Suit & Blazer vốn là một trong những “thước đo” lịch lãm của một quý ông từ thuở xa xưa. Ngày nay, sự biến hóa của thời trang đã làm cho những chiếc áo khoác này trở nên phá cách và thoát khỏi những quy chuẩn vốn có.
Nhắc đến trang phục công sở hay những nơi chốn lịch lãm, chúng ta không thể không nhắc đến “bộ giáp” mang tên Suit dành cho các quý ngài. Bên cạnh đó, các xu hướng thời trang đường phố lẫn các trường phái nghệ thuật như avant-garde đã phần nào thêm thắt, “mổ xẻ” những chi tiết đặc biệt và làm cho chiếc áo Blazer, hay kể cả bộ Suit ngày một đổi mới.
Quy chuẩn của Âu Phục đến từ đâu?
Ngược dòng lịch sử về đầu thập niên 1800, George Bryan Brummel, một người bạn thân của vua George IV đã tạo ra một phong cách thời trang cho nam giới hiện đại: trang phục may đo được cắt vừa vặn với khăn quàng cổ được thắt nút cẩn thận mà sau này gọi là cà vạt. Không chỉ tạo ra một kỷ nguyên mới về thời trang cho phái mạnh, Brummell còn mang đến tư tưởng mới hoàn toàn: đó là mọi quý ông nên chải chuốt và chú ý chăm sóc đến phong cách của bản thân. Tư tưởng này đã đưa âu phục trở thành thứ trang phục bắt buộc phải có của bất kỳ người đàn ông nào, đặc biệt tại châu Âu.
Trải qua một thời gian dài khoảng hơn 400 năm, được biến hóa qua tay các nhà thiết kế, thợ may, âu phục đã dần biến đổi với những cách tân phù hợp với cuộc sống. Đến thế kỷ 19, âu phục là ngôn ngữ thể hiện phong cách, thị hiếu thẩm mỹ, sự chu toàn trong ăn mặc, đề cao sự thành đạt và vẻ đẹp chuẩn mực trong cuộc sống của quý ông. Từ đó, quy chuẩn của một chiếc áo Vest, Suit hay Blazer cũng được hình thành và các người thợ may đo phải tuân theo một quy chuẩn ngầm để tạo ra những sản phẩm chuẩn chỉnh cho các quý ngài thành đạt.
Thoát khỏi định kiến giới chỉ dành cho nam giới
Năm 1910, năm mở đầu cho thập niên cửa ngõ đưa thời trang qua giai đoạn hiện đại, phụ nữ bị đối xử rất bất công, có ít quyền lợi và điều đó đã khiến cho phong trào nữ quyền bùng nổ ở nhiều nơi, cùng thời điểm với Chiến tranh Thế giới I. Người phụ nữ cần tính linh hoạt và tối giản hơn trong quần áo hằng ngày. Hiệp hội May mặc Phụ nữ (American Ladies’ Tailors’ Association) đã thiết kế Suit cho nữ giới để họ có thể dễ dàng di chuyển trong các cuộc diễu hành cũng như biểu tình lúc bấy giờ.
Về cơ bản, Suit là tổng thể kết hợp hoàn hảo giữa quần tây, áo vest và áo khoác. Suit nữ có phần khác so với nam – quần được thay thế bằng váy và “pantsuit” dùng để phân biệt cách phối nguyên bản từ suit nam cho cô gái yêu thích sự thoải mái và cá tính. Đối với nhiều người, việc mặc suit có thể gò bó, không thoải mái và luôn phải theo một chuẩn mực nhất định nhưng việc mặc suit ở nữ giới đã làm cho những trang phục này thêm phần dịu dàng, mềm mại mà không mất đi sự thanh lịch vốn có.
Nhắc đến Suit dành cho nữ, không thể không nhắc đến Yves Saint Laurent với bộ thiết kế Le Smoking cực kỳ đình đám vào năm 1966. Le Smoking đã trở thành một bộ vest cao cấp hàng kinh điển trong tủ đồ của phái nữ, một hình mẫu âu phục cao cấp thượng hạng tràn đầy cảm hứng cho những nhà thiết kế thời trang cao cấp đương đại mỗi khi họ muốn hô biến những cô mẫu của mình bớt yếu đuối mà trở nên mạnh mẽ gợi cảm hơn nhiều lần.
