Nếu bạn nghĩ rằng các DJ (Disc Jockey) trong club chỉ việc bật nhạc theo playlist và làm những thao tác khá “nhàn” như vặn nút, chà đĩa và đẩy volumne… thì bạn chắc chắn đã lầm về bộ môn nghệ thuật Hip Hop này! Vậy chính xác thì họ làm gì?
Kể từ khi Hip Hop bắt đầu “đổ bộ” vào Việt Nam và mang đến nhiều loại hình nghệ thuật đường phố khác nhau. Các “môn học” Hip Hop này đã khiến 8x, 9x đời đầu cho đến Gen Z ngày nay vô cùng yêu thích và lựa chọn theo đuổi. Trong đó, DJ (Disc Jockey hay Người điều khiển âm thanh) là một trong những “nhạc cụ” âm thanh không thể thiếu trong những buổi party, dance battle và xa hơn là ở các bar/club.
Trên thực tế, sự phát triển và lan rộng khắp mọi nơi của Hip Hop đều có công đóng góp lớn từ những “phù thủy âm nhạc” bằng cách làm mới những bản nhạc hit vốn có. Điều này đòi hỏi người DJ phải có cảm thụ âm nhạc tốt để tạo nên melody nổi tiếng của riêng họ.
Nơi khai sinh của DJ
Ngược dòng lịch sử vào ngày 11/8/1973, một DJ người Mỹ gốc Jamaica tên Clive “Kool Herc” Campbell đã tiên phong trong việc sử dụng bộ gõ DJ và tạo các đoạn “break” đầu tiên trong âm nhạc Hip-hop. Năm 18 tuổi, Campbell ổ chức một bữa tiệc mang tên “Back To School Jam” tại tòa nhà 1520 Sedgwick Ave cho chị gái và mời những cư dân hàng xóm cùng tham dự. Bữa tiệc này đánh dấu sự khai sinh của Hip-hop.
Tòa nhà 1520 Sedgewick Ave qua đó cũng chính thức trở thành “thánh đường”, nơi khai sinh ra dòng nhạc Hip-hop. Hiện nay, tòa nhà vẫn được bảo quản trong trạng thái nguyên vẹn và là nơi “hành hương” của nhiều tín đồ Hip-hop khi đến khu Bronx tại New York. Có thể nói, Hip-hop là một trong những dòng nhạc hiếm hoi trên thế giới được xác nhận ngày tháng năm lẫn địa điểm xuất hiện cụ thể đến như vậy. Điều là nhờ “công trạng” của DJ Kool Herc.
Sau bữa tiệc “Back To School Jam”, suốt những năm 1970 một phong trào ở thế giới ngầm được gọi là Hip Hop bắt đầu hình thành ở khu Bronx, Thành phố New York (nơi tập trung đông đảo đa số là người da màu). Phong trào này tập trung vào việc “DJ radio” qua các bữa tiệc trong nhà và tiệc nội bộ tại khu phố. Khi mà lượng khán giả lớn dần và không còn đủ sức chứa nữa, các rapper, MC – DJ chuyển sang tổ chức ngoài trời, nơi xuất hiện những văn hóa “hip-hop” đầu tiên. Từ đó, nghệ sĩ Hip Hop của giới underground đã tạo nên cơn sóng phát triển mạnh mẽ cho đến nay.
Các giai đoạn hình thành và phát triển
Nhiệm vụ chính của các DJ là luôn giữ cho không khí bữa tiệc lúc nào cũng sôi động và sàn nhảy luôn đầy “lửa”. Họ biết cách chơi những bản nhạc hot, bỏ qua những gì không cần thiết. Điều làm nên một DJ “xịn” chính là chuyển biến linh hoạt giữa các bài nhạc thật trơn tru và tạo ra các bản phối đặc trưng từ những “thanh âm” sẵn có.
