NTK Takahiro Miyashita: Câu chuyện về một người đàn ông nổi loạn và “đơn độc”

0

Một người lạnh lùng, ít nói và đam mê âm nhạc là những gì miêu tả tính cách của NTK Takahiro Miyashita bởi những người bạn học cùng thời.

Nhật Bản là nơi sản sinh ra nhiều cây đại thụ của làng thời trang thế giới, đất nước này đã mang đến nhiều nhà thiết kế lẫn những thương hiệu thời trang gây tiếng vang mạnh mẽ sang tận trời Âu. Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến NTK Takahiro Miyashita và thương hiệu Number (N)ine cùng TAKAHIROMIYASHITATheSoloist mà ông thành lập.

Takahiro Miyashita: “Kẻ nổi loạn” của học đường và thời trang

Được biết đến với vai trò là người sáng lập thương hiệu đình đám Number (N)ine và tạo ra những BST mang tính đột phá dưới tên TAKAHIROMIYASHITATheSoloist, Takahiro Miyashita tiếp tục đưa trang phục tiên tiến lên hàng đầu trong ngành thời trang trong khi vẫn trung thành với các nguyên tắc của mình. Nhưng Miyashita thực sự là ai?

Sinh năm 1973 tại Tokyo, Miyashita là con út trong một gia đình có bốn người, cha là nhạc sĩ và mẹ là nội trợ. Lấy cảm hứng từ phong cách của anh trai, Miyashita sớm thấy mình yêu thích quần áo từ Mỹ và ông thường ghé thăm các cửa hàng đồ cũ (thrift shop) ở địa phương. Ông vẫn thường xem những bộ phim Mỹ như The Outsiders, Rumble FishBad Boys. Đây chính là những ảnh hưởng ban đầu sau đó đã nở rộ thành phong cách riêng biệt mà Miyashita đã vun đắp cho đến ngày nay.

Trong thời gian học trung học, Miyashita nhanh chóng nổi tiếng là một thiếu niên nổi loạn. Cậu liên tục trốn học, không thấy hứng thú gì từ việc học hành. Miyashita chơi với những người nổi loạn cùng chí hướng, uống rượu, hút cần sa và đánh nhau. Bên cạnh đó là niềm đam mê càng tiến gần hơn với thời trang – “Tôi luôn suy ngẫm về cách trở nên ngầu. Tôi cho rằng điều này sẽ không xảy ra nếu tôi không gặp bạn bè. Ngoài ra, cảm giác đặc biệt của tôi đối với quần áo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên con người tôi. Đó là cuộc sống coi trọng quần áo trước và sau… Nhìn lại, tôi đã đạt được rất nhiều thứ từ đường phố” – NTK đã chia sẻ trong Sự thật về Number (N)ine.

Miyashita cuối cùng đã bỏ học phổ thông và bắt đầu làm việc tại một cửa hàng tạp hóa. Sau đó, ông chuyển từ làm việc cho một nhà xuất bản sang cửa hàng quần áo Propeller và cuối cùng tìm được bến đỗ tại thương hiệu Nepenthes. Để xin được việc, Miyashita thường xuyên đến cửa hàng trong nhiều giờ liền và cuối cùng người sáng lập Nepenthes là Keizo Shizumu đã chú ý và mời ông làm việc.

Cậu ấy đến thăm rất thường xuyên. Người quản lý cửa hàng kể tôi nghe về một cậu bé kỳ lạ đến thăm với những bộ quần áo thú vị. Sau khi nhìn thấy cậu ấy một vài lần, chúng tôi bắt đầu trò chuyện với nhau.” – Keizo Shizumu chia sẻ. Chính tại nơi đây, Miyashita đã mài giũa các kỹ năng của mình trong ngành thời trang khi ông tạo ra thương hiệu đầu tiên của mình là Number (N)ine. Một sự thật thú vị được Miyashita tiết lộ rằng ‘(N)’ trong Number (N)ine thực sự là viết tắt của Nepenthes, nơi mà ông tiếp xúc với thời trang lần đầu!

