“Ê, cà phê!” – Đó có lẽ là câu rủ rê mà ai cũng từng nghe qua. Ở Việt Nam, dường như chúng đã trở thành một nếp sống, một nét văn hoá cà phê.
Tuy mới du nhập vào nước ta nhưng cà phê đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Việt. Từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, ít nhiều ai cũng từng thưởng thức “cái thú” uống cà phê này. Dần dần, cà phê không chỉ là một loại thức uống, hơn cả thế, cà phê cũng là một văn hóa của người Việt.
Từ món cà phê được người Pháp mang đến
Cây cà phê được người Pháp mang đến Việt Nam vào 1857, đó là cây Coffea Arabica. Lúc ấy, người Pháp nhớ món cà phê sữa tươi ở quê nhà, nhưng lại không thể nhập khẩu sữa vì rất dễ hỏng. Vậy nên, họ thay thế bằng sữa đặc, ngọt ngào và dễ bảo quản hơn. Sữa đặc được pha với nước sôi, kết hợp với cà phê đậm đà sinh ra món cà phê sữa Việt Nam ngày nay.
Lúc đầu, cà phê là một thức uống xa xỉ và chỉ người Pháp mới được dùng trong các nhà hàng sang trọng. Sau đó, giá cà phê hạ xuống và cách uống cà phê đặc trưng của người lao động Việt xuất hiện – cà phê trên các quán cóc, vỉa hè,…
Đến cách uống cà phê của người Việt Nam
Tuy cà phê được người Pháp mang đến, nhưng nó đã được “Việt Nam hoá”. Dần dần, cà phê Việt được bạn bè thế giới biết đến với cái tên “Vietnamese coffee”. Thông qua cách thưởng thức, người Việt Nam đã biến việc uống cà phê trở thành một nét văn hoá riêng.
Cà phê phin
Cà phê phin gắn liền với sở thích nhâm nhi của người Việt. Người uống tận hưởng cảm giác chờ đợi để có được chất cà phê đậm đà nhất. Chính vì vậy mà người ta có thể tận hưởng ly cà phê chậm rãi, không sợ đá tan làm mất vị. Đó cũng là cơ hội cho những người bạn “theo đuổi” văn hóa cà phê có thể nói chuyện trên trời dưới đất cùng nhau.
Ngày nay, muốn tận hưởng cà phê phin đúng nghĩa thì có lẽ phải đến hàng cà phê ở các con hẻm, khu nhà cũ,… Ngồi trên chiếc ghế nhựa với ly cà phê đá đập trên tay, vừa uống vừa trò chuyện với cô hàng nước vừa hoà vào cảnh đường xá Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người mê cái cảm giác pha cà phê phin tại nhà. Để pha một phin cà phê ngon cần sự tinh tế, từ khâu đo lường, nén bột, đổ nước vào đến việc chọn chiếc ly phù hợp… Hoàn thành những việc đó cho người ta cảm giác thỏa mãn. Vừa uống, vừa ngửi mùi thơm cà phê trong không gian riêng – quả thật không còn gì bằng.
Cà phê vợt
Cà phê vợt bắt nguồn từ những người dân lao động gốc Hoa ở khu Chợ Lớn, Sài Gòn. Họ đưa cà phê vợt vào Việt Nam từ những năm 1920. Đến nay, nét văn hoá này cũng đã hơn trăm tuổi. Cà phê vợt như không còn xa lạ với người dân nơi đây. Từ những người đứng tuổi với ly cà phê đen nóng, cuộn báo giấy trên tay đến các bạn trẻ tìm đến để tận hưởng nét văn hoá xưa cũ.
Cà phê vợt còn được biết đến với cái tên như cà phê kho, cà phê bít tất… Sở dĩ có tên ấy do cách pha chế đặc biệt của nó. Bột cà phê được bỏ vào vợt rồi nhúng trực tiếp vào nước trên bếp lửa. Để giữ được vị đậm đà, người pha ủ cà phê thêm 5-10 phút rồi rót ra ly cho khách. Cũng chính từ cách pha chế ấn tượng này mà cà phê vợt trở thành niềm tự hào của Sài Gòn.
Cà phê bệt
Một người Anh sống ở Việt Nam đã nói về cà phê bệt thế này: “Sinh viên tìm đến những người bán hàng nước, mua và ngồi uống cà phê gần đó. Họ tụ thành từng nhóm, nói cười liên tục, một số chơi guitar, một số khác hát… Đó là Cà phê bệt.”
