Có quá nhiều tên gọi về các bộ sưu tập khiến chúng ta thường nhầm lẫn và hiểu sai ý nghĩa của chúng. Vậy, ý nghĩa thực sự trong tên gọi từng bộ sưu tập là gì?
Hằng năm, các nhà mốt đều cho ra mắt hàng loạt các bộ sưu tập với nhiều tên gọi khác nhau. Điều này vô tình khiến cho những bạn mới bước chân vào thời trang cảm thấy hoang mang và không thể phân biệt ý nghĩa của từng bộ sưu tập. Hôm nay, Street Vibe sẽ gửi đến các bạn quyển cẩm nang về tên gọi và ý nghĩa của từng bộ sưu tập trong năm nhé!
1. Spring/Summer và Fall/Winter
Đây là hai bộ sưu tập chính quan trọng trong năm của các nhà mốt. Được gọi theo tên tiếng Việt là Xuân-Hè và Thu-Đông với lịch dự kiến sẽ rơi vào tháng 2-3 cho Thu-Đông và tháng 9-10 cho Xuân-Hè hoặc có thể sớm hay muộn hơn còn tuỳ thuộc vào từng nhà mốt. Vì đây là hai bộ sưu tập quan trọng, mỗi nhà mốt đều lên ý tưởng và thực hiện chương trình show diễn một cách chỉnh chu và hoàn hảo nhất.
2. Resort, Cruise, Pre-Spring, Holiday hay Pre-Fall
Nhìn thôi cũng đủ khiến chúng ta choáng váng trước quá nhiều bộ sưu tập nhưng thật ra Resort, Cruise, Pre-Spring hay Holiday đều có ý nghĩa hoàn toàn giống nhau và chỉ khác nhau về tên gọi theo từng nhà mốt. Đây là bộ sưu tập giao mùa sau khi diễn ra bộ sưu tập Fall/Winter và chờ đợi đến bộ sưu tập Spring/Summer.
Bộ sưu tập giao mùa mang tính thương mại là chủ yếu, nhằm lắp đầy khoảng thời gian trống bằng các sản phẩm có thể phối với các sản phẩm ở bộ sưu tập chính. Vì đây là bộ sưu tập phụ cho nên tuỳ thuộc vào nhà mốt, có thể có chương trình show hoặc chỉ có hình ảnh Lookbook.
Pre-Fall cũng tương tự như thế, là bộ sưu tập giao mùa sau khi diễn ra bộ sưu tập Spring-Summer và chờ đợi bộ sưu tập Fall-Winter.
3. Haute Couture
Đây là thuật ngữ theo tiếng Pháp nói về những trang phục cao cấp bậc nhất của các nhà mốt. Haute Couture được xem tinh hoa sáng tạo, sự chuẩn mực trong thiết kế, sử dụng những vật liệu cao cấp nhất để tạo thành.
Đây là bộ sưu tập đáng chiêm ngưỡng nhất của các nhà mốt nhưng không phải nhà mốt nào cũng có bộ sưu tập Haute Couture. Chỉ có những nhà mốt là thành viên của Liên đoàn thời trang Pháp mới được công nhận (danh sách thành viên bạn có thể xem trên Wikipedia) và bộ sưu tập này diễn ra hai lần trong năm: tháng 1 và tháng 7 tại Paris Fashion Week.
Những sản phẩm trong bộ sưu tập Haute Couture là độc nhất, thường có giá trị rất cao và chỉ những người siêu giàu hoặc giới thượng lưu sẽ mua chúng. Một chiếc váy Haute Couture của Chanel hay Christian Dior có thể lên đến hơn 100.000 Euro (tương đương hơn 2,6 tỷ VNĐ).
4. Pret-a-Porter hay Ready-to-Wear
Về ý nghĩa thì chúng hoàn toàn giống nhau chỉ khác nhau về tên gọi bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh. Đây là bộ sưu tập nói về quần áo cao cấp may sẵn của các nhà mốt được lấy cảm hứng từ chính bộ sưu tập Haute Couture của họ.
Nếu như Haute Couture là trang phục độc nhất, thiết kế riêng và khó tiếp cận thì Pret-a-Porter giúp chúng ta dễ dàng mua hơn với giá thành rẻ hơn, sản xuất số lượng lớn, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng nhưng vẫn đảm bảo tính cao cấp và thời thượng.
Vì lấy cảm hứng từ Haute Couture cho nên bộ sưu tập Pret-a-Porter chỉ được nhìn thấy ở các nhà mốt có Haute Couture. Và được trình diễn ở các địa điểm mở rộng hơn tại Tuần lễ thời trang như New York, Paris, Milan và London.
Tuy nhiên, có những nhà mốt lớn như Louis Vuitton hay Gucci, họ không hề có bộ sưu tập Haute Couture vì không phải là thành viên nhưng vẫn cho ra mắt các bộ sưu tập Pret-a-Porter hay Ready-to-Wear.
5. Menswear và Womenswear
Đúng theo tên gọi của mình thì hai bộ sưu tập này chỉ dành riêng cho nam hoặc nữ của các nhà mốt. Cũng giống như bộ sưu tập chính, những nhà mốt thường chia theo mùa như Spring/Summer hay Fall/Winter để chúng ta có cái nhìn dễ dàng hơn về bộ sưu tập.
Ở các nhà mốt thường có hai sáng đốc sáng tạo để thiết kế trang phục nam và trang phục nữ như Louis Vuitton hay Dior nhưng cũng có những có nhà mốt chỉ có một giám đốc sáng tạo và họ phải đảm nhiệm cả trang phục nam lẫn nữ.
Cho nên, để rút gọn và tránh mất nhiều thời gian thiết kế, họ sẽ gộp chung lại thành bộ sưu tập chính Spring/Summer và Fall/Winter trong đó có cả trang phục nam và nữ.
Một số lưu ý nhỏ: Có những nhà mốt họ thường sử dụng từ “Ready-to-Wear” để nhận biết đây là bộ sưu tập dành riêng cho nữ như Louis Vuitton hay Saint Laurent,..hoặc có những nhà mốt gộp chung cả trang phục nam và nữ vào trong bộ sưu tập “Ready-to-Wear” như Gucci.