Với Le Smoking, sức quyến rũ của phái nữ không toát ra từ những đường diềm ren, nhún bèo hay những phần cut-out táo bạo thông thường. Sức hút của Le Smoking mang đến cho phái nữ chính là thiết kế nam tính kín đáo có phần quyến rũ đồng thời tôn được những đường cong tự nhiên.. Có thể nói, Le Smoking được ưu ái xếp vào hàng “bảo vật” của thế giới thời trang không khác gì chiếc váy đen LBD hay chiếc áo khoác Boucle của Chanel.
Suit & Blazer mang âm hưởng thiết kế của thời đại mới
Thời đại mới của cuộc chơi thời trang không thiếu các yếu tố bất ngờ và đầy sáng tạo từ những nhà thiết kế đương thời. Từ thời trang đường phố Streetwear cho đến sàn diễn runway của các nhà mốt Luxury đều không thể thiếu Suit – Blazer, mỗi lần họ cho ra mắt BST mới là mỗi lần diện mạo của Suit và Blazer được cách tân một cách độc đáo.
Một chiếc áo khoác Blazer hay Gile sát vai, ôm eo vừa đủ và chiều dài trên trên mông được xem như quy chuẩn cần phải có của u Phục… Nhưng đối với Balenciaga, chiếc Blazer không chỉ đơn giản là một chiếc áo rập khuôn như thế, ngôn ngữ thiết kế mà Balenciaga mang lại cho item vượt thời gian này chính là phom dáng oversized thoải mái, vai độn to ngang, chiều dài qua mông, khuy áo gồm một đến hai nút hoặc là bốn nút hình vuông. Thân dưới có thể sẽ là những chiếc quần jeans, váy, hoặc quần shorts cực ngắn. Trông thật khác với những gì mà Suit, Blazer được định nghĩa trong Menswear.
Julius S/S 2007 cho chúng ta thấy được hình ảnh của một chiếc áo Blazer đậm chất nghệ Avant-garde. Từ phần vai đến ngang eo giữ đúng form của một chiếc áo khoác Blazer cần có, riêng từ hông eo trở lên được ôm nhẹ sau đó rộng dần sang hai bên tạo độ phồng cho phần hông, mông của người mặc. Phần vải của áo màu đen bóng nhẹ, gồm các đường rập chạy dọc thân, điểm đặc biệt trên chiếc áo Blazer này chính là hai chiếc túi giả và phần khuy áo đã được thay bằng một chiếc móc xích cực kỳ lạ mắt.
Cuối cùng là Undercover, Blazer cũng là một trong những item được thương hiệu này đặc biệt quan tâm và “xào nấu” nhiều lần qua các BST từ trước đến nay. Cách mà Undercover thay đổi cái nhìn về chiếc Blazer chính là làm cho chúng trông thật gai góc, cũ kĩ và bụi bặm hơn hình ảnh lịch lãm, sang trọng vốn có từ item này. Điển hình là chiếc Blazer được đắp nhiều mảnh vá lên phần vai, thân, vạt và điểm xuyến bằng đường may “Deadend” trong BST “Scab” đình đám vào năm 2003. Hay gần đây nhất là chiếc Blazer chất liệu PVC cùng những phần zip được làm ở phần túi và thân sau – những chi tiết này phần nào đã làm cho Blazer trở nên mạnh mẽ, năng động và thoát ra khỏi hình tượng vốn có của nó.
Kết luận
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Suit & Blazer ngày nay đã ngày càng trở nên đa dạng và phổ biến hơn với tất cả mọi người. Chúng ta có thể kết hợp chúng một cách đa dạng, thoải mái mà không cần phải quan tâm nhiều đến các quy tắc may đo cứng nhắc, vì suy cho cùng thời trang là sự tự do và sẽ dần được biến tấu, thay đổi sao cho phù hợp với tính thẩm mỹ của thời đại mới.