Thời cấp 3: “Sàn diễn thời trang” của tuổi trẻ

0

Bước vào cấp 3 là độ tuổi thứ 16, các bạn trẻ dần hòa mình vào môi trường mới, sự tò mò về tình yêu, khao khát về một ngoại hình đẹp đẽ đã thúc đẩy con người ta phải tự tìm tòi học hỏi những thứ mới lạ. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, được tiếp xúc với mạng xã hội sớm khiến tư duy cũng như nhận thức về cái đẹp của phần lớn thế hệ học sinh hiện nay khác biệt so với các thế hệ trước. 

Trên thế giới, tại các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp… hầu hết các cấp Trung học trở lên khá thoải mái trong việc quy định về đồng phục khi tới trường, chỉ khoảng 20% trường học bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục, phần còn lại không yêu cầu tuy vào chính sách và kế hoạch mà nhà trường đề ra. 

Nước Mỹ vốn là “Đất nước của sự tự do” theo cách mà truyền thông miêu tả, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước để nâng cao sự tự do, quyền con người hơn, các quy định về đồng phục tại cấp trung học phổ thông dần được bãi bỏ. Học sinh có quyền thoải mái lựa chọn trang phục tùy thích cho việc đi học, điều này được cho là nhằm phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, tự do thể hiện bản thân, cá nhân hoá trang phục trong cộng đồng và tạo nên sự khác biệt trong môi trường giáo dục so với văn hoá Châu Á.

Từ Hippie cho đến Hiphop

Thời trang luôn là sợi dây gắn liền với văn hoá, âm nhạc, lối sống, tư tưởng… Cuộc cách mạng văn hoá tại Mỹ những năm 60 đã sản sinh ra nhiều loại hình thức mới trong đó có văn hoá Hippie. Văn hoá Hippie là sự bẻ gãy các giá trị văn hoá truyền thống mặc dù có hơi đồi truỵ nhưng con người trong văn hoá này luôn theo đuổi cái tự do, bình đẳng về giới tính, sắc tộc, hoà mình với thiên nhiên và đặc biệt là tư tưởng phi chính phủ. Các thanh thiếu niên nước Mỹ ở tuổi nổi loạn đã đưa văn hoá này thâm nhập vào trường học nhằm đề cao cái tôi tự do, yêu chuộng hoà bình thông qua các bộ trang phục đặc biệt. Váy ngắn, quần bó, những chiếc đầm hoa văn thổ cẩm hay những chiếc quần ống loe, ống suông…

Nhìn chung, thông điệp hòa bình đã được hưởng ứng mạnh mẽ tại trường học, từ Á, ÂU, Phi… Trắng, Đen, vàng ta thấy được sự kết nối bình đẳng giữa con người trong cộng đồng. Thời trang của Hippie được may thủ công từ những chiếc quần áo cũ, các mảnh chất liệu được chắp vá lại với nhau thể hiện sự phóng khoáng tự do, hơn hết là tiết kiệm thay vì bỏ một số tiền ra làm giàu cho các nhà tư bản thời trang. 

Tua nhanh đến đầu những năm 70 khi văn hoá Hippie có dấu hiệu lụi tàn, Hiphop xuất hiện trở thành một phần biểu tượng và tạo ra sức ảnh hưởng lớn tới văn hoá Mỹ cho tới tận ngày nay. Hiphop theo chân những chàng thanh niên da màu đi từ đường phố tới trường học, tạo ra một cộng đồng da màu đầy sự đoàn kết. Những bộ quần áo công nhân cũ kỹ, bộ đồ rộng thùng thình, thể hiện cá tính mạnh mẽ tạo ấn tượng và lan tỏa tới những người khác. Trong bối cảnh nước Mỹ đầy sự phân biệt đối xử, người da màu nói chung và học sinh da màu nói riêng sử dụng rap như một cách giải tỏa khỏi áp lực chính trị, ngôn ngữ của văn hoá này đầy sự đấu tranh phản kháng, đòi quyền về bình đẳng sắc tộc. Hình ảnh nhóm thanh niên da màu tụ tập nhảy theo nhịp điệu từ chiếc radio cũ kỹ đã trở nên quen thuộc trong khuôn viên trường thời bấy giờ.

Tại Việt Nam

Học sinh ngày nay ít mặn mà với đồng phục, vì sao?

Trang phục đến trường được quy định khắt khe, học sinh luôn phải bó mình trong những bộ đồng phục mẫu. Vài năm trở lại đây, thế hệ học sinh Gen Z đã đưa thời trang vào trường học, điều này dần trở nên phố biển và có thể trong tương lai sẽ được hợp thức hoá. Trong thời đại phát triển như ngày nay, thể hiện địa vị xã hội, giai cấp, kinh tế… chẳng còn gì là khó, không cần thông qua “áo gấm lụa là” như trước, người ta “flex” các món trang sức, phụ kiện lấp lánh đắt tiền như Grill, Apple Watch, iPhone… do đó, việc sử dụng đồng phục nhằm hạn chế sự cách biệt giàu nghèo có lẽ giờ đây không còn hữu dụng mà ngược lại nó tạo ra sự gò bó về hình thức cho học sinh. 

