“Punk is not dead. It just stopped screaming.”
Punk không khởi nguồn từ sàn diễn hay các trung tâm thời trang, mà từ những tầng hầm cũ kỹ, nơi thanh thiếu niên Anh quốc cuối thập niên 70 dùng tiếng guitar và những câu chữ mang tính khiêu khích để thể hiện sự phẫn nộ trước thực tại. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp gia tăng và niềm tin vào hệ thống dần sụp đổ, Punk trở thành tiếng nói phản kháng mạnh mẽ, thô ráp và không cần chấp nhận…
Punk Xưa: Thời trang biết gào thét
Thập niên 70 là thời điểm thời trang không còn phản ánh cái đẹp lý tưởng mà trở thành công cụ để lên tiếng. Punk chọn sự xấu xí có chủ đích, sự hỗn loạn đầy tính toán, và biến chính ngoại hình “không giống ai” thành một hành vi chính trị.



Trong làn sóng ấy, hai cái tên nổi bật nhất chính là Vivienne Westwood và Malcolm McLaren – cặp đôi đã đưa punk từ tầng hầm ra ánh sáng. Tại cửa hiệu SEX trên phố King’s Road, họ không đơn thuần là những nhà thiết kế hay kinh doanh thời trang. Họ là những người kiến tạo nên hệ tư tưởng punk, không chỉ qua trang phục mà bằng cả cách nhìn và lối sống.
Những chiếc áo rách, vải tua, xích, in slogan thô bạo hay hình ảnh gây tranh cãi không phải là sản phẩm của sự ngẫu hứng, mà là những tuyên ngôn bằng vải vóc. Mỗi món đồ đều mang hơi thở của sự phản kháng – chống lại chế độ quân chủ, chủ nghĩa tư bản, đạo đức giả và mọi thứ được cho là “phải phép”.



McLaren không chỉ đồng sáng tạo nên vẻ ngoài punk, ông còn dựng nên âm thanh của nó. Là người quản lý của ban nhạc Sex Pistols, ông dùng ban nhạc như một phần mở rộng của hệ tư tưởng tại cửa hàng SEX. Nhóm nhạc – đặc biệt với ca khúc “God Save the Queen” – đã trở thành quả bom văn hóa kích nổ đúng thời điểm: Nữ hoàng bị xuyên kim băng, được in lên áo; bài hát bị cấm phát sóng nhưng vẫn đứng đầu bảng xếp hạng. Sự kết hợp giữa âm nhạc – thời trang – chủ nghĩa phản kháng này chưa từng có tiền lệ.


Chiếc áo in hình Nữ hoàng Elizabeth II bị xuyên kim băng, kèm dòng chữ “God Save the Queen” là ví dụ điển hình. Đây không chỉ là sự kết hợp giữa thời trang và âm nhạc, mà còn là một lời tuyên chiến với thể chế, một sự phá vỡ quy tắc bằng công cụ mà người ta không ngờ tới: quần áo.
Thời đó, Punk không hướng đến tính thẩm mỹ truyền thống. Nó đề cao trải nghiệm sống, tính chân thật và cảm xúc cá nhân. Người ta không mặc Punk để đẹp – họ mặc để sống sót, để tồn tại giữa sự ngột ngạt và lạc lõng. Những bộ trang phục gai góc, thô ráp không che giấu sự tổn thương – mà phơi bày nó ra ngoài như một hình thức tự vệ. Punk, khi đó, là một cú tát vào vẻ hào nhoáng của thời trang cao cấp – và cũng là sự mở đầu cho một thái độ thời trang hoàn toàn mới: thời trang như một công cụ biểu đạt, không cần sự đồng thuận.