Cà phê bệt vốn là hình thức kinh doanh tự phát của những người bán hàng rong. Không ai biết cái tên “cà phê bệt” có từ bao giờ, tuy nhiên nó đã trở thành một thói quen của nhiều người Sài Gòn. Không khó bắt gặp các cô cậu từ 6 giờ sáng ngồi uống cà phê ở nhà thờ Đức Bà, Nhà hát lớn,..
Thưởng thức cà phê bệt không đơn thuần là uống ly cà phê mà là tận hưởng cái sôi động của tuổi trẻ. Ta có thể uống cà phê bệt bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Cà phê sáng bắt đầu một ngày mới; cà phê trưa dưới tán cây; cà phê chiều sau giờ làm; cà phê tối cùng bạn bè.
Đứng nhìn các bạn trẻ với trang phục đường phố cùng ly cà phê nói cười vui vẻ ai cũng muốn hoà vào không khí đó. Và điều này không khó! Chỉ cần 15.000-20.000 cùng một người đồng hành là bạn có thể thưởng thức cái “văn hoá vỉa hè” đặc sắc này.
Tuy nhiên, việc bán cà phê bệt thường vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Chính quyền cho rằng việc uống cà phê bệt có thể cản trở người đi bộ trong công viên. Đồng thời, một số người không dọn dẹp sau khi ăn uống làm mất mỹ quan đô thị. Chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần gặp quản lý đô thị đến dọn khi đang nhâm nhi ly cafe. Dường như, văn hóa cà phê bệt còn mang một chút cái ngông và sự nổi loạn của tuổi trẻ.
Mỗi miền mỗi cách thưởng thức
Uống cà phê tại Việt Nam còn có sự khác biệt trên từng vùng miền. Nguyên nhân đến từ thời tiết và văn hóa khu vực. Cách uống cà phê của người Hà Nội – miền Bắc khác người Sài Gòn – miền Nam và cũng khác của người miền Trung.
Văn hóa cà phê Hà Nội mang nét chậm rãi, cổ kính của thủ đô. “Hà Nội không vội được đâu!”, người ta thường nói thế và cà phê Hà Nội cũng chậm rãi là như vậy. Cà phê nơi đây không mang vị quá đậm nhưng cũng không quá loãng. Nói đến Hà Nội, đây cũng là quê hương của cà phê trứng – thức uống đặc trưng khiến nhiều “gã nghiện cà phê” mê mẫn.
Người Sài Gòn yêu cà phê và thích sự tiện lợi. Bạn có thể bắt gặp người ta thưởng thức cà phê ở bất cứ nơi đâu vào bất cứ thời gian nào. Cốc cà phê có thể trong quán sang trọng, trên những chiếc ghế nhựa vỉa hè, trên bàn làm việc trên tay hay cầm của chiếc xe đang chạy vội,…
Người Sài Gòn thích cà phê có vị đậm và ngọt hơn so với người Hà Nội. Vì vậy mà cà phê sữa và bạc xỉu được ưa chuộng nơi đây. Đặc biệt với thời tiết Sài gòn thì không gì bằng một ly cà phê đá để giải nhiệt vào ngày hè.
Chẳng giống như Hà Nội hay Sài Gòn, văn hóa cà phê ở miền Trung được nhắc đến như một hình thức “cà phê học thuật”. Bởi những người ở đây rất sành uống cà phê. Dù là quán cà phê lớn hay nhỏ đều lựa chọn kỹ nguồn nguyên liệu. Cà phê nơi đây không ồn ào, sôi nổi như ở hai thành phố lớn, nó mang vẻ điềm đạm hơn. Người ta vừa thưởng thức ly cà phê nóng vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp của thiên nhiên trong không khí se lạnh. Đặc biệt, thành phố Buôn Ma Thuột có thể xem là “thủ đô cà phê” của Việt Nam với những món cà phê đặc trưng: cà phê chồn, cà phê voi,…
Vậy là từ một “thức uống tăng lực” người ta đã thấy ý nghĩa của cà phê nhiều hơn thế. Mọi người tìm đến thức uống này như tìm đến một nơi thư giãn. Rồi cũng có khi cần chút năng lượng và người trò chuyện, họ lại tìm đến chúng để nói về công việc, về gia đình và chuyện yêu đương,… Hay đơn giản nhờ ly cafe để mọi người tận hưởng được cái hạnh phúc ngày thường …
Rồi dường như câu nói “Ê, cà phê” đã trở thành một câu rủ rê quen thuộc, mà người ta hầu như luôn đồng ý mỗi khi nhận được lời mời gọi này.