Ngày nay, phong cách tối giản (Minimalism) lên ngôi và bắt đầu được nhắc nhiều hơn trên khắp các mạng xã hội. Liệu cụm từ này có đơn thuần là một khái niệm trong thời trang và nghệ thuật hay còn ý nghĩa sâu xa nào khác?
“Kẻ thù” của chủ nghĩa tiêu thụ (Consumerism) hay mặt tối nghịch của chủ nghĩa tối đa (Maximalism) là cách nhiều người nhìn nhận về chủ nghĩa tối giản (Minimalism). Khi cuộc sống hiện đại và những tiện lợi vật chất có thể khiến nhiều người lãng quên những giá trị nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc, một tâm trí an nhiên… thì đấy mới chính là tối giản một cách khái quát và rộng lớn hơn, không chỉ riêng về mảng thời trang.
Phong cách tối giản bắt đầu từ khi nào?
Minimalism là một phong trào nghệ thuật ở New York (Hoa Kỳ) được chú ý và phát triển vào những năm đầu thập niên 1960. Ban đầu, hình thức này chỉ phát triển trong lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc và nghệ thuật đại chúng. Dần dần, nó đã trở nên phổ biến như một triết lý – tư duy tối giản đặc biệt.
Và đó cũng là phong cách sống được ưa chuộng của người Nhật – Danshari. Tương truyền rằng, từ thời kỳ Edo, người Nhật Bản đã bị giới hạn bởi các luật lệ ngăn chặn sự khoe khoang của cải, vật chất và tài sản. Cùng với những đặc trưng về điều kiện địa lý, 30-50% nguyên nhân thương vong là do đồ đạc rơi vỡ. Điều ấy khiến người Nhật buộc phải tối giản nhiều hơn đồ đạc, nội thất. Dần dần, Danshari đã trở thành lối sống và là biểu tượng trong phong cách sinh hoạt của người Nhật.
Sau Thế chiến 2, Minimalism là quan niệm thẩm mỹ rất được ưa chuộng bởi phong cách vừa siêu thực lại cũng vừa dễ cảm thụ. Sau đó, vào thập niên 1970, ý tưởng về lối sống đơn giản bắt đầu thành hình khi nhiều người nhận ra không thể dựa dẫm vào chủ nghĩa tiêu thụ. Không khó để nhận ra hiện tượng xã hội cũng giống với thời trang ở việc nó luôn quay vòng, và sự nguy hiểm của chủ nghĩa tiêu thụ trong bối cảnh kinh tế biến động và những cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây một thập kỷ là yếu tố căn bản thúc đẩy người ta tìm đến một lối sống bền vững hơn, ít lệ thuộc vật chất.
Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, chủ nghĩa tối giản (Minimalism) đã tìm được cách thức truyền thông hoàn hảo nhằm chạm đến phong cách sống của những thế hệ millennial hay Gen Z. Từ đó, sự tối giản nhưng không đơn giản đã sản sinh ra nhiều Minimalist (người theo chủ nghĩa tối giản) trong nhiều ngành nghề hiện đại.
Tối giản không chỉ dừng lại ở thời trang
Khi nhắc đến tối giản nhiều người nghĩ rằng: tối giản đồng nghĩa với vứt bớt đồ đạc để nhà gọn gàng hơn, vứt bỏ những món đồ không mang tính thiết yếu hay đơn giản là tiết kiệm kinh tế. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu tiên trong hành trình sống tối giản và thời trang chỉ là một tiểu “tế bào” trong chủ nghĩa tối giản (Minimalism) rộng lớn.
1/ Tối giản trong thời trang
Trong thời trang, Minimalism được xem là gia vị hoàn hảo để tạo nên sự cuốn hút bí ẩn cho những bộ trang phục. Đúng với tên gọi của mình, Minimalism trong thời trang tối giản cả về thiết kế lẫn màu sắc. Chúng ta sẽ bắt gặp những thiết kế này có phần đơn giản và sử dụng những gam màu đơn sắc như trắng, đen,..điểm thu hút của Minimalism nằm ở sự tinh tế và thanh lịch. Chú trọng tỉ lệ cơ thể để thực hiện những đường cắt may tinh xảo tạo nên sự thoải mái. Để áp dụng khái niệm này vào thời trang thật sự không hề đơn giản như chúng ta đã nghĩ.
