Leo núi & cắm trại: Liều thuốc an thần “made by thiên nhiên”

0

Giữa chốn đô thị chật chội ngột ngạt, những con người nhỏ bé ngày đêm miệt mài làm việc, lao động để chạy theo những thứ vật chất thừa thãi, chạy theo cái thứ “chủ nghĩa tiêu dùng” mà dần quên mất đi cách cảm nhận hạnh phúc thật sự là như nào. Khi những áp lực từ cuộc sống, khối lượng công việc đồ sộ liên tục dồn dập, con người ta cần một một khoảng trống hay sự kết nối với thiên nhiên để giải tỏa áp lực. Nhưng xung quanh không gian chỉ toàn bê tông, khói bụi thì lấy đâu ra khoảng trống hay thiên nhiên để ta kết nối?

Có người sẽ nói rằng họ kết nối với thiên nhiên hay giải toả áp lực bằng thứ “thực vật cuốn & hút” hay đắm chìm vào những bữa tiệc cồn để không phải lo lắng về thực tại, có thể nó cũng là một cách nhưng không phải là cách tốt nhất. Cái ta cần thực hiện là những chuyến đi, để hòa mình vào thiên nhiên như cách ta sà vào lòng mẹ mỗi khi thấy áp lực. Leo núi và cắm trại (Trekking & Camping) chính là phương tiện đưa ta gần gũi với thiên nhiên nhất, nó cũng là hành trình tự thử thách bản thân, giúp ta khám phá ra giới hạn của mình.

Phân biệt giữa Camping và Glamping

Về hình thức, hai mô hình này khá giống nhau bằng việc dựng lều và sinh hoạt, tự nấu ăn, giải trí… quanh trại. Cả hai đều được đặt tại các vị trí gần thiên nhiên cây cối, ven hồ hay sông suối. 

Sự khác biệt giữa Camping và Glamping đến từ tính chất. Để chuẩn bị cho một chuyến cắm trại, người ta cần phải mang theo balo chuyên dụng chứa các đồ vật cá nhân để sinh hoạt và lều trại theo. Mọi thứ diễn ra đều tự vận động, mang tính thử thách và độ khó cao hơn. Còn Glamping, tuy đều là cắm trại nhưng hình thức Glamping là sự kết hợp của “camping” (cắm trại) và “glamorous” (sang chảnh). Glamping mang tính du lịch giải trí cao cấp, hầu như mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn và thương mại hoá, không mang nhiều giá trị tự nhiên. 

Glamping

Tại sao phải phân biệt giữa hai loại hình thức này? Bởi khi đã tìm tới “chủ nghĩa thoát ly” con người đang mưu cầu sự yên tĩnh, thoát khỏi nơi có bóng dáng công nghiệp, họ cần tách biệt với thế giới để lắng nghe thiên nhiên cũng như lắng nghe bản thân. Glamping chỉ là sự tiện nghi từ các dịch vụ du lịch đem lại, trốn tránh xã hội bằng cách tìm tới những chiếc lều tại resort, hay những khu du lịch được rào kín bởi các nhà tư bản Ư? Chả có ý nghĩa gì.

Camping

Trekking & Camping thực sự là hành trình đi khám phá, đi tìm lại sự kết nối. Việc ta chìm đắm và công việc, mất đi sự kết nối, niềm vui cũng giống như cái cách Nguyễn Tuân cảm nhận thời cuộc vậy. Giữa một thời đại “tây tàu nhố nhăng”, ông chọn cách xê dịch, đi tìm kiếm cái đẹp, và cái đẹp mà ông tìm kiếm xuất phát từ thiên nhiên. Lựa chọn địa điểm cho chuyến cắm trại có thể là bất cứ đâu, từ ngọn đồi, bờ sông, bờ suốt hay sâu tít thăm thẳm trong khu rừng già Tây Bắc, nơi mà chẳng ai làm phiền được ta. Đi camping đồng nghĩa với việc mất kết nối internet nhưng đổi lại ta kết nối với cả cánh rừng, con suối, kết nối với những bông hoa bên dọc đường mà ta đi. Cô đơn về thể xác nhưng ta được bù đắp vào tâm hồn, rời xa thành phố tiện nghi để rồi lao vào cái chốn không người, tự làm mọi thứ cho bản thân, tự nấu nướng, dựng lều, pha cà phê… và “chill”.

Hãy sắp xếp thời gian để có một chuyến đi tìm kiếm sự kết nối. Đi đón nhận, mở lòng, hít thờ bầu không khí trong lành cùng tia nắng ấm áp.

Mở lòng và cảm thụ

Hành động không bao giờ là thừa, sau quãng đường vượt địa hình để tới điểm cắm trại là lúc bạn dành thời gian cho việc thư giãn. Tự chuẩn bị lều, bày dụng cụ ra và nấu nướng; chiều tối, bạn nướng cá bên bờ suối, xung quanh bạn là róc rách tiếng nước chảy thay vì những tiếng lạch cạch từ bàn phím trong những đêm dài chạy deadline.

