Văn hoá Harajuku: Từng có một thời hoàng kim nhưng nay đã lụi tàn?

0

Không chỉ là một xu hướng thoáng qua, văn hoá Harajuku đánh dấu cột mốc đáng nhớ cho thời trang đường phố Nhật Bản.

Cuối những năm 90, một nền văn hoá thời trang đường phố mới bắt nguồn từ khu phố Harajuku ở Thủ đô Tokyo đã xuất hiện trong giới trẻ Nhật Bản, đồng thời nhanh chóng lan rộng đến phạm vi toàn cầu. Dù văn hoá Harajuku hiện nay không còn được ưa chuộng như xưa nhưng tiếng vang và sức ảnh ảnh hưởng của nó vẫn thu hút sự chú ý của các tín đồ thời trang.

Những màu sắc đa dạng làm nên đặc trưng của văn hoá Harajuku.

Nhắc đến Harajuku, nhiều người sẽ nghĩ đến những trang phục màu sắc nổi bật như xanh neon, hồng neon… hay các kiểu tóc, cách trang điểm màu mè, khác lạ. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả về văn hoá này. Vậy Harajuku rốt cuộc là như thế nào?

Không kiểu trang phục cụ thể nào đại diện cho văn hoá Harajuku

Theo Grunge, cuối những năm 90 và đầu 2000 là thời hoàng kim của văn hoá Harajuku. Thời điểm đó, trên đường phố ngập tràn người trẻ diện những phong cách bắt mắt, không gò bó trong một khái niệm thời trang cụ thể nào. Harajuku đa dạng đến nỗi Culture Trip có thể tổng hợp danh sách 10 phong cách biểu tượng thuộc văn hóa này. Danh sách đó bao gồm: Kogal, Gyaru, Ganguro, Cosplay, Goth-loli (Dark Lolita hoặc Gothic Lolita), Sweet Lolita (Ama-Loli), Visual Kei, Co & Lu Street Style (B-Gal), Shiro-Nuri và Decora.

Trong số đó, Cosplay thân thuộc với đại chúng hơn hẳn khi phạm vi lan tỏa của nó đến toàn cầu. Bên cạnh đó, chủ đề dễ thương (hay còn gọi là Kogal hay Ko-gyaru) cũng được các cô gái ưa chuộng với váy ngắn, áo khoác cộc tay, ba lô và tất ống chân. Ngoài ra, Lolita cũng là một trong những phong cách Harajuku được ưa chuộng với những chiếc đầm lộng lẫy, áo corset, ô ren… tựa các tiểu thư thời Victoria ở nước Anh. Như vậy, thuật ngữ “Harajuku style” bao gồm một loạt các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau, điều đó đồng nghĩa người mặc có thể kết hợp bất kỳ kiểu thời trang nào tùy thích, miễn là bộ trang phục mang đậm dấu ấn của họ.

Harajuku cũng phần nào phản chiếu quan điểm của một thế hệ muốn thể hiện cái tôi cá nhân, vượt ra ngoài những khuôn phép gò bó.  

FRUiTS – Tạp chí góp phần vào sự phổ biến của Harajuku

Câu hỏi được đặt ra là từ khu phố nhỏ ở Nhật Bản, văn hoá Harajuku đã vươn ra thế giới như thế nào?

Theo Dazed, mọi chuyện bắt đầu kể từ năm 1997 khi nhiếp ảnh gia Shoichi Aoki nhìn thấy phong cách thời trang của 3 cô gái trên đường phố Harajuku. Vị nhiếp ảnh gia đã chụp ảnh thời trang đường phố ở London và Paris từ những năm 1980, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy phong cách nào độc đáo như các cô gái ông gặp ở Harajuku. “Họ có mái tóc sáng màu, kết hợp giữa kimono và trang phục phương Tây. Những cô gái này đã tạo nên phong cách mới” – Aoki nói.

Chính điều đó đã trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy Shoichi Aoki thành lập tạp chí thời trang đường phố tên FRUiTS ngay trong năm đó. Aoki thực sự bị ấn tượng bởi cách người trẻ tự tạo nên phong cách thời trang của riêng mình, mang đậm màu sắc cá nhân và không “đụng hàng”. Aoki thậm chí còn khẳng định những người trẻ tuổi trên đường phố Harajuku đã tạo ra một thứ thời trang mà ngay cả những nhà thiết kế tiên phong ở Nhật Bản cũng không thể làm được.

Từ đó, tạp chí FRUiTS được phát hành trong suốt hai thập kỷ. Số cuối cùng của tạp chí này được in vào tháng 2 năm 2017. Aoki cho biết ông sẽ số hoá 20.000 bức ảnh được đăng tải trên tạp chí với mục đích lưu trữ cho thế hệ sau.

Phong cách Harajuku không còn xuất hiện nhiều trên con phố Harajuku

Bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn. Hiện nay, đường phố Harajuku đã không còn nhiều màu sắc thời trang bắt mắt như những năm hoàng kim. Thậm chí, vào năm 2017, trang Quartz còn nhận xét phong cách Harajuku đã “chết”. Những trang phục mang màu sắc tươi sáng, phong cách độc đáo xuất hiện trong thời kỳ hoàng kim của khu phố gần như đã biến mất, phần lớn được thay thế bằng sự “thường ngày” của các cửa hàng thời trang nhanh như Uniqlo, Forever 21, Gap hay H&M.

Văn hoá Harajuku vẫn được nhiều bạn trẻ Nhật Bản và cả người nước ngoài đón nhận.

Mặc khu phố Harajuku không còn như trước, văn hoá Harajuku vẫn được giới trẻ Nhật và giới trẻ trên toàn thế giới yêu thích. Đối với nhiều người, những cô nàng Lolita dễ thương hay các cosplayer là những gì họ nghĩ đến khi nhắc về văn hóa giới trẻ Nhật Bản.

Vào năm 2019, “phong cách Harajuku” vẫn là cụm từ về phong cách thời trang được tìm kiếm phổ biến thứ năm trên Google. Dù sao đi chăng nữa, sự táo bạo đến từ người trẻ của thập niên 90 tại con phố Harajuku vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến những người đang tìm kiếm điều lớn lao tiếp theo trong thời trang cho đến ngày nay.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here