Không chỉ trong phạm vi phòng tập, Activewear còn được cải tiến về diện mạo và tính năng để mặc như trang phục bình thường hay thậm chí là nguồn cảm hứng thiết kế trên sàn runway.
Còn nhớ vào thập niên 80, Aerobics được phụ nữ Tây phương vô cùng ưa thích thì băng quấn đầu và quần áo thun bó sát người bắt đầu làm lưu mờ mốt quần ống loe. Nhưng thời đó, xu hướng này không được chấp nhận rộng rãi và còn bị coi là kệch cỡm. Giờ đây, mọi chuyện đã khác, trang phục năng động (Activewear) đang trở thành trang phục “bình thường” khi dạo phố và là nguồn cảm hứng cho những nhà mốt cao cấp.
Activewear khác gì với Sportswear?
Activewear (Trang phục năng động) và Sportswear (Trang phục thể thao) là hai loại trang phục khác nhau dành cho những người có lối sống năng động. Trên thực tế, Sportswear đề cập đến quần áo được thiết kế dành riêng cho mục đích thể thao cụ thể, trong khi Activewear đề cập đến quần áo được thiết kế để chuyển từ trang phục tập sang trang phục thường ngày. Vì vậy, Sportswear sẽ chuyên nghiệp hơn cho hoạt động thể thao và Activewear sẽ tập trung vào sự cân bằng giữa thể thao, vận động và cuộc sống hàng ngày.
Activewear mang đến phong cách, sự thoải mái và chức năng, được tạo thành từ các vật liệu bền vững. Các sản phẩm may mặc như áo khoác, áo hoodie, quần dài và áo len lông cừu phục vụ mục tiêu đầu tiên là tập thể dục và sau đó chuyển sang trang phục bình thường một cách rất thoải mái và phong cách. Trong đó, kiểu dáng, chất liệu vải và đường cắt của quần áo giúp mọi người hòa nhập trong một khung cảnh thân mật. Những người thích dành nhiều thời gian ở ngoài trời để có một cuộc sống năng động thích mặc trang phục năng động, giúp họ thoải mái, tiện dụng cũng như phong cách. Activewear cũng bao gồm các phụ kiện và giày dép thuộc nhiều loại.
Sportswear được thiết kế riêng cho mục đích thể thao. Nó cần phải có các chức năng cụ thể, đặc tính nhiệt, sự thoải mái, độ bền, trọng lượng vải cụ thể và nhiều đặc tính khác để phù hợp với các môn thể thao khác nhau. Đối với bơi lội, quần áo có thể có chất liệu khác nhau .Nhiều loại quần áo có chức năng chống nước, một số có lycra hoặc spandex để co giãn theo cơ thể, một số khác có chức năng nhiệt để giữ ấm cho cơ thể vận động viên trong điều kiện lạnh và mát mẻ trong điều kiện ấm. Do đó tính linh hoạt, kiểu dáng và chất liệu không đa dạng như Activewear.
Cú bắt tay cùng các thương hiệu cao cấp
Các chuyên gia cho rằng xu hướng activewear sẽ phát triển và được chuộng. Tom Julian – Giám Đốc của công ty nghiên cứu thị trường Doneger Group – quả quyết rằng sự thành công của denim sẽ được lặp lại cho Activewear. “Đây không phải là xu hướng thời trang, mà là một lối sống mới” – nhận định của ông Marshal Cohen, Giám Đốc Phân Tích Công Nghiệp tại Port Washington thuộc Tập Đoàn Nghiên Cứu Thị Trường NPD có trụ sở ở New York.
Nói đến Activewear/Sportswear, mọi người đều nghĩ tới đồ thể thao vận động nhưng đối với người Mỹ thì chúng lại được xem như quần áo mặc thường ngày. Từ thế kỷ 19, khái niệm này được dùng dành cho một thể loại quần áo dễ dàng sử dụng, dễ dàng măc – đa dụng và có thể sử dụng cho nhiều môi trường hoạt động của con người khác nhau. Sự phân hóa rõ ràng được thể nhờ khác biệt về lối sống của thị trường ở Mỹ và Châu Au.
Như các bạn đều biết, cái nôi của thời trang đến từ Châu Âu – những thương hiệu lớn, những nhà thiết kế nổi tiếng cũng như khái niệm “Haute Couture”. Tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Châu Âu quan trọng bề ngoài chỉnh chu hơn so với ở Mỹ. Lối sống nhanh, năng động của nước Mỹ những thập niên đó đã đưa ra một khái niệm cho “Sportswear” với các kiểu thiết kế dễ mặc hơn, giản dị hơn để phục vụ cho nhu cầu hoạt động, giải trí (bao gồm các hoạt động ngoài trời) lúc bấy giờ.