Từ Anarchy đến Therapy: Khi Punk không còn là tiếng hét mà là lời tự thú
Nếu Punk thập niên 70 là một cú nổ chống đối – nơi thời trang trở thành hình thái của bạo lực thẩm mỹ, thì punk hiện đại đang chứng kiến một sự chuyển mình tinh tế hơn. Sự nổi loạn ngày nay không còn gào thét về chính trị hay chống hoàng gia, mà phản ánh cái tôi đầy mâu thuẫn và tổn thương của giới trẻ giữa thế kỷ 21.
Trong bối cảnh hiện đại, nơi mỗi cá nhân phải liên tục đối mặt với áp lực về chuẩn mực giới tính, thành công, ngoại hình và bản lĩnh, tinh thần Punk không mất đi – mà tái sinh dưới hình thức mềm mại hơn, sâu sắc hơn. Nó không còn là cuộc chiến chống xã hội, mà là cuộc chiến với chính mình: tìm cách chữa lành, thoát khỏi sự rập khuôn, dám tồn tại như một cá thể không hoàn hảo, đây là cuộc vật lộn với áp lực tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm, chuẩn mực độc hại về nam tính, nữ tính, cơ thể đẹp, định nghĩa thành công. Những tiếng hét nay trở thành lời tự thú. Những bộ cánh rách rưới trở thành cách kể chuyện.

Raf Simons là một trong những người đầu tiên lột bỏ lớp da gai góc của Punk và chạm vào cơ thể tinh thần đang rỉ máu bên dưới. Không cần đến chất liệu rách rưới hay đinh tán, ông đưa punk vào thế giới của những đứa trẻ bị mắc kẹt giữa áp lực trưởng thành và cảm giác vô nghĩa, giữa hệ thống và sự thiếu kết nối, giữa âm nhạc, nghệ thuật, và sự cô lập nội tâm.
Raf Simons chưa bao giờ làm thời trang theo cách ồn ào. Ở ông, không có những cú sốc thị giác hay tuyên ngôn mang tính biểu tình kiểu Vivienne Westwood. Nhưng trong sự im lặng và lạnh lẽo của các bộ sưu tập như “Riot Riot Riot” (2001) hay “Kollaps” (2002), người ta nhận ra một dạng Punk khác – không phun máu lên tường, không đập vỡ tivi, mà để những khoảng trống cảm xúc tự bật ra tiếng động.

Những chiếc áo bomber với slogan “The Youth is Getting Restless”, hình ảnh Ian Curtis (Joy Division) in lớn trên thân áo, những biểu tượng visual từ dòng nhạc post-punk như bìa album, poster tour… – tất cả gợi nên một không khí nặng nề, chậm rãi và suy tư. Những gì Simons tạo ra không mang tính biểu tượng để gây chú ý, mà là một lớp da thứ hai cho những tâm hồn mệt mỏi đang tồn tại giữa thời đại khủng hoảng bản sắc.


Phong cách mà ông theo đuổi mang trong mình di sản punk, nhưng thay vì bạo động, nó mang chất u uất hiện sinh – một cảm giác “trôi nổi” giữa đời sống hiện đại, không bám víu, không thuộc về, không biết đang đi đâu. Ở đây, Punk không còn là thứ để hét lên, mà là thứ để mặc vào như một hình thức chấp nhận sự bất lực.


Dưới thời Demna, Balenciaga bước vào thời kỳ “chống mọi thứ một cách thời trang”. Các show diễn như trong hầm trú bom, bối cảnh lũ lụt, người mẫu câm lặng lê bước – đều là ẩn dụ cho sự ngột ngạt xã hội hiện đại. Thời trang trở thành thông điệp ngầm về thế giới hậu đại dịch, về cảm giác mất kết nối, hoài nghi và mệt mỏi – một dạng Punk mang tính nội tâm hơn bao giờ hết.

Nếu Raf Simons là người đưa Punk vào cõi nội tâm u ám, thì Rick Owens lại lôi nó ra khỏi nhân dạng con người thông thường – và để nó tồn tại trong một không gian hoang hoải, phi giới tính, phi chuẩn mực, phi logic.
Thời trang của Rick Owens không dễ để mặc, càng không dễ để yêu. Những chiếc áo choàng dài, quần drop-crotch, boots platform đồ sộ, cấu trúc quái dị… gợi đến hình ảnh các sinh vật bước ra từ giấc mơ nặng mùi bóng tối và cô lập. Nhưng chính điều đó làm nên một thứ Punk cực kỳ thời đại: Punk của những người không còn muốn được xã hội hiểu, chỉ muốn được hiện diện theo cách của mình.
Trong thời đại mà sự dị biệt bị giám sát bằng cái nhìn “tolerant” nhưng phán xét ngầm, Rick Owens không xin phép để khác biệt – ông khẳng định nó. Ông không đặt ra giới tính cho thiết kế, không dùng các đường cắt tôn dáng truyền thống, không biến “cái đẹp” thành tiêu chuẩn. Ông để bản thể sống như nó vốn là: kỳ quái, méo mó, và sâu sắc.


