Buổi trình diễn Maison Margiela Fall 2025 Couture không chỉ đơn thuần là một sự kiện thời trang, mà là một chương mới đầy kịch tính trong lịch sử của nhà mốt danh giá này, đánh dấu màn ra mắt được mong đợi của Glenn Martens trong vai trò kế nhiệm John Galliano ở vị trí giám đốc sáng tạo. Câu hỏi mà giới mộ điệu đặt ra làm sao để vừa tôn vinh di sản đột phá, phi cấu trúc của Martin Margiela, vừa tiếp nối ngôn ngữ kịch tính, lãng mạn của Galliano, đồng thời in đậm tư duy và ngôn ngữ thiết kế của Glenn Martens cá nhân? Martens đã không làm giới mộ điệu thất vọng, mà còn vượt lên trên những kỳ vọng, mang đến một bộ sưu tập không chỉ là thời trang mà còn là một tác phẩm nghệ thuật trình diễn đầy ma mị.
Maison Margiela Fall 2025 Artisanal Một bữa tiệc của sự thật và hư ảo
Ngay từ khi tấm màn nhung được kéo lên, khán giả đã được đắm chìm vào một thế giới siêu thực. Không gian trình diễn, mang đậm dấu ấn của nhà Margiela. Giá trị này được lưu truyền sau nhiều đời giám đốc sáng tạo. Như thường lệ show diễn của Margiela như một bữa tiệc hư ảo nhưng lần này, nó mang một vẻ u ám, cổ điển hơn. Từng người mẫu không đơn thuần là “mannequins” mà là những nhân vật, mỗi người kể một câu chuyện riêng, mang sự biến dạng siêu thực.
Tuy nhiên, điểm nhấn thực sự của bộ sưu tập Maison Margiela Fall 2025 nằm ở ngôn ngữ thiết kế đầy ma mị của Martens. Nếu Galliano thường xuyên kể chuyện thông qua những trang phục được thêu dệt công phu, những phom dáng kịch tính và kỹ thuật draping bậc thầy, thì Martens lại đi sâu hơn vào khía cạnh tâm lý của thời trang và khả năng thao túng người xem với biệt tài Trompe l’oeil đầy tính nghệ thuật. Anh không chỉ mặc quần áo cho cơ thể mà còn phô bày những góc khuất, những vết nứt, và những câu chuyện và giá trị mà ông muốn truyền tải ẩn giấu bên trong.
Một cách đầy biểu tượng, Glenn Martens đã dựng nên một ngôi nhà, bắt đầu từ vẻ đẹp mục rữa phong phú của giấy dán tường dập nổi theo tư duy của họa sĩ Flemish thế kỷ 17, những tấm rèm cổ kính, và những bức họa “nature morte” vẫn còn sống động trong các ngôi nhà thời bấy giờ.
“Tôi không phải là người theo chủ nghĩa tối giản,”
Glenn Martens chia sẽ
Giải mã ngôn ngữ và kỹ thuật sáng tạo của bậc thầy Trompe l’oeil – Glenn Martens
Martens đã thể hiện sự tôn kính đối với di sản của Margiela thông qua việc tiếp tục khai thác khái niệm “deconstruction” (phi cấu trúc) và “reconstruction” (tái cấu trúc). Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông mang đậm dấu ấn riêng. Những chiếc áo khoác được cắt xẻ táo bạo, để lộ lớp lót bên trong như một bộ xương trần trụi. Vải tweed, vốn là biểu tượng của sự sang trọng, lại được xử lý để tạo ra những mảng rách, sờn, nhưng không hề ngẫu nhiên mà là một sự “hư hại có chủ đích” – một sự nổi loạn chống lại sự hoàn hảo bề ngoài.
Việc che đi khuôn mặt, bằng những chiếc mặt nạ ngay lập tức tạo ra một cảm giác bí ẩn và ma mị. Trong địa hạt trang hiện đại, nơi danh tính người mẫu thường được khai thác nhằm tăng độ phủ truyền thông cho bộ sưu tập người mẫu có thể là người nổi tiếng hoặc là người có ảnh hưởng trong ngành thời trang và giải trí, Glenn Martens lại làm điều ngược lại. Ông tước bỏ đi yếu tố cá nhân, biến người mẫu thành những hình tượng, những khối điêu khắc sống, nhường ánh hào quang lại cho sân chơi của nghệ thuật giúp người xem tập trung hoàn toàn vào trang phục.



