Lối sống nổi loạn và “quái dị” đều là những chủ đề xuất hiện xoay quanh OPIUM. Vậy tại sao xu hướng này lại tạo nên những tranh cãi tiêu cực?
Theo Aesthetics Wiki, OPIUM hay còn được gọi với cái tên “Vamp” tại Việt Nam là một xu hướng thẩm mỹ mang âm hưởng từ Avant-garde, Metal, Gothic và Punk. Được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, OPIUM thường bị gắn vào những danh xưng mỉa mai trên các nền tảng mạng xã hội. Liệu những người theo đuổi xu hướng thẩm mỹ này có thật sự lập dị và OPIUM hình thành từ bao giờ? Hãy cùng Street Vibe tìm hiểu nhé!
OPIUM: Những kẻ nổi loạn của thời đại mới
Hơn cả trào lưu thời trang, OPIUM cũn giống Rock, Punk hay một số tiểu văn hóa, đều là một xu hướng thẩm mĩ bao gồm cả về âm nhạc, thời trang và lối sống. Không chỉ vậy, OPIUM còn được xem như hình tượng để giới trẻ ngày nay theo đuổi và định hướng bản thân. Nếu trước đây Gothic nổi lên, trở thành làn sóng khuynh đảo giới trẻ khắp nơi trên thế giới thì hiện đại có OPIUM xuất hiện và tiếp nối. Nhưng cũng không thể vì vậy mà xem OPIUM và Gothic là một vì một vài yếu tố khác nhau giữa hai văn hóa này.
Nguồn gốc và sự phát triển
Hiện nay vẫn còn khá nhiều tranh cãi về nguồn gốc của OPIUM. Một số cho rằng rapper SpaceGhostPurrp là người mở đầu cho phong trào rồi sau đó được lăng xê bởi Lil Tracy (aka Yung Bruh/Souljawitch) vào khoảng năm 2010. Số còn lại tin rằng OPIUM chỉ thực sự được định hình rõ ràng thông qua hãng thu của Playboi Carti – ngôi nhà chung của những rapper khác như Ken Carson, Destroy Lonely và Homixide Gang.
Những nghệ sĩ thuộc OPIUM thường xuất hiện trong những bộ trang phục tối màu, gai góc, mang nhiều ảnh hưởng Gothic… như một nét đặc trưng. Họ tạo nên sự ấn tượng cho outfit bằng những món phụ kiện nhạy cảm về tôn giáo như dây chuyền mặt thánh giá ngược hay sừng quỷ. Đồng thời, các thành viên của nhà OPIUM đặc biệt ưa chuộng những sản phẩm thời trang có màu đen chủ đạo từ các thương hiệu gồm Rick Owens, Raf Simons, 1017 ALYX 9SM,..
Kể từ sau “Whole Lotta Red” của rapper Playboi Carti phát hành vào 25/12/2020, khái niệm OPIUM ngày một được phổ biến đến công chúng. Album này của “King Vamp” mang đến một trải nghiệm âm nhạc trap bùng nổ, dẫn người nghe khám phá mọi góc cạnh về lối sống của một rockstar, để rồi từ đó cho hiểu hơn về thế nào là phong cách, lối sống và hình tượng của văn hóa OPIUM.
Ít lâu sau khi OPIUM dần hạ nhiệt, Homixide Gang lại bất ngờ tiếp nối phong trào một lần nữa bằng liên tiếp các sản phẩm âm nhạc có chủ đề thuốc phiện trong khoảng thời gian này. Tiếp đến, vụ rò rỉ thông tin về đĩa đơn “If Look Could Kill” của Destroy Lonely vào năm 2022 lại tiếp tục kéo dài chuỗi ngày giữ lửa OPIUM bùng cháy của các nghệ sĩ hãng thu Playboi Carti thêm một khoảng thời gian cho đến khi chốt hạ bằng màn ra mắt ấn tượng vào tháng 3 năm 2023. Đặc biệt lần này còn có sự hỗ trợ đắc lực từ các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng Tiktok khiến OPIUM ngày này càng lan rộng hơn.
Trên các phương tiện truyền thông quốc tế
Cũng theo Aesthetics Wiki, OPIUM thường gắn liền với những thứ quái dị như dơi, sói, máu, xương sọ cùng những biểu tượng báng bổ thần thánh. Đi cùng với đó là hình ảnhvề lối sống sa đọa đồi trụy tràn đầy chất kích thích và tình dục trong các MV. Âm nhạc thuộc xu hướng thẩm mỹ OPIUM cũng khá đặc trưng, dễ dàng nhận biết qua những âm thanh điện tử bị bóp méo vặn vẹo, ngắt nghỉ thất thường. Người thể hiện ca khúc sẽ cố làm giọng bản thân trở nên đáng sợ đến chói tai đồng thời tinh chỉnh autotune đặc sệt, đôi khi còn bao gồm cả những tiếng thét, tiếng khóc, và tiếng thầm thì.
Về thời trang, người theo đuổi xi hướng OPIUM ưa chuộng những loại trang phục được cường điệu về phom dáng nhưng lại hạn chế về họa tiết và màu sắc. Họ chủ yếu diện các trang phục màu đen đa dạng về tỉ lệ một cách bất quy tắc với chất liệu như denim, da, kim loại, lông xù và dạng lưới. Đặc biệt, họ luôn chú trọng vào phụ kiện, vì rất khó để toát ra được chất của OPIUM nếu không quan tâm đến phụ kiện, chúng phải thật sáng bóng và gai góc mỗi khi được thêm vào trang phục.
Hiện nay có khá nhiều thương hiệu thời trang đã bắt đầu chạy theo xu hướng này, hoặc đẩy mạnh hơn như Rick Owens, Balenciaga, Maison Margiela, Chrome Hearts, Givenchy, Vetements, Raf Simons, ALYX…
OPIUM ở Việt Nam chính là Vamp?
Trên thực tế tại Việt Nam, thuật ngữ “Vamp” lại quen thuộc với đại chúng hơn nhiều so với “OPIUM”, Street Vibe cũng đã từng có một bài viết về định nghĩ từ “Vamp” và phong cách thời trang của Playboi Carti tại đây. Dù không đúng cũng không sai nhưng cách gọi này lại có thể gây nhầm lẫn với xu hướng thẩm mỹ “Vampirecore” – một định nghĩa hoàn toàn tách biệt với “OPIUM”.
Các tín đồ thời trang tại Việt Nam đã bắt đầu hưởng ứng làn sóng xu hướng thẩm mỹ OPIUM không quá lâu sau khi nó bùng nổ toàn cầu. Trong đó, các Local Brand tiêu biểu như AAH Midnight Club, Lazythink, Thatfarm, Cozy Worldwide… thu hút rất nhiều sự quan tâm từ giới trẻ.
Dù OPIUM đại diện cho khá nhiều hình ảnh tiêu cực và nổi loạn nhưng ta cũng không thể đánh giá một người theo trường phái OPIUM là cổ xúy những tệ nạn trên được. OPIUM có thể hiểu đơn giản là một sự đại diện cho cái tôi, cho sự tự do thông qua vẻ ngoài nổi loạn của người theo trường phái OPIUM – chúng ta quyết định con người của chúng ta chứ không phải là vẻ ngoài. Thay vì vội chụp mũ và phê phán người khác ta chỉ nên nhìn nhận nó như một ngôn ngữ thời trang về sự đột phá bản thân ra khỏi giới hạn của xã hội.