Rick từng nói: “Tôi nghĩ sự quái dị cũng là một phần của sự gợi cảm.” Đó là nơi thời trang của ông chạm tới khái niệm Punk như một thực hành bản thể: từ chối mọi công thức thẩm mỹ thông thường, và đi tìm sự thăng hoa trong bóng tối – bóng tối của thân thể, cảm xúc, và ký ức.
Rick không cần nói “Tôi chống đối” – bởi sự tồn tại của thời trang ông đã là một sự bất tuân. Không ồn ào. Không đập phá. Nhưng không hề thỏa hiệp.


Punk ở Việt Nam: Không ồn ào, không tập trung – nhưng đang sống và lan ra
Punk chưa bao giờ là một dòng nhạc hay phong cách phổ biến ở Việt Nam. Nó không có sân khấu lớn, không có các hãng đĩa đầu tư tiền tỷ, không được lên sóng truyền hình. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Punk Việt Nam đang sống – trong những căn phòng nhỏ, trong garage, trong các buổi diễn DIY, và trong những người trẻ chọn cách tự làm tất cả.
So với phương Tây, nơi Punk từng là một làn sóng văn hóa xã hội mang tính lịch sử, thì ở Việt Nam, Punk không đi kèm với một cuộc cách mạng, mà là một thái độ âm thầm – phản ánh nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân trong một xã hội còn dè dặt với sự dị biệt.

Ở mặt thời trang, Punk cũng đang chuyển mình trong các cộng đồng thời trang trẻ độc lập. Các thương hiệu local như Vaegabond, AAH Midnight Club, The Motiva,… không gọi mình là Punk, nhưng tinh thần đó hiện hữu trong mọi chi tiết: vải cháy, layer lỗi chủ đích, tinh thần tự do và bất cần thời trang chuẩn mực. Punk Việt không còn mang tính “nổi loạn công khai”, mà trở thành tuyên ngôn cá nhân hóa.


Văn hoá Punk ở Việt Nam hiện vẫn còn phân tán, thiếu sự kết nối mạnh giữa các thành tố (âm nhạc – thời trang – truyền thông – cộng đồng). Ngoài ra, sự kiểm duyệt văn hóa và tư duy xã hội chưa thật sự cởi mở với những biểu hiện quá khác biệt cũng là rào cản khiến Punk khó phát triển thành một phong trào quy mô.
Nhưng điều kỳ lạ là: chính vì Punk không cần được “chấp thuận” mà nó vẫn tồn tại. Và tồn tại đúng tinh thần punk: độc lập, tự vận hành, không lệ thuộc vào sự công nhận từ bên ngoài. Dù không rầm rộ, Punk ở Việt Nam là nơi cho những cá nhân cảm thấy mình “không thuộc về” tìm được không gian an toàn để biểu đạt – dù là qua âm nhạc, qua outfit, hay chỉ đơn giản là… được yên.
“Punk ở Việt Nam chưa bao giờ là phong trào. Nó là một lựa chọn sống.”

Punk không biến mất – nó đang lớn lên cùng chúng ta
Có một sự thật: Punk không bao giờ chết. Nó chỉ thay đổi cách hiện diện. Từ những cú đấm vào hệ thống xã hội, Punk giờ đây là lời thì thầm giữa các cá thể đang cố hiểu bản thân. Từ lời hét phẫn nộ, Punk trở thành nhật ký cảm xúc – đầy yếu đuối, lộn xộn nhưng cũng đầy chân thật.
Nó có thể là chiếc áo khoác oversized không gọn gàng, là chiếc váy ren trên combat boots, là cái đầu cạo sát một bên và móng tay sơn lộn xộn. Punk không cần phải rõ ràng – chỉ cần đúng với người mặc. Trong thế giới thời trang ngày nay – nơi mọi thứ đang dần trở nên sạch sẽ, an toàn và thương mại – Punk tiếp tục tồn tại như một vùng ký ức chưa được lành. Và cũng chính vì thế, nó càng đáng được nhắc đến.