Câu hỏi đặt ra là liệu Activewear có mang lại một bước đột phá cho các hãng thời trang chính thống giống như denim trước đó đã làm được hay không? Chanel và Dior sẽ trả lời cho câu hỏi trên bằng cách đã mở rộng cánh cửa thời trang đẳng cấp của mình với giày sneaker. Givenchy và Stella McCartney thì chẳng ngần ngại bắt tay hợp tác với Nike và Addidas. Các hãng thời trang cao cấp như Gucci, Tommy Hilfiger, DKNY, Milly, Marc by Marc Jacobs, Herve Leger cũng tích cực biến hóa thiết kế của mình trở nên hiện đại, cá tính, năng động mang hơi hướng thể thao hơn.
Đất nước mặt trời mọc cũng tỏ ra sự quan tâm khi bậc thầy Yohji Yamamoto bắt tay cùng hãng thể thao adidas dưới cái tên Y3. bộ sưu tập đầu tiên được giới thiệu vào mùa Xuân-Hè 2003 gây ấn tượng mạnh với giới mộ điệu. Chữ “Y” chính là chữ cái đầu của tên nhà thiết kế và số 3 đại diện cho 3 gạch sọc của Adidas, dấu “-“ chính là sự kết nối giữa hai bên.
Y-3 đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nền công nghiệp thời trang mà sau này có rất nhiều nhà thiết kế tên tuổi phải học tập. Cách dung hòa giữa các tính năng của đồ thể thao và sự lịch lãm của thời trang đã tạo nên thành công cho Y-3.
Tiếp nối cho ngòi nổ của thể thao vận động và thời trang cao cấp là những cái tên lớn như Alexander Wang cùng H&M, Thom Browne thanh lịch nhưng không kém phần năng động, và cuối cùng là những chiếc jumpsuit ôm thân từ MISBHV cũng đủ chứng minh rằng activewear ngày càng “dấn sâu” vào thế giới thời trang.
Len lỏi vào thời trang đường phố
Bạn có nhận ra không khi khái niệm Athleisure (là sự kết hợp giữa quần áo vận động và tính “giải trí”) như một biến thể nhẹ nhàng hơn của Activewear? Gắn liền với thời trang là lối sống lành mạnh, năng động mà ngày càng nhiều người trẻ đang hướng đến. Với công việc bận rộn và quy định trang phục (dress code) được “nới lỏng”, các tín đồ thời trang đã tìm cách kết hợp trang phục văn phòng với trang phục đến phòng tập, giúp tiết kiệm thời gian và công sức thay quần áo đến phòng gym khi rời công sở.
Không chỉ đơn giản là một xu hướng thời trang, Athleisure hay Activewear còn hướng giới trẻ đến lối sống thoải mái, thư giãn hơn, cũng như đề cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Sức ảnh hưởng của nhiều YouTuber, KOLs, người nổi tiếng càng giúp athleisure và activewear được lan truyền và phát triển nhanh chóng.
Chẳng có gì lạ khi bạn “lượn” một vòng quanh các trang mạng xã hội của các siêu mẫu nổi tiếng như Kendall Jenner, Bella Hadid hay Gigi Hadid và bắt gặp hình ảnh những trang phục thể thao như croptop, hoodie cùng quần leggings, jogger và giày sneakers được họ kết hợp đầy mới mẻ, cá tính. Không thể phủ nhận rằng, Athleisure và Activewear thật sự đã và đang tạo nên một làn sóng thời trang mới trong văn hóa đại chúng của giới trẻ.
Một lý do khác khiến khái niệm này trở thành “hot trend” của thế hệ Z chính là bởi nguồn năng lượng trẻ trung, năng động và hơi thở nhịp sống hiện đại mà nó mang lại. Những thông điệp sống tích cực như: sống hết sức, cháy hết mình, liên tục bứt phá những giới hạn mới mà phong cách thời trang này mang lại được dự đoán sẽ phát triển dài lâu chứ không mang tính nhất thời. Và dần sẽ trở thành làn sóng văn hóa mới bền bỉ trong giới trẻ ngày này.
Kết luận
Trong ngành công nghiệp thời trang, không có gì được đem ra làm quy chuẩn và quy tắc cũng không hẳn là bất biến. Ở thời đại mà con người được tự do lựa chọn trang phục và phong cách, chẳng có gì ngạc nhiên khi đồ ngủ được diện xuống phố hay đồ tập thể dục được mặc đi làm.