Bạn sẽ đón hoàng hôn trên đỉnh đồi, rừng thông Đà Lạt, cái nắng của mặt trời dần dịu lại, không còn oi ức, bạn dần dễ chịu và hòa mình với cảnh vật hơn. Vào buổi tối, um ở một nơi hoang vắng vào ban đêm cũng chẳng đáng sợ lắm đâu, bạn ngồi bên đóm lửa trại trò chuyện với bạn bè, ngước lên trời bạn gột rửa tâm hồn bằng ánh trăng và những ngôi sao, thứ mà có thể bạn chẳng bao giờ thấy được tại thành phố do sự ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng. Kết thúc ngày dài của bạn là một giấc ngủ thật ngonnn vì bạn đã mệt lả khi leo được tới đây. Sẽ chẳng cần phải bận tâm ngày mai mình phải thức dậy thật sớm tới văn phòng, trường học, thứ báo thức bạn không phải là tiếng chuông đầy ám ảnh từ iphone, mà là tiếng chim hót hay cái nắng nhẹ bình minh chiếu vào mắt. Bạn thức dậy, tự pha cho mình một ly cà phê đắng ngắt đủ để bừng tỉnh cả người, khói thuốc hòa vào làn sương mù trên đỉnh núi khiến mọi thứ trở nên mờ ảo. 

Đi camping có thể bằng các phương tiện như xe máy, ô tô, xe đạp… nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu ta tự đi bằng chính đôi chân của mình bằng cách kết hợp bộ môn hiking, trekking. Đi bộ một cách chậm rãi, từ từ cảm nhận cảnh vật nó trái ngược với sự hối hả nơi đô thị, tự mình leo lên đỉnh ngọn đồi, băng qua cánh rừng sâu…Dù có đôi chút mệt mỏi, hao hụt thể lực ta vẫn cảm thấy được sự hạnh phúc với thành tựu vừa được mở khoá. Bạn có thể lựa chọn hình thức tour hoặc solo tùy vào nhu cầu và kinh nghiệm của mình. À, nhưng đừng nhầm lẫn giữa việc đi cắm trại với sinh tồn nhé. Bạn không cần quá khắt khe cho việc chọn đồ, hãy mang những đồ cần thiết để phục vụ cho chuyến đi tốt nhất. 

Vậy, cần chuẩn bị gì cho hành trang?

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình là điều cực kỳ cần thiết, ở một nơi cách biệt xã hội thì mọi thứ bạn chỉ có thể tự dựa vào là bản thân hoặc số ít bạn đồng hành. Dưới đây sẽ là một số dụng cụ cần thiết mà bạn nên trang bị cho bản thân.

  1. Lều: Lều là thứ bắt buộc bạn phải có, là nơi trú thân, nghỉ ngơi khi bạn tới điểm cắm trại. Tuỳ vào địa hình, thời tiết mà khu vực của bạn hãy chọn cho mình loại lều phù hợp. Hãy ưu tiên các loại lều leo núi chuyên dụng thay vì lều tự bung, lều phải có các tính năng chống nước, chống tia UV, chống côn trùng… và gọn nhẹ.
  2. Balo: Balo/Backpack dùng để chứa đồ vật, tùy vào số lượng đồ vật chúng ta mang theo và thời gian của chuyến đi mà chúng ta sẽ lựa chọn các loại balo có dung tích khác nhau để phù hợp với bản thân mình. Hãy sử dụng các loại balo có tính năng chống nước, chống rách, kết hợp khung trợ lực, khung trợ lực phân tán sức nặng từ vai xuống hông giúp bạn mang vác đồ dễ hơn.
  3. Túi ngủ: Nhiệt độ vào ban đêm trên các địa hình cao có thể giảm xuống mạnh dù trời ban ngày có nắng như nào đi nữa, hãy mang theo túi ngủ để giữ nhiệt cho cơ thể, bảo đảm sự an toàn.
  4. Đèn: Trang bị đèn để chiếu sáng cho ban đêm, soi đường, mắc lều. Chọn lựa những chiếc đèn có vóc dáng nhỏ gọn nhưng thời gian chiếu sáng được lâu nhé.
  5. Giày: Um, đi cảm nhận thiên nhiên nên bạn cũng chẳng cần mang một đôi giày đẹp đâu. Hãy tìm hiểu về các loại giày chuyên dụng leo núi để hành trình của bạn được “nâng niu” hơn. (không nên dùng các loại giày quân đội, combat boot nếu bạn chọn cách đi bộ, vì nó có trọng lượng khá nặng và thô kệch).

  6. Quần áo: Cũng giống như lều, quần áo cần phải có tính năng chống nước đối với áo khoác, thấm hút mồ hôi tốt đối với áo thun và chất liệu vải nhanh khô đối với quần trong trường hợp bạn phải lội qua sông, suối.
  7. Thực phẩm, nước: Bạn có thể mang đồ đóng hợp, đồ ăn sẵn, hoặc tự trang bị bộ dụng cụ nấu ăn. Quan trọng đảm bảo đủ năng lượng cho bản thân. Nước thì bạn có thể sử dụng tại các dòng suối trong (nếu sạch) hoặc sử dụng ống lọc nước trong trường hợp quá cấp thiết.
  8. Dao: Mang dao để chặt củi, nhóm lửa cũng như tự bảo vệ bản thân.
  9. Thuốc: Hãy mang các loại thuốc chống đau đầu, đau bụng, và các dụng cụ y tế để sơ cứu.
  10. Máy ảnh: Sử dụng máy ảnh compact là lựa chọn hợp lý bởi sự gọn nhẹ, sắc nét, thời lượng pin tốt. Thay vì chụp ảnh bằng điện thoại. 

    Đó là một vài gợi ý mà tác giả bài viết đưa ra. Tất nhiên nếu có ý định cho chuyến đi sắp tới, bạn nên tìm hiểu để trang bị kiến thức cũng như kỹ năng cho bản thân để chuyến đi được tốt nhất. Một điều nữa, đi camping để kết nối với thiên nhiên thì xin hãy yêu thương thiên nhiên, môi trường, khi cắm trại xong đừng quên dọn rác và dập lửa nhé. 

    Bài viết: Nam Đình Đoàn

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here