Nhật Bản đã trở thành Kinh đô thời trang Châu Á như thế nào?

0

Với sự đổi mới – tiên phong trong nhiều lĩnh vực, Nhật Bản đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế và dần ghi tên mình trở thành một trong những “kinh đô” thời trang thế giới..

Thời trang Nhật Bản trở nên rất phổ biến nhờ di sản độc đáo pha trộn với nền văn hóa tuyệt vời. Sự phong phú về văn hóa của Nhật Bản đã hình thành nên những phong cách thời trang hiếm có, con người nơi đây có đa dạng về sự ăn mặc lẫn gu thẩm mỹ đỉnh cao. Ngoài ra, đất nước mặt trời mọc được xem như “cái nôi” của các NTK nổi tiếng khắp thế giới.

Quá trình phát triển bởi lịch sử và văn hóa

Ngày nay, Nhật Bản đã mở cửa cho một thế giới của những thiết kế, phong cách và thậm chí cả vật liệu mới. Một thế giới của những bức tranh vẽ, những bức in độc đáo và hàng dệt may sang trọng là một trong số mặt hàng truyền cảm hứng đến các nước khác. Tuy nhiên, trong lịch sử, thời trang Nhật Bản cũng chịu những ảnh hưởng từ văn hóa bên ngoài.

Thời kỳ cách ly (Sakoku) và đầu thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912)

Sự du nhập của quần áo và thời trang phương Tây trong Thời đại Minh Trị (1868 – 1912) đại diện cho một trong những chuyển biến đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Nhật. Kể từ Hiệp định tự do thương mại năm 1854 của Hoa Kỳ, được thương lượng bởi Phó Đề đốc của Hải quân Hoa Kỳ – Matthew Perry, người Nhật bắt đầu áp dụng một cách “nhiệt tình” và có hiệu quả phong cách, thẩm mỹ từ các nước phương Tây.

Từ năm 1870, những người làm việc cho chính phủ như cảnh sát, công nhân đường sắt và vận chuyển bưu chính được yêu cầu mang những bộ âu phục nam của phương Tây. Thậm chí trong hoàng gia, việc mang trang phục phương Tây đã được thông qua vào năm 1872 cho nam giới và năm 1886 cho nữ giới. Hoàng đế và Hoàng hậu với vai trò là hình mẫu của toàn dân, đã đi tiên phong và cũng áp dụng trang phục cũng như kiểu tóc phương Tây khi tham gia các sự kiện trang trọng.

Đến năm 1890, đàn ông bắt đầu “lăng xê” những bộ suit phương Tây dù nó vẫn chưa phải là tiêu chuẩn. Riêng trang phục phương Tây cho phụ nữ vẫn chỉ giới hạn cho tầng lớp quý tộc cấp cao và phu nhân của các nhà ngoại giao. Những bộ kimono tiếp tục thống trị trong giai đoạn đầu thời Minh Trị, đàn ông và phụ nữ kết hợp kimono với các phụ kiện phương Tây. Ví dụ, cho những sự kiện trang trọng, đàn ông mang những chiếc mũ Tây với haori (chiếc áo dạng ghi lê truyền thống) hoặc hakama (bộ quần áo bên ngoài mặc trên bộ kimono). Đây là sự minh chứng cho việc giao thoa của thời trang Nhật – Tây.

Ngược lại, những sản phẩm của Nhật Bản cũng tạo trên trào lưu tại các nước phương Tây. Cuối thế kỷ 19, Nhật Bản có ở mọi mặt trận như thời trang, thiết kế nội thất, nghệ thuật và trào lưu này được gọi là Japonism – Chủ nghĩa Nhật Bản, một thuật ngữ được đặt ra bởi nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Philippe Burty. Sự đánh giá cao của phương Tây đối với nghệ thuật và các đồ dùng từ Nhật Bản đã nhanh chóng tăng cao.

