Maximalism: Kẻ đối chọi của Phong cách Tối giản (Minimalism)?

0

Trong một xã hội hiện đại đang chứa đựng những điều tiêu cực và nhàm chán thì ở đâu đó, phong cách Maximalism vẫn trỗi dậy mạnh mẽ như sự gợi nhắc về một cuộc sống rực rỡ đầy màu sắc.

Đối lập với Tối giản (minimalism), phong cách Tối đa hóa (maximalism) là bức tranh đa màu sắc của những con người không gò bó bản thân vào bất cứ nguyên tắc nào. Bằng sự am hiểu nhất định về thời trang, họ tự do sáng tạo những bản phối mang đậm dấu ấn cá nhân. Nếu bạn là con người từ chối sự “chung thủy” với hình ảnh an toàn; Maximalism chính là “vùng đất” trù phú cho bạn thỏa sức khám phá.

Chủ nghĩa Maximalism là gì?

Chủ nghĩa Tối đa (Maximalism) là một thuật ngữ được sử dụng trong nghệ thuật, bao gồm cả nghệ thuật thị giác và thiết kế từ cuối những năm 1970. Maximalism giải thích cho xu hướng hoàn toàn đối lập với Minimalism, mà đặc trưng là thể hiện sự phong phú có phần dư thừa của các họa tiết trang trí. Xét trên nhiều khía cạnh, Maximalism không quá hiệu quả về tính ứng dụng và chức năng như Minimalism, nhưng độc đáo về tính trang trí.

Tối đa (Maximalism) rực rỡ đến lập dị, nhưng cũng cần thông qua một sự sắp xếp và tính toán tốt. Tối đa gây ấn tượng mạnh đối với thị giác từ sự “bùng nổ” của các màu sắc tươi sáng, sự “đầy đủ” mọi loại họa tiết cũng như chất liệu. Cùng với đó, Maximalism tạo cảm giác dư giả, sang trọng bao gồm trong rất nhiều yếu tố hợp thành.

Không đạt được nhiều sự ưu ái như Minimalism nhưng vào những năm trở lại đây, chủ nghĩa Tối đa trở nên phổ biến trong lĩnh vực thời trang và thiết kế nội thất. Bằng chứng là, không ít người yêu thích “bày bừa” trong không gian sống của mình và kể cả là gây chú ý bằng quần áo có màu sắc tương phản, họa tiết được sắp xếp có chủ đích.

Sự tối lập giữa Maximalism và Minimalism trong thiết kế nội thất

Phong cách Maximalism trong thời trang

Maximalism không phải là một khái niệm mới trong ngành thời trang. Những thương hiệu lớn như Comme des Garçons, Gucci hay Schiaparelli vẫn luôn giữ vững những triết lý của mình về chủ nghĩa tối đa trong từng sản phẩm xuyên suốt từng giai đoạn lịch sử. Gần gũi hơn, khi tình trạng dịch bệnh diễn ra, các tín đồ thời trang gần như chỉ ở nhà nên họ chuộng phong cách ăn mặc tối giản, nhịp điệu của cuộc sống cũng như chậm lại nhiều, đời sống tinh thần dường như bị chùng xuống và không còn nhiều đất diễn cho thời trang. Đây là lúc mà Maximalism bắt đầu “soán ngôi” từ thời trang đường phố đến sàn runway.

Phong cách Tối giản ngày càng phổ biến và dễ dàng bắt chước, nhiều nhà thiết kế thời trang lựa chọn “More is More” như một phương án “tương phản” để truyền cảm hứng đến công chúng. Maximalism có ưu thế trong việc thể hiện họa tiết, chất liệu và phô bày vẻ đẹp của phụ kiện, nhưng lại khó khăn cho các nhà thiết kế về quy mô, tôn tạo các thông điệp cần truyền tải và chi phí sản xuất. Dần dần, Maximalism đã trở lại nhiều hơn trên các sàn diễn thời trang quốc tế và là một trong những xu hướng mới mà thời trang đang hướng tới.