Khi khuôn mặt – cảm xúc – sự nhận diện – bị che khuất, ánh sáng và sự chú ý dồn hết vào Silhouettes, chất liệu, kỹ thuật may đo, và những chi tiết tinh xảo của bộ trang phục. Đây là một sự tôn kính sâu sắc đối với triết lý của Martin Margiela nguyên bản, người luôn đặt trang phục lên trên tất cả, thậm chí còn tránh xuất hiện trước công chúng để thời trang tự lên tiếng. Martens đã tái hiện tinh thần ấy một cách đầy kịch tính, buộc khán giả phải nhìn nhận quần áo như một thực thể độc lập, một tác phẩm nghệ thuật tự thân.
Một trong những kỹ thuật nổi bật nhất của Martens là khả năng chơi đùa với tỷ lệ và hình khối. Những chiếc váy phồng to một cách phi lý tính, những chiếc áo choàng với phần vai nhô cao quá khổ, tạo nên một silhouette vừa quen thuộc vừa xa lạ. Điều này không chỉ là một trò chơi thị giác mà còn là một bình luận về cách thời trang có thể biến đổi nhận thức về cơ thể và không gian xung quanh.
Đặc biệt, Martens đã khéo léo lồng ghép những chi tiết “trompe l’oeil” (đánh lừa thị giác) – một kỹ thuật từng được Margiela sử dụng triệt để. Chúng ta thấy những hình in mô phỏng chất liệu, những chi tiết được vẽ tay tạo hiệu ứng 3D, hay những đường may giả làm rách nát. Điều này làm mờ đi ranh giới giữa thực và ảo, giữa cái cũ và cái mới, giữa sự hoàn hảo và khiếm khuyết.
Di sản của Galliano được kết thừa và tái tạo theo dấu ấn của Martens tại Maison Margiela
Street Vibe cũng như nhiều giới mộ điệu đều có chung câu hỏi lớn nhất trước buổi trình diễn là làm thế nào Martens sẽ xử lý di sản của Galliano, khi ông đã làm quá tốt trong bộ sưu tập Artisanal năm 2024 bộ sưu tập được xem như cách mạng mới của thời trang Haute Couture. Thay vì phủ nhận hay bắt chước, Martens đã chọn cách hòa trộn và tái định nghĩa. Vẻ đẹp kịch tính, lãng mạn đặc trưng của Galliano vẫn hiện hữu qua những chiếc váy bồng bềnh, những chi tiết thêu đính cầu kỳ, hay những chiếc mũ đội đầu ấn tượng.



Sự “grunge” hóa và “công nghiệp hóa” những yếu tố couture truyền thống là dấu ấn rõ nét của Martens. Ông mang đến một sự thô ráp, một vẻ đẹp chân thực và “đời” hơn vào thế giới vốn dĩ hoàn mỹ của couture. Đây không chỉ là sự kết hợp giữa những yếu tố đối lập mà còn là sự đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự sang trọng và sự tàn tạ.
Hãy cùng Street Vibe nhìn ngắm lại bộ sưu tập Maison Margiela Fall 2025 Artisanal nhé

















































Maison Margiela Fall 2025 Couture dưới bàn tay của Glenn Martens không chỉ là một bộ sưu tập quần áo mà là một tuyên ngôn nghệ thuật sâu sắc. Nó không chỉ nói về thời trang mà còn nói về thời gian, về sự hao mòn, về những vết sẹo của ký ức và về cách chúng ta chấp nhận sự không hoàn hảo. Martens đã chứng minh rằng di sản của một nhà mốt không phải là một bức tượng bất biến để thờ phụng, mà là một dòng chảy không ngừng, được tái tạo và làm mới bởi những tầm nhìn sáng tạo.