng thông điệp đi kèm với chúng chính là yếu tố thu hút khách hàng khiến họ chấp nhận chi ra hàng ngàn USD để sở hữu những chiếc túi từ nhà mốt Gucci hay Louis Vuitton, thay vì thiết kế na ná đến từ các thương hiệu bình dân khác.

Nếu ngẫm sâu xa hơn, chúng ta thấy thứ chính xác mà các nhà mốt lâu đời đang bán là thương hiệu (trademark) của mình. Do đó giá trị của đồ hiệu phần lớn đến từ các thương hiệu xa xỉ gốc với tuổi nghề lâu năm cùng các câu chuyện khởi nghiệp hấp dẫn.

Shopping vì… bản thiết kế vĩ đại

Ngôn ngữ thiết kế đặc trưng, độc đáo và tiên phong cũng là một trong những điểm hấp dẫn và thu hút các tín đồ thời trang phải “bấm bụng” mua những món đồ giá khá chát. Thông thường, chúng ta sẽ thấy các thương hiệu lớn là người tiên phong trong tất cả các xu hướng khi lần lượt mang đến các trào lưu ăn mặc mới. Các thương hiệu cũng có thể là người “tái sinh” một phong cách thời trang đã cũ bỗng dưng được “sống dậy” đó đều là nhờ vào tư duy thiết kế tài ba bởi những nhà thiết kế có tên tuổi và gu thẩm mỹ cao. Do đó, giá trị vô hình là thứ ít ai thấy được và cũng là một trong những nguyên do khiến nhiều người phải trả tiền cho thời trang luxury.

Đi cùng với các thiết kế tinh xảo chắc chắn phải có các chất liệu độc đáo không kém mới tạo nên một tổng thể đẹp mắt và chất lượng đúng chuẩn “luxury”. Các thương hiệu, nhà mốt lớn đã chọn lựa các loại chất liệu bền bỉ và quý hiếm hơn so với các nhãn hàng bình dân, chẳng hạn như da cá sấu, vải cotton Supima, cotton Ai Cập,… cho nên việc bán với một giá thành cao cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không vì chi trả số tiền cao mà bạn đòi hỏi những vật liệu này “nồi đồng cối đá” và không bao giờ hư hỏng, chúng chỉ mang tính giá trị cao và bền ở một mức độ nhất định.

“Của bền tại người”!

“Của bền tại người”, chúng ta sử dụng đi đôi với bảo dưỡng chuẩn thì tất cả các sản phẩm luxury sẽ bền và sử dụng được lâu hơn. Đây là một trong những điều cơ bản nhất mà ít người tiêu dùng nào để tâm vì họ nghĩ những món đồ này như những chiếc “áo giáp sắt”. Chỉ cần mặc xong và giặt sấy liên tục thì sẽ tái sử dụng được cho lần mặc tiếp theo.

Điều này hoàn toàn là sai lầm bởi vì mỗi sản phẩm Luxury cho đến Hypebeast, Streetwear hay “bình dân” như Fast Fashion đều có hướng dẫn sử dụng và bảo quản trên tag áo. Đây là điều mà hầu hết chúng ta sẽ bỏ qua vì cho rằng nó không quan trọng. Nhưng thực chất, tùy loại vải sẽ có cách xử lí làm sạch khác nhau và không loại nào giống loại nào. Về lâu và dài chúng ta sẽ thấy được sự “xuống cấp” rõ rệt nếu không giặt đúng cách.

Ngoài ra,phía các nhà mốt cũng cố ý tạo ra những tác phẩm nghệ thuật không dành cho việc giặt ủi, vệ sinh thông thường. Điển hình là “phù thủy bóng đêm” Rick Owens có một số sản phẩm áo thun sử dụng chất liệu vải mỏng. Giải thích cho việc này chính là phục vụ cho mục đích thiết kế của thương hiệu, họ mong muốn người mua sẽ mặc bên trong như một lớp layer và khoác một chiếc áo jacket bên ngoài. Nhưng, nếu đem giặt bằng máy thì chất lượng của nó sẽ xuống cấp nhanh chóng.

Việc bảo quản, giặt ủi, vệ sinh nên được chúng ta để tâm nhiều hơn nhằm mục đích tái sử dụng lâu dài và tránh đi sự “hiểu lầm” về chất lượng của những món đồ mang thương hiệu đính kèm.

Tổng kết

Suy cho cùng, chúng ta hãy tìm hiểu một chút trước khi mua sắm một món đồ mắc tiền và lựa chọn sao cho phù hợp với ví tiền mà mình có. Những món đồ luxury – chúng là vật tiêu sản mà không phải ai cũng hiểu giá trị thực và chất lượng của chúng từ đâu. Cái chúng ta bỏ tiền ra mua chính là giá trị nhận biết thương hiệu cũng như lối sống trung lưu/ thượng lưu mà thương hiệu thời trang cao cấp đại diện.

Hãy mở rộng suy nghĩ, đừng quá khắt khe về chất lượng của bất cứ ngành hàng thời trang và bảo quản, lưu trữ theo cách tốt nhất nhằm mục đích sử dụng lâu bền.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here