Coco Chanel, Yves Saint Laurent hay Miuccia Prada,..là những cái tên đình đám mang thiết kế tối giản lên những bộ trang phục. Nhưng Miuccia Prada là cái tên nổi bật hơn tất cả khi những thiết kế thanh lịch, tối giản được áp dụng trên những chất liệu cao cấp. Nhà thiết kế người Ý kế thừa di sản của ông ngoại mình một cách tiến bộ, mang tính bước ngoặt trong giới thời trang khiến cái tên của bà trở thành biểu tượng khi nhắc đến phong cách tối giản.
2/ Tối giản trong nội thất – kiến trúc
Thiết kế nội thất tối giản tuân theo nguyên tắc “Less is More” (Ít hơn là nhiều hơn). Nó thúc đẩy không gian không lộn xộn với đường nét sạch sẽ, đồ nội thất tiện dụng và tông màu trung tính. Đi ngược lại các tiêu chuẩn trang trí nội thất truyền thống về việc làm phong phú không gian bên trong với các vật dụng và chi tiết trang trí phức tạp. Phong cách này hướng đến việc loại các vật dụng thừa thãi nhằm giữ lại một không gian trống hoàn hảo, việc trang trí nội thất theo phong cách Minimalism hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu bên dưới không gian sống đơn giản và lành mạnh.
Đặc biệt, dùng ánh sáng làm nội thất: do hạn chế sử dụng màu sắc trong nội thất, ánh sáng trong phong cách Minimalism được xem như một thành phần trang trí quan trọng để tạo ra các hiệu ứng thị giác và thẩm mỹ. Việc sử dụng ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên, được chú trọng nhằm nhấn mạnh các khu vực quan trọng và tạo ra bóng đổ với hiệu quả cao để tôn lên các hình khối của vật dụng và các thành phần kiến trúc khác.
3/ Tối giản trong lối sống – suy nghĩ
Sasaki Fumio – tác giả của cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” – đã từng nói rằng: “Sống tối giản là lối sống cắt giảm đồ dùng trong nhà đến mức tối đa, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất. Lợi ích của lối sống này không đơn thuần chỉ là lợi ích bên ngoài như không gian thoáng đãng, dọn dẹp dễ dàng… Nó còn mang lại lợi ích cho chính tâm hồn chúng ta”.
Lối sống này có thể áp dụng ở rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống như:
-Tối giản thông tin: chọn lọc những thông tin hữu ích và tích cực để theo dõi.
-Tối giản mối quan hệ: tập trung thời gian cho những mối quan hệ thân thiết “chất lượng hơn số lượng”.
-Tối giản giải trí: Chọn lọc những chương trình bên cạnh việc giải trí còn đem lại giá trị nhân văn, giá trị kiến thức…
Giá trị cốt lõi của lối sống tối giản chính là sống đơn giản, nhẹ nhõm, hạnh phúc hơn nhưng vẫn đủ đầy. Thay vì mua sắm thật nhiều thì lối sống tối giản khiến chúng ta mang những giá trị vào chính cuộc sống của mình, ưu tiên sự trải nghiệm vô hình hơn của cải vật chất. Tập trung vào những thứ quan trọng nhất khiến bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc chính là những gì Minimalism mang lại. Chủ nghĩa đơn giản bị lầm tưởng là một chuẩn mực đạo đức, rằng những người theo chủ nghĩa tối giản thường sẽ là những người tôn vinh giá trị đạo đức cao hơn số còn lại, điều này đồng nghĩa với những tranh cãi về lối sống, như thế nào mới là tối giản?
Steve Jobs khi còn sống luôn chỉ xuất hiện với một kiểu trang phục: chiếc áo cổ lọ đen và quần jean, giày New Balance, bộ trang phục này trên thực tế không thể hiện ông là người theo chủ nghĩa tối giản, nhưng lựa chọn không bận tâm nhiều về những kiểu trang phục khác nhau của ông lại là một kiểu suy nghĩ tối giản. Hiểu về chủ nghĩa tối giản, chúng ta sẽ thấy nó thể hiện ở rất nhiều mặt, và có thể áp dụng bất cứ khía cạnh nào phù hợp với quan niệm và môi trường sống của mình.
Nếu Minimalism trở thành phong cách thời trang “cực thịnh”
Gần đây, hai cụm từ là Minimal và Quiet Luxury được nhắc rất nhiều trong các xu hướng thời trang thịnh hành. Nhưng xét cho cùng, hai khái niệm này có một điểm chung đó chính là “low-key” trong cách ăn diện, có chăng Quiet Luxury là một phiên bản nâng cấp của Minimal? Và sẽ thế nào nếu hai xu hướng này trở nên “cực thịnh”?
