True Religion hay Ông Địa đã được thành lập như thế nào? Ý nghĩa của logo thương hiệu là gì? Hãy cùng Street Vibe tìm hiểu nhé!
True Religion đã ra đời như thế nào?
True Religion được thành lập vào năm 2002 bởi Jeffrey Lubell, hiện ông vẫn giữ vai trò Giám đốc điều hành cho ngày nay. Riêng tại Việt Nam, thương hiệu đồ denim Mỹ này được nhiều người biết đến qua cái tên “Ông Địa” với các sản phẩm như quần jeans, nón lưỡi trai…
Tình yêu của Jeffrey dành cho đồ denim được nảy nở từ thời niên thiếu. Vào những năm tháng “tuổi teen”, ông đã dùng thuốc tẩy để tẩy trắng những chiếc quần ống loe rồi tô điểm chúng bằng những miếng vá bằng da hoặc tự tay làm sờn, rách chúng. Hơn cả thế, ông cũng tự tay vẽ hoặc thêu họa tiết lên các món đồ denim trong tủ đồ. Chính tình yêu mãnh liệt đó đã khiến ông thành lập nên Religion dựa trên các nguyên tắc như: chất lượng cao, vải denim đích thực “Made in USA”, sự hấp dẫn vượt thời gian và tính thẩm mỹ cổ điển.
Năm 2004, True Religion ghi nhận lợi nhuận hàng năm đầu tiên khoảng 4,2 triệu đô và mở cửa hàng đầu tay vào năm 2005 tại Manhattan Beach, California. Qua nhiều năm, “Ông Địa” ngày một bành chướng tại nơi nó sinh ra với 124 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, 31 cửa hàng quốc tế và các nhà bán lẻ. Phủ sóng là vậy nhưng tên tuổi của True Religion chưa bao giờ được đánh giá cao với giới mộ điệu. Trong mắt họ, “Ông Địa” chỉ là một thương hiệu đồ casual với các thiết kế bình thường nhưng chất lượng bền bỉ.
Ý nghĩa của chiếc logo hình Ông Địa
Về phần logo, nhà sáng lập Jeffrey Lubell đã chọn hình ảnh Ông Địa (Buddha) mỉm cười đại diện cho niềm tin vào tâm linh và tôn giáo của ông. Jeffrey giải thích thêm ông xem đó là biểu tượng của hòa bình, thiên nhiên, hạnh phúc và may mắn. Riêng chiếc đàn ghi-ta được Ông Địa cầm là ẩn ý cho tình yêu của Jeffrey dành cho các nhóm nhạc và nghệ sĩ như Jethro Tull, CSNY, Joni Mitchell, James Taylor…
Về tên gọi, ông giải thích: “Đối với tôi, chỉ có một tôn giáo thực sự (true religion) và đó chính là con người… Tất cả mọi người trên thế giới đều mặc quần jeans. Tôi muốn làm ra những chiếc quần vừa vặn, chất lượng và phong cách nam lẫn nữ giới đều cảm thấy thật đẹp và thoải mái khi mặc quần jean.”
Xu hướng một thời của đầu thập niên 2000
Quay về thập niên 2000, True Religion là một trong những nhãn hiệu quần jeans được yêu thích bật nhất tại Mỹ cùng với Levi’s. Vào giai đoạn này, thật không khó để thấy những tên tuổi nổi tiếng giới giải trí như Angelina Jolie, Jessica Simpson, Megan Fox, Kate Hudson và Jennifer Lopez diện chúng đến các sự kiện. Cùng với dấu ấn “Cánh hải âu” trên mỗi chiếc quần Evisu, biểu tượng “Móng ngựa” đã trở thành một đặc điểm nhận dạng quen thuộc của các sản phẩm từ True Religion.
Không riêng gì thế giới, True Religion cũng du nhập vào miền Nam của Việt Nam với tên gọi “Ông Địa” thông qua con đường nhập khẩu hay trở thành món quà của các Việt kiều Mỹ gửi tặng người thân mỗi khi về nước. Các bác, các chú của thế hệ trước cực kỳ mê đồ “Ông Địa”, họ mặc chúng mỗi khi đi cà phê hay lái xe ra đường. Hơn cả thế, họ còn thích thú và không ngại khoe chúng với người khác vì đó là đồ từ Mỹ. Không riêng gì “hội người trung niên”, thế hệ 8x-9x cũng biết đến thương hiệu này.
Người trẻ thời nay có thể không biết đến Ông Địa hoặc chỉ mang một chút ký ức về thương hiệu này; nhưng với thế hệ trước, đó là cả một thú chơi và món đồ thời trang sành điệu.
Thời gian trôi đi, True Religion dần đánh mất vị thế của bản thân trong lòng các tín đồ thời trang thế hệ mới. Kể cả khi thực hiện collab cùng Supreme (2021 và 2022) cùng các rapper khác, tên tuổi của “Ông Địa” vẫn khá mờ nhạt trong tâm trí nhiều người. Cùng với sự bùng nổ của xu hướng Y2K vào năm 2022 và TikTok, True Religion dần lại được giới trẻ hiện tại bước đến nhiều hơn. Thế nhưng, từng đấy vẫn là chưa đủ so với hào quang của thời hoàng kim. Liệu “Ông Địa” sẽ tìm lại được vị thế và tạo nên sự đột phá? Câu trả lời chỉ có thể để thời gian giải đáp.