Number (N)ine và sự ảnh hưởng từ văn hóa Mỹ

Nguồn gốc của cái tên Number (N)ine – theo các thông tin sưu tầm thì cái tên này có nguồn gốc từ “Revolution 9”, bài hát của nhóm nhạc mọi thời đại The Beatles – ra năm 1968. Một ca khúc được sáng tác bởi Paul McCartney và cặp đôi John lennon và Yoko Ono. Xuyên suốt bài hát “Revolution 9” là những âm thanh hỗn hợp và phức tạp – nhưng một điều rõ ràng nhất chính là sự lặp đi lặp lại của giọng hát “NUMBER NINE, NUMBER NINE, NUMBER NINE”.

Như Lennon đã giải thích – bài hát này như cái tên của nó, một cuộc cách mạng. Điều này đã truyền cảm hứng cho Takahiro Miyashita khi muốn thời trang mình làm ra sẽ là một cuộc cách mạng, và cái tên Number (N)ine ra đời. Một thương hiệu mang nặng về sự chú ý tỉ mỉ đến từng detail xuất hiện trên áo. Một sự kết hợp giữa họa tiết, chất liệu trên cùng một sản phẩm, các cảm hứng thiết kế được góp nhặt từ Hoa Kỳ nhưng vẫn giữ được những gì tinh túy của Nhật Bản.

Number (N)ine AW04 “Give Peace A Chance”

Thời của Miyashita là thời của các nhà thiết kế thời trang mới của Nhật Bản, giao thoa nhiều giữa nền văn hóa Nhật Bản và Mỹ. Việc làm việc chung với các tạp chí lớn đã tạo cơ hội cho Miyashita đặt chân tới Mỹ. Ở đây, ông đã bén duyên với văn hóa Americana. Các chuyến đi đã làm cho Takahiro Miyashita đặc biệt yêu thích thành phố Portland, Oregon. Thành phố chứa nhiều nền văn hóa Americana, di sản xa xưa, lối sống – những món đồ cũ kĩ đã tạo nên phong cách thời trang của Number (N)ine hiện nay.

Quần áo mang theo phong cách Americana, còn show của Number (N)ine lại mang nhiều tính âm nhạc của các thần tượng của ông bao gồm Nirvana, Johnny Cash và cả The Beatles. Đó là điều khác biệt của những vị tiền nhiệm như Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto – thế hệ sau như Takahiro Miyashita hay Jun Takahashi lại chịu ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa đương đại và hơi thở của những người trẻ. Punk/Rock/Pop/Country và phim ảnh, điều này không khó ngạc nhiên khi chúng ta coi các sản phẩm của UNDERCOVER hay Number (N)ine đều có những BST thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc từ phim ảnh, văn hóa và âm nhạc của thập niên 80-90.

Có thể nhìn qua sự ảnh hưởng của Portland, Oregon lên Number (N)ine thông qua BST Thu Đông 2008 mang tên “My Own Private Portland” – “Một Portland của riêng tôi”. Các sản phẩm trong BST mang những gì đặc trưng đến từ vùng Tây Bắc cổ điển như: áo sơ mi kẻ sọc, mũ lông, grunge cardigan và áo len nubby. Hẳn ai yêu thích Number (N)ine cũng nhận ra rằng Takahiro Miyashita khá yêu thích sử dụng và phối các chi tiết thổ cẩm và hoa văn Navajo.

“Chia tay” với thương hiệu Number (N)ine do đâu?

Dấu ấn của Số 9 với thời trang đã tạo một tiếng vang rất lớn khi mà cùng với các “đồng nghiệp” Undercover, Raf Simons.. đã nêu lên tiếng nói của Punk trong văn hóa thời trang đương đại. Nhưng khi một thương hiệu đạt được sự nổi tiếng và trở nên toàn cầu, nó lại phải đạt được tính thương mại và sẽ bị chi phối bởi nhiều thứ khác. Đó không phải là con người của ông, cách thức hoạt động của Number (N)ine đã trở nên khác rất nhiều khi ông lập ra và thời trang của ông không phải do ông sáng tạo ra mà phải “chiều lòng” thị trường.