Tích cực
Nếu trong tương lai gần, phong cách tối giản trong thời trang (Minimal Fashion) trở thành các xu hướng nổi trội như: Y2K, Blokecore, Business Core,… sẽ có vô số Minimalist tuân thủ các “quy tắc” đặc trưng của thời trang tối giản và đem lại nhiều lợi ích đáng kể. Cuộc sống hiện đại sẽ tiết kiệm được vô số tài nguyên, chống lại chủ nghĩa tiêu thụ. Từ đó, các dây chuyền sản xuất của các nhà máy Fast Fashion (thời trang nhanh) sẽ giảm thiểu và hạn chế được sự ô nhiễm môi trường, góp phần làm nên thời trang sạch và đề cao tính bền vững – một trong những tính chất cốt lõi của Minimalism (chủ nghĩa tối giản).
Cần có một số lượng người lựa chọn một phong cách thời trang nào đó mới khiến chúng trở nên thịnh hành, nếu Minimal Fashion ngày càng được nhân rộng sẽ có số đông người thực hiện chính sách tiết kiệm hầu bao, ít hơn là nhiều hơn, sử dụng những thứ may mặc tối giản nhưng tinh tế và lôi cuốn.
Ngoài ra, thời trang tối giản còn giúp giới trẻ cân đối lại nhu cầu mua sắm của bản thân. Không mua món đồ chỉ vì thích mà không dùng tới, họ mua những thứ thật sự cần thiết. Không chạy theo thời trang, hàng hiệu họ hướng tới những trang phục mang tính ứng dụng nhiều hơn. Dần dần buông bỏ được nỗi ám ảnh về của cải vật chất để cảm thấy nhẹ nhàng, bình an hơn.
Tiêu cực
Minimal Fashion hay Minimalism là một món ăn tinh thần khá “quyến rũ” vì nó đem đến được cho người khác lợi ích như tiết kiệm tiền bạc cho đến nâng cao chất lượng cuộc sống và ý thức bảo vệ môi trường khỏi thời trang nhanh. Nhưng nếu một ngày kia, mọi người đổ xô đi mua đồ theo “kiểu Minimal” – tức là những trang phục basic, những item cơ bản không hình in,… Họ mặc lên người và nghĩ đây chính là Minimal Fashion. Điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn giữa thời trang cơ bản và thời trang tối giản cho những ai là newbie (người mới) muốn tìm hiểu thời trang tối giản một cách nghiêm túc. Vì vậy, cần có sự hiểu biết về chủ nghĩa tối giản (Minimalism) trước khi lựa chọn phong cách thời trang tối giản cho bản thân (Minimal Fashion).
Cũng như các trend khác trên thị trường, khi các xu hướng thời trang đã đến “hồi kết” và thoái trào. Sự tiêu cực mà chúng ta nhìn thấy trước mắt chính là chúng để lại một lượng lớn rác thải trong tủ đồ của các “fan phong trào”, mà núi rác này khó có thể phân hủy được sau nhiều năm. Có chăng là núi rác này sẽ “khiêm tốn” hơn các trend khác vì suy cho cùng các item của thời trang tối giản sẽ có phần dễ dùng hơn các xu hướng khác.
Có một sự thật rằng, nếu chúng ta yêu thích hoặc đại diện cho Minimal và vô tình nhìn thấy “đứa con” tinh thần của mình bị số đông ăn theo nhưng bên trong suy nghĩ của những “fan phong trào” này không nắm rõ cốt lõi tinh thần của phong cách. Điều này sẽ dẫn đến sự khó chịu cho những Minimalist (người theo chủ nghĩa tối giản) thực thụ.
Kết luận
Bài viết này nhằm mang đến ngược đọc một cái nhìn tổng quát hơn về Minimalism (chủ nghĩa tối giản) không chỉ gói gọn trong lĩnh vực thời trang, không phải là một trào lưu – xu hướng nhất thời. Hãy chọn chủ nghĩa tối giản như một lối sống “healthy” và phù hợp với tinh thần, tư duy của bạn. Chủ nghĩa tối giản không phải là một bộ quy tắc cứng nhắc mà là một triết lý có thể được điều chỉnh để phù hợp với sở thích và nhu cầu cá nhân của bản thân mỗi người. Cho dù bạn chọn áp dụng nó vào tủ quần áo, nhà cửa hay thói quen hàng ngày thì những nguyên tắc cốt lõi về sự đơn giản, chức năng và chủ ý có thể nâng cao cuộc sống của bạn theo nhiều cách khác nhau.