Cũng không thể phủ nhận được giá trị về mặt tinh thần mà chiếc áo trắng mang lại nhưng những chiếc áo đồng phục này còn nhiều nhược điểm. Do mang tính cộng đồng và đại trà nên các loại đồng phục bắt buộc như áo sơ mi, quần âu tối màu thường được may từ các loại vải cotton, kate, kaki… tuy rẻ nhưng thực sự không phải là lựa chọn tốt đặc biệt là với thời tiết nóng ẩm tại Việt Nam. Các sợi vải có tính thô, bí khiến người mặc có cảm giác nóng, rát và thấm hút kém khi vận động vào mùa hè. Còn đối với các loại đồng phục mùa đông tại miền Bắc thì thường chỉ được may từ 2-3 lớp vải nilon (lớp nilon bên ngoài, bên trong có thể là lớp vải lưới mỏng) chỉ có tác dụng như chiếc áo khoác mùa thu vì không thể chống gió, mặc đi đường gây buốt. Thêm vào đó, hình thức của áo đồng phục thiết kế khá cũ, tính thẩm mỹ kém… dựa trên các thiết kế có sẵn chỉ thay đổi một vài chi tiết nhỏ nhằm phân biệt giữa các trường cùng khu vực. 

Đó là  một vài  nguyên nhân thực tế khiến học sinh ngày nay không mấy mặn mà với áo đồng phục nữa mặc dù nó cũng là một phần kỷ niệm của tuổi học trò.

Mỗi ngày tới trường là một Fashion Show

Ngoài thứ 2 đầu tuần, học sinh đến trường không chỉ quần đen áo trắng đồng phục mà còn là nhiều món quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang, tạo ra sự đa dạng màu sắc của mỗi cá thể trong khuôn viên khép kín. Mặc dù quy định về đồng phục đưa học sinh đưa học sinh vào khuôn mẫu quần âu-sơ mi trắng, tạo ra sự gò bó dễ gây nhàm chán. Thế nhưng điểm đến của thời trang là không có giới hạn, tiếp nhận tinh thần “tự do thời trang” từ các nền tảng mạng xã hội, nhất là TikTok, thế hệ học sinh ngày nay đã đưa thời trang vượt qua những rào cản quy định về đồng phục trong trường học. Ta có thể bắt gặp được nhiều phong cách thời trang giao trên khoảng sân trường từ retro, vintage cho tới Streetstyle, HipHop… hay một vài bạn trẻ đang chập chững theo đuổi Sartorial. Quay trở lại 3-4 năm về trước, Local Brand đang làm mưa làm gió tại sân chơi streetwear Việt Nam thì thế hệ học sinh, gen Z là những người tiên phong và sử dụng các sản phẩm từ Local Brand nhiều nhất, họ luôn cập nhật, bắt kịp xu hướng rất nhanh và có hiệu quả. Vào thời điểm đó, bạn tới trường xung quanh bạn sẽ ngập tràn những màu sắc xanh đỏ từ những chiếc jacket big logo… hay sự óng ánh đến chói mắt từ dải phản quang may trên những chiếc balo Colkids… 

Có thể nói, môi trường cấp ba là bàn đạp phát triển cho phong cách ăn mặc của nhiều người trẻ hiện nay. Khi mà một tuần sáu buổi cắp sách tới trường họ tận dụng môi trường năng động này, diện lên cho mình những bộ quần áo đẹp hay đơn giản là những đôi giày đang “hot trend”, tự tin biến trường học trở thành sàn diễn thời trang cho riêng mình. Tư duy thời trang của các bạn trẻ cũng từ đó mà tích luỹ, phát triển theo những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, lúc đầu nó có thể chưa đẹp, còn thô kệch nhưng dần trải qua nhiều lần học hỏi, sửa đổi cộng thêm sự chia sẻ, đóng góp ý kiến (có xấu có đẹp) từ những người bạn đặc biệt khiến nó dần trở nên hoàn thiện, chỉn chu hơn.  Cũng từ đó là tiền đề cho tương lai, khi bước lên đại học hoặc môi trường tự do hơn sự sáng tạo về thời trang của họ sẽ bùng nổ, không còn bị dập khuôn.

Khác với sinh viên, khi còn đang trong vòng bao bọc của gia đình, chưa phải bước chân ra xã hội để lo chuyện cơm áo gạo tiền. Tâm hồn của lứa tuổi học sinh vẫn còn được tư do bay bổng, mơ một giấc mơ đẹp đẽ, họ đầu tư cũng khá nhiều tiền bạc và thời gian để khiến bản thân đẹp hơn, họ luôn bắt kịp những xu hướng đời sống-xã hội cũng như thời trang. Mặc dù còn lạm dụng khá nhiều các items từ Shopee, Taobao… nhưng tin tôi đi, thời gian cũng như sự vận động về tư duy sẽ thay đổi cách ăn mặc của họ. 

Dàn nam sinh phối áo dài cùng sneakers khi đến trường

Lời kết

Mỗi người một cách ăn mặc, thể hiện cá tính riêng của bản thân. Điều đó không làm tách biệt sự đoàn kết như ý nghĩa mà đồng phục mang lại, nó còn tạo ra một môi trường sôi động, gắn kết những tâm hồn yêu cái đẹp lại với nhau. Nhiều bạn trẻ thường thể hiện gu thời trang của mình thông qua việc kết hợp cùng áo trắng chủ yếu là thông những đôi sneakers hay những chiếc quần có thiết kế độc đáo ( nói theo cách thực tế là phối đồ cùng áo trắng để lách qua những quy định về đồng phục).

Việt Nam là đất nước nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm, thời tiết vào những ngày hè oi bức đến khó chịu… và thế là những chiếc áo hoodie hay jacket được tận dụng để che nắng cho cơ thể, vừa tăng tính thẩm mỹ vừa chống tia cực tím độc hại từ mặt trời. Còn tại miền Bắc vào mùa đông, khi quy định về trang phục được nới lỏng hơn cũng là lúc những chiếc áo khoác đồng phục mỏng nhường sân khấu cho Varsity, Bomber trình diễn. Hay các mẫu sweater, hoodie cất trong tủ bấy lâu nay cũng tới lúc để diện.

Bài viết: Nam Dinh Doan

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here