Tái định hình sau Thế chiến Thứ II (1912s – 1989s)

Giai đoạn này, những phụ nữ lao động như bán vé xe buýt, y tá, và đánh máy bắt đầu mang quần áo phương Tây trong đời sống hằng ngày. Bắt đầu vào Thời kỳ Chiêu Hòa (1926 – 1989), phần lớn quần áo của nam giới là đồ phương Tây, và vào thời điểm này, đồ công sở đã dần trở thành tiêu chuẩn may mặc cho nhân viên trong công ty. Trang phục phương Tây mất đến khoảng một thế kỷ để hoàn toàn xâm nhập vào văn hóa Nhật và để mọi người làm quen và vận dụng nó, mặc dù phụ nữ đã chậm trễ hơn trong sự thay đổi này.

Phong cách thời trang của phụ nữ Nhật vào những năm 1955

Nhật Bản bắt đầu mở đường theo hướng “Phục hưng” của đất nước. Phong trào bao gồm nghệ thuật, kiến trúc, thời trang và thậm chí cả công nghệ với mục đích bảo tồn và nuôi dưỡng cội nguồn lịch sử của đất nước. Đồng thời, thích ứng với các xu hướng đương đại và đạt được sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.

Nói một cách đơn giản, đất nước của những nghệ sĩ và thợ thủ công này phải khai thác những gì tốt nhất từ quá khứ trong khi vẫn luôn hướng tới tương lai. Trong quá trình “tái sinh” văn hóa, việc bảo tồn triết lý thẩm mỹ Wabi-Sabi (nghệ thuật của sự không hoàn hảo) của Nhật Bản đã trở thành điều quan trọng, một trong hai kỹ thuật may mặc từ triết lý này chính là Boro và Sashiko. Chính vì tư duy này mà Nhật Bản đã cố gắng tái lập mình như một cường quốc sáng tạo hiện đại xen lẫn các chất liệu nghệ thuật truyền thống. Phong trào thành công đến nỗi các nhà thiết kế thời trang Nhật Bản bắt đầu một cuộc tiếp quản thế giới thời trang theo một cách bài bản, có hệ thống.

Khi nền kinh tế trở nên vững mạnh (1960s – 2000s)

Sau nửa đầu những năm 1960, thanh thiếu niên Nhật đã mặc theo một phong cách mới mang tên “Ivy Style” tôn vinh thời trang của sinh viên các trường đại học trong Liên đoàn Ivy (Ivy League) tại Mỹ. Phong cách này được cho là xuất phát từ thời trang truyền thống của các lớp học ưu tú tại Mỹ và phổ biến trong giới học sinh, sinh viên cho đến đàn ông trung niên Nhật. Sự ảnh hưởng này bắt nguồn từ các phim ảnh, phương tiện truyền thông và âm nhạc từ các nước Châu Âu.

Nhờ nền kinh tế phát triển thịnh vượng vào những năm 1980, thời trang Nhật và các ngành công nghiệp may mặc được mở rộng nhanh chóng và mang lại rất nhiều lợi nhuận khi người tiêu dùng trở nên ưa chuộng thời trang. Một trào lưu thời trang mới mang tên “DC Burando” tập trung vào các thương hiệu quần áo với dấu hiệu riêng hay mang phong cách đặc trưng rõ ràng của một số nhà thiết kế thời trang nhất định. Những thương hiệu nổi tiếng, như Isao Kaneko, Bigi của Takeo Kikuchi, và Nicole của Hiromitsu Matsuda, trong số rất nhiều thương hiệu khác, đã có được lượng tín đồ riêng.

Một vài xu hướng thời trang nữ được truyền bá rộng trong suốt thập kỷ là Bodikon Style (phong cách Thân thức), tôn vinh những đường cong tự nhiên của cơ thế, và Shibukaji có nguồn gốc từ sinh viên các trường trung học và cao đẳng, những người thường xuyên đến cửa hàng mua sắm tại phố mua sắm Shibuya ở Tokyo.