GIAI ĐOẠN ĐẦU: 1940s – 1950s
Năm 1943, Jimmy Savile tổ chức một buổi party khiêu vũ ở Otley, Anh. Ông dùng các kỹ thuật như “xoay đĩa” nhạc jazz, “vặn núm” và chọn những bài hát để chơi theo ý của mình. Người tham gia sẽ phải nghe theo bản phối mà Jimmy làm mới và nhún nhảy theo điệu nhạc, tương tự như những buổi party hiện nay của Gen Z. Jimmy Savile cũng tuyên bố mình là DJ đầu tiên sử dụng bàn DJ đôi gồm 2 đĩa than đen trái phải để chơi liên tục kèm các kỹ thuật “stratch” – một kỹ thuật cực kỳ đặc trưng để nhận diện trong nghề.
Trong khi đó, tại các khu ổ chuột ở Kingston, Jamaica vào những năm 1950, các DJ đã tổ chức những bữa tiệc đường phố khổng lồ khiến trò chơi “xóc đĩa” trở thành trung tâm của sự chú ý. Các DJ “thiết lập” cá tính riêng của họ và “battle” bằng cách chơi những bài hát hot trên hệ thống âm thanh lớn nhất. Các DJ sẽ hát theo nhịp trên micrô, phô trương âm nhạc của mình bằng một kỹ thuật gọi là “toasting/ dissing”. Những hoạt động này là tiền đề để phát triển nên Rap/Hip Hop ngày nay.
SỰ PHÁT TRIỂN: 1960s – 1970s
Giữa những năm 1960, các bar-club đã trở nên phổ biến, được xem như một nơi giải trí để mọi người có thể đến khiêu vũ, nghe nhạc và tiệc tùng. Các hộp đêm này bắt đầu chuyển mình theo xu hướng nhạc điện tử, các ban nhạc sống lúc này đã được thay thế bởi nhạc được thu âm trong phòng thu hoặc từ DJs. Tuy nhiên, sự khó khăn khi chuyển giữa các bài nếu không mượt sẽ làm người nghe bị “tuột mood”.
Vì vậy, DJ Francis Grasso đã tạo ra kỹ thuật “beatmatching” vào 1969 nhằm cho phép các DJ giữ được nhịp giống nhau mỗi phút giữa các bản nhạc. Điều này đã làm cho DJ “trơn tru” hơn trong lúc họ trình diễn và giữa được “độ nhiệt” của hộp đêm.
Ngoài ra, nhắc đến các kỹ thuật không thể không kể đến DJ Kool Herc – người đã biến việc chuyển nhạc đơn thuần trở thành một bộ môn nghệ thuật đúng nghĩa. Ông kéo dài thời gian nghỉ giữa các bản nhạc nhằm giúp người nghe có nhiều “thời gian” để feel, nhảy và rap theo điệu. Kỹ thuật này được gọi là “turntablism”.
Và cuối cùng là “scratching” hay còn gọi với tên thân quen là “chà đĩa”. Kỹ thuật này được Grand Theodore tình cờ phát hiện và bắt đầu thực hiện nó trong mỗi set nhạc của anh ta vào năm 1977. Đây được xem như một hiệu ứng âm thanh đặc trưng mỗi khi nhắc đến DJ ngày nay.
MAINSTREAM VÀ “HIỆN ĐẠI” HÓA: 1980s – 2000s
DJs ngày nay được nổi tiếng nhờ những bản nhạc điện tử được mix cùng các hiệu ứng âm thanh từ nhạc House, Techno và các thể loại điện tử khác. Bạn có thể truy tìm “nguồn gốc” của DJ hiện đại từ những năm 80 nhờ vào các DJ gạo cội như Afrika Bambaataa, Larry Levan và Frankie Knuckles – họ đều được xem như “cha đẻ” của dòng nhạc House. Những “bố già” này đã pha trộn những sample nhạc cùng với tiếng trống điện tử để tạo ra một loại thể loại Disco đặc trưng.