Ngành công nghiệp thời trang đầy mặt tối và các NTK “nghệ sĩ” cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự thương mại hóa từ ngành công nghiệp này. Để phù hợp với một thị trường nhanh và cạnh tranh với fast fashion, quy trình ra BST càng ngày càng nhanh và một BST phải chịu sự “chấp thuận” của Hội đồng thẩm duyệt của mỗi công ty chủ quản. Nhiều khi, món đồ mang thương hiệu của NTK đó chỉ là mang tên của người đó mà không được chính các NTK chăm chút như thuở sơ khai. Và tất nhiên, Số 9 của Takahiro Miyashita cũng không là ngoại lệ.

Năm 2009, Takahiro Miyashita đã “chia tay” thương hiệu Number (N)ine sau khi trình làng BST cuối cùng mang tên “A Closed Feeling” (Thu Đông 2009). Một cái kết buồn mà đẹp cho gã nghệ sĩ Miyashita, ngay cả nền nhạc chính cũng từ album “Let It Be”, album thứ 12 và là cuối cùng của The Beatles. Dường như đây là thông điệp mà ông muốn truyền tải đến giới mộ điệu, những con người yêu thích cái chất tôi trong thiết kế của Miyashita.

THE SOLOIST: cái giá của một thương hiệu tự do là “đơn độc”?

Sau khi “cha đẻ” rời đi, thương hiệu Number (N)ine vẫn còn hoạt động đến hiện nay và còn ra mắt thêm dòng thương hiệu phụ mang tên N(N). Được đùng để tôn vinh những gì thành công và tinh túy nhất của Takahiro Miyashita khi còn ở Số 9 – nhưng “cha đẻ” đã rời đi, làm sao mà sự tinh túy và nguyên bản còn ở lại được?

Về phần Takahiro, ông tiếp tục trên con đường thời trang của mình bằng cách thành lập thương hiệu TAKAHIROMIYASHITATheSoloist. Bắt tay vào xây dựng The Soloist một cách đơn độc (đúng như cái tên) và không cần bất kì một trợ lý nào. Đó là sự tự do gắn kết với quần áo mình làm ra nhiều hơn và ông công nhận The Soloist là bản thể hoàn hảo hơn đứa con trước – Number (N)ine.

Một gã “nghệ sĩ” đơn độc trong giới thời trang – ông làm bất cứ thứ gì mà ông cảm thấy vui vẻ và hài lòng, không bị giới hạn bởi các chiến dịch marketing, các chi phí truyền thông lậm vào phần chi phí sản xuất. “Phần thú vị mà tôi thấy thích thú nhất chính là phần trong của quần áo” – Nôm na có nghĩa là cách xử lý chất liệu hay thiết kế bên trong những sản phẩm chúng ta đang mặc. Thông thường, người ta sẽ đánh giá một sản phẩm qua bề ngoài hào nhoáng của nó mà quên đi mất mặt trong cũng cần được quan tâm đúng mực. Vải lót, đường chỉ – cách sử dụng đường đè lên sao cho hợp lý cũng như tối đa hóa công dụng mà phần ngoài đã mang. Đó là sở trường của The Soloist.

The Soloist chào sân bằng những sản phẩm mang tính chi tiết cực kì đẹp và xử lý hoàn toàn thủ công bởi bàn tay của Takahiro (cắt may thủ công, xử lý thủ công cho nên giá khá là cao). Nó khiến cho những items tưởng là basic như là Hoodies, Tee hay Track Pants của The Soloist lại không hề basic. Vì nó chú trọng vào phần chi tiết đến nỗi một số người có tầm hiểu biết, cũng phải trầm trồ khi nắm trong tay sản phẩm của Takahiro The Soloist vì mỗi đường may, chi tiết viền, cổ, nút đều được chú trọng cẩn thận.

Bù lại, cái giá phải trả cho sự phóng khoáng, không ràng buộc đó là The Soloist khá lowkey và thị trường cũng không khá nhiều người biết – chỉ duy rằng những người yêu thích thời trang và thực sự bị mê hoặc bởi chi tiết sẽ tìm tới The Soloist. Đó là điều mà Takahiro mong muốn và mục đích của ông khi rời Number (N)ine.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here