Trong khi người Nhật tự sáng tạo ra những xu hướng độc đáo của riêng mình, họ cùng lúc cũng là những tín đồ trung thành của thời trang phương Tây. Họ háo hức được mặc lên mình những thiết kế mới nhất từ những cái tên như Chanel, Yves Saint Laurent, Christian Dior và Gucci. Ngay cả trong thế giới của doanh nghiệp truyền thống, nhiều công ty cũng gia nhập trào lưu “Casual Friday” bắt nguồn từ nước Mỹ, cho phép công nhân mặc quần áo thường ngày vào thứ 6 hàng tuần.

Những năm 2000, kimono hầu như biến mất trong đời sống hằng ngày tại Nhật Bản. Những bộ kimono chỉ được mặc bởi một số phụ nữ cao tuổi, hầu bàn trong các nhà hàng truyền thống của người Nhật, và những người dạy nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, như các điệu nhảy, trà đạo, hay cắm hoa.

Cái nôi” của các nhà thiết kế và ảnh hưởng của họ

Khi người Nhật bắt đầu tiêu thụ thời trang phương Tây cũng là lúc những nhà thiết kế người Nhật trở nên nổi bật tại phương Tây, đặc biệt là ở Paris. Họ đã tạo nên hiện tượng thời trang Nhật và tác động rất nhiều lên các nhà thiết kế phương Tây. Kenzo năm 1970, Issey Miyake năm 1973, Hanae Mori năm 1977, Rei Kawakubo của Comme des Garçons và Yohji Yamamoto năm 1981, lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ thế giới thời trang phương Tây và đạt được thành tựu cao.

Những chuyên gia thời trang đã công nhận những thành tựu của họ bởi bản sắc “Nhật” của họ luôn được phản ảnh trong những thiết kế của họ, và nhiều người chỉ đơn giản gọi chúng là “Thời trang Nhật” vì những trang phục này hoàn toàn không có chút hơi hướng phương Tây nào từ cấu trúc, chất liệu, kiểu dáng, in ấn và sự kết hợp các loại vải. Dân chúng Nhật Bản được nhắc nhở về bản sắc dân tộc của mình qua mỗi mùa thời trang khi tham quan các sản phẩm và hiện vật văn hóa.

Nguồn cảm hứng thiết kế của họ không nghi ngờ gì đến từ những biểu tượng của văn hóa Nhật Bản như kịch vũ nghệ thuật Kabuki, múi Phú Sĩ, Geisha, hoa anh đào. Nhưng sự độc đáo của họ nằm ở cách họ giải mã những nguyên tắc vốn có của các trang phục và tái cấu trúc một cách mới mẻ.

Những nhà thiết kế người Nhật chiếm vị trí mấu chốt trong quá trình định nghĩa lại thời trang và một vài trong đó thậm chí còn phá bỏ định nghĩa của phương Tây trong hệ thống thời trang. Sau thế hệ những nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên, những người Nhật khác lần lượt đổ xô đến Paris. Thế hệ thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư đã du nhập vào Paris. Có những liên kết chính thức và không chính thức giữa hầu hết những nhà thiết kế người Nhật tại Paris, một vài thông qua mạng lưới trường học và một số khác thông qua mạng lưới chuyên nghiệp.

Kết luận

Người Nhật giới thiệu điểm đặc trưng trong thời trang của họ là sự pha trộn giữa những xu hướng mới nhất từ Mỹ và Châu Âu. Chúng trở thành niềm đam mê mới của giới trẻ Nhật – những người không sợ phá vỡ những giá trị và quy tắc. Họ kết hợp những giá trị trên cùng sự tự hào về giá trị lịch sử vốn có, điều này đã thúc đẩy Nhật Bản trở thành một trong những kinh đô thời trang chứa đựng nhiều phong cách độc đáo, đa dạng và đầy tính nghệ thuật.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here