Trong “dòng chảy” thời gian của DJs, những năm 90 có thể xem như cột mốc đáng chú ý bởi sự ra đời của các thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cho công việc của DJ thuận tiện. Việc internet trở nên phát triển sâu rộng và phát hành nhạc điện tử thông qua website, diễn đàn đã mở ra cơ hội cho bất cứ ai trở thành DJ nếu họ đủ đam mê và các thiết bị hỗ trợ. Điển hình như bàn DJ kỹ thuật số cho phép DJs trình diễn tuyệt vời mà không cần phải mang theo toàn bộ đĩa than, CD hay album.
“Nhạc căng – mặc chất
Bên cạnh công việc tạo ra những EP, Mixtape, Album căng cực thì các DJ cũng dần được săn đón và gây chú ý bởi trang phục khi họ biểu diễn. Hoặc hơn thế nữa là lối sống và đam mê sưu tầm giày dép, thời trang đường phố.
1/ DJ Khaled
Khi bạn là một người nổi tiếng giàu có ngoài những ước mơ hoang đường nhất của mình, bạn có thể thu thập bất cứ thứ gì điên rồ mà bạn muốn. DJ Khaled – con nghiện giày nhất thế giới đã dành cả cuộc đời của mình dành cho sneaker, đã bỏ hàng triệu đô cho bộ sưu tập cá nhân của chính mình. Jordan, Yeezy, Dunk… đủ các loại phiên bản giới hạn mà bạn có thể nghĩ tới đều có trong tủ đồ của anh.
2. DJ Steve Aoki
Người ta biết đến cái tên Steve Aoki không chỉ với vai trò là DJ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng mà còn là một sneakerhead đích thực. Biên tập chuyên mục của tờ The Coveteur – “Tủ đồ của Sao” – đã ghé thăm nhà của anh ở Las Vegas. Cũng giống như chính cá tính của Steve, ai cũng không khỏi bất ngời khi có dịp “nghía” qua tủ quần áo “chất phát ngất” của anh.
Tuy nói là “tủ” nhưng thật ra nó là cả một căn phòng với hơn 70 đôi giày thể thao từ basic đến dòng limited của các hãng như adidas hay Jeremy Scott, trong đó còn có cả những đôi giày do chính Steve Aoki thiết kế. Tất cả đều được xếp ngay ngắn và nằm yên vị trên kệ!
3. DJ Virgil Abloh
Đúng vậy, bạn không nhìn lầm đâu! Tuy Virgil Abloh được biết đến đông đảo bằng danh xưng nhà thiết kế thời trang và là giám đốc sáng tạo LV nhưng “nghề tay trái” của ông trùm làng thời trang lại là… DJ.
Sau khi thực tập tại Fendi vào cuối những năm 2000 cùng với Kanye West, Abloh tiếp tục thể hiện dấu ấn của mình trong cả âm nhạc bằng các dấu ấn với Jay Z và Kayne West, cũng như cùng với Been Trill – tổ chức nghệ thuật và DJ, tác động mạnh mẽ tới âm nhạc điện tử vào 2013. Abloh cũng từng là giám đốc sáng tạo của DONDA. Nhà thiết kế trước khi qua đời vẫn đang đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo tại Louis Vuitton, anh cũng đồng thời là người sáng lập ra Pyrex Vision và sau đó là thương hiệu Off-White cực kỳ nổi tiếng.
4. DJ WUKONG
Wukong tên thật là Alfy Ngor, là một DJ, nhà sản xuất âm nhạc có tên tuổi tại Singapore. Anh đã có màn “ra mắt” khán giả Việt tại chương trình Người Ấy Là Ai?, Rap Việt mùa 3 trong vai trò nam chính và DJ. Từ đây cái tên Wukong bất ngờ trở thành nhân vật được công chúng quan tâm. Dù vậy, thời gian qua, nam DJ vẫn không ngừng nỗ lực làm việc để chứng minh bản thân nhiều hơn một “hiện tượng” truyền hình.
Bên cạnh tài năng âm nhạc “khá căng” thì phong cách ăn mặc của anh chàng này cũng làm hội chị em phải điêu đứng kể cả khi mặc hoặc không mặc gì!