Điển hình tại các đường băng show diễn lớn đầu năm 2021 ghi nhận sự xuất hiện của nhiều bộ sưu tập “bất thường”. Những màu sắc rực rỡ, hình họa tiết đồ hoạ hay đính sequin lấp lánh đều lần lượt thống lĩnh các sàn diễn thời trang. Từ những đôi boots Valentino màu hồng ánh kim đến những thiết kế mang đến ấn tượng thị giác mạnh của Louis Vuitton… các nhà thiết kế đang mong muốn đem lại nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo của họ thông qua nét phá cách và tư tưởng thoát ly khỏi mảng màu u ám do đại dịch mang lại.

Virgil Abloh cũng rất thích sử dụng họa tiết nổi bật và các gam màu sáng, điển hình là tím – cam

Sân chơi dành cho những cá tính thời trang độc đáo

Bí quyết mặc đẹp khi kết hợp nhiều họa tiết trên một bộ trang phục là lưu ý độ tương đồng về màu sắc giữa các họa tiết. Điều này không đồng nghĩa với việc chỉ ứng dụng thuần một tông lạnh, nóng hay trung tính; sự tương phản về màu sắc cũng là cách giúp cho tổng thể trang phục họa tiết càng thêm nổi bật. Các màu sắc cơ bản như đen, trắng xám và đỏ luôn là lựa chọn an toàn và không lỗi mốt. Cách tốt nhất vẫn là kết hợp 2 trong 3 gam màu trên lại với nhau để tổng thể trang phục không bị rối mắt.

Khi đã phối đồ “lên tay” một cách tối đa, bạn có thể tiến đến “level” tiếp theo là phối cùng với các họa tiết bắt mắt. Len và lụa hay sequin là những chất liệu được chọn nhiều nhất trong phong cách thời trang Maximalism. Những chất vải này thường được sản xuất với sợi vải cao cấp, độ mềm mịn cao và có độ bóng lý tưởng để khi kết hợp màu sắc và chất liệu sẽ tạo nên các bản giao hưởng thời trang tuyệt vời.

Bạn không nên phối các họa tiết nhỏ, đơn giản cùng nhau sẽ không gây ra nhiều phiền phức. Tuy nhiên kết hợp nhiều hoạ tiết lớn, có màu sắc nổi bật có thể làm tổng thể trông “nhức” mắt. Vì vậy, mới có quy tắc “chính – phụ” là một quy tắc an toàn dành cho các newbie (người mới). Trước khi phối, bạn nên xác định họa tiết chính – phụ. Chi tiết chính thường có kích thước lớn, màu sắc bắt mắt hơn. Ngoài ra, tránh phối chồng các họa tiết không có điểm tương đồng cũng là một mẹo để tổng thể trang phục thu hút hơn.

Cuối cùng là layer và phụ kiện. Hai yếu tố không thể thiếu để tạo điểm nhấn cũng như chiều sâu cho tổng thể “bức tranh” mà bạn vẽ. Layering (phối nhiều lớp) là cách phối đồ hiệu quả trong mùa Thu – Đông dành cho những tín đồ yêu thích phong cách maximalist. Thay cho những chiếc áo khoác cơ bản, hãy thử sức với combo áo thun boxy và một áo slim tà dài bên trong, hoăc cũng có thể là xu hướng skirt over pants (váy ngoài quần) đang cực kỳ thịnh hành.

Kết luận

Thật khó để nhận xét Minimalism hay Maximalism là tốt hơn, khi mà những sự so sánh giữa hai phong cách thiết kế còn chưa ngã ngũ và mỗi phong cách thiết kế đều sở hữu thế mạnh riêng biệt. Trên thực tế, cả hai phong cách kể trên đều xác lập những xu hướng mới lạ trong thiết kế. Và cuộc “đấu tranh” đã và đang không ngừng đa dạng hóa mọi khía cạch thẩm mĩ của ngành công nghiệp sáng tạo này..

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here